Họp trực tuyến báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế

16/09/2021 - 06:37 PM

Chiều ngày 16/9/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp trực tuyến báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì cuộc họp.

 Tổng cục Thống kê họp trực tuyến  báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị trực thuộc cơ quan TCTK.

Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho biết, để đánh giá việc triển khai thu thập và sử dụng dữ liệu tờ khai thuế, đề nghị các đơn vị liên quan tập trung cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế hàng tháng/quý, từ đó đưa ra cách làm trong thời gian tới để kết nối dữ liệu được tốt hơn.

Theo Báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế hàng tháng/quý, đánh giá chất lượng dữ liệu tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và tờ khai thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được thực hiện bằng cách so sánh dữ liệu của 2 loại tờ khai này với Báo cáo tài chính (BCTC). Dữ liệu BCTC đã được đánh giá và sử dụng trong một số năm gần đây cho thấy đây là dữ liệu tin cậy và có chất lượng tốt bảo đảm làm gốc để đánh giá các dữ liệu tờ khai thuế.

Tổng số doanh nghiệp (DN) kê khai thuế GTTT hàng tháng/quý năm 2020 là 746.187 DN, trong đó số DN kê khai theo quý là 688.840 DN chiếm 92,3% và chỉ có 57.347 DN kê khai hàng tháng chiếm 7,7%.

Tổng số DN kê khai thuế GTTT hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2021 là 711.026 DN giảm 4,7% so với năm 2020, trong đó số DN kê khai theo quý là 661.858 DN chiếm 93,1% và chỉ có 49.168 DN kê khai hàng tháng chiếm 6,9%.

Tổng số DN đang hoạt động trong Tổng điều tra kinh tế tính đến thời điểm hiện tại là 881.281DN, số DN nộp tờ khai thuế GTGT năm 2020 là 746.187DN (chiếm 84,67%). Trong đó có 4 tỉnh/thành phố có tỷ lệ DN nộp tờ khai thuế GTGT so với DN đã điều tra trong Tổng điều tra cao nhất là tỉnh Ninh Bình (100,7%), TP. Hà Nội (98,6%), tỉnh Thái Nguyên (97,6%), tỉnh Bắc Ninh (96,3%).

Tổng số DN nộp BCTC là 797.687 DN, số DN nộp tờ khai thuế GTGT năm 2020 là 746.187 DN (chiếm 93,5%). Trong đó có 22 tỉnh/thành phố có tỷ lệ DN nộp tờ khai thuế GTGT so với DN đã nộp BCTC đạt trên 95%; 8 tỉnh/thành phố đạt từ 90% đến 95%, 17 tỉnh/thành phố đạt từ 85% đến 90%, 5 tỉnh/thành phố đạt từ 80% đến 85%, 9 tỉnh/thành phố đạt từ 70% đến 80%.

Về chất lượng số liệu doanh thu từ tờ khai thuế GTGT năm 2020 so với BCTC chỉ chênh lệch 1,1% cho thấy số liệu tờ khai và báo cáo quyết toán không có sự thay đổi nhiều, điều này cho thấy số liệu doanh thu từ tờ khai thuế GTGT hoàn toàn có thể sử dụng để phục vụ tổng hợp các số liệu hàng quý của ngành Thống kê. Từ kết quả đánh giá này, Cục TTDL đã tiến hành tính toán số liệu về doanh thu từ tờ khai thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2021 để có thể là nguồn số liệu tốt cho việc so sánh, đối chiếu với các nguồn dữ liệu từ điều tra. Dữ liệu tờ khai được kết nối với dữ liệu Tổng điều tra kinh tế 2021, dữ liệu đăng ký thuế lấy các chỉ tiêu về loại hình doanh nghiệp, ngành kinh tế để tổng hợp doanh thu chia theo ngành kinh tế và theo loại hình doanh nghiệp.

 Tổng cục Thống kê họp trực tuyến  báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế 1

Toàn cảnh cuộc họp

Với tờ khai thuế TNDN, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong Tổng điều tra kinh tế đến thời điểm hiện tại là 881.281 doanh nghiệp, số doanh nghiệp nộp tờ khai thuế TNDN năm 2020 là 722.424 doanh nghiệp (chiếm 81,97%). Trong đó có 4 tỉnh/thành phố có tỷ lệ Doanh nghiệp nộp tờ khai thuế TNDN so với Doanh nghiệp đã điều tra trong Tổng điều tra cao nhất là tỉnh Thái Nguyên (97,7%), tỉnh Ninh Bình (96,6%), TP. Hà Nội (93,6%), tỉnh Bắc Ninh (93,3%). Số lượng Doanh nghiệp nộp tờ khai TNDN mặc dù thấp hơn số lượng DN nộp tờ khai GTGT nhưng có thể kết hợp với BCTC tích hợp với số liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm để có thông tin về kết quả SXKD.

Về chất lượng số liệu doanh thu từ tờ khai thuế TNDN chỉ chênh lệch 1,4% so với BCTC, điều này cho thấy cả 3 nguồn dữ liệu từ tờ khai thuế GTGT, tờ khai thuế TNDN và BCTC của Tổng cục Thuế có sự thống nhất về mặt số liệu rất cao và đủ tin cậy để có thể sử dụng.

Kết quả so sánh chi tiết doanh thu của DN từ nguồn tờ khai thuế TNDN và BCTC của DN thì có 16.570 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% (chiếm 2,4% tổng số DN nộp đủ các loại báo cáo thuế). Tính trên phạm vi cả nước, doanh thu theo tờ khai TNDN bằng 101,4% so với doanh thu theo BCTC. Doanh thu chênh lệch lớn nhất là ở TP. Đà Nẵng với 338 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% và doanh thu theo tờ khai TNDN bằng 96,1% của BCTC. 4 tỉnh/thành phố có số lượng DN lớn nhất cả nước có tình trạng chênh lệch doanh thu như sau: TP. Hà Nội có 3.397 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% (chiếm 2,2% số DN nộp đủ báo cáo thuế) và doanh thu theo tờ khai TNDN bằng 106,4% so với BCTC. TP. Hồ Chí Minh có 4.035 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% (chiếm 1,9% số DN nộp đủ báo cáo thuế) và doanh thu theo tờ khai TNDN bằng 100,1% so với BCTC. Tỉnh Bình Dương có 624 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% (chiếm 2,4% số DN nộp đủ báo cáo thuế) và doanh thu theo tờ khai TNDN bằng 99,0% so với BCTC. Tỉnh Đồng Nai có 448 DN có doanh thu chênh lệch trên 5% (chiếm 2,1% số DN nộp đủ báo cáo thuế) và doanh thu theo tờ khai GTGT bằng 101,0% so với BCTC.

Báo cáo cũng chỉ ra ưu điểm số liệu doanh thu giữa 3 nguồn giữ liệu (2 tờ khai và BCTC) rất sát nhau nên việc điều chỉnh số liệu tờ khai và báo cáo quyết toán là rất ít. Đánh giá này đã khẳng định giữ liệu tờ khai hàng tháng/quý hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích thực hiện các báo cáo thống kê; Ngoài ra, dữ liệu tờ khai có doanh thu của các DN Việt Nam nên có thể đánh giá được quy mô tổng thể của nền kinh tế; là nguồn dữ liệu rất tốt để đối chiếu, kiểm tra đối với dữ liệu điều tra hàng tháng, quý của ngành Thống kê; giúp tính được doanh thu năm trước vào thời điểm cuối tháng 1 năm sau. Điều này giúp cập nhật được thông tin dàn mẫu của điều tra DN, có thông tin để kiểm tra ngay trong quá trình thực hiện điền thông tin của các DN giúp giảm thiểu các sai sót về đơn vị tính.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm báo cáo cũng chỉ ra những nhược điểm như: DN thực hiện kê khai thuế GTGT chủ yếu theo Quý nên số liệu tờ khai chỉ có thể sử dụng để tổng hợp báo cáo quý. Thời hạn kê khai thuế GTGT là ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau nên số liệu tờ khai chỉ có được số quý trước quý báo cáo của TVTK. Số doanh nghiệp thực hiện kê khai đúng thời hạn vẫn chưa đầy đủ đạt 90% số doanh cần kê khai. Tại thời điểm quý báo cáo của Thống kê chỉ có số liệu của các DN kê khai theo tháng và là số liệu 2 tháng, chưa có số liệu của những doanh nghiệp kê khai theo quý. Dữ liệu tờ khai không có ngành kinh tế, do đó chỉ có thể áp ngành của DN theo ngành kinh tế của điều tra DN năm gần nhất để tổng hợp cho kỳ hiện tại.

Báo cáo đưa ra kiến nghị trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện cầu nối Thuế và thống nhất lại cách thức vận hành để có thể đảm bảo nhận đầy đủ và cập nhật dữ liệu tờ khai thuế kịp thời. Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế để cập nhật và hoàn thiện phụ lục cung cấp dữ liệu của 2 bên tiến tới sử dụng triệt để được nguồn dữ liệu hành chính của 2 bên. Xây dựng phần mềm riêng phục vụ công tác kiểm tra dữ liệu tờ khai hàng tháng/quý và phối hợp với TCT để làm sạch và hoàn thiện các bộ dữ liệu này. Kết nối dữ liệu tờ khai vào dữ liệu các cuộc điều tra để kiểm tra, tích hợp sử dụng.

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận đóng góp vào Báo cáo đánh giá dữ liệu tờ khai thuế hàng tháng/quý, đề cập đến việc tổng hợp số liệu là rất tốt nhưng để đảm bảo cần kiểm tra làm sạch số liệu; đánh giá thời gian làm sạch số liệu; chú ý bổ sung thêm việc phân bổ theo ngành; số liệu từng tỉnh còn có sự bất hợp lý.

Kết thúc cuộc họp, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đánh giá cao nỗ lực của Cục TTDL thời gian qua với khối lượng công việc lớn, khó và đặc biệt lần đầu tiên chúng ta nỗ lực khai thác được dữ liệu từ Tổng cục Thuế đối với tờ khai hàng tháng. Tổng cục trưởng khẳng định đây là xu hướng TCTK phải làm và đây là nguồn dữ liệu rất quý. Nhìn vào tổng thể còn có nhiều vấn đề nhưng Tổng cục trưởng tin tưởng TCTK sẽ xử lý được các vấn đề này nếu chúng ta có cách làm, cùng nhau xem xét vừa ở mức tổng thể, vừa ở mức chi tiết. Tổng cục trưởng nhất trí với phương án trước hết Cục TTDL bổ sung thêm phần thuế và đề nghị Cục TTDL khẩn trương xem những DN nào còn thiếu thì xem xét phương án để thì bổ sung và ghi lại các lỗi sai để trao đổi lại với các Cục Thống kê địa phương để rà soát lại; đồng thời tiến hành phân cấp phân quyền tới địa phương. Với nguồn dữ liệu đã có TCTK huy động toàn ngành tham gia thực hiện xử lý nguồn dữ liệu./.

M.T

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top