Thúc đẩy doanh nghiệp Việt chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất

29/05/2020 - 08:43 AM
Từ lâu, chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất đã là một bài toán khó của các doanh nghiệp Việt. Thực tế, nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị bó hẹp với sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống. Khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến đời sống trong đó có nguồn cung nguyên phụ liệu cho nhiều hoạt động sản xuất trong nước, hơn lúc nào hết, cần phải quyết liệt hơn trong việc tái thiết toàn ngành, chủ động nguồn cung sản xuất.

Tự chủ nguyên phụ liệu - Bức tranh thiếu nét

Năm 2019, với trên 30 mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD, Việt Nam ghi dấu lần thứ 4 liên tiếp xuất siêu sau nhiều năm nhập siêu và tăng trưởng kinh tế lần thứ 2 liên tiếp đạt trên 7%. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là điểm sáng về động lực chủ chốt cho tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam và lần đầu tiên có xuất siêu, dù trị giá không lớn. Việc ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu đã thể hiện được giá trị gia tăng trong nước có sự cải thiện năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ từng bước được nâng cao giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về tự chủ nguyên phụ liệu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam chưa thực sự sắc nét do năng lực còn hạn chế. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu phải kể đến như: Công nghiệp điện tử, dệt may, da giày.

Hiện nay, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, trong đó, điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt trị giá 51,8 tỷ USD năm 2019, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỷ USD (số liệu của Tổng cục Thống kê). Đây là, ngành công nghiệp luôn giữ vững mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đồng thời đóng góp đáng kể trong việc đảo chiều nhập siêu thành xuất siêu của Việt Nam.

Cùng với việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu điện thoại, máy tính và linh kiện cũng tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng kép (CAGR) đạt gần 60% với điện thoại và linh kiện (giai đoạn 2010- 2017) và gần 30% với máy tính và linh kiện (giai đoạn 2011-2017) đã cho thấy, việc sản xuất của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo ước tính của Bộ Công thương, công nghiệp phụ trợ của ngành đang phụ thuộc đến 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nguyên nhân khiến nhập khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại tăng mạnh trong những năm gần đây, là do khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng mở rộng quy mô, tăng sản lượng sản xuất, tuy nhiên tại Việt Nam đa số các doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cung cấp các linh kiện này. Do đó, khi tỷ giá và giá nguyên liệu biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dệt may là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn của công nghiệp chế biến chế tạo với trị giá xuất khẩu đạt 32,57 tỷ USD năm 2019. Trong đó, sản xuất nguyên phụ liệu được coi là một trong 5 mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị của ngành dệt may. Giá trị của phần nguyên phụ liệu trong ngành dệt may gồm nguyên liệu chính và phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn và quyết định đến chất lượng cũng như trị giá của sản phẩm. Nguyên liệu chính tạo nên sản phẩm may mặc là các loại vải, sợi. Phụ liệu là các vật liệu đóng vai trò liên kết nguyên liệu, tạo thẩm mỹ cho một sản phẩm may mặc, gồm có hai loại phụ liệu chính là chỉ may và vật liệu dựng khóa kéo, cúc, dây thun…

 
Thúc đẩy doanh nghiệp Việt chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là ngành gia công (CMT, FOB cấp 1) nên giá trị xuất khẩu mặc dù rất lớn nhưng lợi nhuận thấp do biên lợi nhuận của mảng gia công thấp. Vấn đề lớn ngành đang gặp phải chính là mất cân bằng cung cầu trong chuỗi giá trị, khi Việt Nam xuất khẩu sợi nhưng lại phải nhập khẩu vải do mảng dệt nhuộm chưa phát triển khiến cho ngành không tự chủ được nguyên liệu. Yếu kém ở mảng dệt nhuộm khiến cho ngành chỉ tận dụng được khoảng 35% sợi sản xuất nội địa. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu đến 90% bông nguyên liệu, 100% nhu cầu xơ sợi tổng hợp, 50% nhu cầu sợi bông và 80% vải khổ rộng, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Năng lực tự chủ thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước và ngăn cản các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các quyền lợi trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), do vướng mắc về quy tắc xuất xứ.

Một trong những ngành công nghiệp quan trọng khác có mặt trong nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt đến 2 con số là ngành da giày cũng gặp phải các vấn đề tương tự về nguyên phụ liệu sản xuất. Năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày tăng 6,3%, trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, tăng 12,7%. Da giày Việt Nam hiện giữ vị trí xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới và là một trong những ngành đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Đđảm bảo được kim ngạch xuất khẩu, hàng năm các doanh nghiệp sản xuất vẫn phải nhập khẩu phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán… đặc biệt là da thuộc các loại từ Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan… Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu cho nhóm ngành dệt may, da giày đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2018. Theo Hiệp hội da - giày Việt Nam (Lefaso), ngành da giày dù đã đạt gần 60% tỷ lệ nội địa hóa, nhưng vẫn phải nâng thêm 10% nữa thì mới có thể tận dụng tối ưu được các ưu đãi của các FTAs. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày.

Số liệu về một số ngành sản xuất mũi nhọn của Việt Nam đã cho thấy bức tranh tổng quát của sản xuất, xuất khẩu Việt Nam với vấn đề vướng mắc lớn nhất là việc chủ động khâu nguyên phụ liệu sản xuất.

Chủ động sản xuất - Tham vọng về một “công xưởng của thế giới”

Đại dịch Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay đã giáng một cú đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu nói riêng và vào chuỗi giá trị cũng như chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung. Với việc lệ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam không tránh khỏi khó khăn thiếu hụt nguyên liệu và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí có một số doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản. Tham vọng sẽ thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” khi các doanh nghiệp chuyển dịch thị trường đầu tư, sản xuất do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong vài năm trở lại đây của Việt Nam đang gặp trở ngại khó lường nhiều. Hơn bất cứ khi nào, Việt Nam cần đánh giá lại tình hình và có những bước chủ động ứng phó. Giải pháp lâu dài đảm bảo sản xuất bền vững cho doanh nghiệp không chỉ là mở rộng và tìm kiếm những thị trường nhập khẩu nguyên liệu mới thay thế các thị trường truyền thống mà Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động phương án phát triển nguyên phụ liệu trong nước; có như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành sản xuất - xuất khẩu trong nước.

Những tháng đầu năm 2020, trong khi dịch bệnh COVID-19 khiến cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề thì ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt do lượng đơn hàng tăng thêm từ 5-10%, có những doanh nghiệp đơn hàng tăng lên đến 50%. Nguyên nhân là do vấn đề kiểm soát dịch bệnh tại nhiều quốc gia không được đảm bảo, đặc biệt là dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc khiến cho doanh nghiệp chuyển hướng đặt hàng sang phía các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã không chỉ tập trung sản xuất mà còn song song chú trọng cải thiện năng lực cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện nhằm cải thiện và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Điển hình như các doanh nghiệp sản xuất da giày đang có những tín hiệu đáng mừng khi từng bước tháo gỡ các rào cản xuất xứ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Theo Hiệp hội da - giày Việt Nam (Lefaso), mặc dù tỷ lệ nội địa hóa chung mới đạt gần 60%, tuy nhiên ở một số phân khúc dành cho dòng sản phẩm trung bình, ngành da giày hiện đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ (trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, hơn 80% các loại khuôn giày, 60% phụ liệu, 50% da các loại...) Các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu và hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các mặt hàng khá đa dạng như: Phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, da muối, da bán thành phẩm, giả da… Từ đó, da giày sẽ có nhiều cơ hội tiệm cận với các lợi ích từ FTAs do đáp ứng được các yêu cầu trong quy tắc xuất xứ.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất ô tô của Việt Nam cũng ghi dấu ấn với năng lực nội địa hóa khi Công ty ô tô Trường Hải (THACO) đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% ở dòng xe du lịch Kia Cerato, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regiona Value Content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% vào Myanmar theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA). Các linh kiện nội địa hóa được sản xuất tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn toàn cầu của THACO như: Thân vỏ, ghế, cản, dây điện, cửa, capo, cốp xe, ống xả, máy lạnh, AVN (thiết bị nghe nhìn và định vị trên xe)…

Qua đó có thể thấy, để duy trì các mục tiêu phát triển sản xuất, xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần có các giải pháp căn cơđẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và đặc biệt cần phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao năng lực tự chủ. Về dài hạn, Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý các vướng mắc đđẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp hỗ trợ lớn, đóng vai trò động lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn. Cần chủ động xây dựng nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất, song song với việc phối hợp các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đđánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đầu tư mạnh cho năng lực cung cấp nội địa, từ đó chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu./.

 
ThS. Nguyễn Thanh Hợp
Khoa Quản trị Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi
ThS. Nguyễn Thanh Hiền
Khoa Kinh tế trường Đại học Đồng Nai

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top