Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát – kỳ vọng thu thập nguồn thông tin đầu vào để ước lượng đầy đủ phạm vi của nền kinh tế

04/10/2022 - 03:33 PM

Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (viết gọn là Đề án NOE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành đo lường hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế. Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Đề án NOE ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai Đề án NOE ban hành kèm theo Công văn số 5258/BKHĐT-TCTK ngày 29/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các công việc năm 2021 theo kế hoạch.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đo lường và cập nhật kết quả biên soạn tài khoản quốc gia; Đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê; Mở rộng hợp tác quốc tế về thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Về đo lường và cập nhật kết quả biên soạn tài khoản quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện:

(i) Biên soạn các chỉ tiêu thuộc khu vực phi chính thức theo hướng dẫn tại Công văn số 1127/TCTK-TKQG ngày 13/9/2019 của Tổng cục Thống kê về việc hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình. Theo đó, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tiêu chí xác định cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức là cơ sở không phải đăng ký kinh doanh. Nguồn thông tin phục vụ biên soạn số liệu khu vực phi chính thức bao gồm: Số liệu Tổng điều tra Kinh tế năm 2012, 2017 và năm 2021; Điều tra cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm.

(ii) Biên soạn các chỉ tiêu thuộc khu vực tự sản tự tiêu hộ gia đình, được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1127/TCTK-TKQG ngày 13/9/2019. Theo đó, hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình bao gồm hoạt động sản xuất ra các sản phẩm vật chất dùng cho tiêu dùng cuối cùng hoặc tích lũy tài sản cố định; dịch vụ nhà tự có tự ở. Hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình do các cá nhân (không phải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) cung cấp được tính vào hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình.

Tiêu chí xác định hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình gồm: Hoạt động thuộc phạm trù sản xuất; Sản phẩm vật chất sản xuất ra được để lại sử dụng cho tiêu dùng cuối cùng hoặc tích lũy của các cá nhân trong hộ gia đình.

Nguồn thông tin phục vụ biên soạn số liệu tự sản tự tiêu hộ gia đình bao gồm: Số liệu từ điều tra Mức sống hộ gia đình; Số liệu từ điều tra năng suất, sản lượng cây trồng; Số liệu từ điều tra chăn nuôi; Số liệu từ điều tra lâm nghiệp; Số liệu từ điều tra nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản biển.

Về đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã rà soát, bổ sung, cập nhật các hoạt động mới phát sinh vào dự thảo Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; và tiếp tục rà soát, xây dựng nội dung giải thích (Metadata) chi tiết cho từng chỉ tiêu theo hướng các khái niệm, phạm vi, phân tổ, phương pháp tính phù hợp với các quy định quản lý hiện hành. Sau khi hoàn thiện và xin ý kiến các bộ, ngành sẽ ban hành danh mục, hệ thống chỉ tiêu để xây dựng nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực NOE, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng và mang tính khả thi.

Về mở rộng hợp tác quốc tế về thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, trong năm 2021, với mục tiêu tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê khu vực NOE, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia Dự án “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức do UNODC, ESCAP và UNCTAD tài trợ.

Tổng kết kết quả triển khai thực hiện Đề án NOE năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, báo cáo đã tổng hợp các nhiệm vụ của các đơn vị chủ trì được giao nhiệm vụ; tổng hợp chính sách và các văn bản pháp lý quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Cụ thể, các bộ, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được phân công chủ trì rà soát, bổ sung các văn bản pháp lý về chỉ đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế nói chung và khu vực NOE nói riêng thuộc lĩnh vực trực tiếp quản lý.

Các bộ, ngành khác được phân công chủ trì triển khai nội dung công việc có liên quan đến công tác thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý khác về chỉ đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế… trên phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  

Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được kỳ vọng nhằm thu thập nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát để ước lượng đầy đủ phạm vi của nền kinh tế, từ đó phản ánh đúng nhất sự vận động và phát triển của toàn nền kinh tế; đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách điều hành sát thực nhất. Do vậy, để thực hiện thành công Đề án này, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị chủ trì thì rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các công việc của Đề án và tổng kết kết quả đạt được./.

ThS. Nghiêm Thị Vân
Thống kê viên chính Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top