Tổng quan thị trường giá cả tháng 12, quý IV và năm 2022

29/12/2022 - 11:11 AM
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

I. TỔNG QUAN

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thế giới đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các yếu tố rủi ro, bất định gia tăng cùng với sự thay đổi chính sách rất nhanh của các nền kinh tế lớn. Sang năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có xu hướng được kiểm soát nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kết hợp với xung đột Nga - Ucraina và sự xuất hiện nhiều yếu tố mới đã làm tăng thêm khó khăn, thách thức như căng thẳng năng lượng, giá dầu và hàng hóa thế giới tăng cao; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng tiếp tục bị đứt gãy trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ được nhiều nền kinh tế điều chỉnh theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát đã tác động tới khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế, một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực...

Trong bối cảnh đó tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại Châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%. Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong nước, kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường. Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Một số chính sách hiệu quả nhằm giảm áp lực lạm phát như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 12/2022

So với tháng trước, CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn giảm 0,07%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 9 nhóm hàng tăng giá.
 Tổng quan thị trường giá cả tháng 12, quý IV và năm 2022

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 12/2022 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,15%)

1.1. Lương thực (+0,48%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12/2022 tăng 0,48% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,27% (khu vực thành thị tăng 0,08%; khu vực nông thôn tăng 0,41%). Giá gạo tăng nhẹ do giá xuất khẩu ổn định ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 12.800-15.900 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.700-21.800 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.600-21.200 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.900-36.500 đồng/kg.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá bánh mỳ tăng 0,56% so với tháng trước; bột ngô tăng 0,35%; miến tăng 0,54%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,24%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,22%.

1.2. Thực phẩm (+0,05%)

Giá thực phẩm tháng 12/2022 tăng 0,05% so với tháng trước do một số mặt hàng sau:

- Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,97% so với tháng trước, trong đó giá rau muống tăng 6,47%; đỗ quả tươi tăng 6,6%; khoai tây tăng 2,2%; rau dạng củ, quả tăng 3,99%. Giá rau tăng do ở các tỉnh phía Bắc ít mưa, thời tiết rét đậm trong khi các tỉnh miền Trung mưa nhiều khiến nhiều loại rau phát triển chậm, sâu bệnh phát triển nhiều nên sản lượng rau giảm.

- Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,35% so với tháng trước và thủy sản chế biến tăng 0,46% do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng.

- Giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng so với tháng trước 0,26% và 0,17% do nhu cầu tăng vào dịp lễ, Tết cuối năm. Dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,03% so với tháng trước, trong đó dầu thực vật tăng 0,27%.

- Giá đồ gia vị tăng 0,28% so với tháng trước; bơ, sữa phô mai tăng 0,31%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,28%; chè, cà phê, cacao tăng 0,45%.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm các mặt hàng giảm giá như sau:

- Giá thịt gia súc giảm 1,1% so với tháng trước, trong đó giá thịt lợn tháng 12/2022 tiếp tục giảm 1,59%, làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Trong tháng, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung tăng trong khi sức mua thực phẩm của người dân không cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất nên số lượng lao động giảm, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp giảm. Giá thịt bò giảm 0,12%; giá nội tạng động vật giảm 0,26%. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Mười Hai giảm 0,27% so với tháng trước; giá mỡ động vật giảm 0,89%.

- Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,38% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà giảm 0,35%; thịt gia cầm khác giảm 0,52%.

- Giá trứng các loại giảm 0,16% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào.

- Giá quả tươi và chế biến tháng 12/2022 giảm 0,06% so với tháng trước, trong đó quả có múi giảm 1,56%; xoài giảm 0,63% do đang vào chính vụ thu hoạch nên sản lượng cao.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,26%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 12/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, trong đó giá ăn ngoài gia đình tăng 0,25%; uống ngoài gia đình tăng 0,34%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,3%.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,45%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, trong đó giá thuốc lá tăng 0,37%; giá rượu các loại tăng 0,44%; giá bia tăng 0,62% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2023 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới.

3. May mặc, mũ nón, giày dép (+0,41%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 12/2022 tăng 0,41% so với tháng trước do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch cao nên các cửa hàng tăng giá bán. Trong đó, quần áo may sẵn tăng 0,47% so với tháng trước; may mặc khác tăng 0,4%; mũ nón tăng 0,1%; giày dép tăng 0,25%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,66%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 12/2022 tăng 0,66% so với tháng trước. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau:

- Giá gas tăng 4,08% so với tháng trước do từ ngày 01/12/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 14.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 40 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn lên mức 650 USD/tấn).

- Giá nước sinh hoạt tăng 0,82% do một số địa phương tăng giá nước; giá nhà ở thuê tăng 0,77% so với tháng trước.

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, do giá đá, cát, gạch, xi măng tăng nhẹ.

- Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,57% so với tháng trước do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước:

- Giá dầu hỏa giảm 7,4% so với tháng 11/2022 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022.

- Giá điện sinh hoạt tháng Mười hai giảm 0,95% so với tháng trước[1]  do thời tiết chuyển sang mát mẻ.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,22%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 12/2022 tăng 0,22% so với tháng trước. Trong đó, ấm, phích nước điện tăng 0,67%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,11%; nồi cơm điện tăng 0,42%; giá máy giặt tăng 0,1%; giường, tủ, bàn, ghế và giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,27%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,18%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,32%.

6. Giao thông (-2,78%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12/2022 giảm 2,78% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022 làm cho giá xăng giảm 7,29%; dầu diezen giảm 10,64%, trong đó giá xăng A95 giảm 3.080 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 2.700 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 3.200 đồng/lít.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tháng Mười Hai tăng 0,22% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân và dịch vụ giao thông công cộng cùng tăng 0,08%.

7. Giáo dục (+0,32%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2022 tăng 0,32% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,35% do một số cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định.

Do nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập và chi phí vận chuyển tăng nên giá sản phẩm từ giấy tăng 0,32% so với tháng trước; giá sách giáo khoa tăng 0,06%; giá bút viết các loại tăng 0,17%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,12%.

8. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,23%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 12/2022 tăng 0,23% so với tháng trước, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,36% theo giá vàng; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,52%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,35%; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,28% so với tháng trước.

9. Chỉ số giá vàng (+0,45%)

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/12/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022. Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng đô la Mỹ suy yếu. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.

10. Chỉ số giá đô la Mỹ (-2,6%)

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12/2022, FED đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%. Tuy nhiên, sau khi lạm phát Mỹ trong tháng 11 thấp hơn dự kiến đã khiến đồng đô la Mỹ giảm mạnh. Tính đến ngày 25/12/2022, chỉ số đô la Mỹ bình quân tháng 12/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 104,51 điểm, giảm 3,2 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.235 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09%.

Bảng 1. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 12 và bình quân năm từ năm 2018 đến năm 2022                                                                                 

 Đơn vị tính: %
  Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
CPI tháng 12 so với
tháng trước
-0,25 1,40 0,10 - 0,18 -0,01
CPI tháng 12 so với
cùng kỳ năm trước
2,98 5,23 0,19 1,81 4,55
CPI bình quân năm
so với năm trước
3,54 2,79 3,23 1,84 3,15
 

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2022 tăng 4,55%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Tổng quan thị trường giá cả tháng 12, quý IV và năm 2022 1

 Các nhóm hàng tăng giá:

- Nhóm giáo dục tháng 12/2022 tăng cao nhất với 11,8% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,14% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,21%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,7%; giá lương thực tăng 2,91% và thực phẩm tăng 5,01%.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,02% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,79% chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển và tỷ giá tăng.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng Mười Hai tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,66%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,43%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,59%.

Các nhóm hàng giảm giá:

- Nhóm giao thông tháng 12/2022 giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu tháng Mười Hai giảm 6,77% mặc dù giá vé tàu hỏa tăng 8,86%; vé máy bay tăng 36,69%; vé ô tô khách tăng 16,62%; vé xe buýt công cộng tăng 13,83%; vé taxi tăng 6,62% và vé tàu thủy tăng 3,79%.

- Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 12/2022 giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

III. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ IV NĂM 2022

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/202 tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý IV năm 2022

- Giá các mặt hàng thực phẩm quý IV/2022 tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 1,07 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn và mỡ ăn lần lượt tăng 7,33% và 14,84%.

- Giá dịch vụ giáo dục quý IV tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023, tác động làm CPI chung tăng 0,66 điểm phần trăm.

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý IV tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2021 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm.

- Giá nhà ở thuê tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu thuê nhà tăng cao trở lại, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.

- Giá đồ uống thuốc lá quý IV/2022 tăng 3,64% so với quý IV/2021 do chi phí vận chuyển tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

- Giá nhóm lương thực quý IV tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá gạo tăng 1,43% làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

- Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý IV/2022 tăng 47,94% so với quý IV/2021; vé tàu hỏa tăng 7,96%, giá vé ô tô khách tăng 16,79%, vé xe buýt công cộng tăng 13,85%, giá du lịch trọn gói tăng 13,46%.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý IV năm 2022

- Giá xăng dầu trong nước bình quân quý IV/2022 giảm 4,35% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,16 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý IV/2022 giảm 7,74% so với quý IV/2021, làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm.

IV. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2022

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

1. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2022

- Trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

- Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

- Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

- Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm.

- Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

- Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong năm 2022

- Giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

- Giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Giá bưu chính viễn thông giảm 0,37% so với năm trước do giá điện thoại di động giảm.

- Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.

V. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[2] tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Lạm phát cơ bản tháng 12bình quân năm từ năm 2018 đến năm 2022


 
       Đơn vị tính: %
  Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm
2021
Năm
2022
Lạm phát cơ bản tháng 12 so với tháng trước 0,09 0,68 0,07 0,16 0,33
Lạm phát cơ bản tháng 12 so với cùng kỳ năm trước 1,70 2,79 0,99 0,67 4,99
Lạm phát cơ bản bình quân năm so với năm trước 1,48 2,01 2,31 0,81 2,59
 
 

Như vậy, trong năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023./.
 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ


[1] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 12/2022 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng từ ngày
01-30/11/2022, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[2] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top