Tiếp tục giữ lửa và nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

15/10/2021 - 10:08 AM
Thời gian qua, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp bùng phát trên đàn vật nuôi, song phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn tiếp tục được “giữ lửa”. Bên cạnh việc triển khai hỗ trợ các xã khó khăn đạt chuẩn NTM thì phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cũng được đẩy mạnh ở khắp các địa phương, qua đó tạo những chuyển biến tích cực, góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn. Đặc biệt, mới đây tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đây là điểm nhấn quan trọng thể hiện quyết tâm cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống Chính trị và nhân dân trong việc duy trì, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
 
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 cho thấy, tính đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, cả nước đã có 194 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM, chiếm 29% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Ngoài ra, 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Tuy vậy, Báo cáo kết quả triển khai chương trình xây dựng NTM thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, khó khăn. Theo đó, kết quả xây dựng NTM giữa một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như: Đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ 96,65%, Đông Nam Bộ 79,53%, trong khi đó khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 37,02%, Tây Nguyên 49,83%. Hiện vẫn còn 6 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30% và 39 huyện nghèo, thuộc 18 tỉnh vẫn còn “trắng xã NTM”. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn…

Đặc biệt, nhiều địa phương còn lúng túng trong cân đối nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Chương trình, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

 
Tiếp tục giữ lửa và nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Ảnh minh họa

 
Ngoài ra, do diễn biến của đại dịch Covid-19 khá phức tạp tại một số địa phương nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả xây dựng NTM, huy động nguồn lực và triển khai các nội dung của Chương trình; tác động bất lợi trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế của người dân nông thôn. Qua đó, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và mức độ bền vững của một số tiêu chí NTM ở một số địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù vậy, theo đánh giá thời gian qua, nhất là trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và huy động nguồn lực đầu tư, phát triển khu vực nông thôn, nhưng phong trào xây dựng NTM tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục được “giữ lửa”. Cụ thể: Tại Hà Nội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các địa phương và đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2021, Thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong số 6 huyện chưa về đích, hiện nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020, trình Hội đồng Thẩm định trung ương xem xét, thẩm định. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021. Hai huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022.

Toàn thành phố đã có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 14 xã chưa hoàn thành NTM, có 2 xã (Vân Hòa, Ba Vì) thuộc huyện Ba Vì đã đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận đạt chuẩn. Còn lại 12 xã của các huyện Mỹ Đức, Ba Vì đều đạt 15-18 tiêu chí, phấn đấu trình thành phố đánh giá trước 30/9/2021.

Đời sống nông dân Hà Nội thời gian qua đã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đa số các hộ gia đình đã có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức hiện không còn hộ nghèo… Những kết quả đó không chỉ góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn, mà còn sẵn sàng bứt phá cho nấc thang phát triển vươn tầm NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội trong giai đoạn mới.

Tại Ninh Bình, trước những khó khăn về kinh tế, về nguồn lực đầu tư chương trình NTM vẫn đang được “giữ lửa” thông qua nhiều cách làm sáng tạo nhằm huy động sự tham gia của người dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu“mỗi xã một sản phẩm”; chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm, hàng rào, cải tạo môi trường nông thôn… Nhờ vậy, đến nay tỉnh Ninh Bình đã có 106 xã đạt chuẩn NTM và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Với mục tiêu phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Ninh Bình quyết tâm “giữ lửa” tinh thần ra quân xây dựng NTM nhằm giúp các địa phương thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, góp phần quan trọng ổn định kinh tế nông thôn nói riêng và nền kinh tế nói chung, tạo sự ổn định và phát triển chung của tỉnh.

Còn tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Theo đó, đến nay, huyện Cai Lậy đã có 12/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 01 xã (Cẩm Sơn) đã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2021, Huyện tiếp tục nỗ lực để hoàn thành 03 xã NTM còn lại là: Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường và xây dựng thành công thêm 02 xã NTM nâng cao là Hiệp Đức, Long Tiên. Song song đó, huyện đang tranh thủ các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu còn lại sớm đưa xã Bình Phú trở thành thị trấn - trung tâm của huyện Cai Lậy trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ riêng Hà Nội, Ninh Bình, Tiền Giang,… nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu xây dựng NTM. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những kết quả đạt được đó đã cho thấy chương trình xây dựng NTM trong cả nước vẫn luôn được tiếp lửa, lan tỏa và đạt được những thành quả tích cực trong khó khăn.

Đặc biệt, để không gián đoạn chương trình, đồng thời tiếp tục khẳng định sự quyết tâm và thống nhất mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, mới đây Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Chương trình giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tổng quát tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản.

Chương trình nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...

Theo Nghị quyết của Quốc hội, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện cho Chương trình tối thiểu 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Nghị quyết cũng nêu rõ, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đảm bảo bền vững.

Với phương châm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; làm đâu, chắc đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM quốc gia giai đoạn tới sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra bảo đảm chất lượng, tiến độ, đồng thời Chương trình luôn được “giữ lửa”, duy trì triển khai liên tục và hiệu quả./.

 
Gia Linh
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top