Thông cáo báo chí Tình hình Lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2020

06/10/2020 - 02:13 PM
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại thành phố Đà Nẵng đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4 năm 2020. Trong quý III năm 2020, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đã được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
 
I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ III NĂM 2020
 
1. Lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020
 
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước. Sự biến động của lực lượng lao động tại hai thành phố lớn nhất cả nước cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tại thành phố Hà Nội, lực lượng lao động quý III năm 2020 là 4,2 triệu người, tăng 123,2 nghìn người so với quý trước và giảm 125,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng lao động quý III năm 2020 là 4,9 triệu người, tăng 130,6 nghìn người so với quý trước và giảm 106,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
 
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 48,6 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước và giảm 638,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,1%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động là 22,1 triệu người, chiếm 45,5% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
 
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2020 là 74,0%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn có sự khác biệt đáng kể với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 67,2%, thấp hơn 10,7 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (77,9%). Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 38,9%; nông thôn: 63,4%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,5%; nông thôn: 47,2%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của cả nước, lần lượt là 67,9% và 65,5%. Thực tế, đây là hai thành phố lớn, tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề nên thu hút một lực lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động tới cư trú với mục đích học tập hơn là tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ dân số từ 15 tuổi trở lên đang sinh sống tại hai thành phố này thuộc đối tượng nghỉ hưu hoặc có xu hướng ở nhà làm công việc nội trợ thay vì tham gia làm việc tạo thu nhập.
 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2020 là 24,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 39,9%, cao hơn 2,4 lần so với khu vực nông thôn (16,8%). Tỷ lệ này tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước, lần lượt là 44,4% và 36,8%.
 
Trong tổng số 19,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động), có 8,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Hơn một nửa trong số 8,2 triệu người này không tham gia lực lượng lao động vì đang đi học (tập trung chủ yếu ở nhóm 15-19 tuổi), trên 30% đang làm nội trợ, 8,0% do ốm đau lâu dài, thương tật hoặc tàn tật, còn lại gần 9,0% là vì các lý do khác như nghỉ sinh con, chờ kết quả thi đại học hoặc không có nhu cầu làm việc.
 
2. Lao động có việc làm tăng so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước
 
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm 2020 là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 471,0 nghìn người so với quý trước và giảm 77,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, ở khu vực nông thôn số người có việc làm tăng hơn 1,0 triệu người so với quý trước và giảm 1,2 triệu người so với cùng k năm trước. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 32,4% (tương ứng với 17,3 triệu người)khu vực công nghiệp và xây dựng là 31,2% (tương ứng với 16,6 triệu người)khu vực dịch vụ là 36,4% (tương ứng với 19,4 triệu người).
 
Số lao động có việc làm phi chính thức[1] quý III năm 2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 57,0%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,9% và 49,5%. Tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở một số ngành dịch vụ khá cao (hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình: 96,2%, giáo dục và đào tạo: 73,7%, dịch vụ lưu trú và ăn uống: 70,0%).
 
So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%). Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
 
3. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước trong vòng 10 năm qua
 
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63,0 nghìn người so với quý trước và tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 2,50%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 4,3%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với Hà Nội (2,36%).
 
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III năm 2020 cao nhất trong vòng 10 năm qua[2].
 
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý III năm 2020 là 7,24%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,51 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trướccao gấp 4,2 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,29%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khá cao, tương ứng là 9,25% và 10,47%.
 
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, tiếng Anh: Youth not in employment, education or training) trong quý III năm 2020 là 12,9%, tương đương với 1,35 triệu người; tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, ở nữ thanh niên cao hơn 4,8 điểm phần trăm so với nam thanh niên. Đa số thanh niên không đi học, không đi làm là do làm việc nhà/nội trợ hoặc các công việc gia đình (36,5%).
 
Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,3 triệu người, giảm 81,4 nghìn người so với quý trước và tăng 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm tỷ trọng là 49,3% (giảm 26,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2020 là 2,79%, giảm 0,29 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn cao gấp 1,6 lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 3,2% và 1,99%)ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,8%, cao gấp 2,2 lần so với khu vực công nghiệp và xây dựng và cao hơn 2,6 lần so với khu vực dịch vụ.
 
4. Thu nhập của người lao động được cải thiện so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước
 
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,3 triệu đồng, lao động nữ là 4,6 triệu đồng; lao động ở khu vực thành thị là 7,0 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,8 triệu đồng.
 
So với quý trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 ở ba khu vực kinh tế được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,1% so với quý trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,6% so với quý trước và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của người lao động ở khu vực dịch vụ tăng 7,3% so với quý trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý III năm 2020 đạt 6,5 triệu đồng, tăng 184 nghìn đồng so với quý trước và giảm 116 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,1 lần so với lao động nữ (tương ứng là 6,8 triệu đồng và 6,1 triệu đồng).
 
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 9 THÁNG NĂM 2020
 
1. Lực lượng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp
 
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2020 đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
 
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 48,1 triệu người, giảm hơn 940 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,3%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,7 triệu người, chiếm 45,1% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
 
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 là 73,9%, giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 9 tháng năm 2020 ước tính là 13,0 triệu người, chiếm 24,1%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
2. Lao động có việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước
 
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu ngườilao động nam giảm 608,nghìn người và lao động nữ giảm 734,1 nghìn người. 
 
Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,5 triệu người, giảm 6,5so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,4 triệu người, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu đối với lao động phi chính thức trong ngành xây dựngtăng 4,6%, trong khi lao động chính thức trong ngành xây dựng giảm 9,3%); khu vực dịch vụ là 19,2 triệu người, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn đang tiếp tục diễn ra. So với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,4 điểm phần trăm (33% so với 34,4%); tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,8 điểm phần trăm (30,8% so với 30,0%); tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ tăng 0,6 điểm phần trăm (36,2% so với 35,6%).
 
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 9 tháng năm 2020 là 56,0%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 62,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
3. Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng lên so với cùng kỳ năm trước
 
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 132,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước.
 
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng năm 2020 là 7,07%, tăng 0,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,7%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2020 là 2,69%, tăng 1,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tăng 1,21 điểm phần trăm.
 
4. Thu nhập của người lao động giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước
 
Thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 9 tháng năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng, giảm 83 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,2 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 9 tháng năm 2020 là 6,7 triệu đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Biểu 1: Một số chỉ tiêu chủ yếu của thị trường lao động
  Quý III năm 2019* 9 tháng năm 2019* Quý II năm 2020 Quý III năm 2020** 9 tháng năm 2020 Quý III năm 2020 so Quý III năm 2019 Quý III năm 2020 so Quý II năm 2020
Lực lượng lao động (Nghìn người) 55714,1 55565,4 53147,4 54580,4 54353,1 98,0 102,7
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 18120,7 18082,2 17807,2 18191,4 18058,0 100,4 102,2
- Nông thôn 37593,4 37483,2 35340,2 36389,0 36295,1 96,8 103,0
Chia theo giới tính:              
- Nam 29524,1 29316,2 28222,2 28641,6 28706,2 97,0 101,5
- Nữ 26190,0 26249,2 24925,2 25938,8 25646,9 99,0 104,1
Lực lượng lao động trong độ tuổi (Nghìn người) 49192,9 49027,6 46789,4 48554,0 48087,5 98,7 103,8
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 16426,7 16381,6 16390,8 16539,4 16471,1 100,7 100,9
- Nông thôn 32766,2 32646,0 30398,6 32014,6 31616,4 97,7 105,3
Chia theo giới tính:              
- Nam 27148,7 26941,6 25854,7 26439,2 26399,8 97,4 102,3
- Nữ 22044,2 22086,0 20934,7 22114,8 21687,7 100,3 105,6
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (%) 76,4 76,5 72,3 74,0 73,9    
Số người có việc làm (Nghìn người) 54605,4 54460,2 51811,2 53328,0 53117,5 97,7 102,9
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 17589,8 17551,3 17040,9 17511,9 17397,2 99,6 102,8
- Nông thôn 37015,6 36908,9 34770,3 35816,1 35720,3 96,8 103,0
Chia theo giới tính:              
- Nam 28963,0 28735,0 27530,7 28132,8 28126,4 97,1 102,2
- Nữ 25642,4 25725,2 24280,5 25195,2 24991,1 98,3 103,8
Số người làm công việc tự sản
tự tiêu trong nông nghiệp
(Nghìn người)
4041,5 3996,3 3727,7 3337,6 3732,1 82,6 89,5
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 268,8 268,0 211,2 219,0 227,8 81,5 103,7
- Nông thôn 3772,7 3728,3 3516,5 3118,6 3504,4 82,7 88,7
Chia theo giới tính:              
- Nam 1496,0 1460,9 1457,3 1305,5 1455,1 87,3 89,6
- Nữ 2545,5 2535,4 2270,4 2032,1 2277,1 79,8 89,5
Số người có việc làm trong độ tuổi lao động (Nghìn người) 48125,2 47966,0 45510,5 47338,1 46893,8 98,4 104,0
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 15915,4 15873,2 15659,0 15878,1 15832,2 99,8 101,4
- Nông thôn 32209,8 32092,8 29851,5 31460,0 31061,6 97,7 105,4
Chia theo giới tính:              
- Nam 26602,6 26376,9 25185,7 25945,3 25836,3 97,5 103,0
- Nữ 21522,6 21589,1 20324,8 21392,8 21057,5 99,4 105,3
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm (%) 1,44 1,43 2,93 2,63 2,52    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 0,66 0,77 2,38 1,90 1,78    
- Nông thôn 1,82 1,74 3,20 2,98 2,88    
Chia theo giới tính:              
- Nam 1,27 1,41 3,01 2,75 2,55    
- Nữ 1,64 1,45 2,84 2,48 2,49    
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động (%) 1,58 1,54 3,08 2,79 2,69    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 0,70 0,81 2,41 1,99 1,84    
- Nông thôn 2,02 1,91 3,44 3,20 3,12    
Chia theo giới tính:              
- Nam 1,36 1,48 3,15 2,89 2,68    
- Nữ 1,86 1,62 3,00 2,67 2,70    
Số người thất nghiệp (Nghìn người) 1108,7 1105,2 1336,2 1252,4 1235,6 113,0 93,7
Trong đó:              
- Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 1067,7 1061,6 1278,9 1215,9 1193,7 113,9 95,1
- Số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi thất nghiệp 490,9 477,6 410,3 408,8 437,4 83,3 99,6
Tỷ lệ thất nghiệp (%) 1,99 1,99 2,51 2,29 2,27    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 2,93 2,94 4,30 3,73 3,66    
- Nông thôn 1,54 1,53 1,61 1,57 1,58    
Chia theo giới tính:              
- Nam 1,90 1,98 2,45 1,78 2,02    
- Nữ 2,09 2,00 2,59 2,87 2,56    
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (%) 2,17 2,17 2,73 2,50 2,48    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 3,11 3,10 4,46 4,00 3,88    
- Nông thôn 1,70 1,69 1,80 1,73 1,75    
Chia theo giới tính:              
- Nam 2,01 2,10 2,59 1,87 2,13    
- Nữ 2,37 2,25 2,91 3,27 2,91    
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (%) 6,73 6,62 6,98 7,24 7,07    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 10,64 10,61 11,09 11,29 10,70    
- Nông thôn 4,95 4,84 5,18 5,58 5,53    
Chia theo giới tính:              
- Nam 6,38 6,64 7,09 5,68 6,40    
- Nữ 7,14 6,60 6,86 9,07 7,88    
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) 23,0 22,6 24,0 24,5 24,1    
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức (%) 56,0 55,9 55,8 57,0 56,0    
Chia theo khu vực:              
- Thành thị 47,6 47,8 47,5 49,5 48,1    
- Nông thôn 62,6 62,3 62,5 62,9 62,4    
Chia theo giới tính:              
- Nam 60,3 60,0 60,1 61,2 60,3    
- Nữ 50,9 51,1 50,7 52,1 51,1    
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương
(Nghìn đồng)
6640 6691 6340 6524 6694 98,3 102,9
(*) Số liệu điều chỉnh lại theo dân số Tổng điều tra
(**) Số liệu ước tính

Biểu 2: Số lượng và cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm
chia theo khu vực kinh tế
  Tổng số Chia ra
Nông, lâm nghiệp
và thuỷ sản
Công nghiệp
và xây dựng
Dịch vụ
Số lượng (Nghìn người)        
9 tháng năm 2019 54460,2 18717,8 16339,4 19403,0
Quý I năm 2019* 54367,9 19096,7 15873,0 19398,2
Quý II năm 2019* 54407,3 18709,3 16318,8 19379,2
Quý III năm 2019* 54605,3 18347,3 16826,5 19431,5
9 tháng năm 2020 53117,5 17505,6 16394,8 19217,1
Quý I năm 2020 54213,3 18170,1 16528,5 19514,7
Quý II năm 2020 51811,2 17044,4 16030,2 18736,6
Quý III năm 2020** 53328,0 17302,2 16625,8 19400,0
Cơ cấu (%)        
9 tháng năm 2019 100,0 34,4 30,0 35,6
Quý I năm 2019* 100,0 35,1 29,2 35,7
Quý II năm 2019* 100,0 34,4 30,0 35,6
Quý III năm 2019* 100,0 33,6 30,8 35,6
9 tháng năm 2020 100,0 33,0 30,8 36,2
Quý I năm 2020 100,0 33,5 30,5 36,0
Quý II năm 2020 100,0 32,9 30,9 36,2
Quý III năm 2020** 100,0 32,4 31,2 36,4
(*) Số liệu điều chỉnh lại theo dân số Tổng điều tra    
(**) Số liệu ước tính        
             
 

[1] Lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh,thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 
[2] Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị quý III của các năm từ 2011 đến 2020 lần lượt là: 3,43%; 3,31%; 3,59%; 3,27%; 3,38%;  3,23%; 3,14%; 3,09%; 3,11%; 4,0%.
                                                                                                     
                                                                                                            TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top