Thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định

17/03/2020 - 04:38 PM
Năm 2019 kết thúc, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến cuối năm 2019, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ,18 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
 
Về quy mô, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 454,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,03% so năm 2018; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,36%; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 286,0 nghìn tỷ đồng, tăng 18,58%; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,34%; Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,54%; Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 44,0 nghìn tỷ đồng (trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 22,8 nghìn tỷ đồng).
 
Hình 1: Kết quả hoạt động ngành bảo hiểm năm 2019 (nghìn tỷ đồng)
Thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định
Nguồn: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm qua là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết là hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm từng bước hoàn thiện, với việc nhiều văn bản được xây dựng và ban hành. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019 với nhiều điểm mới so với trước. Cùng với đó là một loạt các Nghị định, Thông tư được ban hành như: Nghị định số 80/2019/NÐ-CP ngày 01/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Quyết định số 22/2019/QÐ-TTg ngày 26/6/2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Thông tư số 01/2019/TT-BTC; Thông tư số 65/2019/TT-BTC…
 
Sự ra đời của một loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, qua đó góp phần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong năm vừa qua, công tác giám sát, phân tích, đánh giá hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, hoạt động tài chính, đầu tư, công tác quản trị của các DNBH đã được thực hiện thường xuyên. Qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2019 đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi sai phạm, góp phần làm cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn. Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DNBH phát triển nhiều sản phẩm mới, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho thị trường bảo hiểm trong năm qua.
 
Một yếu tố khác giúp thị trường bảo hiểm phát triển trong năm 2019 là sự lớn mạnh không ngừng của các DNBH, thể hiện ở năng lực tài chính, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp được nâng lên đáng kể, giúp cho hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2019 đã có 9 DNBH thực hiện tăng vốn điều lệ, trong đó có 5 DNBH nhân thọ và 4 DNBH phi nhân thọ, với tổng số tiền là 7,3 nghìn tỷ đồng (gồm 5,8 nghìn tỷ đồng thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và 1,5 nghìn tỷ đồng thuộc lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ). Hầu hết các DNBH trên thị trường đều có biên khả năng thanh toán cao hơn so với biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của pháp luật; đảm bảo khả năng chi trả bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, các DNBH đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm bảo hiểm và đẩy mạnh các kênh phân phối, nhất là kênh phân phối qua ngân hàng và giao dịch điện tử. Đồng thời, chú trọng công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, được thiết kế linh hoạt phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tổng sản phẩm bảo hiểm trên thị trường hiện có khoảng gần 1.000 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Mạng lưới tư vấn và kinh doanh bảo hiểm không ngừng được mở rộng, ước tính các DNBH đã có gần 1.000 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên phạm vi cả nước.
 
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số bùng nổ, các DNBH đã mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mới với việc triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm, như: Bảo hiểm Bảo Việt với ứng dụng BaovietPay (hệ thống sinh thái bảo hiểm - đầu tư - tài chính - ngân hàng trên nền tảng kỹ thuật số); Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với ứng dụng myPTI (hệ thống công nghệ được đầu tư bài bản áp dụng số hóa từ khâu bán hàng đến khâu bồi thường); Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) với ứng dụng LIAN (ứng dụng trên nền tảng di động giúp các cá nhân tìm hiểu, đăng ký các gói bảo hiểm của VASS) hay Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ AIA với việc áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động, thay đổi hợp đồng giấy sang bản điện tử, tối ưu quy trình vận hành vào ứng dụng MyAIA; Chubb Life với trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, qua đó khách hàng có thể kiểm tra thông tin về hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bảo hiểm trong năm 2019 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tuy số lượng sản phẩm bảo hiểm đã khá đa dạng nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng do đa số các sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu. Bên cạnh đó, phân khúc khai thác bảo hiểm chưa đồng đều, các DNBH chủ yếu tập trung khai thác tại các thành phố lớn và các đối tượng có thu nhập cao. Ngoài ra, năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của một số DNBH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Phí bảo hiểm được xây dựng chưa đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường bảo hiểm vẫn còn tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của DNBH và người tham gia bảo hiểm.
 
Năm 2020, thị trường bảo hiểm được kỳ vọng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%. Mục tiêu này không khó để đạt được bởi thị trường Việt Nam có khá nhiều triển vọng với dân số đông, trên 96 triệu người; thu nhập và đời sống của người dân cũng như nhu cầu nâng cao chất lượng sống cũng đang được nâng lên một cách đáng kể. Thêm vào đó, thị trường Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống cho lĩnh vực này phát triển. Theo thống kê, các nước trong khu vực châu Á có khoảng 20-40% dân số mua bảo hiểm, chi phí cho bảo hiểm từ GDP ở các quốc gia phát triển là khoảng 10-15% thì ở Việt Nam số người mua bảo hiểm hiện chiếm chưa đầy 10% dân số; chi phí cho bảo hiểm mới chiếm khoảng 2% GDP. Ngoài ra, với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều công ty nước ngoài tham gia với các loại hình bảo hiểm đa dạng, phong phú.
 
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020, Bộ Tài chính nêu rõ 02 định hướng phát triển thị trường bảo hiểm là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
 
Nhằm đạt được mục tiêu này, các cơ quan quản lý cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua năm 2021 theo hướng: Quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế…
 
Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết, năm 2020, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ quyết định xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế; Tiếp tục nâng cao tính minh bạch thông tin của DNBH; Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả thanh, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu
 
các chính sách khuyến khích các DNBH tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0; đa dạng hóa phương thức và sản phẩm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp và đẩy mạnh kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế, xã hội với bảo hiểm y tế, thương mại./.
Bích Ngọc
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top