Thị trường ô tô chờ thời cơ phục hồi

24/06/2021 - 04:27 PM
Thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua năm 2020 đầy biến động do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng cả hai chiều cung và cầu. Điều đó khiến các chuyên gia khó có thể đưa ra những dự đoán chính xác về thị trường cho cả năm 2021. Dù vậy, với điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu mua xe ô tô của người tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt là với những nỗ lực chung của cả Việt Nam và thế giới khi triển khai được vacxin phòng bệnh, cơ hội phục hồi đối với thị trường “xế hộp” được cho là khá khả quan.

Bức tranh thị trường ô tô đầy biến động

Sức mua chạm đáy

Năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam đã phải chật vật chống chọi để duy trì trước những diễn biến thăng trầm đi liền với tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới. Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng từ các thương hiệu thành viên trong năm 2020 đạt trên 296 nghìn xe, giảm khoảng 8% so với năm 2019; trong đó, doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước giảm 1%, còn xe nhập khẩu giảm tới 17%. Cộng với doanh số bán hàng của của hai thương hiệu ngoài VAMA là Vinfast (trên 19,4 nghìn xe, chủ yếu là mẫu xe cỡ nhỏ Fadil) và TC Motor (khoảng 81,3 nghìn xe, thì năm 2020 đã có khoảng 400 nghìn xe ô tô các loại được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

 
Thị trường ô tô chờ thời cơ phục hồi
Ảnh minh họa

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, khi thị trường còn đang dần ổn định sau đợt giảm doanh số dịp tết Nguyên Đán thì bóng đen Covid-19 bao phủ toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nhập khẩu và sức mua trong nước. Hàng hoạt các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trên thế giới phải đóng cửa, thương mại đứt gãy khiến nguồn cung gián đoạn đã tác động mạnh đến sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đặc biệt trong tháng 4 cao điểm khi cả nước thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, hệ thống đại lý, showroom ô tô phải tạm thời đóng cửa, mọi hoạt động giao thương gần như đóng băng và người tiêu dùng không còn ưu tiên mua sắm xe trong bối cảnh dịch bệnh một phần do kinh tế bị ảnh hưởng. Thống kê của VAMA, doanh số xe bán ra trong tháng 4/2020 hạm đáy so cả năm với 11,7 nghìn xe bán ra, giảm 39% so với tháng trước đó và giảm sâu tới 44% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể các dòng xe được tiêu thụ gồm: 7,7 nghìn xe du lịch, giảm 40%; 3,6 nghìn xe thương mại, giảm 36%; 313 xe chuyên dụng, giảm 16%. Trong đó, doanh số bán ra của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 7,4 nghìn xe, giảm 38% còn doanh số bán ra của xe nhập khẩu chỉ đạt 4,3 nghìn xe, giảm 40% so với tháng trước. Kết thúc đợt giãn cách theo Chỉ thị của Chính phủ, thị trường ô tô ghi dấu sự phục hồi dù chưa thực sự mạnh mẽ với doanh số 24,06 nghìn xe, tăng trưởng 104,6% so với tháng 4/2020. Tiếp đến đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 2, thị trường trong nước tiếp tục hứng chịu đợt suy giảm mới. Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm phòng dịch từ trước, tinh thần cảnh giác cao và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ với các biện pháp khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ, thị trường tiêu dùng cả nước nói chung và thị trường tiêu thụ ô tô nói riêng dù bị ảnh hưởng nhưng không đến mức thiệt hại như những tháng đầu năm. Ghi nhận của VAMA, tháng 8/2020, doanh số bán ra của toàn thị trường chỉ còn 20,6 nghìn xe, giảm 14%, bao gồm: 15,4 nghìn xe du lịch, giảm 12%; 4,9 nghìn xe thương mại, giảm 19%; 270 xe chuyên dụng, giảm 20%. Trong tổng số xe bán ra của tháng 8/2020, có 12,6 nghìn xe lắp ráp trong nước và 7,78 nghìn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Bởi vậy không còn quá ngạc nhiên khi doanh số tiêu thụ của thị trường lại tiếp tục giảm trong tháng 1 và 2 năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát đợt 3 với mức giảm lần lượt là 45% và 22%.

Nỗ lực “tấn công” thị trường của xe nhập

Cuối năm 2020, thị trường xuất hiện mẫu ô tô mới đến từ Trung Quốc (BAIC Beijing X7) đã tạo nên một cơn sốt trên các mạng xã hội về ô tô với mức giá tầm trung nhưng lại được trang bị hàng loạt những tính năng hiện đại vốn dĩ chỉ xuất hiện những dòng ô tô cao cấp. Nhờ đó, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã có cuộc bứt tốc ngoạn mục những tháng cuối năm 2020. Và theo ghi nhận trong tháng đầu tiên của năm 2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu ô tô vào Việt Nam với 1.463 nghìn xe, trị giá trên 48,5 triệu USD, gấp 9,3 lần về lượng và 5,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc đứng sau khối ASEAN, cụ thể là sau Thái Lan với trên 4.341 nghìn xe, trị giá 84,5 triệu USD, đẩy Indonesia xuống suýt soát vị trí thứ 3 với 1.437 xe, trị giá 19,2 triệu USD. Nếu chỉ tính riêng 3 quốc gia này, tổng giá trị xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 152,2 triệu USD, chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong tháng 1/2021.

Dù thị trường tiêu thụ ô tô bị phủ bóng u ám bởi đại dịch Covid-19 song các mẫu xe mới vẫn đua nhau nhập khẩu vào Việt Nam. Điển hình là Toyota gần như đã làm mới toàn bộ danh mục sản phẩm của mình với các phiên bản nâng cấp từ các mẫu xe cỡ nhỏ như Wigo, Vios, Yaris đến cỡ trung như Altis, Innova, Fortuner, thậm chí cả dòng bán tải Hilux. Đặc biệt sự xuất hiện sản phẩm mới của Toyota là Corolla Cross đã liên tục góp mặt trong danh sách những mẫu xe ô tô đắt khách nhất trên thị trường ô tô Việt Nam ngay khi vừa ra mắt. Bên cạnh đó, thị trường ô tô thời gian qua cũng đón nhận hàng loạt mẫu xe lần đầu tiên xuất hiện của nhiều hãng từ tầm trung đến cao cấp chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng như Mitsubishi Xpander Cross, Kia Seltos, Suzuki XL7, Peugeot2008, Mercedes GLB, Land Rover Defender, Porche Taycan…

Những dấu hiệu khởi sắc

Đứng trước những biến động, thị trường ô tô Việt Nam nhìn chung vẫn giữ được một số kết quả khả quan nhờ sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời, trong đó không thể không nhắc tới loạt chính sách kích cầu lần đầu tiên được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điểm sáng nổi bật trong bức tranh ảm đạm của thị trường ô tô là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP (Nghị định 70) ngày 28/6/2020 trong đó áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Cụ thể, Nghị định 70 quy định tính lệ phí trước bạ lần đầu với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạn đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị định 70 đã đem lại sự hỗ trợ mạnh mẽ, trở thành đòn bẩy giúp cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn. Đồng thời, Nghị định 70 đã kích hoạt đợt khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng lớn chưa từng thấy tại thị trường ô tô Việt Nam. Một số doanh nghiệp ô tô thậm chí còn hỗ trợ thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại để tạo gói hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho nhiều mẫu xe trên thị trường.

Những chính sách kích cầu của Chính phủ đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, khi Nghị định 70 về giảm phí trước bạ của Chính phủ đã thực sự ngấm và tâm lý mua xe chạy phí trước bạ trước ngày 31/12/2020 của người dân đã đẩy thị trường lên cao, khiến cho 3 tháng cuối năm doanh thu thị trường cũng tăng vọt. Trước cuộc cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước nhờ chính sách lệ phí trước bạ, nhiều doanh nghiệp xe nhập khẩu đã phải giảm giá, nỗ lực “giành giật” thị phần.

Bên cạnh chính sách giảm phí trước bạ, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước còn tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách khi Nghị định 57/2020/NĐ-CP với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Chính vì vậy, trong mấy tháng cuối năm, thị trường ô tô có sự phục hồi mạnh mẽ khi người tiêu dùng tranh thủ mua xe trước khi hết hạn ưu đãi giảm lệ phí trước bạ. VAMA thống kê, doanh số trong tháng 12/2020 đạt 47,8 nghìn xe, tăng 31,6% so với tháng trước và tăng 45% so với cùng kỳ năm trước gồm 36,8 nghìn xe du lịch, 10,6 nghìn xe thương mại, 336 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số tiêu thụ xe nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 18,4 nghìn xe, tăng 44%, còn xe lắp ráp trong nước là 29,3 nghìn xe, tăng 25%.
Thêm một điểm sáng trong bức tranh thị trường ô tô Việt Nam là nhà sản xuất, lắp ráp trong nước TC Motor đã vươn lên dẫn đầu toàn thị trường trong tháng 11/2020, bỏ xa đơn vị những năm trước luôn dẫn dắt thị trường về doanh số là Toyota. Và dù doanh số khiêm tốn nhưng Kia Việt Nam thuộc Công ty ô tô Trường Hải (THACO) quản lý lại là thương hiệu đầu tiên lắp ráp ô tô ở Việt Nam xuất khẩu ngược một số dòng xe du lịch như Kia Soluto, Cerato, Sedona sang Myanmar và trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á - Thái Lan.
Đáng chú ý là vào tháng 2/2021, bất chấp doanh số chung của toàn thị trường sụt giảm, mẫu xe Vinfast Fadil của hãng xe nội địa đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã có cú bứt tốc ngoạn mục giành ngôi vương dẫn đầu doanh số các xe bán ra trong khi các mẫu xe hot nhiều tháng qua như Toyota Vios, Huyndai Accent, Huyndai Grand i10 lại tụt hạng nghiêm trọng. Với một hãng xe mới ra mắt khoảng 2 năm nay, Vinfast đang dần khẳng định thương hiệu, vị trí và dần chinh phục được thị hiếu người tiêu dùng Việt bằng những nỗ lực và chính sách ưu đãi chưa từng có của mình. Đây cũng là một trong số ít hãng xe kéo dài ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ cho người tiêu dùng đến hết tháng 2/2021.

Năm 2021 được cho là khó dự đoán đối với thị trường xe ô tô Việt Nam, song trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn dân, kỳ vọng khống chế được dịch bệnh đang rất cao, đồng nghĩa với những cơ hội phục hồi thị trường ô tô cũng mang tính khả thi cao. Cũng trong năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết vẫn sẽ cố gắng đưa các mẫu xe mới về thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc giảm, bãi bỏ thuế đối với ô tô có thể khiến giá xe Trung Quốc vào Việt Nam rẻ hơn và áp lực cạnh tranh giá đối với các liên doanh lắp ráp xe ô tô hoặc doanh nghiệp xe ô tô của Việt Nam sẽ rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi, kích cầu. Vì vậy, dự kiến những biến động của cả thị trường xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước có thể sẽ góp phần đem lại sự sôi động cho thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam trong năm 2021./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top