Trùng Khánh: phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững

18/03/2020 - 09:53 AM
Nắm bắt lợi thế địa phương, huyện Trùng Khánh đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch hành động; tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các mục tiêu kinh tế, an ninh - quốc phòng, cụ thể hóa kế hoạch hành động, vận dụng, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân… Huyện đã triển khai lồng ghép, hiệu quả nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bám sát 6 chương trình của Tỉnh ủy, ưu tiên nguồn lực đầu tư tạo bước đột phá phát triển theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững.

Mục tiêu của huyện đề ra là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là trọng tâm; phát triển du lịch, dịch vụ là đột phá; giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ, thương mại tăng dần, năm sau cao hơn năm trước; phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ổn định chính trị - xã hội.

Huyện luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tập trung, đẩy mạnh xây dựng phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh sống và canh tác của đồng bào thông qua các Chương trình 135, Chương trình XDNTM; quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến đối với các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế.

Phục hồi và phát triển cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lúa nếp, Ong theo hình thức liên kết “4 nhà”; ngoài thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh, Huyện còn phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhãn hiệu tập thể quản lý cho các sản phẩm gạo nếp, Ong, vịt cỏ; phát triển kinh tế trang trại, gia trại trong sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, giảm nghèo bền vững.


Trùng Khánh: phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững

Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng 
là 1 trong 4 thác nước lớn nhất thế giới, địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua.

Kết quả thực hiện cho thấy, vào cuối năm 2019, 18/19 chỉ tiêu chính của Huyện về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 78,8 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch. Ngoài các tuyến đường trọng điểm, tỉnh lộ 211, 213 chạy qua địa bàn (đang được tỉnh đầu tư thi công), mạng lưới giao thông được huyện đầu tư xây dựng, thường xuyên duy tu, sửa chữa, từ đường vành đai biên giới đến đường liên xã, liên thôn, xóm… 26 cầu ra vùng sản xuất được hoàn thành, hầu hết xã, thị trấn có đường nhựa, đường bê tông vào đến tận trung tâm. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xã, 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm, đảm bảo thông suốt phục vụ dân sinh, thuận lợi cho phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ an ninh, quân sự, quốc phòng.
 
Trường học, trạm y tế được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân; mạng lưới điện quốc gia được bao phủ khắp trên 13/13xã, thị trấn, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,9%; 100% các xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa; 100% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng; 96% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 28,6 triệu đồng/người/năm.

 
Trùng Khánh: phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững 1

Ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Trong 5 năm qua, Huyện đã huy động được trên 500 tỷ đồng từ mọi nguồn lực để XDNTM, xây dựng được 245 công trình. Đặc biệt, điểm nhấn của huyện trong Chương trình XDNTM là năm 2019, Huyện xóa được 100/160 ngôi nhà dột nát; mặc dù số lượng chuồng trại trên địa bàn lớn, nhưng, với quyết tâm cao Huyện đã di dời được 1914 chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở vượt mức kế hoạch (tính từ năm 2016 đến nay), xây dựng và nhân rộng mô hình chuồng trại tập trung, thực hiện tốt tiêu chí môi trường.

“Với vị trí là trung tâm của tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Trùng Khánh đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch. Huyện đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phát triển kinh tế; tạo ra các sản phẩm đặc sản phục vụ du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá và liên kết các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc… sớm đưa Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia, xứng tầm với tiềm năng vốn có của địa phương; xây dựng Trùng Khánh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước”, ông Hải cho biết thêm./.

 
Kiều Thủy
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top