Thương mại hàng hóa Việt Nam - ASEM

24/12/2019 - 04:04 PM
Với vai trò là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn kinh tế Á - ÂU (The Asia - Eu- rope Meeting - ASEM), Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của tổ chức hợp tác liên khu vực này. Trong hơn 2 thập kỷ hoạt động tích cực, cùng những nỗ lực trong phát triển kinh tế, Việt Nam đã được cộng đồng các nước ASEM và thế giới đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và nhiều triển vọng. Qua đó, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEM ngày càng đạt được tăng trưởng qua các năm.
 
Thành tựu hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEM

Ngay từ khi mới thành lập, ASEM đã thể hiện vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Thị trường ASEM cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và gia tăng khối lượng thương mại với các đối tác thành viên. Sau gần chục năm thành lập, tính đến năm 2004, Việt Nam đã thu hút được 27,03 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư từ các thành viên ASEM cho 2.750 dự án, chiếm 53% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời điểm đó. Mặt khác, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) từ các thành viên ASEM, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, trong đó Nhật Bản chiếm khoảng 40% ODA từ các nước có cam kết viện trợ cho các nước thành viên còn kém phát triển. Đến nay, số vốn FDI từ các thành viên ASEM đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên nhiều lần, dẫn đầu là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Lũy kế đến 20/12/2018, riêng Hàn Quốc là nước có vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất trong ASEM với 62,5 tỷ USD cho 7.459 dự án, gấp gần 3 lần về trị giá và 2,7 lần số dự án đầu tư của toàn bộ thành viên ASEM vào Việt Nam năm 2004. Đại đa số các thành viên ASEM đều là đối tác kinh tế, đối tác chiến lược, toàn diện có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, chiếm khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và khoảng 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. Trong số 16 Hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán, có tới 14 FTA Việt Nam hợp tác với các đối tác ASEM.

 
Thương mại hàng hóa Việt Nam - ASEM

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong vai trò chủ nhà, Hội nghị ASEM 5 do Việt Nam tổ chức năm 2004, với “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” đã đem lại hiệu quả cao trong định hướng hợp tác kinh tế ASEM. Qua đó thúc đẩy quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt, góp phần tạo nên sự đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu. Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam đã đi đến thỏa thuận với EU về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đây là quyết định chiến lược ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện nền kinh tế Việt Nam sau này. Thêm vào đó, ngay trước thềm Hội nghị ASEM 12 tháng 10/2018, Việt Nam đã đạt được quyết định của Ủy ban châu Âu nhất trí trình Hội đồng châu Âu xem xét việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Kết quả là tháng 6/2019 vừa qua, Việt Nam đã chính thức cùng EU ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với thương mại Việt Nam - EU, đồng thời mở cánh cửa rộng lớn cho Việt Nam bước chân vào thị trường EU, với những lợi ích chưa từng có cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động hai bên.

Ngoài ra, việc triển khai các sáng kiến, các hoạt động hợp tác ASEM đã giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ thiết thực của các thành viên, nâng cao năng lực giải quyết những vấn đề gắn với nhu 
cầu, lợi ích cũng như sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp. Điển hình là Việt Nam đã tranh thủ sự hỗ trợ từ EU cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong với cam kết tài trợ 1,7 tỷ Euro cho các chương trình Mekong giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân còn có cơ hội hình thành tư duy, năng lực và văn hóa hội nhập, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế của các vùng miền đất nước đến với bạn bè Á - Âu.
 
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa

Trong khoảng thời gian 23 năm tham gia ASEM, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất và đã có những đóng góp hiệu quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Nhờ sự nỗ lực trong quá trình hoạt động, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các thành viên ASEM ngày càng phát triển. Giai đoạn 1996-2016, sau 20 năm hoạt động, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nếu như năm 1996, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt gần 18,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 7,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 11,1 tỷ USD thì đến năm 2016, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã lên đến 351,5 tỷ USD (gấp 19 lần năm 1996), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 174,1 tỷ USD. Trong khi đó, trị giá thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEM năm 2016 đã đạt gần 237,6 tỷ USD, chiếm 67,73% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tính riêng trị giá kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên ASEM đã đạt gần 102,3 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các quốc gia ASEM cũng là những đối tác cung cấp tới 135,2 tỷ USD hàng hóa, chiếm 77,4% tổng trị giá lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Kể từ năm 2016 đến nay, giá trị thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEM không ngừng tăng lên qua các năm. Tính đến hết năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 480,88 tỷ USD, trong đó, tính riêng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam và các thành viên ASEM đã vượt ngưỡng 300 tỷ USD, đạt 333,71 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2017 và chiếm 69,39 tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường thành viên ASEM đạt 151,71 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam có xuất xứ từ thành viên ASEM đạt gần 182 tỷ USD, tăng 9%. Hết quý III/2019, tổng trị giá thương mại hàng hóa giữa hai bên đã đạt 256,16 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018 và gần bằng 76,8% tổng trị giá thương mại của năm 2018.

Tuy nhiên, các số liệu trên cũng cho thấy, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong thương mại hàng hóa với các nước thành viên ASEM. Giai đoạn 2016-2018, độ thâm hụt luôn ở mức từ 30 đến trên 36 tỷ USD/năm, với tỷ lệ nhập siêu trên 20%, trong đó Trung Quốc thường xuyên là đối tác Việt Nam nhập siêu nhiều nhất, tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan… Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh khiến cho Hàn Quốc trở thành quốc gia có trị giá nhập siêu vào Việt Nam cao nhất với 29,3 tỷ USD, vượt qua cả Trung Quốc (24,2 tỷ USD); Thái Lan với 6,7 tỷ USD; Malaysia với gần 3,4 tỷ USD. Trong khi đó, Hà Lan là thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất, đạt gần 6,3 tỷ USD năm 2018; tiếp theo là Anh với 4,8 tỷ USD; Áo với gần 3,8 tỷ USD…
Cán cân thương mại của Việt Nam và khối ASEM từ trước đến nay luôn ở tình trạng nhập siêu với giá trị lớn. giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nguyên nhân đến từ năng lực, trình độ sản xuất công 
nghiệp của Việt Nam còn thấp, cần nhập khẩu thiết bị để tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải quyết sự thiếu hụt phụ tùng, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nói riêng và tiến trình công nghiệp hóa nói chung. Nhóm hàng nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cũng chính là những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Với những mặt hàng chế biến phân theo nguyên liệu, Việt Nam thường xuất siêu các mặt hàng thô và sơ chế với trị giá thấp và nhập các mặt hàng chế biến sâu với trị giá cao khiến thâm dụng lao động trong khi giá trị gia tăng thấp. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ đối tác lớn nhất trong ASEM là Trung Quốc. Sự phụ thuộc này lớn đến mức khi Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì mức độ phụ thuộc lại càng tăng lên do phải tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất.
 
Theo Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công thương, từ năm 2016, xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực châu Á, tăng dần nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Tuy nhiên, đđiều chỉnh cán cân thương mại, tăng cường trị giá xuất khẩu và giảm dần thâm hụt do nhập siêu với các thành viên ASEM, Việt Nam cần có sự chuyển dịch sản xuất từ những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và cao, đồng thời điều chỉnh cơ cấu hàng nhập khẩu, hàng hóa trung gian nhập khẩu cần chuyển đổi mạnh mẽ thành năng lực sản xuất tăng thêm cho xuất khẩu và nền kinh tế. Ngoài ra, với hai Hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP đã ký và có hiệu lực trong năm 2019, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để gia tăng trị giá xuất khẩu vào những thị trường lớn thuộc khối ASEM như EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore… Trong đó, Euro Cham - Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, có tới 85% thành viên EuroCham dự đoán EVFTA sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn và giúp Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh. Vì vậy, để tận dụng được những lợi thế, nắm chắc thời cơ, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực sản suất, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ. Có như vậy, Việt Nam sẽ trở thành cánh cổng giao thương của ASEM, kết nối cho các doanh nghiệp châu Âu với khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.

Nhìn chung, trong suốt quá trình tham gia ASEM, Việt Nam đã cùng các nước châu Á khẳng định, hợp tác kinh tế là cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Vì vậy, ASEM cần cân nhắc đến trình độ phát triển khác nhau giữa các thành viên, quan tâm thích đáng đến sự phát triển của mỗi nước, hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển giao công nghệ, giải quyết chênh lệch kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo để giúp những nước này trở thành đối tác lâu dài, ổn định, thúc đẩy hợp tác ASEM thực sự trở thành quan hệ đối tác cùng có lợi./.


 
ASEM được thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN từ năm 1996. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nýớc thành viên ASEM, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN về 3 trụ cột chính: Đối thoại chính trị, Hợp tác kinh tế - tài chính, các Hợp tác khác. Sau 23 năm kể từ khi thành lập, ASEM đã phát triển và khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại và hợp tác quan trọng, phát huy vai trò cầu nối có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu. Với 53 thành viên, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), 4 quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), ASEM đại diện cho 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP và gần 60% thương mại toàn cầu, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế vì hòa bình và phát triển .
 

Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top