Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022

29/12/2022 - 10:19 AM
Kinh tế - xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán... đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Mặc dù, dự báo gần đây nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng so với các dự báo đưa ra trong quý III/2022 nhưng đều ở mức thấp hơn so với năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên mức dự báo đưa ra trong tháng 7/2022, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%. Fitch Ratings điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 so với dự báo trong tháng 9/2022, đạt 2,6%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2022. Báo cáo bổ sung Triển vọng phát triển kinh tế tháng 12/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn điều chỉnh tăng so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2022. Cụ thể, dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ tăng 0,1 điểm phần trăm, đạt 1,7% trong năm 2022; khu vực đồng Euro tăng 0,5 điểm phần trăm lên mức 3%; tăng trưởng của Nhật Bản dự báo giữ ở mức 1,4%; Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 3%.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2022 như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019[1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 26,38%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%[2] so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022[3] do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Hình 1. Tốc độ tăng GDP các quý năm 2022 (%)   
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022      

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022[4]. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ[5] với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát[6] nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD(*). GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8%[7] do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

a) Nông nghiệp

Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm trước do ngành trồng trọt tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả hoặc không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn; trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất.

Lúa đông xuân

Kết quả sản xuất vụ đông xuân của cả nước năm nay giảm so với năm trước chủ yếu do giảm diện tích gieo cấy để chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích gieo cấy đạt 2.975,6 nghìn ha, giảm 30,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước; năng suất đạt 67,1 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao người dân hạn chế đầu tư chăm sóc; sản lượng ước đạt gần 20 triệu tấn, giảm 648,5 nghìn tấn.

Lúa hè thu

Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm 2022 đạt 1.914,7 nghìn ha, giảm 38,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2021; năng suất ước đạt 56,6 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn, giảm 304,3 nghìn tấn.

Lúa thu đông

Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 ước đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 390,1 nghìn tấn.

Lúa mùa

Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.553,1 nghìn ha, tăng 11,9 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước đạt 52,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 151,9 nghìn tấn.

Mặc dù sản lượng lúa năm 2022 giảm so với năm trước nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Thực hiện chuyển từ sản xuất lúa gạo theo chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Mô hình trồng lúa chất lượng cao được nhân rộng ở nhiều địa phương; vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi để giảm chi phí, gia tăng giá trị các khâu trong quá trình sản xuất, chế biếntiêu thụ sản phẩm.

Cây hàng năm

Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Hình 2: Sản lượng một số cây hàng năm chủ yếu
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022

Cây lâu năm

Năm 2022, diện tích trồng cây lâu năm hiện có ước đạt 3.712,1 nghìn ha, tăng 0,8% so với năm 2021, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.194,3 nghìn ha, giảm 0,4%; nhóm cây ăn quả đạt 1.212,8 nghìn ha, tăng 3,5%.

Trong nhóm cây công nghiệp, diện tích cao su đạt 929,5 nghìn ha, giảm 0,1% so với năm trước, sản lượng đạt 1.291,5 nghìn tấn, tăng 1,5%; cà phê diện tích đạt 709,6 nghìn ha, giảm 0,1%, sản lượng đạt 1.896,8 nghìn tấn, tăng 2,8%; chè diện tích đạt 123,7 nghìn ha, tăng 0,9%, sản lượng chè búp đạt 1.109,8 nghìn tấn, tăng 3,4%; điều diện tích đạt 311,6 nghìn ha, giảm 0,9%, sản lượng đạt 335,5 nghìn tấn, giảm 16%; hồ tiêu diện tích đạt 119,9 nghìn ha, giảm 4,4%, sản lượng đạt 269,9 nghìn tấn, giảm 2,1%. Diện tích một số cây công nghiệp lâu năm giảm so với năm trước do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm lại có xu hướng giảm, một số diện tích già cỗi đến thời kỳ phá bỏ người dân chưa trồng lại.

Nhóm cây ăn quả gia tăng diện tích ở một số cây như sầu riêng tăng 25,1 nghìn ha, mít tăng 7,8 nghìn ha; ổi, na, chanh leo đều tăng hơn 2 nghìn ha; bưởi tăng 1,8 nghìn ha do đây là những nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định và dễ chăm sóc, vận chuyển, bảo quản. Sản lượng thu hoạch một số loại như sau: Chuối đạt 2.498,7 nghìn tấn, tăng 6,5% so với năm trước; cam đạt 1.713 nghìn tấn, tăng 8,2%; bưởi đạt 1.119,3 nghìn tấn, tăng 8,2%; sầu riêng đạt 849,1 nghìn tấn, tăng 25%; dứa đạt 753,2 nghìn tấn, tăng 3,7%; nhãn đạt 623,8 nghìn tấn, tăng 2,7%; thanh long đạt 1.207 nghìn tấn, giảm 13,5%; xoài đạt 968,7 nghìn tấn, giảm 3,1%.

Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc.
Hình 3. Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm
cuối tháng 12/2022 so với cùng thời điểm năm trước
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 1

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có thay thế một phần thức ăn công nghiệp, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
 Biểu 1. Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu
 
  Ước tính quý IV/2022
 
Ước tính năm 2022
 
Tốc độ tăng so với
cùng kỳ năm trước (%)
 
  Quý IV/2022  Năm 2022
Thịt hơi xuất chuồng (Nghìn tấn)      
Thịt lợn 1.194.4 4.427,1 6,2 5,9
Thịt gia cầm 561,4 2.028,4 3,7 4,5
Thịt trâu 34,6 122,8 0,4 1,6
Thịt bò 125,4 474,3 1,7 3,5
Trứng (Triệu quả) 4.856,0 18.297,1 3,6 4,4
Sữa (Nghìn tấn) 345,4 1.277,5 9,9 10,2
 
 
Tính đến ngày 25/12/2022, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Gia Lai; dịch viêm da nổi cục còn ở Tiền Giang, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 13 địa phương chưa qua 21 ngày.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước trong quý IV/2022 ước đạt 107,4 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 30,7 triệu cây, tăng 5,1%; sản lượng củi khai thác đạt 4,7 triệu ste, giảm 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.955,8 nghìn m3, tăng 8,9%. Sản lượng gỗ khai thác tăng cao do diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác, thị trường tiêu thụ gỗ phục hồi, nhu cầu gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến tăng, giá bán gỗ tăng và giữ ở mức cao.

Tính chung năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 300,1 nghìn ha, tăng 3,4% so với năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 101,2 triệu cây, tăng 5,3%; sản lượng củi khai thác đạt 18,6 triệu ste, tăng 0,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 19,7 triệu m3, tăng 7,2%. Một số địa phương sản lượng gỗ khai thác tăng cao như: Quảng Ninh đạt 736,8 nghìn m3, tăng 33,4%; Thanh Hóa đạt 830 nghìn m3, tăng 18,8%; Quảng Trị đạt 1.105 nghìn m3, tăng 17,1%; Nghệ An đạt 1.666,7 nghìn m3, tăng 11%; Quảng Ngãi đạt 2.302,5 nghìn m3, tăng 7,9%.

Diện tích rừng bị thiệt hại[8] quý IV/2022 là 234 ha, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là rừng bị chặt, phá với 217,2 ha, tăng 2,5%; diện tích rừng bị cháy là 16,8 ha, giảm 56,8%. Tính chung năm 2022, cả nước có 1.121,9 ha rừng bị thiệt hại, giảm 56,9% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 41,4 ha, giảm 97,3%; diện tích rừng bị chặt, phá là 1.080,5 ha, giảm 0,8%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý IV/2022 ước đạt 2.426,5 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.735,7 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 346,9 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 343,9 nghìn tấn, tăng 2%. Tính chung năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước; bao gồm: Cá đạt 6.483,9 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 1.233,5 nghìn tấn, tăng 7,2%; thủy sản khác đạt 1.308,9 nghìn tấn, tăng 1,3%.

 Hình 4. Sản lượng thủy sản năm 2022

(So với năm 2021)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 2
 
Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV/2022 ước đạt 1.555,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 1.081,7 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 302,9 nghìn tấn, tăng 3,8%. Tính chung năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.494,3 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5%; thủy sản khác đạt 588,8 nghìn tấn, tăng 5,3%.

Nuôi trồng cá tra phát triển khá do giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao[9] do nhu cầu thị trường thế giới tăng. Sản lượng cá tra quý IV/2022 ước đạt 453,4 nghìn tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước; tính chung năm 2022 ước đạt 1.607,9 nghìn tấn, tăng 10,2% so với năm trước.

Sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm do mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, chế biến và xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm do vùng nước lợ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long ngọt sớm hơn đã  gây khó khăn cho việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, rủi ro do dịch bệnh nên người nuôi vẫn đang thả nuôi cầm chừng. Hoạt động chế biến và thu mua tôm chững lại do tình hình lạm phát toàn cầu làm cho sức tiêu thụ giảm, tôm Việt Nam cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Ðộ. Sản lượng tôm thẻ chân trắng quý IV/2022 ước đạt 210,5 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm ước đạt 743,5 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2021. Sản lượng tôm sú quý IV/2022 ước đạt 69,3 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm ước đạt 271,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác quý IV/2022 ước đạt 871,2 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 654 nghìn tấn, tăng 0,1%; tôm đạt 44 nghìn tấn, tăng 0,2%. Tính chung năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.862,6 nghìn tấn, giảm 1,8% so với năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.989,6 nghìn tấn, giảm 1,9%; tôm đạt 152,9 nghìn tấn, giảm 0,8%, thủy sản khác đạt 720,1 nghìn tấn, giảm 1,7%. Khai thác thủy sản biển năm 2022 ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao cùng với tình hình thời tiết ngư trường không thuận lợi. Sản lượng thủy sản khai thác biển quý IV/2022 ước đạt 814,9 nghìn tấn, giảm 0,1% so với quý IV/2021. Tính chung năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.664,5 nghìn tấn, giảm 2% so với năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 2.859,3 nghìn tấn, giảm 2,1%, tôm ước đạt 139,2 nghìn tấn, giảm 1%.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước[10]. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%[11], đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19% (do sản lượng khai thác than tăng 4,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 8,3%), đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý IV do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý IV/2022 tăng 3%[12]. Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8%[13], trong đó một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 32,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 19,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre nứa tăng 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 15,6%; sản xuất trang phục tăng 14,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất kim loại giảm 2,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6,6%.
 Biểu 2. Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP các năm 2018-2022
của một số ngành công nghiệp trọng điểm
%
  2018 2019 2020 2021 2022
Sản xuất đồ uống 7,9 10,5 -5,1 -4,0 32,3
Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 19,5 -2,1 21,8 -17,1 19,2
Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 4,1 11,9 1,1 -0,1 19,1
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện 4,0 10,2 -4,6 2,7 17,2
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 10,4 10,0 -3,1 5,3 15,6
Sản xuất trang phục 10,9 6,9 -4,9 7,5 14,8
Công nghiệp chế biến, chế tạo khác 11,7 72,4 -34,0 -6,9 14,3
Sản xuất phương tiện vận tải khác 4,0 -5,1 -9,8 0,2 12,3
Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 13,9 11,6 7,5 4,1 10,0
Sản xuất kim loại 25,0 28,6 14,3 22,0 -2,5
Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 3,2 14,3 4,7 2,4 -6,6
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 so với năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao[14]. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm[15].

Hình 5. Tốc độ tăng/giảm IIP năm 2022 so với năm trước của một số địa phương
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 3


Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 tăng cao so với năm trước: Bia tăng 35,3%; thủy hải sản chế biến tăng 15,7%; linh kiện điện thoại tăng 15,1%; ô tô tăng 14,9%; xăng, dầu tăng 13,7%; sơn hóa học tăng 10,4%; thép thanh, thép góc và xe máy cùng tăng 9,9%; bột ngọt 9,3%; giày, dép da tăng 8,8%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Dầu mỏ thô khác và ti vi các loại cùng giảm 1,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,8%; phân hỗn hợp NPK giảm 7,7%; điện thoại di động giảm 9,1%; sắt, thép thô giảm 12,3%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021 (năm trước tăng 4,8%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 10,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và tăng 0,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và giảm 0,1%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4% và tăng 0,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt  208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[16]

Trong tháng Mười Hai, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 107,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72,4 nghìn lao động, giảm 9,8% về số doanh nghiệp, tăng 2,6% về vốn đăng ký và giảm 2,2% về số lao động so với tháng 11/2022. So với tháng 12 năm 2021, giảm 4% về số doanh nghiệp, giảm 31,7% về số vốn đăng ký và tăng 3,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10 tỷ đồng, tăng 13,7% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng, cả nước còn có 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, năm 2022 có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,0% so với năm 2021; 36,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 16,1%; 110,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 31,9%.

Hình 6. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 1


Cũng trong tháng Mười Hai, có 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 5,7% so với tháng trước và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,8% và giảm 35,4%; có 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và giảm 6,2%.

Tính chung trong năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Biểu 3. Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể năm 2022
phân theo một số lĩnh vực hoạt động
 
  Số lượng doanh nghiệp (Doanh nghiệp) Tốc độ tăng/giảm
so với năm trước (%)
Thành lập mới Giải thể Thành lập mới Giải thể
Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 53.135 6.553 22,3 7,4
Công nghiệp chế biến chế tạo 18.542 2.209 7,6 14,9
Xây dựng 15.955 1.658 16,7 2,3
Kinh doanh bất động sản 8.593 1.194 13,3 38,7
Vận tải kho bãi 7.081 697 8,4 -1,3
Dịch vụ lưu trú và ăn uống 6.474 908 53,0 -1,0
Sản xuất phân phối, điện, nước, gas 1.062 470 -37,0 19,9
 
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[17]. Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 70,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 68,9% và 65,3%.

Hình 7. Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh
của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 2


Về khối lượng sản xuất, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 tăng so với quý III/2022; 33% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 32,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm[18]. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 31,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 30,1% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng, có 29,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2022 cao hơn quý III/2022; 35,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 34,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm[19]. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 30% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 30,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 39,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2022 so với quý III/2022, có 19,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 40,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 39,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 24% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 42,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 33,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

c) Khoa học và công nghệ

Theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ[20], hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030. Đến nay đã có gần 3.000 dữ liệu được cập nhật bao gồm các thông tin về các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước; tổ chức các sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô vùng[21], quốc gia[22]; tham dự sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

Về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tính đến tháng 11/2022, tiếp nhận 71.071 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; xử lý 68.157 đơn, tăng 5%; cấp 43.444 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 22,1%.

Về chuyển đổi số, trên cổng dịch vụ công quốc gia[23], tính đến ngày 22/12/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.298 thủ tục; 2.439 dịch vụ công cho công dân, 2.253 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là 155,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là 6,7 triệu hồ sơ.

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)[24], năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Xin-ga-po (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Phi-li-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

5. Hoạt động dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2022 tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 tăng 41,2%; quý II tăng 20,1%). Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2022 ước đạt 515,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý IV/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.514,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.180,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với quý trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 147,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,7% và tăng 46,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, giảm 29,4% và tăng 231,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 180 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% và tăng 41,2%.

Biểu 4. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Nghìn tỷ đồng

  Ước tính tháng 12 năm 2022 Ước tính quý IV năm 2022 Ước  tính  năm 2022 Tốc độ tăng so với cùng kỳ (%) Tốc độ tăng năm 2022
so với năm 2021 (%)
Tháng 12 năm 2022 Quý IV năm 2022

Tổng số

515,8

1.514,6

5.679,9

17,1

17,1

19,8
Bán lẻ hàng hóa 404,0 1.180,4 4.475,9 12,8 11,1 14,4
Dịch vụ lưu trú, ăn uống
upuống
48,9 147,7 578,7 33,4 46,3 52,5
Du lịch lữ hành 2,0 6,5 24,5 113,3 231,5 271,5
Dịch vụ khác 60,9 180,0 600,8 36,9 41,2 36,4
 
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
 
 Hình 8. Tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các năm 2018-2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 3

 
 Theo ngành hoạt động, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 có ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,9% so với năm trước; may mặc tăng 19,1%; phương tiện đi lại tăng 13,8%; lương thực, thực phẩm tăng 10%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7%.
 
Theo địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 so với năm trước của một số địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 26,4%; Đà Nẵng tăng 14,7%; Cần Thơ tăng 14,2%; Đồng Nai tăng 13,7%; Quảng Ninh tăng 12,1%; Hà Nội tăng 12%; Hải Phòng tăng 10,4%.
 
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2022 so với năm trước của một số địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 155,6%; Khánh Hòa tăng 151,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 121,6%; Cần Thơ tăng 121,3%; Lâm Đồng tăng 118,4%; Đà Nẵng tăng 83,5%; Hà Nội tăng 80,4%; Quảng Ninh tăng 57,8%.
 
  Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2022 tăng cao so với năm trước: Cần Thơ gấp 10,3 lần; Bình Định gấp 9,3 lần; Khánh Hòa gấp  8,2 lần; Thừa Thiên - Huế gấp 8 lần; Đà Nẵng gấp 6,7 lần; Hà Nội gấp 4,1 lần; Hải Phòng gấp 3,8 lần; Thành phố Hồ Chí Minh gấp 1,9 lần.
 
Doanh thu dịch vụ khác năm 2022 so với năm trước của một số địa phương: Cần Thơ tăng 65,1%; Tiền Giang tăng 40,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 35%; Phú Yên tăng 32,6%; Đà Nẵng tăng 29,4%; Hà Nội tăng 26,2%; Bắc Giang tăng 21,6%; Hải Phòng tăng 14,4%.
 
b) Vận tải hành khách và hàng hóa
 
Hoạt động vận tải trong tháng Mười Hai tiếp tục tăng trưởng tốt cả về vận tải hành khách và hàng hóa khi nhu cầu trong tháng cuối năm tăng cao. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 2,1 lần và luân chuyển hành khách gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 19,1% về vận chuyển và tăng 6,6% về luân chuyển.
 
Quý IV/2022, vận tải hành khách gấp 2,3 lần về vận chuyển và gấp 3 lần về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá tăng lần lượt là 26,6% và 23,8%. Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4% so với năm trước.
 
Vận tải hành khách tháng Mười Hai ước đạt 297,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,6% so với tháng trước và luân chuyển 14,3 tỷ lượt khách.km, tăng 5,2%; quý IV/2022 ước đạt 874,8 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 41 tỷ lượt khách.km, gấp 3 lần.
 
Tính chung năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,8% so với năm trước (năm 2021 giảm 32,7%) và luân chuyển đạt 171,8 tỷ lượt khách.km, tăng 78,3% (năm 2021 giảm 40,9%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 3.658,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,6% so với năm trước và 155,4 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 62,4%; vận tải ngoài nước ước đạt 5,2 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 32,6 lần và 16,4 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 27 lần năm trước. Vận tải hành khách mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng sản lượng vận chuyển năm 2022 chỉ bằng 72,5% và luân chuyển bằng 69,4% so với năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
 
Biểu 5. Vận tải hành khách năm 2022 phân theo ngành vận tải
  Số lượt hành khách Tốc độ tăng so với
năm trước (%)
  Vận chuyển
(Triệu HK)
Luân chuyển
(T
HK.km)
Vận chuyển Luân chuyển
Tổng số 3.664,1 171,8        52,8        78,3
Đường sắt 4,4 1,6      205,6      150,9
Đường biển 7,6 0,4        56,7        72,7
Đường thủy nội địa 244,2 3,3        52,9        24,4
Đường bộ 3.358,7 108,5        51,6        37,6
Hàng không 49,2 58,0      224,6      315,8
 
Xét theo ngành vận tải, năm 2022 tất cả các ngành đường đều có sự phục hồi khá tốt so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt mức sản lượng của năm 2019. Trong đó, sản lượng vận tải hành khách đường hàng không năm 2022 gấp 3,2 lần về vận chuyển và gấp 4,2 về luân chuyển so với năm 2021 nhưng vẫn giảm 10,6% về vận chuyển và giảm 25,2% về luân chuyển so với năm 2019; đường sắt gấp 3,1 lần về vận chuyển và gấp 2,5 lần về luân chuyển nhưng vẫn giảm 45% về vận chuyển và giảm 49,4% về luân chuyển; đường biển gấp 1,6 lần về vận chuyển và gấp 1,7 lần về luân chuyển nhưng vẫn giảm 20,4% về vận chuyển và giảm 7,1% về luân chuyển; đường thủy nội địa gấp 1,5 lần về vận chuyển và gấp 1,2 lần về luân chuyển so với năm 2021, mặc dù tăng 6,2% về vận chuyển nhưng vẫn giảm 26,3% về luân chuyển so với năm 2019; đường bộ gấp 1,5 lần về vận chuyển và gấp 1,4 lần về luân chuyển nhưng vẫn giảm 29,4% về vận chuyển và giảm 33% về luân chuyển.

Vận tải hàng hóa tháng Mười Hai ước đạt 182,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,6% so với tháng trước và luân chuyển 40,8 tỷ tấn.km, tăng 3%; quý IV/2022 ước đạt 537,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 121,5 tỷ tấn.km, tăng 23,8%.

 Tính chung năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trước (năm 2021 giảm 8,4%) và luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% (năm 2021 tăng 0,5%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.966,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 23,4% và 270,7 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 46,5%; vận tải ngoài nước ước đạt 43,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 40,6% và 170,6 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 9,2%. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nên nhu cầu vận tải hàng hóa trong và ngoài nước năm 2022 tăng cao so với các năm trước. So với năm 2019, vận chuyển hàng hóa năm nay tăng 7,4% về vận chuyển và tăng 21,4% về luân chuyển.

 Biểu 6. Vận tải hàng hóa năm 2022 phân theo ngành vận tải

  Sản lượng hàng hóa Tốc độ tăng/giảm so với
năm trước (%)
  Vận chuyển
(Triệu tấn)
Luân chuyển
(Tỷ tấn.km)
Vận chuyển Luân chuyển
Tổng số   2.009,6            441,3 23,7 29,4
Đường sắt 5,7               4,6 0,9 10,9
Đường biển 108,9            235,9 27,9 37,7
Đường thủy nội địa 399,5             93,0 26,9 37,7
Đường bộ 1.495,2            101,7 22,7 20,9
Hàng không 0,3               6,1 0,3 -56,5
 
Xét theo ngành vận tải, năm 2022 hầu hết các ngành đường đều có sự tăng trưởng tích cực so với năm trước và còn đạt mức sản lượng cao hơn so với năm 2019. Trong đó, sản lượng vận tải hàng hóa đường biển tăng 27,9% về vận chuyển, tăng 37,7% về luân chuyển so với năm 2021 và tăng 29,2% về vận chuyển và tăng 34,7% về luân chuyển so với năm 2019; đường thủy nội địa tăng 26,9% về vận chuyển, tăng 37,7% về luân chuyển so với năm 2021 và tăng 7,1% về vận chuyển, tăng 24,5% về luân chuyển so với năm 2019; đường bộ tăng 22,7% về vận chuyển, tăng 20,9% về luân chuyển so với năm 2021 và tăng 6,1% về vận chuyển nhưng giảm 0,4% về luân chuyển so với năm 2019; đường sắt tăng 0,9% về vận chuyển, tăng 10,9% về luân chuyển so với năm 2021 và tăng 9,8% về vận chuyển, tăng 21,6% về luân chuyển so với năm 2019. Riêng đường hàng không mặc dù tăng 0,3% về vận chuyển nhưng vẫn giảm 56,5% về luân chuyển so với năm 2021 và giảm 36,2% về vận chuyển, giảm 22,3% về luân chuyển so với năm 2019.
 
c) Viễn thông
 
­­­­Doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2022 ước đạt 84,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 2,1%). Tính chung năm 2022, d­­oanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 333,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%).
 
Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối năm 2022 ước đạt 129,7 triệu thuê bao, tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 127,2 triệu thuê bao, tăng 3,7%. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối năm ước đạt 21 triệu thuê bao, tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao truy nhập qua hệ thống cáp quang (FTTH) và thuê kênh riêng tăng nhanh; thuê bao qua hệ thống cáp truyền hình (CATV) và qua hình thức xDSL tiếp tục giảm.
 
d) Khách quốc tế đến Việt Nam[25]
 
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Mười Hai[26] đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
 
Trong tổng số gần 3.661,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.277,2 nghìn lượt người, chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường biển đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần.
 
Hình 9. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022
phân theo vùng lãnh thổ
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 4
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
 
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
 
Năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
 
Tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, linh hoạt ổn định thị trường tiền tệ, ứng phó xu hướng lạm phát và lãi suất tăng cao trên thế giới. Ngày 24/10/2022, NHNN tiếp tục điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành (lần thứ nhất vào ngày 22/9/2022), trong đó lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5% lên 1%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/năm. Lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các Tổ chức tín dụng từ 6% lên 7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Tổ chức tín dụng với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5% lên 5,5%/năm; của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô tăng từ 5,5% lên 6,5% một năm.
 
Lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, NHNN đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhiều Tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5- 3,0%/năm; đồng thời tập trung giải ngân những lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ và các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
 
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 26/12/2022[27], tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 103.491 tỷ đồng, tăng 23.280 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; gần 2.368 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.244 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021 với hơn 6.544 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 15.863 tỷ đồng, hoàn thành 83,5% kế hoạch năm 2022.
 
Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2022 ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,6%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%. Tính chung năm 2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 16,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3%.
 
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã linh hoạt và chủ động thích ứng để phát triển ổn định khi nền kinh tế từng bước được phục hồi, tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động. Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 23.418 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 tăng 12,5% so với năm trước.
 
Thị trường chứng khoán năm 2022 sụt giảm mạnh so với năm 2021 trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho vay, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm.
 
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/12/2022, chỉ số VNIndex đạt 993,7 điểm, giảm 5,22% so với cuối tháng trước và giảm 33,68% so với cuối năm trước. Tính đến ngày 15/12/2022, mức vốn hóa thị trường ước đạt 5.263 nghìn tỷ đồng, giảm 32,2% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm trước.
 
Thị trường cổ phiếu hiện có 757 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2021.
 
 Trên thị trường trái phiếu, có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 12/2022 đạt 3.284 tỷ đồng/phiên, tăng 17,1% so với tháng trước; bình quân cả năm 2022 đạt 7.737 tỷ đồng/phiên, giảm 32,2% so với bình quân năm 2021.
 
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 12/2022 đạt 430.798 hợp đồng/phiên, giảm 9% so với tháng trước; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 44 triệu chứng quyền/phiên, tăng 6%. Bình quân năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với bình quân năm trước; chứng quyền có bảo đảm đạt 32,69 triệu chứng quyền/phiên, tăng 53%.
 
2. Đầu tư phát triển
 
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.
 
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 11,6%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 7,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,1%.
 
Hình 10. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phân theo loại hình kinh tếtheo giá hiện hành các năm 2018-2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 4
 
 Ước tính năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 14,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.873,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% và tăng 8,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 521,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,2% và tăng 13,9%[28].
 
Hình 11. Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành các năm giai đoạn 2018-2022 (%)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 5
 
 Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 511,6 nghìn tỷ đồng, bằng 85,2% kế hoạch năm và tăng18,8% so với năm trước (năm 2021 bằng 85,7% và giảm7,1%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 91,7 nghìn tỷ đồng, bằng 78,9% kế hoạch năm và tăng 23,4% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 419,9 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% và tăng 17,9%. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 277,6 nghìn tỷ đồng, bằng 82,5% và tăng 16,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 122,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% và tăng 22,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 108,7% và  tăng 9,4%.
 
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[29]: Tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.
 
Hình 12. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
tính đến ngày 20/12 các năm 2018-2022 (Tỷ USD)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 6

­­­- Vốn đăng ký cấp mới2.036 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm trước về số dự án và giảm 18,4% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,21 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 16,9%; các ngành còn lại đạt 3,13 tỷ USD, chiếm 25,2%.
 
Trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 3,39 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 2,12 tỷ USD, chiếm 17%; Trung Quốc 1,36 tỷ USD, chiếm 10,9%; Đan Mạch 1,32 tỷ USD, chiếm 10,6%; Hàn Quốc 1,12 tỷ USD, chiếm 9%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,1 tỷ USD, chiếm 8,8%.
 
- Vốn đăng ký điều chỉnh1.107 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm trước.
 
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,19 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,87 tỷ USD, chiếm 12,7%; các ngành còn lại đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 20%.
 
- Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.566 lượt với tổng giá trị góp vốn 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với năm trước. Trong đó, có 1.561 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,42 tỷ USD và 2.005 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 2,73 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,61 tỷ USD, chiếm 31,3% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 30,5%; ngành còn lại 1,97 tỷ USD, chiếm 38,2%.
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,81 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,49 tỷ USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 6,5%.
 
Hình 13. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện
12 tháng các năm 2018-2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 7
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD).
 
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD[30]) so với năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 251,9 triệu USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 76,8 triệu USD, chiếm 14,4%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 46,3 triệu USD, chiếm 8,7%.
 
Trong năm 2022 có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Xin-ga-po là nước dẫn đầu với 79,5 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư; Lào 70,5 triệu USD, chiếm 13,2%; Ôx-trây-li-a 54 triệu USD, chiếm 10,1%; Hoa Kỳ 48,2 triệu USD, chiếm 9%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 6,5%.
 
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước[31]
 
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước tăng 13,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,1% so với năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
 
Hình 14. Thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 8
 
 Thu ngân sách Nhà nước:
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:
 
- Thu nội địa tháng 12/2022 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế năm 2022 đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước.
 
- Thu từ dầu thô tháng 12/2022 ước đạt 6,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72,5% so với năm trước.
 
- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 12/2022 ước đạt 13,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.
 
Chi ngân sách Nhà nước:
 
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 203,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước. Trong đó, chi thường xuyên năm 2022 đạt 1.026,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% dự toán năm và tăng 5,6% so với năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8% và tăng 22,2%; chi trả nợ lãi 97,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94% và giảm 7,9%.
 
4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ[32]
 
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa[33]
 
Trong tháng Mười Hai, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%[34]. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
 
Hình 15. Xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 9
 
Xuất khẩu hàng hóa
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 11/2022 đạt 29,02 tỷ USD, thấp hơn 160 triệu USD so với số ước tính.
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,63 tỷ USD, tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,03 tỷ USD, tăng 1,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười Hai giảm 14%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 22,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10,6%.
 
Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.
 
Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
 
 Biểu 8. Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu năm 2022
 
 
 
Ước tính
năm 2022
(Triệu USD)
Tốc độ tăng/giảm
năm 2022 so với
năm trước (%)
Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD    
Điện thoại và linh kiện 59.292 3,1
Điện tử, máy tính và linh kiện 55.242 8,7
Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác 45.722 19,3
Dệt, may 37.496 14,5
Giày dép 23.932 34,8
Gỗ và sản phẩm gỗ 15.857 7,1
Phương tiện vận tải và phụ tùng 12.064 13,6
Thủy sản 10.930 23,1
  

Hình 16. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022 phân theo nhóm hàng
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 5

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
 
Nhập khẩu hàng hóa
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 11/2022 đạt 28,28 tỷ USD, thấp hơn 123 triệu USD so với số ước tính.
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, tăng 3,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Hai giảm 8,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,1%.
 
Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
 
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).

Biểu 9. Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu năm 2022

  Ước tính
năm 2022
(Triệu USD)
Tốc độ tăng/giảm
năm 2022 so với
năm trước (%)
Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD    
Điện tử, máy tính và linh kiện 82.074 8,6
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 45.391 -2,0
Điện thoại và linh kiện 21.214 -1,2
Vải 14.766 3,1
Chất dẻo 12.450 5,9
Sắt thép 12.065 4,3
Hình 17. Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu
năm 2022 phân theo nhóm hàng
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 6

 
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, tỷ trọng bằng năm trước.

 Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Trong năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.

Hình 18. Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu năm 2022
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 7

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Mười Một xuất siêu 0,74 tỷ USD[35]; 11 tháng năm 2022 xuất siêu 10,7 tỷ USD; tháng Mười Hai ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 30,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 41,9 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 204,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 20% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10,9% so với quý trước.

Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm 2021, trong đó dịch vụ du lịch đạt 3,8 tỷ USD (chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), tăng gần 25 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD (chiếm 43,4%), tăng 165,4%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 48,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), tăng 18,3%; dịch vụ du lịch đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 25,6%), tăng 70,8%. Nhập siêu dịch vụ năm 2022 là 12,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 9 tỷ USD).

5. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Hình 19. Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 12, quý IV
và bình quân các năm giai đoạn 2018-2022 (%)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 10
 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
- Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 2,78% (làm CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm), do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022 làm cho giá xăng giảm 7,29%; dầu diezen giảm 10,64%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,22%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân và dịch vụ giao thông công cộng cùng tăng 0,08%.

- Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

(2) Chín nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,66% chủ yếu do giá gas tăng 4,08% do từ ngày 01/12/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 14.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 40 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn lên mức 650 USD/tấn); giá nước sinh hoạt tăng 0,82% do một số địa phương tăng giá nước; giá nhà ở thuê tăng 0,77%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) do giá đá, cát, gach, xi măng tăng nhẹ; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,57% do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp cuối năm. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 7,4% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022; giá điện sinh hoạt giảm 0,95% do thời tiết chuyển sang mát mẻ.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%[36], do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2023 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới.

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,41% do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch nên các cửa hàng tăng giá bán.

- Nhóm giáo dục tăng 0,32% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,35% do một số cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập và chi phí vận chuyển tăng nên giá sản phẩm từ giấy tăng 0,32% so với tháng trước; giá sách giáo khoa tăng 0,06%; giá bút viết các loại tăng 0,17%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,12%.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%, trong đó: Lương thực tăng 0,48% do giá gạo xuất khẩu ổn định ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm làm giá gạo tăng nhẹ[37]; thực phẩm tăng 0,05%[38]; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%.

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,36% theo giá vàng; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,52%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,35%; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,28%.

Quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Giáo dục tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; giao thông tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,12%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(i) Giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước (làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm), giá gas tăng 11,49% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm);

(ii) Giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết.

(iii) Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021 (làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm);

(iv) Giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm);

(v) Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023;

(vi) Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022:

(i) Giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân;

(ii) Giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm), giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

(iii) Giá bưu chính viễn thông giảm 0,37% so với năm trước do giá điện thoại di động giảm;

(iv) Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.

Lạm phát cơ bản[39] tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/12/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022. Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng đô la Mỹ suy yếu. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74% so với năm trước.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12/2022, FED đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%. Tuy nhiên, sau khi lạm phát Mỹ trong tháng 11 thấp hơn dự kiến đã khiến đồng đô la Mỹ giảm mạnh. Tính đến ngày 25/12/2022, chỉ số đô la Mỹ bình quân tháng 12/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 104,51 điểm, giảm 3,2 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.235 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước.

c) Chỉ số giá sản xuất

Thị trường hàng hóa thế giới năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng bị đứt gãy; căng thẳng năng lượng làm lạm phát tại nhiều nước tăng cao, các quốc gia đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ; hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, nền kinh tế phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 20. Chỉ số giá sản xuất so với năm trước giai đoạn 2018-2022 (%)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 11


Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2022 tăng 0,74% so với quý trước và tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,76% và tăng 5,09%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,63% và tăng 6,32%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 0,72% và tăng 10,7%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89% so với năm 2021, trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,44%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 3,98%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 8,43%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2022 giảm 1,01% so với quý trước và tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 10,39% và tăng 6,64%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37% và tăng 2,64%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,2% và tăng 7,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,21% và tăng 2,21%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,24% so với năm 2021. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 18,9%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,69%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,54%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,91%.

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý IV/2022 tăng 1,24% so với quý trước và tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất dịch vụ của một số ngành như sau: Dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 0,95% và tăng 9,41%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 1,18% và tăng 6,89%; thông tin và truyền thông tăng 2,29% và tăng 2,67%; giáo dục và đào tạo tăng 6,8% và tăng 9,33%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,02% và tăng 0,41%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,58% và tăng 1,02%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 3,69% so với năm 2021. Trong đó: Dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 8,36%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,52%; thông tin và truyền thông tăng 1,07%; giáo dục và đào tạo tăng 3,3%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,69%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,57%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2022 tăng 0,16% so với quý trước và tăng 4,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,01% và tăng 8,65%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,25% và tăng 4,82%; dùng cho xây dựng giảm 0,92% và tăng 3,98%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,79% so với năm trước. Trong đó: Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,88%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,53%; dùng cho xây dựng tăng 6,96%.

đ) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hình 21. Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và tỷ giá thương mại
hàng hóa so với năm trước giai đoạn 2018-2022 (%)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 12

 
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý IV/2022 giảm 3,37% so với quý trước và tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá xuất khẩu nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,74% và tăng 3,22%; nhóm nhiên liệu giảm 2,54% và tăng 55,87%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 3,48% và tăng 1,93%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 7,09% so với năm trước. Trong đó: Chỉ số giá xuất khẩu nhóm nông sản, thực phẩm tăng 7,74%; nhóm nhiên liệu tăng 64,55%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 5,23%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý IV/2022 giảm 3,88% so với quý trước và tăng 1,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá nhập khẩu nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,66% và tăng 6,54%; nhóm nhiên liệu giảm 8,45% và tăng 17,27%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 3,49% và tăng 1,28%.

Tính chung năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 8,56% so với năm 2021. Trong đó: Chỉ số giá nhập khẩu nhóm nông sản, thực phẩm tăng 9,74%; nhóm nhiên liệu tăng 35,51%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 7,41%.

Tỷ giá thương mại hàng hóa[40] (TOT) quý IV/2022 tăng 0,53% so với quý trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tỷ giá thương mại hàng hoá giảm 1,36% so với năm trước. Trong đó: Tỷ giá thương mại hàng hóa của mặt hàng sắt, thép giảm 11,27%; cao su giảm 5,47%; hàng rau quả giảm 3,92%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,41%; xăng dầu các loại tăng 18,92%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,61%; hàng thủy sản tăng 3,75%. TOT năm 2022 giảm so với năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng xuất khẩu.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động, việc làm

Dân số trung bình của Việt Nam năm 2022 là 99,46 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022[41] và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tình hình lao động, việc làm năm 2022 phục hồi tích cực nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong quý IV/2022. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm. 

Dân số trung bình năm 2022 của cả nước ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021. Trong tổng số, dân số thành thị 37,09 triệu người, chiếm 37,3%; dân số nông thôn 62,37 triệu người, chiếm 62,7%; nam 49,61 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 49,85 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ.

Theo Kết quả Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2022, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 14,9‰; tỷ suất chết thô là 7‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống) là 12,1‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống) là 18,9‰. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2022 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 0,3 triệu người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.
Biểu 10. Lực lượng lao động quý IV và năm 2022
      Triệu người
  Quý III
năm 2022
Quý IV
năm 2022
Ước tính   
năm 
2022
Tăng so với cùng kỳ năm trước
Quý IV năm 2022 Năm 2022
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 51,9 52,1 51,7 1,4 1,1
Phân theo giới tính          
Nam 27,7 27,8 27,5 0,8 0,5
Nữ 24,2 24,3 24,2 0,6 0,6
Phân theo thành thị, nông thôn          
Thành thị 19,3 19,3 19,2 0,5 0,6
Nông thôn 32,6 32,8 32,5 0,9 0,5
Lực lượng lao động trong độ tuổi 46,4 46,5 46,0 1,5 1,4
Phân theo giới tính          
Nam 25,5 25,6 25,3 0,8 0,5
Nữ 20,9 20,9 20,7 0,7 0,9
Phân theo thành thị, nông thôn          
Thành thị 17,8 17,8 17,6 0,5 0,6
Nông thôn 28,6 28,7 28,4 1,0 0,8
 

 Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 ước tính là 51 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,7% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 17 triệu người, chiếm 33,2%; khu vực dịch vụ 19,9 triệu người, chiếm 39,1%. Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,5% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, tăng 4,5%; khu vực dịch vụ là 19,7 triệu người, tăng 6,1%.

Hình 22. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi các quý năm 2020-2022 (%)
Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 13


Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 ước tính là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý IV/2022 là 7,7%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2022 ước tính là 7,72%, trong đó khu vực thành thị là 9,7%; khu vực nông thôn là 6,68%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV/2022 là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[42] quý I/2022 là 56,2%; quý II là 55,6%; quý III là 54,1% và quý IV ước tính là 54,6%. Tính chung năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 54,9%, trong đó khu vực thành thị năm 2022 là 46,5% và trong khu vực nông thôn là 61,9% (năm 2021 tương ứng là 56,2%; 48%; 63,3%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý IV/2022 là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 71 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nhập của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,1 triệu đồng/tháng. Tính chung năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng so với năm trước.

2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với tháng trước là 90,5%. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2021 là 85,5%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm là 14,5% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Trong năm 2022, có 23,5% hộ gia đình nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 9,5%; từ họ hàng, người thân là 11,8%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 8,7%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 4,9% và từ các nguồn khác là 0,1%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động. Trong đó, hỗ trợ 3.213,6 tỷ đồng cho 4,82 triệu lượt người lao động đang làm việc trong hơn 94 nghìn doanh nghiệp; hỗ trợ 527,2 tỷ đồng cho gần 451 nghìn lượt lao động quay trở lại thị trường lao động tại gần 29 nghìn doanh nghiệp. Ngoài ra, để người dân không bị thiếu đói, tính từ đầu năm đến nay Chính phủ cấp xuất tổng số 24,8 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 492,5 nghìn hộ với 1,6 triệu nhân khẩu. Trong đó: Gần 14 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 291,7 nghìn hộ với 930,6 nghìn nhân khẩu trong dịp Tết Nhâm Dần; 10,4 nghìn tấn gạo cho 192,4 nghìn hộ với 691,4 nghìn khẩu dịp giáp hạt; 432,7 tấn gạo hỗ trợ hậu quả khắc phục thiên tai cho 8,4 nghìn hộ với 28,9 nghìn nhân khẩu.

Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2022, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,7 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường, nổi bật khác phát sinh tại địa phương là gần 4,6 nghìn tỷ đồng. Có gần 29,8 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến ngày 29/11/2022, trên cả nước có: 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Giáo dục, đào tạo

Với chủ đề của năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công tác truyền thông giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành đồng thời chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Năm học 2022-2023, cả nước có 15.329 trường mầm non, tăng 9 trường so với năm học trước; 26.085 trường phổ thông, giảm 124 trường. Số giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy là 353,7 nghìn giáo viên, tăng 4 nghìn giáo viên; số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 807,5 nghìn giáo viên, giảm 5 nghìn giáo viên. Cũng trong năm học này, cả nước có gần 4,9 triệu trẻ em bậc mầm non, tăng  7,9% so với năm học 2021-2022 và 18,1 triệu học sinh phổ thông, tăng 1,2%, bao gồm: 9,2 triệu học sinh tiểu học, tương đương số học sinh tiểu học của năm học trước; hơn 6 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 2,2% và gần 2,9 triệu học sinh trung học phổ thông, tăng 2,6%.

Trong năm 2022, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được rà soát, sắp xếp, quy hoạch theo lộ trình. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 412 trường cao đẳng; 435 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề năm 2022 đã tuyển mới được 2.430 nghìn người, đạt 116,5% so với kế hoạch đề ra, trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 530 nghìn người, đạt 100%; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.900 nghìn người, đạt 122,1%. Ước tính cả năm 2022, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.096 nghìn người, đạt 114,9% mục tiêu đề ra, trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là 346 nghìn người, đạt 100%; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.750 nghìn người, đạt 118,4%.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng (19/11-18/12/2022), cả nước có 50,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (21 trường hợp tử vong); 4.187 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 29 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (03 trường hợp tử vong); 01 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 57 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Tính chung cả năm 2022, cả nước có hơn 354,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (133 trường hợp tử vong); 66,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (03 trường hợp tử vong); 298 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (08 trường hợp tử vong); 13 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (01 trường hợp tử vong); 357 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Trên thế giới, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường[43]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron. Tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai nhằm đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch. Kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020 đến ngày 28/12/2022, Việt Nam có hơn 11,5 triệu trường hợp mắc, trong đó 10,6 triệu trường hợp đã được chữa khỏi và 43,2 nghìn trường hợp tử vong.

Tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 tiếp tục được đẩy nhanh đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả. Từ ngày 08/3/2021 đến ngày 26/12/2022, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 265,4 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,4 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,8 triệu liều; mũi bổ sung là 14,5 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,4 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,3 triệu liều.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/12/2022 là 222,4 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 112,6 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng 12/2022 xảy ra 08 vụ với 758 người bị ngộ độc (04 trường hợp tử vong). Tính chung cả năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ với 1.359 người bị ngộ độc (18 người tử vong).

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được các địa phương quan tâm và thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”,  phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”; hướng dẫn toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước. Tổ chức được 35 hội thi thể thao, giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia thu hút được gần 12.000 cán bộ, vận động viên tham dự và 16 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thể dục thể thao cho 2.162 cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao cơ sở.

Thể thao thành tích cao của Việt Nam năm 2022 tập trung vào đào tạo, tập huấn vận động viên thành tích cao tham dự các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Duy trì công tác tập huấn đối với các đội tuyển, đặc biệt là đội tuyển trẻ quốc gia, triệu tập được 2.456 lượt vận động viên, 517 huấn luyện viên, 27 chuyên gia và 90 y, bác sĩ. Trong nước đã tổ chức được 122 giải thể thao, 25 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao.

Năm 2022, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành được 903 huy chương, trong đó: 374 huy chương vàng, 259 huy chương bạc và 270 huy chương đồng. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nước chủ nhà đăng cai tổ chức SEA Games 31, xếp thứ nhất toàn đoàn với số huy chương vượt trội, phá 21/41 kỷ lục tại Đại hội. Trong Đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games 11), Đoàn thể thao Việt Nam tham gia và giành vị trí thứ 3/11 với 65 huy chương vàng, 62 huy chương bạc và 56 huy chương đồng.

Sau thành công của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 cũng là một sự kiện nổi bật để đánh giá toàn diện phong trào thể dục thể thao trên toàn quốc. Đại hội diễn ra tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 09/12-21/12/2022, tranh tài 933 bộ huy chương ở 43 môn thể thao với 53 kỷ lục quốc gia, 96 kỷ lục Đại hội được xác lập.

6. Tai nạn giao thông[44]

Trong tháng Mười Hai (từ 15/11-14/12/2022), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.125 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 757 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 368 vụ va chạm giao thông, làm 564 người chết, 463 người bị thương và 392 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 1,3% và số vụ va chạm giao thông tăng 1,1%) số người chết giảm 2,6%; số người bị thương tăng 5,2% và số người bị thương nhẹ giảm 0,3%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Mười Hai giảm 16,2% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,5% và số vụ va chạm giao thông giảm 22,9%); số người chết giảm 13,9%; số người bị thương giảm 3,5% và số người bị thương nhẹ giảm 17,8%.

Trong năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.448 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.934 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.514 vụ va chạm giao thông, làm 6.364 người chết, 4.215 người bị thương và 3.613 người bị thương nhẹ. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong năm nay giảm 0,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 6,8%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,3%); số người chết tăng 9,9%; số người bị thương tăng 7,9% và số người bị thương nhẹ giảm 12,1%. Bình quân 1 ngày trong năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 9 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 12 người bị thương và 10 người bị thương nhẹ.

7. Thiệt hại do thiên tai[45]

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Mười Hai chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất làm 07 người chết và 01 người bị thương; 265 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng; 540 ha lúa và 2,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 185,2 tỷ đồng, giảm 85,4% so với năm trước. Trong năm 2022, thiên tai làm 169 người chết và mất tích, 282 người bị thương; 38,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; gần 756 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 218,1 nghìn ha lúa và 66,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 14,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2021.

8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng 12/2022, theo báo cáo từ các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.433 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.214 vụ với tổng số tiền phạt gần 25,1 tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 66,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm nay đã phát hiện 21.122 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 18.374 vụ với tổng số tiền phạt là gần 269 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước.

Trong tháng[46], cả nước xảy ra 174 vụ cháy, nổ, làm 8 người chết và 15 người bị thương, thiệt hại ước tính 21,1 tỷ đồng, tăng 54,5% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.764 vụ cháy, nổ, làm 122 người chết và 112 người bị thương, thiệt hại ước tính 602,3 tỷ đồng, tăng 60,9% so với năm trước.

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kinh tế nước ta ước đạt mức tăng trưởng 8,02%, đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định khẳng định chương trình tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ ổn định đời sống của nhân dân và gia tăng xuất khẩu. Hoạt động sản xuất Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước. Để kịp thời có giải pháp khắc phục, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm đạt kết quả cao  nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo. Cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:

Một, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Hai, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ. Cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Ba là, Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Năm, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam./.
 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ


(*) Tỷ giá trung tâm bình quân năm 2022 (tính đến ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 1 USD = 23271,9 VND.
[1] Tốc độ tăng GDP quý IV các năm 2011-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,04%; 5,99%; 6,38%; 7,29%; 7,38%; 7,50%; 8,18%; 7,78%; 7,52%.
[2] GDP quý I tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%.
[3] Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2022 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.
[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ các năm 2011-2022 so với năm trước lần lượt là: 7,65%; 7,03%; 6,82%; 7,31%; 7,05%; 7,46%; 7,12%; 7,46%; 8,08%; 2,01%; 1,57%; 9,99%.
[5] Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2021 so với năm trước giảm 20,21%.
[6] Giá trị tăng thêm ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội năm 2021 so với năm trước tăng 41,01%.
[7] Năng suất lao động năm 2021 đạt 172,8 triệu đồng/lao động, tăng 4,6% so với năm trước.
[8] Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến 15/12/2022.
[9] http://agromonitor.vn/group/48/280/giam-sat-gia: Cá tra loại 0,8 kg đến 1,0 kg/con cuối quý I/2022 dao động trong khoảng 27.000-29.000 đồng/kg; có thời điểm giá cá tra vượt lên mức 32.000-33.000 nghìn đồng/kg, trung tuần tháng 12/2022, dao động trong khoảng 28.000-29.000 đồng/kg, trung bình cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.
[10] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp các quý năm 2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,16%; 9,51%; 11,06% và 3,6%.
[11] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các quý năm 2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,85%; 11,07%; 11,58%; 2,98%.
[12] Chỉ số IIP quý I/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2022 tăng 9,8%; quý III/2022 tăng 10,9%; quý IV tăng 3%.
[13] Cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của các năm 2020 (3,3%), năm 2021 (4,7%) nhưng thấp hơn các năm 2018 (10,1%) và năm 2019 (9,1%).
[14]  Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 so với năm trước tăng cao: Bắc Giang tăng 33,1%; Cần Thơ tăng 35,4%; Vĩnh Long tăng 26,3%; Khánh Hòa tăng 22,7%; Bình Phước tăng 21,1%; Quảng Nam tăng 18,9%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Điện Biên tăng 52,6%; Kon Tum tăng 37,5%; Sơn La tăng 24,2%; Lai Châu tăng 21%.
[15]  Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Cà Mau tăng 6,9%; Bắc Ninh tăng 6%; Đà Nẵng tăng 5,4%; Ninh Bình tăng 4,5%; Đắk Nông tăng 0,03%; Hà Tĩnh giảm 14,1%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện năm 2022 so với năm trước giảm: Trà Vinh giảm 35,2%; Hà Tĩnh giảm 29,4%; Bình Thuận giảm 3,2%; Quảng Ninh giảm 2,7%. Địa phương có ngành khai khoáng năm 2022 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,1%; Ninh Bình giảm 7,6%; Cà Mau giảm 6,5%; Hà Tĩnh giảm 5%; Đắk Nông giảm 1,8%.
[16] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26/12/2022.
[17] Chỉ số tương ứng của quý III/2022: Có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
[18] Chỉ số tương ứng của quý III/2022: Có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng so với quý trước; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 25,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
[19] Chỉ số tương ứng của quý III/2022: Có 35% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng cao hơn quý trước; 39% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 26% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.
[20] Theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi ngày 22/12/2022.
[21] Phối hợp với các địa phương tổ chức các Techfest Vùng như Techfest Lạng Sơn, Techfest Sơn La – Lai Châu, Techfest Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.
[22] Tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới” tại Bình Dương. Tại Sự kiện cũng diễn ra lễ trao giải Quán quân, Quý quân và Á quân cho dự án Techfest quốc gia. Đội Công ty TNHH FINA đạt giải Quán quân đã xuất sắc vượt qua 4 vòng thi cùng 500 doanh nghiệp, được đại diện Việt Nam tham gia Startup WorldCup; lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN với Tổng Công ty Becamex IDC về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số công nghiệp.
[23] https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-dich-vu-cong-truc-tuyen.html
[24] https://www.globalinnovationindex.org/home
[25] Theo báo cáo của Cục cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng và Cục Xuất nhập cảnh,

Bộ Công an.
[26] Kỳ báo cáo từ ngày 21/11/2022-20/12/2022.
[27] Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội ngày 26/12/2022.
[28] Tốc độ tăng tính theo VNĐ.
[29] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 22/12/2022.
[30] Do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư của dự án thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga.
[31] Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước tháng 12 và năm 2022.
[32] Giá trị kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và giá trị kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng NK).
[33] Ước tính trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 12/2022 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/12/2022.
[34] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 669 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 336,2 tỷ USD, tăng 18,9%; nhập khẩu đạt 332,8 tỷ USD, tăng 26,7%.
[35] Ước tính tháng Mười Một xuất siêu 0,78 tỷ USD.
[36] Trong đó giá thuốc lá tăng 0,37%; giá rượu các loại tăng 0,44%; giá bia tăng 0,62%.
[37] Giá nhóm gạo tăng 0,27%. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá bánh mỳ tăng 0,56% so với tháng trước; bột ngô tăng 0,35%; miến tăng 0,54%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,24%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,22%.
[38] Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,97% do ở các tỉnh phía Bắc ít mưa, thời tiết rét đậm trong khi các tỉnh miền Trung mưa nhiều khiến nhiều loại rau phát triển chậm, sâu bệnh phát triển nhiều nên sản lượng rau giảm; giá thủy sản hải tươi sống tăng 0,35% và thủy sản chế biến tăng 0,46% do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng; giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng 0,26% và 0,17% do nhu cầu tăng vào dịp lễ, Tết cuối năm; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,03%. Ở chiều ngược lại, giá thịt gia súc giảm 1,1%, trong đó giá thịt lợn tiếp tục giảm 1,59% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm) do nguồn cung tăng trong khi sức mua thực phẩm của người dân không cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất nên số lượng lao động giảm, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp giảm; giá thịt bò giảm 0,12%; giá nội tạng động vật giảm 0,26%; giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,38%; giá trứng các loại giảm 0,16%; giá quả tươi và chế biến giảm 0,06%.
[39] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
[40] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
[41] Tổng tỷ suất sinh các năm giai đoạn 2018-2022 lần lượt là: 2,05 con/phụ nữ; 2,09 con/phụ nữ; 2,12 con/phụ nữ; 2,11 con/phụ nữ; 2,01 con/phụ nữ.
[42] Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.
[43] Từ cuối tháng 12/2019 đến ngày 28/12/2022 trên thế giới có 662,7 triệu trường hợp mắc Covid-19 (6,7 triệu trường hợp tử vong).
[44] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngày 23/12/2022.
[45] Tổng hợp Báo cáo từ 63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ báo cáo từ ngày 19/11-18/12/2022.
[46] Theo báo cáo nhanh từ Bộ Công an ngày 23/12/2022.
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top