Thông cáo báo chí chung: Hội nghị Ủy ban Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN lần thứ 10

10/12/2020 - 09:45 AM
Trong 2 ngày từ 8-9/12/2020, Hội nghị Ủy ban Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS 10) đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội. Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí chung.

Ngày 8-9/12/2020, tổ chức trực tuyến với sự điều phối từ Hà Nội, Việt Nam

 
1. Hội nghị Ủy ban Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN lần thứ 10 (ACSS10), do Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) chủ trì, được tổ chức trực tuyến trong các ngày 8 - 9 tháng 12 năm 2020. Hội nghị do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Việt Nam đồng chủ tọa cùng với Bà Hajah Mariah Haji Yahya, Tổng cục trưởng Cơ quan Kế hoạch Kinh tế và Thống kê Bru-nây.
 
2. Năm 2020 là năm Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS) kỷ niệm mười năm hợp tác về thống kê dựa trên nền tảng hợp tác thống kê vững chắc được thiết lập từ năm 1997.
 
Kỷ niệm ACSS lần thứ 10
 
3. Kể từ khi thành lập vào năm 2011, ACSS đã và đang tiếp tục nỗ lực cung cấp số liệu thống kê ASEAN phù hợp, kịp thời và có tính so sánh nhằm hỗ trợ giám sát hội nhập ASEAN và ra quyết định, chính sách dựa trên bằng chứng. ACSS cũng không ngừng tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực thống kê của các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

4. Với sự hỗ trợ của Tiểu ban Kế hoạch và Điều phối (SCPC) và các nhóm công tác kỹ thuật, ACSS đã cải thiện công tác cung cấp dữ liệu ở các lĩnh vực thống kê khác nhau, bao gồm thống kê kinh tế và xã hội. ACSS đã phổ biến hơn 700 chỉ tiêu thống kê trên trang thông tin điện tử của Cơ quan Thống kê ASEAN (ASEANstats).

5. Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể ở cấp quốc gia và khu vực, ACSS vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực hợp tác mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN. Khoảng cách năng lực thống kê giữa các quốc gia thành viên, nguồn lực hạn chế ở cấp quốc gia và khu vực là những thách thức lớn để ACSS cải thiện tính sẵn có và chất lượng dữ liệu. Tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất dữ liệu quốc gia cũng đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng, bao gồm cả các yêu cầu số liệu phục vụ các sáng kiến toàn cầu như Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

6. Kỷ niệm ACSS lần thứ 10 là một sự kiện lịch sử đánh dấu thành công của chúng tôi trong việc xây dựng cộng đồng Thống kê ASEAN. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn cấp cao về Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN và Hệ thống Thống kê Việt Nam, kết hợp với lễ kỷ niệm mười năm hợp tác thống kê ASEAN, nhằm tăng cường hơn nữa sự hiện diện của số liệu thống
kê ASEAN.

7. Theo chủ đề chung năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như cam kết của chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thống kê khu vực và chủ động thích ứng trước các yêu cầu thống kê mới nổi, chúng tôi đã thực hiện chương trình công tác ACSS năm 2020 như sau:
 
Những kết quả chính của Chương trình công tác ACSS năm 2020
 
8. Nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng phục vụ giám sát hội nhập ASEAN, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình thống kê để cung cấp số liệu thống kê kịp thời và có tính so sánh về thương mại hàng hóa quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại dịch vụ quốc tế, SDGs, tài khoản quốc gia, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và chỉ tiêu xã hội khác. Chúng tôi cũng thực hiện các chương trình công tác về truyền thông và phổ biến số liệu thống kê để thúc đẩy các số liệu thống kê của ASEAN được sử dụng nhiều hơn, gồm cả các video kỷ niệm một thập kỷ hợp tác.

9. Chúng tôi thông qua kết quả Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Chiến lược ACSS giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch Chiến lược ACSS điều chỉnh giai đoạn 2021-2025.

10. Chúng tôi đã công bố “Báo cáo đầu kỳ các chỉ tiêu SDG 2020 của ASEAN” gồm một báo cáo thống kê và các chỉ tiêu SDG ưu tiên đã được ASEAN thông qua, bao gồm 67 chỉ tiêu do các quốc gia thành viên ASEAN thu thập. Ngoài báo cáo, chúng tôi cũng công bố “Cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu SDG”, là công cụ để gửi dữ liệu, xử lý và phổ biến các chỉ tiêu SDG của ASEAN. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Nhóm công tác về chỉ tiêu SDG và ASEANstats để kịp thời phát hành ấn phẩm, cổng thông tin trực tuyến và infographics về các chỉ tiêu SDG trên trang thông tin điện tử của ASEANstats.

11. Ghi nhận tiềm năng sử dụng Dữ liệu lớn trong thống kê chính thức như là một nguồn dữ liệu mới, chúng tôi đã thông qua Tài liệu khái niệm về sử dụng Dữ liệu lớn để cải thiện số liệu thống kê chính thức của ACSS. Hoạt động này sẽ đẩy mạnh hợp tác của chúng tôi về sử dụng Dữ liệu lớn, điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong cải thiện tính kịp thời và phù hợp của số liệu thống kê chính thức, đồng thời giảm chi phí biên soạn số liệu thống kê.

12. Chúng tôi đã thông qua Khung ASEAN giúp ASEAN về nâng cao năng lực ACSS nhằm duy trì các chương trình xây dựng năng lực cũng như tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn nữa giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đẩy mạnh phát triển thống kê ở cấp quốc gia và khu vực.
 
Tác động của đại dịch COVID-19 đến cung cấp số liệu thống kê chính thức
 
13. Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đối với các Cơ quan Thống kê quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt năm 2020 là năm mà hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành Tổng điều tra dân số. Nhiều hoạt động thống kê khác cũng bị ảnh hưởng, nhất là những hoạt động liên quan đến điều tra thực địa. Do đó, đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức lớn và nghiêm trọng đối với việc cung cấp kịp thời các số liệu thống kê chính thức.

14. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các quốc gia thành viên ASEAN vẫn nỗ lực cung cấp số liệu thống kê chính thức đáng tin cậy qua những thay đổi trong quy trình thực hiện hoạt động, xây dựng/cải tiến phương pháp luận và tăng cường sử dụng công nghệ để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
 
Những thành tựu chính ở cấp quốc gia trong ứng phó đại dịch COVID-19  
 
15. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong sản xuất và phổ biến số liệu thống kê chính thức có chất lượng cao trước những thách thức của đại dịch COVID-19:
i) Bru-nây Đa-ru-xa-lam: (1) Chuẩn bị Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2021 với việc áp dụng hình thức kê khai trực tuyến hoặc Điều tra điện tử; (2) Thu thập dữ liệu về Chỉ số giá tiêu dùng bằng các hình thức như e-mail, điện thoại và công nghệ chia sẻ tập tin (drop box); (3) Công bố chỉ số giá trị Bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và đồ uống nhằm phản ánh tác động của dịch COVID-19; (4) Đánh giá thường xuyên về tính sẵn có của dữ liệu trong quá trình tham gia thử nghiệm Kho dữ liệu mở nhằm cải thiện sự hiện diện của số liệu thống kê.

ii) Cam-pu-chia: (1) Tiến hành Tổng điều tra dân số năm 2019 và Điều tra kinh tế - xã hội năm 2019; (2) Công bố kết quả sơ bộ Điều tra Nông nghiệp giữa kỳ năm 2019, (3) Thiết kế phiếu Điều tra Nông nghiệp Cam-pu-chia 2020; (4) Chuẩn bị báo cáo chính thức Điều tra Lực lượng Lao động Cam-pu-chia năm 2019; (5) Phát hành Niên giám Thống kê quốc gia Cam-pu-chia 2020 và Tài khoản Quốc gia 2019; (6) Xây dựng và thực hiện Nền tảng báo cáo chỉ tiêu quốc gia (CamStat).

iii) In-đô-nê-xi-a: (1) Thực hiện công việc linh hoạt, điều chỉnh các quy trình hoạt động thống kê và tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin; (2) Thực hiện giao thức phỏng vấn trực tiếp đảm bảo y tế và xúc tiến các phương pháp thu thập dữ liệu thay thế; (3) Sử dụng Dữ liệu lớn để tính các chỉ tiêu nhanh; (4) Tiến hành điều tra trực tuyến về tác động của dịch COVID-19 đối với nhân khẩu học - xã hội và kinh doanh; và (5) Điều chỉnh quy trình thực hiện tổng điều tra dân số năm 2020.

iv) CHDCND Lào: (1) Đánh giá CPI và lạm phát dưới tác động của dịch COVID-19; (2) Sản xuất và giám sát các chỉ tiêu SDG phục vụ đánh giá quốc gia tự nguyện lần thứ nhất và lần thứ hai của Ban Thư ký SDGs quốc gia thuộc Cơ quan Thống kê Lào; (3) Hoàn thành công tác điều tra thực địa Tổng điều tra kinh tế lần thứ III vào tháng 9, và báo cáo chính thức sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm 2020; (4) hoàn thiện và tiến hành Điều tra tiêu dùng và chi tiêu lần thứ 6; (5) Đang tiến hành công tác điều tra thực địa của Tổng điều tra Nông nghiệp lần thứ III, sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12 năm 2020.

v) Ma-lai-xi-a: (1) Tiến hành các cuộc điều tra trực tuyến chuyên đề để đo lường tác động của dịch COVID-19 đối với các cá nhân và doanh nghiệp; (2) Tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở 2020; (3) Phát hành Đánh giá Thống kê Kinh tế Ma-lai-xi-a và nhiều ấn phẩm phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới nhất; (4) Tổ chức Họp báo trực tuyến về số liệu thống kê mới nhất; (5) Sử dụng videographics, bản tin, thông báo thống kê và viết Blog để nâng cao nhận thức về thống kê của công chúng và giới truyền thông; (6) Xây dựng trang chuyên mục trực quan về dịch COVID-19.

vi) Mi-an-ma thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến tác động kinh tế - xã hội do bùng phát đại dịch COVID-19 với sự hợp tác của các đối tác phát triển sử dụng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại có sự hỗ trợ của máy tính (CAPI). Hoạt động này nhằm đáp ứng các chính sách của Chính phủ trong việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và điều trị cho mọi người dân trong nước được an toàn và giảm thiểu các thiệt hại do bùng phát dịch COVID-19.

vii) Phi-lip-pin: (1) sử dụng các phương thức thu thập dữ liệu thay thế cho Tổng điều tra Dân số và Nhà ở và Lực lượng Lao động năm 2020; (2) điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh năm gốc sang năm 2018 của Hệ thống Tài khoản Quốc gia Phi-lip-pin; (3) ước tính quy mô của nền kinh tế số; (4) Các sáng kiến về Dữ liệu lớn như công nghệ khai thác dữ liệu trên web (web scraping) để thu thập giá hàng hóa cho Chỉ số giá tiêu dùng và tăng cường ước tính nghèo đói khu vực nhỏ kết hợp ánh sáng ban đêm từ hình ảnh vệ tinh.

viii) Xin-ga-po (1) Tiến hành Tổng điều tra dân số năm 2020 với hơn một nửa số câu trả lời thực hiện trực tuyến, sử dụng nhiều hơn nữa dữ liệu hành chính và học máy (machine learning) trong mã hóa dữ liệu; (2) Công bố dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng chi tiết hơn phục vụ đánh giá sâu hơn các yếu tố tác động đến lạm phát; (3) Công bố dữ liệu chi tiết hơn về dịch vụ bán lẻ, thực phẩm và đồ uống phản ánh mức độ phổ biến ngày càng tăng của các giao dịch trực tuyến; (4) Chuyển đổi Tạp chí Con số và Sách điện tử Thống kê của Xin-ga-po thành các ấn phẩm số tương tác.

ix) Thái Lan: (1) Xây dựng các cuộc điều tra cơ sở kinh tế và hộ gia đình thông qua sử dụng tích hợp dữ liệu hành chính liên chính phủ; (2) Phát triển phương pháp thu thập dữ liệu đa phương thức như điều tra trực tuyến, phỏng vấn qua điện thoại, sử dụng hệ thống chia sẻ tập tin, gửi và nhận thư, để hỗ trợ phương pháp phỏng vấn trực tiếp của các cuộc điều tra khác nhau; (3) Điều tra trực tuyến về tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 với sự phối hợp của các quốc gia đối tác và các cơ quan quốc tế.

x) Việt Nam (1) Tiến hành các cuộc điều tra trực tuyến đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp; (2) Bổ sung các câu hỏi về tác động của dịch COVID-19 đối với người lao động vào Điều tra Lao động việc làm; (3) Đánh giá tác động và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; (4) Ứng dụng mạnh mẽ CNTT như email, bảng hỏi điện tử và hồ sơ hành chính phục vụ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội hàng tháng và các cuộc điều tra.
 
Cảm ơn các Đối tác phát triển và các Tổ chức quốc tế
 
16. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN (ARISE Plus) đã hỗ trợ kỹ thuật để ACSS tăng cường khung thể chế và điều phối, cải thiện tính sẵn có và khả năng so sánh của các số liệu thống kê chính nhằm giám sát hội nhập khu vực ASEAN và thu hẹp khoảng cách về năng lực thống kê giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

17. Chúng tôi đánh giá cao sự tiếp tục hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế (AECSP) Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Ốt-xtrây-li-a - Niu-di-lân (AANZFTA) về hỗ trợ xây dựng năng lực Thống kê Thương mại Dịch vụ. Chúng tôi hoan nghênh hỗ trợ của Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) cho các quốc gia CLMV trong sử dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu.

18. Chúng tôi cảm ơn các Tổ chức quốc tế và đối tác phát triển, cụ thể là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), UN WOMEN và Cơ quan Thống kê Nhật Bản. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của họ đối với mục tiêu một ACSS gắn kết và chủ động thích ứng hơn nhằm cung cấp số liệu thống kê chất lượng cao hỗ trợ hội nhập ASEAN.
 
Chuyển giao vai trò Chủ tịch ACSS năm 2021
 
1. Thông qua Tổng cục Thống kê, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Chính phủ Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, chuẩn bị chu đáo và tổ chức hoàn hảo Hội nghị Ủy ban ACSS lần thứ 10 và Diễn đàn cấp cao về Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN và Hệ thống Thống kê Việt Nam.

2. Chúng tôi hoan nghênh Bru-nây Đa-ru-xa-lam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACSS năm 2021.
 
---- Hết ----

 
Ủy ban Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS)
 
1. BRU-NÂY ĐA-RU-XA-LAM: Bà Hjh. Mariah binti Hj. Yahya
 
2. VƯƠNG QUỐC CAM-PU-CHIA: Bà Hang Lina
 
3. CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A: Tiến sĩ Suhariyanto
 
4. CHDCND LÀO: Bà Phonesaly Souksavath
 
5. MA-LAY-XI-A: Tiến sĩ Mohd. UzirMahidin
 
6. CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA: Ông Htun Zaw
 
7. CỘNG HÒA PHI-LIP-PIN: Tiến sĩ Claire Dennis Mapa
 
8. CỘNG HÒA XIN-GA-PO: Bà  Wong Wee Kim
 
9. VƯƠNG QUỐC THÁI LAN: Bà Wanpen Poonwong
 
 10. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM: Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương
 
 11. BAN THƯ KÝ ASEAN: Tiến sĩ Julia Puspadewi Tijaja
 
Ngày 09 tháng 12 năm 2020
 
 
 

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top