Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

26/11/2020 - 02:35 PM

Thái Nguyên là tỉnh miền núi trung du nằm trong vùng Đông Bắc bộ, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 80 km. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, ngành Y tế Thái Nguyên đã tập trung củng cố và phát triển mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở.

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Cán bộ, CNVCLĐ ngành Y tế chụp lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa

Nhờ vậy, hệ thống y tế tỉnh được đánh giá tương đối phát triển trong khu vực với mô hình 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã và một số đơn vị y tế quân đội, y tế ngành, y tế ngoài công lập. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt tại các xã vùng ATK, xã đặc biệt khó khăn nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 1
Hàng năm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A đạt trên 99%

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, đồng chí Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành và tổ chức thực hiện “Đề án phát triển y tế chuyên sâu” từ năm 2013 đến nay. Bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định: Hệ thống khám, chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, gồm: 01 bệnh viện tuyến Trung ương, 02 bệnh viện tuyến tỉnh đạt hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 13 bệnh viện hạng III, 178 trạm y tế tuyến xã; ngoài phục vụ nhân dân trong tỉnh còn phục vụ dân dân các tỉnh lân cận tới khám và điều trị.

Bên cạnh đó, 03 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội); góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Theo đó, các lĩnh vực Sản khoa, Nhi khoa, Tim mạch, Hồi sức cấp cứu, Chấn thương, Ung bướu… có bước phát triển mạnh. Số lượt người dân khám chữa bệnh đạt trung bình trên 2 lượt/người/năm; 100% bệnh viện ngoài công lập có khám chữa bệnh BHYT; số giường bệnh trên 10 nghìn dân đạt 50,7 giường, trong đó giường bệnh công lập đạt 47,1 giường, ngoài công lập đạt 3,6 giường, vượt kế hoạch đề ra. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao.

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 2
Nhân viên Bệnh viện A nhiệt tình hướng dẫn, đón tiếp bệnh nhân

Mặt khác, công tác đón tiếp người bệnh; tinh thần thái độ phục vụ, công tác điều dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp” được chú trọng. Ngoài ra, mặc dù chưa triển khai được Đề án tiếp sức người bệnh, song hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa giúp đỡ bệnh nhân như: Thành lập và duy trì bếp ăn tình thương hoặc hỗ trợ tiền viện phí cho bệnh nhân nghèo… Điển hình là Bệnh viện A đã phối hợp với các nhà tài trợ huy động quỹ hỗ trợ bệnh nhân được 300 triệu đồng duy trì bếp ăn bữa cháo tình thương vào các chủ nhật và bữa cơm 5 nghìn đồng vào các trưa thứ bảy, hỗ trợ viện phí cho các bệnh nhân nghèo. Bệnh viện Gang Thép phối hợp với nhà tài trợ phát cơm chay miễn phí vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng, hỗ trợ tiền cho bệnh nhân khó khăn. Đoàn thanh niên Bệnh viện Y học cổ truyền hỗ trợ đón tiếp bệnh nhân không để họ chờ đợi lâu, ủng hộ xây nhà cho gia đình hộ nghèo tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, khám, cấp thuốc miễn phí. Qua kết quả đánh giá, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công tại 8 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 đơn vị y tế tuyến huyện hàng năm đều đạt trên 80%.

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 3
Bệnh viện A Thái Nguyên đầu tư nhiều trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh
ngày càng cao của nhân dân

Cùng với đó, Hệ thống y tế xã, phường, thị trấn duy trì tốt công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, 100% xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT; 100% trạm y tế tuyến xã ứng dụng phần mềm quản lý y tế xã kết nối toàn ngành trong khám chữa bệnh, thanh toán BHYT, thực hiện phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Công tác xây dựng xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020 được đẩy mạnh, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 171/178 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, chiếm 96,1%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn tỉnh năm 2016 đạt 95,7%; năm 2019 đạt 98,2%, hết năm 2020 ước đạt 98,5%.
 

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ

Song song với công tác khám chữa bệnh, Hệ thống Y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Công tác phòng chống dịch được thực hiện chủ động và thường xuyên, do đó, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch SARS, Tiêu chảy cấp nguy hiểm, Cúm A H1N1, H5N1, H7N9, Ebola, MERS-COV… được chủ động phòng ngừa, không để lan rộng.
 

Thái Nguyên: Với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 4
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và kíp mổ của Trung tâm Y tế Võ Nhai thực hiện ca mổ nội soi ruột thừa cấp
đầu tiên ở Võ Nhai vào ngày 7/11/2018

Công tác Tiêm chủng mở rộng được đảm bảo an toàn; Tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt từ 95% - 97%. Kết quả thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại các huyện, thành phố, thị xã đạt trên 95%. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được triển khai có hiệu quả; Hoạt động đảm bảo ATVSTP được duy trì tốt, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn trên 30 người mắc. Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được đẩy mạnh, đến hết năm 2019 đã điều trị cho 2.378 người; điều trị thuốc kháng vi rút cho 3.776 người lớn, 116 trẻ em nhiễm HIV/AIDS./.

                                                                                               Trọng Nghĩa


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top