Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

26/10/2022 - 12:48 PM
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch Covid -19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi mạnh, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, câu chuyện“có tiền mà không tiêu được”vẫn kéo dài, chưa chuyển biến mạnh.
 
Năm 2022, tổng số vốn cần được giải ngân là rất lớn với 542 nghìn tỉ đồng, nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 và gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016. Để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 03 công điện, 07 văn bản; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Thế nhưng, những con số thống kê cho thấy tiến độ giải ngân tại các bộ, ngành và địa phương khá “ì ạch”.

Theo báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2022 của Bộ Tài chính, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/7/2022 là 177,8 nghìn tỷ đồng, đạt 29,74% kế hoạch và đạt 32,80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn những con số của cùng kỳ năm 2021 là đạt 30,61% kế hoạch và đạt 34,77% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó: Vốn trong nước là 173,3 nghìn tỷ đồng (đạt 30,77%, kế hoạch giao là 563,2 nghìn tỷ đồng). Vốn nước ngoài là 4,5 nghìn tỷ đồng (đạt 12,99%, kế hoạch giao là 34,8 nghìn tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/8/2022 là 212,2 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn cùng kỳ năm trước là đạt 35,74% kế hoạch và đạt 40,60% kế hoạch). Trong đó, vốn trong nước là 207,3 nghìn tỷ đồng (đạt 36,82% kế hoạch và đạt 40,87% kế hoạch). Vốn nước ngoài là 4,9 nghìn tỷ đồng, đạt 14,02% kế hoạch.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%). Có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Các địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn 8 tháng ước đạt dưới 35% gồm: TP HCM (17,1%), Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Đắk Lắk (23,3%), Gia Lai (24,4%), Cần Thơ (26%), Hà Nội (29%), Điện Biên (29,4%)… Điều này cho thấy cách làm của lãnh đạo các địa phương chưa thực sự hiệu quả, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án chưa được thể hiện rõ. Với tiến độ như hiện nay thì khó về đích.

Một số bộ, cơ quan trung ương trong 8 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt dưới 10% là: Bộ Y tế đạt 4,17%, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%, Thanh tra Chính phủ 6,79%... Các cơ quan có con số giải ngân chỉ dưới 15% kế hoạch như: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội…
 
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Nhiều dự án đầu tư công chậm giải ngân theo tiến độ

Tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cho thấy, những tồn tại, khó khăn vướng mắc về đầu tư công thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được phân thành 03 nhóm chính. Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách (trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu và đầu tư công). Nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, trong đó khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án, mà trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư... Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, ví dụ như giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh, dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt. Do đó, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai.

Với tổng số vốn cần được giải ngân lớn là trên 540 nghìn tỉ đồng và với tiến độ giải ngân hiện nay thì rõ ràng việc giải ngân vốn đầu tư công đang ở giai đoạn nước rút. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 diễn ra vào đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu; tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, sửa đổi trong trường hợp cần thiết. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương; các bộ ngành, địa phương tự điều chỉnh vốn trong nội bộ để tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới.

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 727/TTg-KTTH phân công Tổ công tác kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao 06 Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Thời gian thực hiện kiểm tra, đôn đốc là đến hết 31/8/2022.

Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nội dung trọng điểm tại Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 29/8/2022 vừa qua. Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tiếp tục rà soát từ nay đến cuối năm, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu và bảo đảm khả năng giải ngân vốn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định để có thể tiếp tục triển khai vốn điều hòa, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bao gồm cả việc bố trí vốn điều hòa của kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 29/2021/QH15. Trong đó, sẽ điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 là hơn 3,3 nghìn tỷ đồng để bổ sung dự toán cho các nhiệm vụ, dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định. Bổ sung trên 14,8 nghìn tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 253 nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bổ sung 18,6 nghìn tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung 4,7 nghìn tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 01 dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 15/9/2022 mới đây, Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 đã chính thức được ban hành. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 02 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành và các địa phương.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt tiến độ theo kế hoạch giao, giúp thúc đẩy tăng trưởng và thể hiện được vai trò như dòng vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế./.
 
ThS. Trần Thị Đào
Đại học Công đoàn
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top