Tín nhiệm quốc gia nâng hạng động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam

11/06/2019 - 03:22 PM
Đầu tiên là vào tháng 5/2018, hãng Fitch Ratings đã thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức xếp hạng “BB-” (mức xếp hạng của tháng 11/2014) lên mức «BB» với triển vọng «ổn định». Cơ sở quan trọng để tổ chức này nâng xếp hạng cho Việt Nam là việc Chính phủ xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, bao gồm cả tỷ giá linh hoạt và gia tăng tập trung vào ổn định lạm phát, qua đó giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Với thứ hạng này, Fitch Ratings nhận định Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong những quốc gia đồng hạng“BB”. Mặc dù vậy, Fitch Ratings đánh giá hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, đồng thời đưa ra cảnh báo Việt Nam không nên “hy sinh” sự ổn định vĩ mô để đổi lấy tốc độ tăng trưởng cao nếu muốn trở thành một nền kinh tế được xếp hạng mức “nên đầu tư”.
 
Tín nhiệm quốc gia nâng hạng động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam
 
Tiếp sau Fitch Ratings, tháng 8/2018, một hãng xếp hạng tín nhiệm lớn khác là Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức“B1” lên“Ba3” với triển vọng thay đổi từ“ổn định” lên“tích cực”. Ngoài ra, hãng này cũng nâng trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam từ Ba2 lên Ba1; mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ B2 lên B1. Kết quả này phản ánh tiềm năng tăng trưởng mạnh của nền kinh tế nước ta nhờ việc sử dụng lao động và nguồn vốn trong nền kinh  tế ngày càng hợp lý hơn; nợ Chính phủ giảm dần nhờ kỳ hạn trái phiếu dài và giảm phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ; “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng cải thiện và được kỳ vọng duy trì.
 
Theo đánh giá của Moody’s, sức mạnh kinh tế của Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa tăng trưởng mạnh và sức cạnh tranh cao, thể hiện ở nền kinh tế đang chuyển hướng sang các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Với tăng trưởng GDP trung bình trên 6% trong thập kỷ qua, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất chỉ trong thời gian ngắn, giành lấy sự cạnh tranh trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao hơn (đơn cử là sản phẩm điện thoại thông minh) mà vẫn giữ lợi thế so sánh trong những mặt hàng cần nhiều lao động như dệt may, giày dép. Dựa vào những yếu tố trên, Moody’s dự báo tăng trưởng GDP bình quân của nước ta giai đoạn 2018 – 2022 là khoảng 6,4% và cho biết có thể nâng hạng cho Việt Nam nếu các chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ giảm thâm hụt và giảm đáng kể nợ Chính phủ, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện bền vững bên cạnh việc tăng cường sức mạnh của thể chế.
 
Còn mới đây nhất vào tháng 4/2019, Standard & Poor’s (S&P) quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”. Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên tổ chức này cải thiện xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam kể từ tháng 12/2010. Triển vọng “ổn định” cho thấy S&P kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà mở rộng nhanh chóng với những cải thiện khá chuẩn mực trong thiết lập, hoạch định chính sách, củng cố việc nâng hạng tín nhiệm. Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng việc S&P nâng hạng chỉ số tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam là một sự công nhận xứng đáng đối với nỗ lực quản lý kinh tế vĩ mô được cải thiện của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua.
 
Trong Báo cáo xếp hạng tín nhiệm của S&P, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích hai yếu tố là đặc điểm thể chế, kinh tế quốc gia và tính linh hoạt, hiệu quả, được đánh giá dựa vào 3 nhân tố tích cực chính: (1) Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định; (2) Chính sách tiền tệ tài khoá tốt hơn trước; (3) Môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
 
Trong đó, S&P đặc biệt đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam với những nỗ lực cải cách rõ rệt của hệ thống chính trị nói chung và của Chính phủ nói riêng với tinh thần cầu thị vì một Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều định hướng chính sách rõ ràng, giúp cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát hiệu quả. Ngoài ra, theo S&P, việc Việt Nam tăng cường ký các hiệp định thương mại tự do, trong đó có việc gia nhập Hiệp định thương mại CPTPP cuối năm 2018, đã giúp nâng cao tính cạnh tranh thương mại, đẩy mạnh cải cách về môi trường pháp lý và sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm tiếp theo. Đây là những thành tựu đáng ghi nhận kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào đầu thập kỷ này và hệ thống ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn.
 
Những cải cách quyết liệt của Chính phủ đã góp phần củng cố vững vị thế của Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện, đồng thời hỗ trợ hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu (điện tử, điện thoại, dệt may). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực FDI trong những năm qua cũng đã kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng các hoạt động kinh tế trong nước. Cùng với đó, sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cùng với sự gia tăng đáng kể cầu nội địa đã giúp tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế cao hơn mức dự báo trung bình cho cả giai đoạn. Với những tín hiệu khả quan trên, S&P dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của nước ta sẽ đạt 5,7%/năm từ nay đến năm 2022, cao hơn mức bình quân của các nước có mức thu nhập tương đồng. S&P cũng cho rằng Việt Nam tuy là quốc gia có thu nhập nằm trong nhóm trung bình thấp nhưng có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu kinh tế đa dạng. S&P tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
 
Báo cáo của S&P cũng đánh giá tích cực các chỉ tiêu kinh tế đối ngoại của Việt Nam: Đồng tiền VND được ổn định nhờ vào lạm phát tương đối thấp; Cán cân vãng lai được dự báo tiếp tục thặng dư từ nay cho đến năm 2022 là nền tảng giúp Việt Nam tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Đây là yếu tố để S&P đánh giá về tính chuyển đổi của đồng VND, nâng hạng từ “BB-” lên “BB”. S&P cũng ghi nhận nợ nước ngoài, nhất là nợ Chính phủ Việt Nam được cải thiện đáng kể, việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường trong thực thi chính sách tiền tệ đã thực sự phát huy hiệu quả duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm gần đây. Vị thế dư nợ đối ngoại quốc gia (được tính bằng thước đo nợ nước ngoài ròng hẹp) được kỳ vọng ở mức trung bình 9,4% tính cho cả giai đoạn 2018-2021. Tuy trong thời gian tới khả năng Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài sẽ giảm dần, song theo S&P, yếu tố này sẽ không gây ra áp lực cho lĩnh vực tài chính đối ngoại của Việt Nam.
 
Liên quan đến hoạt động ngân hàng, S&P cho rằng quy mô dư nợ tín dụng so với GDP là tương đối lớn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng thì tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018, đồng thời xu thế này nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố   sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, S&P cũng đánh giá cao tầm quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
 
Một yếu tố khác củng cố cho việc nâng hạng tín nhiệm là môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trong những năm gần đây với vị trí xếp hạng đạt ở mức 69/190 quốc gia được xếp hạng năm 2018, cải thiện 30 bậc chỉ trong 06 năm (so với vị trí xếp hạng thứ 99 của năm 2012). Nhờ đó môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, đồng thời giúp việc thu hút các luồng vốn vào qua đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) ngày một hiệu quả hơn.
 
Có thể thấy, việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam sau 9 năm đã khẳng định những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô nước ta. Điều này sẽ tạo nên một số hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, như làm giảm chi phí vay nợ nước ngoài cho quốc gia cũng như làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn trong nước. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi họ có thể tiếp cận với thị trường vốn trong và ngoài nước với chi phí thấp hơn. Với các ngân hàng thương mại, do chi phí tái cấp vốn sẽ giảm nên việc củng cố và cải thiện cơ sở vốn sẽ thuận lợi hơn, góp phần tăng cường “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng…
 
Tín nhiệm quốc gia được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do đó, việc tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được xem như một chất xúc tác kỳ vọng làm gia tăng thu hút FDI trong thời gian tới.
 
Bên cạnh những đánh giá tích cực, S&P cũng chỉ rõ những thách thức cả trong và ngoài nước mà Việt Nam phải đối mặt. Từ bên ngoài, tranh chấp thương mại giữa các quốc gia lớn có khả năng ảnh hưởng đến tiềm lực xuất khẩu trong ngắn hạn do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Ở trong nước, trong trường hợp nỗ lực củng cố tài khóa không đạt được mục tiêu đề ra có thể gây áp lực lên hoạt động huy động vốn cho nền kinh tế, để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức cao. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam nhìn chung vẫn còn những yếu kém, thể hiện thông qua quy mô vốn mỏng và chất lượng tài sản hạn chế. Mặt khác, với thứ hạng mới, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cùng nhóm với các thị trường mới nổi lớn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, nhưng vẫn đang ở nhóm thấp của quốc tế, thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines – đều đang ở cấp độ tín nhiệm “có thể đầu tư được”. Tuy  nhiên, với nhiều nhận định mang tính tích cực trên, hãng xếp hạng S&P cho biết có thể cân nhắc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam nếu nền tảng kinh tế vững chắc, môi trường thể chế giúp cải thiện kết quả tài khóa tốt hơn kỳ vọng, rủi ro hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm sâu.
 
Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia là rất khó, việc giữ vững thứ hạng trong những giai đoạn tiếp càng khó khăn hơn. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn hoàn toàn có cơ sở để giữ và có dư địa để tiếp tục nâng cao vị trí bởi nước ta đang trên đà phát triển. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ về thể chế để sớm bước vào nhóm nước có nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
 
Môi trường kinh doanh là một yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chấm điểm tín nhiệm. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh như cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục có những hành động quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện, an toàn…
 
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần cải thiện những vấn đề tồn đọng khác như: Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kể cả ngân sách nhà nước cũng như khối tổ chức tín dụng; Chú trọng khả năng chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc ở bên ngoài bằng việc tăng cường tiềm lực và nội lực, đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân sách để chính sách tài khoá bền vững hơn, tăng dự trữ ngoại hối.../.
 
ThS. Trần Thị Anh- ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top