Tiếp sức doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi trong khó khăn vì dịch Covid -19

08/10/2021 - 02:35 PM

Cả năm 2020, các doanh nghiệp phải gồng mình chống chịu tác động của dịch Covid-19 nhýng đến khi dịch bùng phát lần thứ 4 trong năm 2021 thì sức chống chọi của doanh nghiệp đã yếu đi, một số doanh nghiệp không thể trụ ðýợc, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Vì vậy, để tiếp sức doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hýớng hỗ trợ phục hồi và phát triển.

Doanh nghiệp vượt khó trong dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn bùng phát dịch, ngành bán lẻ với việc chuyển đổi cách thức kinh doanh và ứng dụng công nghệ số kịp thời đã đáp ứng xu hướng trong mua sắm và tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng. Thông qua các kênh trực tuyến và trực tiếp, doanh nghiệp bán lẻ có thể tương tác với người mua mọi lúc, mọi nơi, do đó hành trình mua sắm không bị gián đoạn còn ngành bán lẻ nhờ đó đã trụ qua đại dịch và đang phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

 Tiếp sức doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi trong khó khăn vì dịch Covid -19

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực tài chính, để trụ qua đại dịch và phục hồi phát triển thì xu hướng thu hẹp các lĩnh vực không hiệu quả dồn nguồn lực đầu tư cho các mảng có lợi thế cạnh tranh và đang có nhiều tiềm năng sinh lợi là một trong những hướng đi được các doanh nghiệp, tập đoàn này lựa chọn. Cụ thể như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sau khi chuyển nhượng 4 công ty thành viên cho Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải, HAGL đã quyết định đầu tư mạnh vào mảng kinh doanh mới đó là lĩnh vực chăn nuôi. Kết quả, sau 3 tháng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo đã mang về cho HAGL doanh thu hơn 121 tỷ đồng, chiếm 13% tổng doanh thu cả tập đoàn. Kết quả kinh doanh này còn vượt cả mảng kinh doanh chính của HAGL là chế biến mủ cao su. Một doanh nghiệp khác cũng gặt hái được thành công khi lấn sân đầu tư vào lĩnh vực mới đó là Tập đoàn Nova.

Mặc dù có thương hiệu bất động sản Novaland nổi tiếng, song trước tác động của dịch Covid-19, Tập đoàn Nova quyết định mở rộng kinh doanh, tham gia đầu tư vào lĩnh vực mới là phát triển thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng để hiện thực hóa mô hình 3F - chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực mới như: Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tham gia vào mảng kinh doanh ngành bán lẻ, Công ty cổ phần Tập Đoàn Kido (Kido Group) bước chân vào kinh doanh chuỗi thực phẩm và đồ uống (F&B), Tập đoàn Masan bán trà và cà phê…

Tuy nhiên bên cạnh những ngành hàng, doanh nghiệp chuyển đổi thành công để trụ qua đại dịch, vẫn có doanh nghiệp đang gặp khó khi phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Đơn cử là các doanh nghiệp du lịch, khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên. Sau cả năm 2020 lao đao vì dịch Covid-19, chưa thể hồi phục thì dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã làm các doanh nghiệp du lịch càng thêm khó khăn. Hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa bị ngưng trệ, dẫn đến những khó khăn trong thanh toán các khoản nợ, một số doanh nghiệp đã phá sản hoặc có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay. Theo các chuyên gia, khó khăn của các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ còn kéo dài khi hiện nay chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại.

Cùng với ngành du lịch, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng đang phải cố gắng cầm cự khi thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp vẫn chưa kịp hồi phục vì thua lỗ từ những đợt dịch trước, thì khi đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát doanh nghiệp đã buộc phải tạm dừng hoạt động khoảng 80% số phương tiện. Trong các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%. Trong khi đó, Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) có 100 xe cũng cho biết có thời điểm, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách và chỉ chạy hai, ba xe để duy trì tuyến. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết, nguồn doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút hoặc không có nhưng hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản phí lớn như: Tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí bến bãi, lương cho nhân viên... Theo các doanh nghiệp nếu nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, hoạt động vận tài còn khó khăn hơn nữa. Hiện, để duy trì hoạt động các doanh nghiệp chỉ có thể cắt giảm đến mức thấp nhất chi phí để cố gắng cầm cự.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Song cũng ghi nhận 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với thời kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ ngày làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy: Có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý I/2021; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Tiếp sức doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi trong khó khăn vì dịch Covid -19

Chống dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương. Nhờ vậy, đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp. Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là lần thứ 3 Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và có cơ hội phát triển. Nghị định 52 của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh. Theo đó, thay vì dòng tiền doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước thì trước mắt doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh để duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay. Cùng với các chính sách hỗ trợ, Chính phủ cũng nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối lớn, theo sát diễn biến biến động giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu, có chính sách hỗ trợ bình ổn giá, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đảm bảo cán cân thương mại hài hòa, bền vững, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến, đến cuối năm sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được hưởng lợi từ chương trình này, tương đương 500.000 khách hàng vay vốn.

Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính. Trong đó, ưu tiên cải cách về thuế, hải quan góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, dự báo diễn biến của dịch Covid-19 trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 trước khi trình chính phủ đã xây dựng dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như: Hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải. Đối với việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng…

Đến nay các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã và đang đem lại hiệu quả tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covdi-19 còn diễn biến phức tạp./.

Hùng Ngân

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top