Thế giới nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu và năng lượng

25/08/2022 - 09:21 AM
An ninh khí hậu và an ninh năng lượng song hành với nhiều thách thức

Các vấn đề về an ninh năng lượng và khí hậu được cho là có mối quan hệ mật thiết với nhau, bởi việc khai thác, sản xuất cho đầu vào và phát thải trong quá trình sử dụng năng lượng có tác động khá lớn đến môi trường và là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Theo nhận định của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn về Năng lượng và Khí hậu diễn ra ngày 17/6 vừa qua, “an ninh khí hậu và an ninh năng lượng đi đôi với nhau”, do đó, việc các quốc gia hợp tác với nhau có thể giúp thế giới giải quyết các vấn đề về năng lượng trong tương lai, hợp tác cũng có thể giúp giải quyết vấn đề về khí hậu.

Thực trạng hiện nay, trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là xuất khẩu dầu khí), còn lại là nhập khẩu và tự túc trong việc đảm bảo năng lượng, trong đó có khoảng hơn 80% các nước có thu nhập thấp đều phải nhập khẩu năng lượng. Đáng chú ý là, gần 3/4 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có thời gian mất điện trung bình là hơn 24 giờ/tháng; khoảng 1/6 các quốc gia có thu nhập thấp thời gian mất điện trung bình là 144 giờ tương ứng khoảng 6 ngày/tháng…

Nhiều quốc gia và khu vực đã, đang và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với cơn khủng hoảng năng lượng, điển hình là tại châu Âu. Euronews cho biết, từ mùa đông năm 2020, các quốc gia châu Âu đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng năng lượng khi thời tiết lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt làm giảm nghiêm trọng trữ lượng khí đốt xuống mức đáng lo ngại. Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục gia tăng trong mùa hè khi những trận nóng lịch sử xuất hiện trong vài năm trở lại đây khiến người dân sử dụng điều hòa và các hệ thống làm mát nhiều hơn. Chưa kể việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá lạc quan, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trở lại, thúc đẩy làn sóng tiêu thụ năng lượng mới trong khi nguồn cung chưa có sự gia tăng, thậm chí còn có thể suy giảm do châu Âu đang đóng cửa dần những nhà máy điện hạt nhân lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả.

Khu vực châu Á cũng đang trong tình huống tương tự, khi các nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đang phải chi trả mức giá khá cao nhằm đảm bảo nguồn cung. Thậm chí, một số quốc gia đã tăng cường mua những nhiên liệu có hại cho môi trường hơn như than, dầu sưởi để đề phòng trường hợp thiếu năng lượng dẫn đến đe dọa những nỗ lực đạt mục tiêu về môi trường của các nước.

 
Thế giới nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu và năng lượng
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tại Brazil, dòng chảy trên lưu vực sông Paraná xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ, khiến sản lượng thủy điện giảm, buộc các công ty điện lực phải phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt. Cơn khát năng lượng từ châu Á, châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ đã khiến cả thế giới hướng đến các nguồn cung xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng như Quatar, Mỹ… Tuy nhiên, tại Mỹ, dù giá khí đốt năm 2021 thấp hơn đang kể so với châu Âu và châu Á nhưng lại ở ngưỡng cao gần mức cao nhất kể từ năm 2014. Lượng khí đốt dự trữ của Mỹ cũng thấp hơn mức trung bình theo mùa khiến cho Tổ chức Người tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp Mỹ phải yêu cầu Bộ Năng lượng giảm xuất khẩu khí đốt cho tới khi lượng dự trữ trở lại mức bình thường.

Trong bối cảnh đó, chiến tranh quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra vào cuối năm 2021 đã thực sự làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt năng lượng ở nhiều nước. Mỹ và các nước đã thực hiện lệnh trừng phạt bằng cách cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Đáp trả lại lệnh trừng phạt, Nga cũng trả đũa bằng cách hạn chế, thậm chí ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên sang nhiều nước châu Âu, trong khi Nga không chỉ là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới mà còn là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên và là nhà cung cấp than lớn nhất thế giới. Do đó, thế giới đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng cao đột biến từ xăng dầu, khí đốt tự nhiên tới than đá. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan tỏa theo diện rộng trên toàn cầu và dự báo sẽ mang tính dài hạn, ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức và chủ đề về an ninh năng lượng đã trở thành một trong các ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Các vấn đề xảy ra với năng lượng thế giới sẽ kéo theo những vấn đề của môi trường nhất là khi nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng có thể phải thay thế tại nhiều quốc gia, điển hình là việc quay trở lại sử dụng than thay cho khí đốt tự nhiên khiến gia tăng phát thải carbon. Trung Quốc - quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới - hiện tại nước này đang phụ thuộc rất lớn vào than đá, đặc biệt là trong sản xuất điện. Trong khi đó, quá trình tạo điện và nhiệt từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tạo ra lượng khí thải rất lớn trên toàn cầu, chủ yếu là khí cacbon dioxit và nitơ oxit. Những loại khí này đang bao trùm trái đất và giữ lại nhiệt của mặt trời khiến trái đất nóng dần lên, gây ra các hiện tượng biến đổi khí hậu. Hoạt động giao thông vận tải trên toàn thế giới chiếm gần một phần tư lượng khí thải toàn cầu. Các ngành sản xuất và công nghiệp tạo ra khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng nhằm sản xuất xi măng, sắt, thép, nhựa, quần áo và các mặt hàng khác.

Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy, biến đổi khí hậu khiến cho nồng độ khí nhà kính tăng, nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và quá trình axit hóa lập kỷ lục. Thời tiết khắc nghiệt khiến gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng trong cả mùa nóng và mùa lạnh, gia tăng các hoạt động sản xuất, khiến phát thải tăng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng khí hậu với những biểu hiện bất thường về hiện tượng thời tiết, khí hậu còn là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến an ninh lương thực thế giới.

 
Thế giới cam kết mạnh mẽ mục tiêu net zero
Ngày nay, do mối quan hệ giữa các quốc gia ngày càng gắn kết nên sự xáo trộn trong một nguồn cung có thể có tác động lớn hơn đến thị trường toàn cầu. Vì vậy, để giải bài toán khủng hoảng năng lượng và khí hậu, thế giới cần đoàn kết, chung tay, song song thực hiện các giải pháp cho cả hai vấn đề.

Tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu, lãnh đạo 20 nước tham gia hội nghị trực tuyến với cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero). Đại diện các nền kinh tế lớn trên thế giới đều cam kết thực hiện các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và đưa tiến trình phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực về giao thông vận tải, nông nghiệp không phát thải… trong đó, ưu tiên đóng góp thực hiện mục tiêu đặt ra trong COP26 và hướng tới những cam kết mạnh mẽ hơn tại COP27. Hội nghị này nằm trong số những nỗ lực của Mỹ sử dụng tất cả các công cụ ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết khẩn cấp vấn đề giá năng lượng tăng mạnh trên thế giới, hướng tới an ninh lương thực và an ninh năng lượng lâu dài. Qua đó, xác định các kế hoạch để tăng cường chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác hành động vì an ninh khí hậu và năng lượng.

Theo Liên Hợp quốc (UN), sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), đã có hơn 50 quốc gia cam kết mạnh mẽ giảm phát thải khí nhà kính nhằm duy trì sự ổn định về năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó hướng tới giảm phát thải ròng về 0 tới năm 2050. Hoa Kỳ cam kết đến năm 2030 sẽ không có phát thải từ xe cá nhân, Australia tham vọng giảm 43% phát thải, phát thải ròng bằng 0 và năm 2050. Ai Cập, Canada, Hàn Quốc sẵn sàng chuyển đổi kinh tế xanh. Là quốc gia có lượng phát thải chiếm khoảng ¼ tổng lượng khí thải, khí nhà kinh của thế giới, Trung Quốc cũng đang có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách mới nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu đã đề ra. Điển hình là việc cấm các dự án mới về các ngành sản xuất có lượng phát thải cao như sản xuất thép, than cốc, xi măng, thủy tinh và lọc dầu tại các khu trọng điểm, đồng thời tăng tốc việc chuyển đổi sang sử dụng các nhiên liệu thay thế… hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tham gia diễn đàn trực tuyến, Việt Nam cam kết sẽ tăng tỷ lệ điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho các ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, tăng tỷ lệ hấp thu carbon của rừng, tích cực thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Trong bối cảnh hiện nay, năng lượng sạch đang được coi là giải pháp cuối cùng để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và giảm sự phụ thuộc năng lượng vào các quốc gia. Đồng thời, việc các quốc gia đảm bảo thực hiện đúng các cam kết về mức cắt giảm khí thải tại COP26 cũng đem lại hiệu quả to lớn giúp thế giới tránh được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức quốc tế quan trọng được thành lập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng trên toàn thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị mà các quốc gia có thể thực hiện để bảo tồn nguồn nhiên liệu như: Giảm tốc độ giới hạn, làm việc ở nhà tối đa 3 ngày/tuần, kêu gọi du khách đi tàu hỏa thay vì máy bay, giảm giá vé các phương tiện công cộng… IEA nhận định, nếu các nền kinh tế tiên tiến thực hiện tất cả các khuyến nghị này, họ có thể cắt giảm nhu cầu dầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày.

Cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu không chỉ tác động đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu mà còn đem lại nhiều vấn đề cho các quốc gia, đặc biệt là tác động đến an ninh lương thực, làm gia tăng sự đói nghèo trên thế giới. Một số ý kiến cho rằng, có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu hiện nay với các yếu tố như thỏa thuận hạt nhân Iran, suy thoái kinh tế sâu hơn ở Trung Quốc hoặc Saudi Arabi và các nhà sản xuất dầu OPEC gia tăng sản lượng khai thác... Các chuyên gia từ các nền kinh tế cũng đưa ra nhiều đánh giá, nhận định để đưa thế giới thoát khỏi các cơn khủng hoảng năng lượng và khí hậu, tránh bài toán suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó, các ý kiến hầu như tập trung vào vấn đề cắt giảm phát thải, chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, kỳ vọng về bước đột phá trong quan hệ ngoại giao khiến cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chấm dứt, Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nga - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới cũng được coi là một yếu tố có thể thay đổi tình hình./.

 
Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top