Thanh toán thương mại quốc tế - Bài học từ những rủi ro

10/05/2022 - 03:32 PM

Tăng trưởng vượt bậc của thương mại quốc tế trong nhiều năm trở lại đây đã kéo theo sự đa dạng hóa các hình thức thanh toán quốc tế phù hợp với các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các quốc gia có giao thương trên thế giới. Tuy nhiên, trong các giao dịch vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định có thể gây thiệt hại đến tài chính và uy tín của cả bên bán và bên mua. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên tục trang bị kiến thức, chuẩn bị sẵn phương án đối phó và tỉnh táo, đề cao cảnh giác trong các thương vụ quốc tế.


Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang bước qua cánh cửa lớn, đa chiều để định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, đầy đủ và hiệu quả hơn, đồng thời phát triển thương mại xuất nhập khẩu lên tầm cao mới với trị giá ngày càng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,54 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD. 3 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có sự phục hồi mạnh mẽ từ sau những ảnh hưởng của đại dịch với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%. Trị giá của các giao dịch thương mại quốc tế ngày càng tăng cao kéo theo nhu cầu đa dạng hóa và tiện lợi hóa các hình thức thanh toán cho các giao dịch xuất - nhập khẩu.

 
Thanh toán thương mại quốc tế Bài học từ những rủi ro
Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Hiện nay, có nhiều hình thức thanh toán trong thương mại quốc tế như: Phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T), phương thức tín dụng chứng từ, phương thức ghi sổ, phương thức nhờ thu hộ, bảo lãnh và tín dụng dự phòng… với các điều kiện cam kết về: Tiền tệ, địa điểm, phương thức thanh toán quốc tế, thời gian… Hai hình thức thanh toán phổ biến thời gian qua được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng là phương thức thanh toán tín dụng thư và phương thức thanh toán thu hộ kèm chứng từ. Trước đây, đa số các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán bằng tín dụng thư (Letter of Credit – L/C). Với phương thức này, thanh toán được thực hiện thông qua ngân hàng của cả người mua và người bán. Sau khi xác nhận các điều khoản và điều kiện thương mại, người mua yêu cầu ngân hàng của mình thanh toán số tiền đã thỏa thuận của cả 2 bên cho ngân hàng của người bán. Sau đó, ngân hàng của người mua sẽ gửi L/C làm bằng chứng về số tiền đủ và hợp pháp cho ngân hàng của người bán. Và thanh toán chỉ được chuyển sau khi cả 2 bên đáp ứng tất cả các điều kiện đã nêu và lô hàng được vận chuyển. Đây được cho là một trong những phương thức thanh toán quốc tế an toàn nhất cho nhà xuất nhập khẩu, vì có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính đã thành lập như ngân hàng làm trung gian và có mức độ cam kết nhất định của 2 bên. Phương thức L/C cũng cân bằng được lợi ích của cả đôi bên và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của bên mua và bên bán.

Gần đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán thu hộ kèm chứng từ (Documents against Payment – D/P). Phương thức này cũng khá phổ biến trong thương mại quốc tế và được doanh nghiệp ở nhiều quốc gia sử dụng do tính linh hoạt và chi phí thấp hơn nhiều so với phương thức L/C. Theo đó, người bán nộp các chứng từ mà người mua cần, chẳng hạn như vận đơn cần thiết cho việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho ngân hàng của họ. Sau đó, ngân hàng của người bán sẽ gửi các chứng từ này đến ngân hàng của người mua cùng với hướng dẫn thanh toán. Các tài liệu chỉ được phát hành để đổi lấy khoản thanh toán, khoản tiền này sẽ được chuyển ngay lập tức hoặc vào một ngày cụ thể trong tương lai. Về cơ bản chính là dùng bộ chứng từ để đổi lấy hàng hóa và người bán đang giao trách nhiệm thu tiền thanh toán cho ngân hàng của mình.

Tuy nhiên, bất kỳ phương thức thanh toán hàng hóa thương mại quốc tế nào cũng luôn tiềm ẩn mức độ rủi ro nhất định. Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ năm 2013-2016, đã có khoảng 22 nghìn vụ lừa đảo, gây thiệt hại trên 3 tỷ USD. Các vụ lừa đảo thương mại này diễn ra ở 79 quốc gia và tội phạm tham gia chủ yếu đến từ các tổ chức tại Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông, Mỹ, Hà Lan, Italia... Từ con số vừa nêu có thể thấy, thương mại quốc tế đã và đang đối diện với nguy cơ bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế và thanh toán điện tử, khi cơ sở pháp lý bị giới hạn bởi rào cản biên giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này có thể gây ra khá nhiều rủi ro cho doanh nghiệp ở cả bên bán và bên mua.

Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã từng mắc phải. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Nhất là đối với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam do chưa nắm vững các kiến thức và hiểu biết pháp lý về thanh toán thương mại quốc tế. Các rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế cũng khá đa dạng với các điển hình như: Rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro tỷ giá hối đoái…

Theo Bộ công Thương, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn với đa dạng thức như: Giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì “hack” email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Các doanh nghiệp này còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường… Ngoài ra, do mong muốn bán được hàng nên doanh nghiệp thường dành cho đối tác một số lợi thế trong các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản về thanh toán. Thêm vào đó, rủi ro lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải là điều khoản hợp đồng không chặt chẽ, doanh nghiệp khá chủ quan, doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ đối tác khi đặt quan hệ làm ăn và tìm đối tác qua Internet nhưng chưa có khâu kiểm tra, xác thực nguồn thông tin về đối tác nước ngoài.

Khi xảy ra rủi ro trong thanh toán, phần lớn thiệt hại thường ở phía người bán hay chính là các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ) đã phát đi cảnh báo về việc một số doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác tại thị trường này, chủ yếu do bị lừa hoặc đối tác phá sản, không có khả năng thanh toán. Đầu tháng 3/2022, đã xảy ra vụ việc lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành Điều và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm giao dịch quốc tế có nhiều doanh nghiệp cùng bị cú lừa lớn như vậy. Theo đó, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng Ý thông qua 1 công ty môi giới để xuất khẩu hạt điều sang Ý với phương thức thanh toán D/P – thanh toán nhờ thu kèm chứng từ gốc. Tuy nhiên, bộ chứng từ gốc của các doanh nghiệp Việt Nam gửi đi đã bị thất lạc và doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng số hàng mà chưa nhận được thanh toán. Với khối lượng 100 container hàng, tổng giá trị thiệt hại đã có thể lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng nếu như doanh nghiệp không sớm phát hiện ra các dấu hiệu của một vụ lừa đảo và kịp thời ngăn chặn.

Từ những rủi ro trong thanh toán các thương vụ quốc tế, các doanh nghiệp cần rút ra bài học để tránh vướng phải những tình huống tương tự, giảm thiểu những rủi ro trong thương mại quốc tế nói chung và thanh toán quốc tế nói riêng. Quan trọng nhất là tránh gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch. Một số giải pháp đặt ra cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nhằm tránh những rủi ro trong thương mại và thanh toán quốc tế được khuyến cao gồm có:

Đối với việc tìm kiếm đối tác: Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, nhất là những đối tác giao dịch lần đầu, yêu cầu cấp các giấy tờ liên quan như: Giấy phép kinh doanh, ID của chủ doanh nghiệp. Luôn nâng cao cảnh giác với những doanh nghiệp mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau, đặc biệt lưu ý kiểm tra độ tin cậy khi có đơn hàng trả giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung. Trao đổi trực tiếp với đối tác hoặc thông qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, đại sứ quán để sàng lọc đối tác có uy tín. Cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài thông qua các nguồn tin công khai, từ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan ngoại giao, Thương vụ tại nước nhập khẩu nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là với các đối tác không tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm trên internet. Việc liên hệ với đối tác cần được tiến hành qua các kênh chính thức của doanh nghiệp như email, fax chính thức.

Với khâu lựa chọn phương thức thanh toán: Doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp và mua bảo hiểm tỷ giá để phòng trường hợp tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo. Lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng và nghiên cứu bổ sung các điều khoản thanh toán chặt chẽ. Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên) và có các điều kiện phù hợp đi kèm. Doanh nghiệp cũng cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Với doanh nghiệp Việt:
Bên cạnh việc đề cao cảnh giác và thực hiện cẩn trọng từng khâu trong giao dịch với các đối tác, bản thân doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình. Việc gặp rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế là điều không mong muốn nhưng hàng năm vẫn có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vướng phải, vì vậy, việc tự thân doanh nghiệp trang bị cho mình kiến thức, nâng cao cảnh giác, linh hoạt xử lý tình huống, rút kinh nghiệm từ những thương vụ gặp rủi ro ít nhiều sẽ giúp doanh nghiệp tự tin phát triển sản phẩm, tránh được những thiệt hại không mong muốn, góp phần tăng trưởng thương mại Việt Nam./.

 
ThS. Phạm Thị Thanh Lê
Khoa Kinh tế Tài chính - Đại học Nông Lâm Bắc Giang

 

 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top