Thương mại điện tử - Con đường để nông sản vượt qua đại dịch

28/12/2021 - 10:17 AM
Hành trình đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử chính thức được khởi động vào năm 2019 khi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post - Sàn thương mại điện tử Voso) và Sàn thương mại điện tử Sendo để xây dựng“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, nhằm hỗ trợ, phát triển sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên các sàn thương mại điện tử cũng như đẩy mạnh hơn việc triển khai Cuộc vận động“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ qua một thời gian ngắn triển khai hoạt động kết nối thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TPHCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng,... đến nay“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” đã có độ phủ khá rộng tại nhiều địa phương khác trên cả nước, với sự tham gia ngày một nhiều sàn thương mại điện tử uy tín như Tiki, Postmart, Shopee và Lazada với các hình thức triển khai khác nhau. Thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, nhiều chương trình đã được tổ chức như “Ngày Đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre”, “Phiên chợ nông sản Việt”, “Tuần lễ nông sản Việt”…, đã đưa hàng trăm tấn nông sản thực phẩm đến với người tiêu dùng.
 
Thương mại điện tử - Con đường để nông sản vượt qua đại dịch
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong hơn 1 năm qua với sự hành hoành của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam, đã khiến cho nhiều sản phẩm nông sản rơi vào tình trạng ùn ứ, tồn đọng do khó khăn trong tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Số liệu báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 được tổ chức ngày 6/8 vừa qua đã phản ánh, tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc có sản lượng nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi đã lên tới gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn các loại trái (thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, dứa, xoài, bưởi, cà phê, ca cao), 120 ngàn tấn hải sản, 600 ngàn tấn thịt gà, khoảng 400 triệu quả trứng… với trị giá hàng hóa ước tính lên tới chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được tiêu thụ và hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho biết, hàng tồn kho nông sản hiện rất lớn, trong đó phần lớn nằm ở 17.000 hợp tác xã và trên 100 nghìn tổ hợp tác của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
Trong tình hình đó, việc đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử đã và đang là giải pháp hiệu quả, giúp ngành nông nghiệp và người dân tiêu thụ nông sản và vững vàng vượt qua đại dịch.
 
Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐTKTS) đã tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến” Quốc gia, đưa chương trình này trở thành một “Siêu thị hàng Việt uy tín” để các nông sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng trên cả nước. Đơn cử, vào tháng 5/2021, Cục TMĐT&KTS đã phối hợp sàn TMĐT Voso.vn (Vỏ sò), Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu thông qua sàn TMĐT và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”; Cục XTTM tiếp tục hợp tác cùng các sở, ngành địa phương đưa vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn TMĐT Lazada… Bên cạnh đó, Cục TMĐTKTS đã và đang kết nối cùng các Bộ, ngành liên quan và các sàn thương mại điện tử hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn phân phối sản phẩm nông sản địa phương ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, để thích ứng với tình hình giãn cách xã hội, Cục đã nhanh chóng phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình đặt hàng nông sản, hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, tạo điều kiện mua sắm cho người dân trên các kênh trực tuyến với hàng loạt các chương trình: “Đi chợ tại nhà”, trên sàn thương mại điện tử Sendo; “Thực phẩm bình ổn” của ShopeeFarm; “Đi chợ Online” trên Lazada…
 
Thương mại điện tử - Con đường để nông sản vượt qua đại dịch
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên của Cục TMĐTKTS, để tạo bước đột phá trong kinh tế số nông nghiệp, trong tháng 7/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT, phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ hộ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản. Cùng với sự đồng hành của Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel, đến nay một số địa phương đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu trong triển khai Kế hoạch 1034. Đơn cử như tại tỉnh Lạng Sơn, nhiều hộ gia đình đã tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng số. Tính đến ngày 10/8 Lạng Sơn đã tạo được 4.445 gian hàng, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, số đơn hàng 2.759 đơn, 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu gần 519 triệu đồng. Những kết quả này là nền tảng để đạt được mục tiêu mà Bộ TTTT đề ra là cố gắng hết năm 2021, đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
 
Trước yêu cầu lớn kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vào cuối tháng 8 mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cho ra mắt diễn đàn“Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Theo đó, diễn đàn sẽ thường xuyên tổ chức các“Chợ online kết nối nông sản”, xây dựng triển lãm nông sản ảo để tạo một không gian gian hàng 3D, 4D giúp giới thiệu hình ảnh các sản phẩm đến với người tiêu dùng. Trong kế hoạch dài hạn, diễn đàn sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản; hoàn thiện hệ thống truyền thông đa phương tiện về cung - cầu nông sản; tổ chức định kỳ các diễn đàn thông tin kết nối; tập hợp thông tin dữ liệu khách hàng cung-cầu; hoàn thiện vận hành chợ online; hoàn thiện, vận hành triển lãm ảo. Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tham gia vào các sàn TMĐT rõ ràng không chỉ khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn đã chứng minh đây là một trong những phương thức hỗ trợ hiệu quả cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm các thiệt hại về kinh tế; cũng như tạo thêm một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho sản phẩm nông sản tiềm năng của các địa phương; tạo nên một không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời mang lại cơ hội để đưa sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng trong phạm vi trong nước cũng như vươn tầm ra quốc tế và giúp cho người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn, hướng đến phát triển mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, giữ an toàn sức khỏe toàn dân, vừa phục hồi và duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
 
Sự góp mặt của các mặt hàng nông sản trên sàn TMĐT còn giúp người nông dân, HTX, DN nông nghiệp tăng cường sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản. Ở một góc nhìn khác, thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân… để xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả.
 
Mặc dù thời gian qua việc đưa nông sản lên sàn TMĐT được các bộ, ngành quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích của của nhiều doanh nghiệp, người dân, thế nhưng hiện sản lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến đầu tháng 8 vừa qua cả nước mới chỉ có khoảng 8.000 hộ nông dân và 14,6 nghìn sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Nếu so với mức tiêu thụ trực tiếp và mô hình kinh doanh truyền thống thì vẫn cần bước tiến mạnh mẽ hơn.
 
Các chuyên gia đánh giá trên thực tế việc đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT không hề đơn giản, do nhận thức của các DN, HTX và người nông dân đối với phương thức kinh doanh qua TMĐT còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có quá nhiều chủng loại, chất lượng không đồng đều cũng như chưa có sự minh bạch thông tin nguồn gốc hàng hóa. Quan trọng nhất các doanh nghiệp và người nông dân còn hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình và kỹ năng bán hàng, cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp... do phần lớn số họ có thói quen buôn bán qua thương lái.
 
Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn TMĐT là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi số ngành nông nghiệp nước ta. Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các địa phương đánh giá sản lượng, nắm diễn biến thị trường để đưa ra kế hoạch tiêu thụ, tổ chức XTTM theo hình thức trực tuyến, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
 
Để đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT thì trước hết cần thiết từng bước tháo gỡ các nút thắt trên và cần sự nỗ lực rất lớn các bộ ngành, các doanh nghiệp và của người nông dân. Các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách ưu đãi cho hộ SXNN khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, từng địa phương cũng cần lên kế hạch xây dựng sàn thương mại điện tử để phục vụ cho xuất khẩu. Môi trường thanh toán cho người nông dân cũng là một vấn đề đáng được quan tâm do tại một số tỉnh có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh thấp, việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn.
 
Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp là lực lượng chính để triển khai kinh tế số nông nghiệp, cần nâng cao nhận thức về lợi ích trong việc bán hàng và mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số.
 
Thực hiện tốt các giải pháp trên thì việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT sẽ giúp người nông dân vững vàng vượt qua đại dịch, ngành nông nghiệp nhanh chóng hồi phục sản xuất, tiêu thụ hàng hóa hậu Covid-19 và hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia./.
 
TS. Trần Thị Minh Trâm
Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top