Triển vọng kinh tế số tại Việt Nam

15/04/2020 - 02:49 PM
Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” do Google, Temasesk và Brain thực hiện cho thấy, năm 2019, nền kinh tế số Việt Nam đạt trị giá trên 12 tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2015 và dự báo sẽ đạt đến 42 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là một trong hai nền kinh tế số có sức tăng trưởng dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á với mức tăng 38% năm, vượt qua mức tăng trung bình 33% của khu vực. Kinh tế số đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm được ưu tiên và là động lực phát triển mạnh mẽ của cả nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Báo cáo“Nền kinh tế số Đông Nam Á”là chương trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm được Google và Temasesk khởi xướng thực hiện từ năm 2016, đến năm 2019 có sự tham gia của Brain Company với tư cách là đối tác nghiên cứu chính. Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 bao gồm 5 lĩnh vực chính của nền kinh   tế số được nghiên cứu tập trung tại 6 quốc gia phát triển nhất của khu vực Đông Nam Á, gồm: Du lịch trực tuyến (chuyến bay, khách sạn, cho thuê nhà nghỉ); Truyền thông trực tuyến (quảng cáo, chơi game, đăng ký nhạc và video theo yêu cầu); Gọi xe (vận chuyển, giao thực phẩm); Thương mại điện tử, và Dịch vụ tài chính kỹ thuật số (thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư, bảo hiểm) là lĩnh vực lần đầu tiên được góp mặt trong Báo cáo này.


Việt Nam và nền tảng phát triển kinh tế số
 
Nền kinh tế số hiểu theo nghĩa rộng là nền kinh tế bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Với sự bùng nổ và sức ảnh hưởng như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), kinh tế số được nhận diện là một xu thế tất yếu và là yếu tố quan trọng tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đã trở thành cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam thu hẹp khoảng cách, bắt kịp các nước phát triển. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng cơ hội để bứt phá được chia đều cho tất cả các quốc gia và Việt Nam cũng có nhiều lợi thế làm tiền đề cho thúc đẩy kinh tế số.
 
Triển vọng kinh tế số tại Việt Nam
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Việt Nam cùng các nước trong ASEAN6 được đánh giá là một trong những thị trường năng động, ổn định và có sức tăng trưởng nhanh nhất khu vực với mức tăng GDP bình quân cao hơn mức tăng trung bình của thế giới. Năm 2019, bất chấp những bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, thậm chí một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu thụt lùi thì GDP của Việt Nam vẫn đạt được kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt qua mục tiêu của Quốc hội đề ra (6,6-6,8%). Cùng với đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá đã tăng 3,5 điểm, xếp hạng tăng 10 bậc lên 61,5/100 điểm và xếp vị trí thứ 67 trên tổng số 141 quốc gia và nền kinh tế. Trong đó, chỉ số về Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tăng hẳn 54 bậc, xếp thứ 41 thế giới; vượt qua cả chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trong mối tương quan với nền kinh tế toàn cầu, kinh tế số Việt Nam có nhiều lợi thế khi đang dẫn đầu một số lĩnh vực, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng số hóa. Điển hình, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm mạng 5G và báo cáo "5G tại Đông Nam Á" của Cisco - Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung nhận định, Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai 5G dự kiến vào năm 2020-2021 và dự báo sẽ có khoảng 6,3 triệu thuê bao 5G vào năm 2025. Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhu cầu về công nghệ số của người dân ngày càng tăng. Mạng không dây với băng thông rộng ngày càng được ưa chuộng hơn băng thông rộng cố định. Thống kê từ Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Việt Nam có trên 125,5 triệu thuê bao điện thoại đi động có phát sinh lưu lượng, trong đó hơn 64,6 triệu thuê bao di động đang hoạt động có sử dụng dữ liệu, tương ứng với 64,6 triệu người dùng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet, chiếm trên 67,2% dân số cả nước. Đây là một lợi thế cực kì to lớn bởi những lĩnh vực chính của kinh tế số như: Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuât đều đã được các nhà sản xuất tích hợp trên các chủng loại smartphone để cạnh tranh về tính tiện dụng.

Với trị giá trên 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực ASEAN với tỷ lệ 38%, kinh tế số đóng góp tới 5% GDP quốc gia trong năm 2019. Trong đó, Thương mại điện tử được coi là động lực chính của sự tăng trưởng với trị giá 4,6 tỷ USD, mức tăng trưởng lên đến 81% và tiếp tục được kỳ vọng sẽ là cánh chim đầu đàn cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam (dự đoán qui mô sẽ đạt đến trị giá đạt đến 23 tỷ USD vào năm 2025). Các trang thương mại điện tử của Việt Nam như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee đã cho thấy sức trỗi dậy ấn tượng khi cạnh tranh với một số thương hiệu của khu vực. Tiếp theo là Dịch vụ du lịch trực tuyến đạt 4,1 tỷ USD, tăng 16%; Truyền thông trực tuyến đạt 2,8 tỷ USD và Gọi xe trực tuyến dù chỉ đạt trị giá 1,1 tỷ USD nhưng tốc độ tăng trưởng lại đứng thứ 2 trong các lĩnh vực của kinh tế số, với 57% cùng với sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe trong nước như GoViet, Bee… Sự xuất hiện của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên internet trong những năm qua đã làm thay đổi mạnh mẽ hành vi tiêu dùng và giữ vai trò thể hiện những bước phát triển kinh tế số hóa của người dân Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư kinh tế số hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và là điểm sáng đầu tư ở châu Á. Đơn cử, năm 2018, nguồn vốn đầu tư vào các hạng mục số của Việt Nam đạt mức kỷ lục với 350 triệu USD cho 137 dự án, tăng 250% về trị giá và 165% dự án so với năm 2017. Top ngành thu hút vốn đầu tư lần lượt thuộc về bán lẻ, thanh toán và chuyển tiền, giáo dục, công nghệ quảng cáo và du lịch. Mặt khác, Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những ngành công nghiệp đang bùng nổ và tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, trong đó, công nghiệp phần cứng là nhánh lớn nhất trong ngành. Sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam được đánh giá đứng hàng đầu khu vực và tăng trưởng mạnh qua các năm. Năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 6,6%; sản xuất điện thoại di động tăng 12,3%. Điện thoại và linh kiện là hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,3% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỷ USD, tăng 20,4% (số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Một số yếu tố quan trọng nữa cấu thành nên nền tảng của nền kinh tế số là sự phát triển của Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nghề nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Điều đáng mừng là nguồn nhân lực và các lao động công nghệ từ làn sóng khởi nghiệp ban đầu tại Việt Nam đã hội tụ được kinh nghiệm dày dặn đang có xu hướng nổi lên dẫn dắt các dự án và truyền đạt lại kinh nghiệm, cách thức cho thế hệ đi sau tự tin hơn trong khởi nghiệp. Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2019 do ESP Capital và Cento Ventures thực hiện đã chỉ ra, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, Việt Nam đã có bước cải thiện từ hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động thứ 2 trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3 sau Indonesia và Singapore.


Các chính sách hỗ trợ phát triển nền kinh tế số kịp thời và sát thực
 
Chính phủ Việt Nam đã sớm thể hiện rất rõ quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và bùng nổ các thành tựu. Từ năm 2005 đến nay, hàng loạt bộ luật được ban hành bao gồm các điều khoản, Nghị định, Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến việc phát triển kinh tế số. Trong đó phải kể đến các bộ luật như: Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Viễn thông (2009), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Chuyển giao công nghệ cao và Luật An ninh mạng (2018)…

Để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng internet, Việt Nam tập trung toàn lực cho việc phủ sóng kết nối trên toàn quốc. Chương trình phủ sóng đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn 2005-2010, với tổng vốn đầu tư lên tới 5 nghìn tỷ đồng theo quyết định số 74/2006/QĐ-TTg. Chương trình cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng tới năm 2020 được ban hành vào năm 2015 và sửa đổi vào năm 2018 theo Quyết định số 868/QĐ-TTg với tổng kinh phí 7,3 tỷ USD sẽ được đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng internet băng thông rộng trên toàn quốc, trong đó ưu tiên các vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, biên giới và hải đảo; Điểm mấu chốt của chương trình là việc triển khai các dịch vụ 5G theo lịch trình vào năm 2021.

Các chính sách cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, R&D (nghiên cứu và phát triển). Giai đoạn 2005-2017, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng từ 11% lên mức 15%. Chỉ thị số 16/CT-TTg xác định rõ nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong thực hiện cuộc CMCN 4.0 và đặt ra mục tiêu: Thay đổi chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo nghề để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được các xu thế sản xuất theo công nghệ mới, trong đó tập trung phát triển mô hình giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), ngoại ngữ, công nghệ thông tin; thúc đẩy tính tự chủ trong giáo dục đại học và đào tạo nghề; thí điểm các quy định về đào tạo nghề và giáo dục đại học trong một số lĩnh vực cụ thể...

Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Cơ quan Công nghệ Quốc gia, Doanh nhân và Phát triển thương mại hóa, Quỹ Đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia, Trung tâm Dịch vụ Công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Thành phố Silicon Sài Gòn. Chính phủ đã thông qua quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia, trong đó các doanh nghiệp được đặt làm trung tâm theo Nghị quyết số 1&2/2019/NĐ-CP về việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xác định phát triển kinh tế số là một quá trình phấn đấu trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đề ra nhiệm vụ tận dụng CMCN 4.0 và kinh tế số để đạt mục tiêu thoát “bẫy thu nhập trung bình”, phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 và 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra các nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số, như: Xây dựng giải pháp phát triển nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, internet băng rộng và mạng di động 5G; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý để triển khai kế hoạch chuyển đổi số; thay đổi mô hình quản trị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh... Kế thừa và phát huy, Nghị quyết 01 năm 2020 đề ra nhiệm vụ: Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; Xây dựng chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Cùng với xu hướng phát triển kỹ thuật số trên thế giới, những chính sách kịp thời và sát thực này là những đòn bẩy quan trọng đưa nền kỹ thuật số Việt Nam tiếp tục phát triển lên tầm cao mới./.


Nguồn tài liệu:
  • Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” do Google, Temasesk và Brain and Company thực hiện;
  • “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” Bản quyền thuộc về ©Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO);
  • Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội các năm của Tổng cục Thống kê;
  • Các Bộ luật, Quyết định, Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ Việt Nam.
 
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Học viện Ngân Hàng
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top