Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022

15/02/2022 - 11:23 AM
Năm 2021, một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với các biến thể Covid khác trước đây, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng GDP quý III giảm sâu1. Nhiều tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế, trung tâm sản xuất công nghiệp, đô thị lớn bị dịch bệnh tàn phá nặng nề như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, TP. Cần Thơ, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có quyết định chuyển hướng chiến lược kịp thời để ứng phó với dịch Covid-19, với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả của dịch Covid-19”. Điều này đã “cởi trói” dần cho nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh được “vận hành” trở lại, hành lang lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn, kinh tế dần hồi phục và có sự tăng trưởng trở lại ở những tháng cuối năm.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

GDP quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% và khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Kết quả hồi phục kinh tế quý IV ở cả 3 khu vực đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 2,58%, đây là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn khi các nguồn lực phải ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt, là những điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung năm 2021.

Điểm sáng của nền kinh tế năm 2021

Thứ nhất, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia còn đóng góp lớn cho xuất khẩu. Trong quý IV, khu vực này có sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng 3,16%, cao hơn nhiều mức tăng 1,2% của quý III, giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,9%, đóng góp gần 14% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Thứ hai, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực số một của tăng trưởng kinh tế, khi quý IV tăng 7,96% và cả năm tăng 6,37%, đóng góp 62,6% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm. Sản lượng một số sản phẩm, nhóm sản phẩm có mức tăng trưởng cao trong quý IV và cả năm như: Linh kiện điện thoại tăng 10,8% trong quý IV và 29,5% cả năm; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo tăng 16% trong quý IV và 7,3% cả năm; thép cán tăng 14,5% trong quý IV và 33,5% cả năm; giày, dép da tăng 7,7% trong quý IV và 8,2% cả năm; điện thoại di động tăng 4,6% quý IV và 7,6% cả năm…

Thứ ba, ngành thông tin, truyền thông đang thực hiện cơ cấu lại nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nên đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng trưởng quý IV đạt 8,1% và cả năm đạt gần 6,0%.

Thứ tư, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng quý IV và cả năm lần lượt là 11,2% và 9,4%. Đây là ngành có vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động kiểm soát vĩ mô về tài khóa, tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, ngành này vẫn được ưu tiên hoạt động bình thường, đảm bảo dịch vụ thông suốt.

Thứ năm, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đóng góp lớn cho tăng trưởng của quý IV và cả năm với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 92,7% và 42,8%. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành này chỉ mang tính ngắn hạn do bối cảnh dịch bệnh nên các hoạt động y tế và trợ giúp xã hội được Trung ương, địa phương và cộng đồng phân phối nguồn lực cao hơn bình thường.

Thứ sáu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (tăng 123,2 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19,0% (tăng 53,7 tỷ USD); nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD (tăng 69,6 tỷ USD), tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Như vậy, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đã duy trì và phục hồi sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, đây được xem là thành tích rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và các lệnh giãn cách kéo dài khiến kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như ngành xuất nhập khẩu nói riêng bị tác động mạnh.

Thứ bảy, trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Như vậy, chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét, “bức tranh” sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang dần sáng màu hơn, hứa hẹn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Thứ tám, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện và được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước, đặc biệt vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 40,5% thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Triển vọng kinh tế năm 2022

Bước sang năm 2022, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới sẽ phục hồi tương đối tích cực, tốc độ tăng trưởng trong khoảng 4,1 - 4,6%. Tuy vậy, vẫn thấp hơn dự báo tăng trưởng năm 2021. Nguyên nhân, do kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một số thách thức như dịch bệnh chưa thể kết thúc ngay; nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do tập trung kiểm soát thị trường tài chính, thị trường bất động sản và chính sách phát triển hướng tới chất lượng thay vì chạy theo số lượng; tình hình lạm phát tại một số nước ở mức cao, các nước thắt chặt tiền tệ, giảm bớt gói hỗ trợ, nâng cao lãi suất, khi đó thanh khoản toàn cầu ít đi.

Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 tuy có những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức khi độ mở nền kinh tế cao, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết như áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nhiều dự báo cho thấy, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên với độ phủ vắc xin cao và cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương không thực hiện giãn cách trên diện rộng để phòng, chống dịch, do vậy, hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch... chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống; nghệ thuật, vui chơi, giải trí,...

Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ 2 mũi tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, triển vọng về tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ sáng sủa hơn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại các nhà máy, khu công nghiệp sau thời gian trở về địa phương tạm lánh dịch bệnh.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 với 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: (1) Mở cửa đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực của hệ thống y tế; (2) Đảm bảo an sinh xã hội và việc làm; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị được Quốc hội thông qua sẽ là cú hích mạnh, tác động vào hầu hết các lĩnh vực cần hỗ trợ ở cả phía cung và phía cầu, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, khi các nút thắt của nội dung này được khơi thông, qua đó sẽ đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn. Khi vốn đầu tư công được thực hiện sẽ tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Năm 2022, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu có chậm lại nhưng các nước có quan hệ ngoại thương lớn với Việt Nam đều có dự báo tăng trưởng khá nên nhu cầu về nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng sẽ tăng cao, đặc biệt thị trường Mỹ vẫn là chủ lực của xuất khẩu Việt Nam. Đối với các nước EU sẽ có những bước đột phá với hiệp định thương mại tự do (FTA) dần đi vào thực tiễn. Do đó, kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 được dự báo có mức tăng trưởng khoảng 15-20%, các ngành sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ có triển vọng tăng trưởng cao như công nghiệp chế biến chế tạo; sản phẩm nông, lâm, thủy sản,…

Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng cũng có khá nhiều “điểm sáng”, tạo đà phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Sang năm 2022, cùng với thực thi các chính sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ; sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc. Đây cũng chính là nhân tố quyết định, là động lực và niềm tin để nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững. Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 6,0-6,5% hoàn toàn đạt được và thậm chí có thể cao hơn./.

 
Lê Trung Hiếu
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia – TCTK
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top