Thương mại và dịch vụ TP. Đà Nẵng có nhiều tín hiệu tích cực

12/10/2022 - 10:24 AM

 

Với chủ đề năm 2022: “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, ngay từ đầu năm, các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2022, tập trung triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đặc biệt, thành phố quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành như: Dịch vụ du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xây dựng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Kết quả trong thời gian qua, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có nhiều tín hiệu tích cực
khi hàng loạt các chỉ số liên quan đều đạt tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính giúp kinh tế thành phố vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

 Thương mại và dịch vụ TP. Đà Nẵng có nhiều tín hiệu tích cực

Thương mại và dịch vụ TP. Đà Nẵng có nhiều tín hiệu tích cực

(Nguồn: Internet)

 Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng đạt 48.943 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng ở tất cả các nhóm hàng. Trong đó nhóm hàng tăng cao hơn mức tăng chung bao gồm: Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+62,1%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+53,6%); hàng may mặc (+40,7%); xăng, dầu các loại (+36,1%); nhiên liệu khác (+37,2%); gỗ và vật liệu xây dựng (+30,2%); ô tô các loại (+22,6%). Nguyên nhân chính làm cho hầu hết các nhóm hàng đều đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ là do thời điểm này năm trước thành phố Đà Nẵng vừa mới nới lỏng giãn cách sau khi phong tỏa cứng bởi đại dịch Covid-19, nguồn cung còn hạn chế cũng như nhu cầu mua sắm của người dân còn thấp vì thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh xảy ra. Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của giá cả của một số hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động bán buôn hàng hóa cũng tăng trưởng tích cực trong 9 tháng, ước đạt 113.364 tỷ đồng, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các nhóm hàng tăng mạnh như nhiên liệu khác trừ xăng dầu tăng 89,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô tăng 43,7%; hàng may mặc tăng 42,7%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 41,4%...

Với quyết tâm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021, tạo động lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu; cùng với những thuận lợi đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu thuận lợi, tạo đà tăng trưởng khá tốt. Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 2.743,3 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.629,3 triệu USD, tăng 27,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 1.114 triệu USD, tăng 14,1%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục theo hướng xuất siêu với mức 515,3 triệu USD trong vòng 9 tháng năm 2022, tăng 69,9% so với thời điểm cùng kỳ, đây là một dấu hiệu khá lạc quan trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn.

Khôi phục lại hoạt động du lịch

Với mục tiêu phục hồi các hoạt động du lịch, thu hút khách trở lại, TP. Đà Nẵng ngoài việc đảm bảo an ninh, an toàn cho điểm đến đã ban hành kế hoạch xúc tiến quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thành phố trong năm 2022. Theo đó, Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật nhằm khôi phục và phát triển ngành vốn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương. Điển hình một số hoạt động như: Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022 (từ ngày 28/8 đến 2/9/2022); lễ hội Âm nhạc và kết nối cộng đồng BridegeFest 2022; giải đua thuyền Sailing vô địch trẻ quốc gia và giải Sup các câu lạc bộ toàn quốc năm 2022 (từ ngày 2/9 đến ngày 4/9/2022), lễ hội Việt Nam - Hàn quốc năm 2022 (từ ngày 1/9 đến 4/9/2022); hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản...

Kết quả 9 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 13.644 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 4.356,7 tỷ đồng, tăng 181,2%; lĩnh vực ăn uống đạt 9.287 tỷ đồng, tăng 45,2%. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.771 nghìn lượt, tăng 160,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế 301 nghìn lượt, cao gấp 3,3 lần so với thời điểm cùng kỳ; khách trong nước dự kiến đạt 2.470 nghìn lượt, tăng 154,6% so với cùng kỳ. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 9 tháng là 2,36 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,14 ngày/lượt; khách trong nước là 2,39 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2021: 2,43 ngày/lượt đối với khách chung; 2,49 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,42 ngày/lượt đối với khách trong nước).

Hoạt động lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ấn tượng kể từ cuối quý I năm 2022. Cộng dồn 9 tháng năm 2022, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 1.529,8 tỷ đồng, cao gấp 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 9 tháng ước đạt 399,5 nghìn lượt, tăng 332,0%, trong đó khách quốc tế đạt 39 nghìn lượt, cao gấp 30 lần; khách trong nước đạt 340 nghìn lượt, tăng 273,0%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 20,3 nghìn lượt (cùng kỳ không có khách đi du lịch nước ngoài).

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, nhìn chung, kết quả hoạt động của ngành du lịch TP trong 9 tháng năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn nhất mà hiện nay hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch (tập trung chủ yếu ngành lưu trú) đang gặp phải, đặc biệt đối với các khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên, chính là thiếu nguồn nhân lực có trình độ về nghiệp vụ du lịch, thông thạo ngoại ngữ. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do sau đại dịch Covid-19, phần lớn nhân lực có trình độ chuyển hướng tìm kiếm các công việc có tính ổn định, lâu dài để đảm bảo cuộc sống.

Để ngày càng thu hút đông đảo lượng khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ đơn vị du lịch trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp cùng các đơn vị đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ làm việc lâu dài tại đơn vị./.

M.T

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top