Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt sóng lớn covid-19

08/04/2020 - 11:57 AM
Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) diễn biến ngày một phức tạp, khó lường đang tạo ra “cú sốc” đối với nền kinh tế Việt Nam và tác động đến nhiều đối tượng, trong đó khu vực doanh nghiệp bị tổn thương rõ nét và nặng nề nhất. Thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã và đang nhanh chóng đưa ra hàng loạt các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp cộng đồng doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng lớn.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang phải chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 của Việt Nam ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020. Dịch bệnh COVID-19 đồng thời khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do khu vực này hạn chế về nhiều mặt như: Nguồn vốn, nhân lực, công tác thị trường.
 
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước, song tổng số vốn đăng ký chỉ là 351,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,4%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có trên 4.300 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020  do Tổng cục Thống kê thực hiện còn cho thấy, so sánh quý I/2020 với quý IV/2019, có 42% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hơn; 39,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm; 38,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 37,5% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp.
 
Đầu tháng 4/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, tính đến cuối tháng 3/2020, có khoảng 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, 34% doanh nghiệp phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Đồng thời, 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, 34,7% doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
 
Theo Tổng cục Thống kê, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý II/2020 so với quý I/2020, 25,9% số doanh nghiệp cho rằng tiếp tục khó khăn hơn, 22,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm; 22,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 23,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh có diễn biến khó lường như hiện nay tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới thì những con số trên được cho khả quan so với tình hình thực tế khi đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến từng ngành, lĩnh vực.
 
Ngành hàng không, du lịch, dịch vụ được đánh giá là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề hơn cả. Tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%. Lượng khách đến từ châu Á trong quý I/2020 chỉ đạt 2.674,4 nghìn lượt người, chiếm tới 72,5% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh như: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 819,1 nghìn lượt người, giảm 26,1%; Nhật Bản 200,3 nghìn lượt người, giảm 14,1%; Đài Loan 192,2 nghìn lượt người, giảm 7,2%; Ma-lai-xi-a 116,2 nghìn lượt người, giảm 19,1%.

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt sóng lớn covid-19

 
Tại một cuộc họp vào cuối tháng 2/2020, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngoài việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, các hãng hàng không đã cắt giảm 47% số chuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc, cắt giảm 69% số chuyến bay với Đài Loan, giảm 25% chuyến bay với Hồng Kông. Do vậy, sản lượng vận chuyển khách đã giảm nghiêm trọng từ trung bình 26.000 khách/ngày còn khoảng 8.000 - 12.000 khách/ngày. Với diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 được cho là sẽ tác động, ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỉ đồng. Riêng Vietnam Airlines (doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối) dự kiến năm 2020 lượng khách giảm 2,85 triệu, doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng. Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người dân, ngày 25/3/2020, Chính phủ đã thực hiện biện pháp mạnh là tạm dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế di chuyển giữa các địa phương trong cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh thực tế dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát mạnh, thì việc ngành hàng không gần như tê liệt là điều không thể tránh khỏi.
 
“Bóng ma” dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của cả nước sụt giảm mạnh về doanh thu do hàng loạt cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn đóng cửa, tạm dừng hoạt động bởi lượng khách du lịch giảm và người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài theo khuyến cáo của Chính phủ. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%). Bên cạnh đó, doanh thu du lịch lữ hành quý I cũng giảm mạnh, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng). Cho đến nay, nhờ vào những hành động kịp thời của Chính phủ, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, kể cả khi dịch bệnh trong nước được khống chế thì các ngành trên cũng không dễ dàng để phục hồi nhanh chóng, do không chỉ phụ thuộc vào khách du lịch nội địa mà còn chịu ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm của khách quốc tế.
 
Đối với các ngành sản xuất, các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với 2 lực cản lớn là vấn đề nguyên phụ liệu và thị trường đầu ra. Tính tới cuối tháng 3 năm nay, nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da dày, điện tử… đã phải cắt giảm nhân sự, chuyển sang phương án sản xuất cầm chừng để cầm cự do nguồn nguyên phụ liệu dự trữ đang dần cạn kiệt, khi mà các thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng đang phải chống chọi với dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm do đơn hàng xuất khẩu cắt giảm, trong khi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mức tiêu thụ trong nước cũng sụt giảm mạnh. Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng quý I/2019 là 4,7% (số liệu Tổng cục Thống kê). Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho biết, nhiều ngành xuất khẩu dệt may, giày dép, thủy hải sản, đồ gỗ... đang gặp khó trong việc xuất khẩu. Điển hình là nhiều doanh nghiệp Mỹ, EU (nơi đang có dịch COVID-19 bùng phát chóng mặt) đã thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Đến thời điểm giữa tháng 3/2020, nhiều các doanh nghiệp đã bị sụt giảm 35 - 50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu trong khi đơn hàng mới chưa được ký lại dẫn đến hàng tồn kho lớn. Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 còn khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nước đối mặt với sự gia tăng các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu.
 
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trên, đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chi thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, chỉ đạo các bộ, ngành cùng chung tay giúp sức cho doanh nghiệp. Thực hiện Chỉ thị trên, chỉ vài ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có hiệu lực ngay từ ngày ký là 13/3/2020. Theo đó bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; tiêp tục xem xét giảm lãi trên 34.000 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng. Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 4 quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, qua đó giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã cùng nhau chung tay đưa ra gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn gặp khó bởi dịch bệnh.
 
 
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo dự thảo Nghị định mới nhất vào ngày 3/4/2020, Bộ đề xuất gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuế đất lên tới 180.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức.
 
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, giữa tháng 3/2020, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra; tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
 
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị đánh giá và xây dựng kế hoạch ứng phó với các diễn biến mới của thị trường là bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ và một số thị trường khu vực châu Á; nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường xuất khẩu mới, triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm các đối tác, nhất là các thị trường chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, để mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh đang dần khả quan hơn.
 
Có thể nói dịch bệnh COVID-19 là một phép thử đối với doanh nghiệp trong nước và để minh chứng quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, thể hiện qua hàng loạt các hành động của các bộ, ngành. Hy vọng rằng với hàng loạt các chính sách tháo gỡ trên, các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi và đón đầu những cơ hội mới khi dịch bệnh qua đi./.
 
Bích Ngọc
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top