TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh

08/02/2022 - 02:36 PM
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm lực đẩy để nâng cao sức cạnh tranh địa phương. Đặc biệt, trong năm 2021 với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn vô cùng phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế địa phương, Thành phố đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh trạnh và đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư.
 
Môi trường đầu tư - yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư

Môi trường đầu tư là các yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó trong thời gian qua, cũng giống như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện hàng loạt các giải pháp mạnh mẽ nhằm tạo một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, coi đây là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và làm lực đẩy để nâng cao sức cạnh tranh so với các địa phương khác. Với những hành động mạnh mẽ của Chính quyền thành phố, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới của TP. Hồ Chí Minh là trên 40,3 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký thành lập mới là 1.115 nghìn tỷ đồng; gấp 2 lần về số doanh nghiệp thành lập mới và gấp gần 6 lần về số vốn đăng ký thành lập mới của năm 2011.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành cũng tăng đáng kể trong những năm qua. Cụ thể, theo số liệu Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh, toàn thành phố có vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trong các năm 2015-2020 đạt lần lượt là” 284,2 nghìn tỷ đồng; 366,7 nghìn tỷ đồng; 427,3 nghìn tỷ đồng; 466,5 nghìn tỷ đồng và sơ bộ năm 2020 là 442,3 nghìn tỷ đồng (năm 2020 giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19).

Bên cạnh đó, Thành phố cũng là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2011, Thành phố có số dự án được cấp phép là 359 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.845 triệu USD; có 62 dự án được điều chỉnh vốn đầu tư với tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm là 300 triệu USD. Đến năm 2019, Thành phố có 1.365 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký cấp mới là 1.891 triệu USD; 313 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với 861 triệu USD. Trong năm 2021, do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nên số dự án được cấp phép mới chỉ đạt 985 dự án (654 triệu USD) và có 276 dự án điều chỉnh vốn đầu tư (579 triệu USD).
Năm 2021 - Những hành động quyết liệt
Bước sang năm 2021, để có những hành động mạnh mẽ hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TP. Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm là“Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Với chủ đề này, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 14/4/2021 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời ban hành Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 về Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

Các kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém để cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đưa Thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội tốt nhất cả nước, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, Thành phố đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đồng thời trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, các nhóm giải pháp tập trung về công tác phối hợp giữa các cơ quan, tiếp cận nguồn lực đất đai, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đầu tư công, quy hoạch và xây dựng, lao động và đào tạo nguồn lao động, tiếp cận nguồn lực tài chính, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự,...

Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, Thành phố tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Công khai quy trình xử lý của tất cả các thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, rà soát để đảm bảo việc công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định trong giải quyết thủ tục hành chính. Đổi mới cách thức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với công tác phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn Thành phố; cập nhật và hướng dẫn chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của các cấp từ Trung ương đến địa phương; cập nhật các chương trình, kế hoạch của Thành phố bằng nhiều hình thức, phương thức hiệu quả. Tăng số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện được đưa vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Cải tiến chất lượng dịch vụ công mức độ 3,4 đang áp dụng. Xây dựng quy chế phối hợp với các thủ tục có tính chất liên thông. Tích hợp thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc Thành phố. Xây dựng kế hoạch triển khai việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại Thành phố. Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay. Kiện toàn thành viên của Tổ công tác đầu tư và Quy chế sửa đổi, bổ sung hoạt động Tổ công tác đầu tư, trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành. Tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các sở, ban, ngành của Thành phố với các hội đồng ngành, Hiệp hội doanh nghiệp; Hội ngành nghề, doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn thuộc lĩnh vực mình quản lý cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Trong nhóm giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn theo các Bộ tiêu chí an toàn đã ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giảm thủ tục hành chính để hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn, duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Thành phố. Ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19 với nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Trung ương và Thành phố. Đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; ban hành Kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với các giải pháp hiệu quả, sát với thực tế. Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp năm 2021. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư năm 2021 của Thành phố... Điều này thể hiện sự đồng lòng của Chính quyền Thành phố cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp trên và để việc cải thiện môi trường đầu tư đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra, Thành phố đã thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng như: Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI;.... Hoạt động của các Tổ công tác này được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ nhanh chóng, thực chất khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp.

Đồng thời, Thành phố làm việc với Trung ương để tháo gỡ vướng mắc đối với một số dự án trọng điểm có vướng mắc kéo dài và đã được Chính phủ ban hành các Nghị quyết tháo gỡ cho các dự án như: Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tạo hành lang pháp lý để các dự án có thể tiếp tục triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, có đóng góp chung vào kinh tế - xã hội Thành phố.

Trong tháng 5/2021, Thành phố cũng đã tổ chức thành công buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, qua đó đã kiến nghị một loạt các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư, các Đề án lớn của Thành phố và một số nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền cũng như đề xuất tháo gỡ khó khăn cho quá trình thi hành một số quy định pháp luật.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta có những diễn biến khó lường đã đặt ra những thách thức, khó khăn to lớn, tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ với các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và có ý kiến chỉ đạo, kết luận kịp thời như: Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa Lãnh đạo chính quyền Thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản năm 2021, Hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2021. Ngoài ra, nhận thức rõ tầm quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội, Lãnh đạo Thành phố đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Cùng với đó, tiếp tục điều hành Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố” nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp về lĩnh vực thuế, đầu tư, lao động.

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2025 được tổ chức vào 18/10 vừa qua, nội dung cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển là một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến và cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố.

Mặc dù đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song do TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư nên số lượng doanh nghiệp mới được cấp phép giảm, chỉ là 24.269 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 421.235 tỷ đồng, giảm 24,55% về số lượng doanh nghiệp và giảm 45,26% về vốn đăng ký so với cùng kỳ (số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh).

 
TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh 1
Ảnh minh họa
 
Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 2,73 tỷ USD, giảm 20,37% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó: Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 469 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 415,87 triệu USD (giảm 39,56% số dự án cấp mới và giảm 6,83% vón đầu tư so với cùng kỳ). Có 137 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 867,28 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 27,51% về số dự án và tăng 123,75% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ. Thành phố cũng chấp thuận cho 1.820 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 1,44 tỷ USD, giảm 42,06% so với cùng kỳ về số trường hợp và giảm 44,2% về vốn.

Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đến cuối năm

Trong những tháng cuối năm, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và đề ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.
 
TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh 2
Ảnh minh họa

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện hỗ trợ về tín dụng, triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố ngay trong khi Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, thông qua; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án tham gia Chương trình với thời gian nhanh nhất, có thể rút ngắn so với quy định.

Tiếp tục hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí qua việc triển khai chính sách theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời gian hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời. Đẩy mạnh việc tạo thuận lợi thương mại và các doanh nghiệp nưu tiên về thủ tục hải quan và các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên.

Hỗ trợ mở rộng thị trường, thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Thành phố và các tỉnh, thành trong nước sau khi dịch bệnh được kiểm soát, để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao cho các tỉnh, thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa.

Hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - bưu chính - viễn thông đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mở rộng mạng lưới, hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông, bưu chính chuyển phát để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong điều kiện bình thường mới.

Về thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng… để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất Thành phố giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn phòng chống theo tiêu chí của Ủy ban nhân dân Thành phố; qua đó góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi hoạt động đầu tư xây dựng khi dịch được kiểm soát để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Xây dựng danh mục thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác công tư và quy định, thủ tục thuận lợi để kêu gọi đầu tư các công trình trọng điểm của Thành phố. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Về cải cách hành chính

Triển khai kịp thời quy định về giảm 50% lệ phí đối với các đối tượng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nâng cao chất lượng, số lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người; xây dựng, triển khai, vận hành Hệ thống Công dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Thành phố; tích hợp, kết nối giữa Cổng Dịch vụ công Thành phố và Cổng Dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia./.
 
Tài liệu tham khảo:
Ủy ban nhân dân TP. HCM, Báo cáo kinh tế - xã hội - văn hóa thành phố 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021;
Sở kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo số 8023/BC-SKHĐT tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2021;
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, Niên giám Thống kê năm 2020. 
Mai Phương
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top