Tổng cục Thống kê tổ chức chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người”

17/10/2020 - 08:30 PM
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn; hướng tới 75 năm kỷ niệm Ngày thành lập Ngành Thống kê Việt Nam (06/5/1946-06/5/2021); đồng thời kỷ niệm 90 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020), ngày 17/10/2020, Tổng cục Thống kê đã tổ chức đoàn tham dự chương trình về nguồn năm 2020 với chủ đề “Theo dấu chân Người”.
 
Tổng cục Thống kê với chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người” 4
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê  và cục Thống kê Tuyên Quang tại Văn phòng Thủ tướng phủ 
(Văn phòng Chính phủ)

 
Thành phần đoàn tham dự gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương; các Phó Tổng cục trưởng: Phạm Quang Vinh, Nguyễn Trung Tiến; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Tổng cục Thống kê; Lãnh đạo Nữ các đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện công đoàn cơ quan Tổng cục Thống kê; Đoàn Thanh niên cơ quan Tổng cục Thống kê…
 
Tổng cục Thống kê với chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người” 3
Đoàn Tổng cục Thống kê tại Đình Tân Trào
 
Tại Khu Di tích lịch sử Tân Trào, đoàn đã dâng hương và tham quan:  cụm di tich Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào... Đặc biệt, đoàn đã tham quan Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã lãnh đạo và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, trong đó có Sắc lệnh liên quan đến thành lập Nha Thống kê Việt Nam (tiền thân của Tổng cục Thống kê ngày nay).

 
Tổng cục Thống kê với chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người” 1
Đoàn Tổng cục Thống kê dâng hương tại lán Nà Nưa
 
Ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế. Sau đó không lâu, ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước, các cơ quan của Chính phủ rời Thủ đô lên Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến. Từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Hoạt động thống kê trong giai đoạn này từng bước được hoàn thiện về tổ chức, bộ máy.
 
Tổng cục Thống kê với chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người” 2
Đoàn Lãnh đạo nữ Tổng cục Thống kê tại Văn phòng Thủ tướng phủ (Văn phòng Chính phủ) 
 

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 124/SL bãi bỏ Nha Thống kê Việt Nam. Tiếp sau đó, ngày 09/8/1950, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 38/TTg thành lập Phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng do ông Lương Duyên Lạc làm trưởng phòng với 3 cán bộ... Đó là những dấu mốc sự kiện quan trọng của ngành Thống kê trong những ngày đầu thành lập và những sự kiện đó đều ít nhiều có liên quan đến địa điểm nơi mà đoàn cán bộ Tổng cục Thống kê dừng chân tham quan - Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ trong Khu di tích lịch sử Tân Trào.
Cũng trong chuyến đi, đoàn của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê Tuyên Quang đã có những hoạt động giao lưu chúc mừng chị em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam.
Chương trình về nguồn "Theo dấu chân Người" tổ chức cho đoàn cán bộ của Tổng cục Thống kê thực sự có ý nghĩa to lớn. Ở đó, mỗi người cán bộ công chức được ôn lại những truyền thống hào hùng của đất nước và thực sự tự hào vì ngành Thống kê đã đóng góp một phần vào những trang sử vẻ vang ấy. Đó như một sự nhắc nhở mỗi cán bộ công chức cần nỗ lực tiếp nối xây dựng ngành Thống kê ngày càng vững mạnh để không phụ công các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp xây dựng nền móng của Ngành từ những ngày đầu thành lập./.
 
Tổng cục Thống kê với chương trình về nguồn “Theo dấu chân Người”
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê tặng hoa, quà lưu niệm cho Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang
 
Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu là 561,1 km2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó nổi bật là Cụm di tích Nà Nưa (gồm: Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, nằm ở sườn Tây núi Nà Lừa; lán Cảnh vệ, cách lán Nà Nưa khoảng 20m về hướng Tây, là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, để đảm bảo an toàn cho Bác; lán Điện Đài - nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh, tại Côn Minh - Trung Quốc; lán Đồng Minh - nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng Minh; lán họp Hội nghị Cán bộ Toàn quốc của Đảng, cách lán Nà Nưa 20m về hướng Bắc, được dựng lên để phục vụ Hội nghị Toàn quốc của Đảng, diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945). Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là di tích quốc gia đặc biệt.
 

P.V
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top