Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I năm 2021

16/04/2021 - 10:53 AM
Sáng ngày 16/4/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố Số liệu tình hình lao động việc làm quý I năm 2021. Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì cuộc họp báo. Tham dự cuộc họp báo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc TCTK; đại diện Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; đại diện Văn phòng ILO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một số đơn vị, cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Buổi họp báo được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I năm 2020 2
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh chủ trì buổi họp báo

Phát biểu tại buổi Họp báo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh cho biết, năm 2021, TCTK đã tổ chức thu thập và tính toán các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm áp dụng Khung khái niệm mới đã được các quốc gia thống nhất sử dụng tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10 năm 2013 tại Geneva, Thụy Sĩ. Khung khái niệm này có tên gọi chung là tiêu chuẩn ICLS 19 được ban hành để thay thế tiêu chuẩn ICLS 13, năm 1982. Từ quý I/2021, TCTK sẽ chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19.

Theo đó, Báo cáo Tình hình Lao động việc làm quý I/2021 của TCTK đã nhận định, thị trường lao động của Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 khiến cho số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với nam (75,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị là 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35,0%; nông thôn: 47,9%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Điểm sáng trong bức tranh Lao động việc làm quý I/2021 là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên quý I năm 2021 là 26,0%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 40,7%, cao hơn gấp 2,3 lần khu vực nông thôn (17,8%).

Trong tổng số 23,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I năm 2021 có đến 60,8% ở khu vực nông thôn; họ chủ yếu ở độ tuổi đang đi học và nghỉ hưu. Phần lớn trong số họ chưa tham gia khóa đào tạo nào từ sơ cấp trở lên (chỉ có 10,8% lao động không tham gia thị trường lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên).

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm, TCTK cho biết, Việt Nam vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần hai phần ba. Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%. Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi xu thế tăng lao động theo đà tăng dân số mỗi năm của Việt Nam. Cụ thể, lực lượng lao động quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người. Bên cạnh đó, sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020 đồng thời khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có việc làm phi chính thức, đồng thời làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Trong toàn nền kinh tế, vẫn còn 3,5 triệu người lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nữ giới chiếm gần hai phần ba lực lượng này. Ngoài ra, việc tận dụng nhóm lao động tiềm năng chưa khai thác, đặc biệt là lao động trẻ cũng trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh đại dịch.

 
Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I năm 2020 3
Bà Valentina Baccuci phát biểu tại buổi Họp báo

Tại buổi họp báo, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi ý kiến về việc áp dụng khung khái niệm mới ICLS 19 ở Việt Nam và tình hình áp dụng khung khái niệm mới ICLS19 trên thế giới. Theo đó, bà Valentina Baccuci, đại diện Tổ chức Lao động thế giới (ILO) nhấn mạnh, thông cáo báo chí hàng quý về việc giám sát Covid-19 của TCTK luôn là sự kiện quan trọng đối với ILO. Tổng cục Thống kê đã đánh giá tác động của đại dịch đối với thị trường lao động của Việt Nam kể từ khi có những dấu hiệu ban đầu cho thấy một cuộc khủng hoảng lớn sắp xảy ra, từ đó có thể đưa ra các phân tích chi tiết giải thích những gì đất nước và thị trường lao động đang phải đối mặt. Với thông cáo lần này, TCTK đã trở thành một trong những cơ quan tiên tiến nhất trong các quốc gia mới nổi do áp dụng các tiêu chuẩn thống kê mới nhất về việc đo lường các vấn đề của thị trường lao động. Các tiêu chuẩn này đã được quốc tế thông qua vào năm 2013 và Việt Nam được chọn là một trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thí điểm các tiêu chuẩn này trong Điều tra Lực lượng Lao động. Với sự hỗ trợ chặt của ILO trong việc áp dụng các tiêu chuẩn mới vào Điều tra Lực lượng Lao động, những dữ liệu của TCTK đã được ILO công nhận về chất lượng, có thể so sánh với quốc tế và được quốc tế tin cậy. Qua đó, bà Valentina Baccuci bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục được hợp tác cùng TCTK trong những công tác sau này.

Qua buổi Hợp báo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với ILO đã luôn phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với Thống kê Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong quá trình Thống kê Việt Nam ứng dụng khung tiêu chuẩn mới trong điều tra lao động việc làm.

Cũng tại buổi Họp báo, Lãnh đạo TCTK và các đơn vị liên quan đã dành nhiều thời gian trả lời thỏa đáng thắc mắc của các cơ quan truyền thông về các nội dung liên quan đến những thay đổi trong bức tranh lao động việc làm của Việt Nam, sự thay đổi của các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm, thống kê lao động yếu thế khi áp dụng khung tiêu chuẩn mới ICIS19; tình hình lao động việc làm của quý I/2021./.


 
Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I năm 2020 4
Toàn cảnh buổi Họp báo Tình hình Lao động việc làfm quý I/2021 của TCTK
 
Tin, ảnh: Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top