Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội

19/10/2020 - 09:23 PM
Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Đồng Hỷ đã có nhiều đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn văn hóa; đồng thời, đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề, xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội giúp học sinh và học viên có nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập.
 
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội
Đồng chí Phạm Quang Linh, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện tặng hoa chúc mừng Đại hội chi bộ Trung tâm GDNN – GDTX Đồng Hỷ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 – 2025 

Thực hiện chủ trương hợp nhất các đơn vị giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đồng Hỷ đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh của các đơn vị trước khi sáp nhập. Theo đó, để giữ vững chất lượng giảng dạy văn hóa, Trung tâm đã chỉ đạo tổ GDTX đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến phương pháp truyền thống, tăng cường tập huấn phương pháp học tập tích cực, bổ sung thiết bị dạy học, đặc biệt là các thiết bị thông minh để áp dụng CNTT vào giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá…

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội
 Các trường Cao đẳng liên kết đào tạo với Trung tâm đến chúc mừng tại lễ khai giảng năm học 2020 - 2021
 
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, tổ chức thao giảng tại tổ, tham gia thi giáo viên dạy giỏi theo khối cụm các Trung tâm GDNN - GDTX để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Trung tâm cũng chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của giáo viên, nhân viên, đánh giá hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Trong quản lý học sinh, ngoài các giờ học trên lớp, Trung tâm cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải tăng cường phối hợp với các tổ chức ban ngành đoàn thể trên địa bàn, đổi mới phương pháp tiếp cận với các em thông qua mạng xã hội như zalo, facebook… để nắm bắt thông tin cũng như có biện pháp giáo dục kịp thời.
 
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội 1
Giờ thực hành tại Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn K2 tại xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ

Nhằm hướng tới giáo dục toàn diện, Trung tâm phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các chủ đề như: An toàn giao thông, An toàn học đường, Giáo dục về giới tính… giúp học sinh trang bị thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng sống đặc biệt kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục...

Nhờ những giải pháp đồng bộ này, Trung tâm ngày càng thu hút được nhiều học sinh theo học, công tác tuyển sinh được đảm bảo, duy trì số lượng từ 6-7 lớp văn hóa mỗi năm. Chất lượng đào tạo của Trung tâm luôn giữ vững, tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình trở lên đạt trên 96% (trong đó, học lực khá trên 25%), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 85%. Trong 3 năm học vừa qua, Trung tâm còn có 02 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 01 đạt giải khuyến khích quốc gia đều ở môn Giải toán trên máy tính cầm tay.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội 2
Dạy nghề chế biến chè xanh, chè đen cho hội viên phụ nữ xã Cây Thị, Đồng Hỷ
 
Đối với công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã phát huy thế mạnh của hình thức đào tạo kết hợp học văn hóa với học trung cấp nghề, từ đó liên kết với các Trường có uy tín và chất lượng như: Trường CĐN Than khoáng sản, Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, Trường CĐN số 1 Bộ Quốc phòng mở các lớp nghề: Điện dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn… Với thế mạnh của các Trường liên kết, cùng với định hướng nghề nghiệp phù hợp, Trung tâm thu hút được đa số học sinh học văn hóa tham gia học nghề với tỷ lệ tốt nghiệp các nghề đạt 100%.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Hỷ: Hướng tới mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội 3
Lễ bế giảng và trao chứng chỉ cho học viên lớp Chế biến Chè xanh - Chè đen 
 
Trong lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn, được sự quan tâm đầu tư của UBND huyện, Trung tâm đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đổi mới phương thức quản lý đào tạo, xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo. Để nâng hiệu quả đào tạo, Trung tâm bám sát vào thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế của các xã để mở các lớp nghề như: Trồng và chăm sóc chè; chế biến chè xanh, chè đen; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; kỹ thuật chế biến món ăn… Lãnh đạo Trung tâm đã mời được giảng viên là các chuyên gia trong từng nghề để truyền dạy, chương trình học được điều chỉnh để giảm các tiết lý thuyết, tăng thời gian thực hành.
 
Với sự tâm huyết và nỗ lực của tập thể cán bộ Trung tâm, trong 5 năm (từ năm 2016 đến năm 2020), Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 17 lớp với 541 học viên, đạt 100% kế hoạch, trong đó học viên DTTS chiếm 78%. Đối các nhóm nghề nông nghiệp, 100% học viên sau đào tạo tự tạo việc làm tại chỗ và nâng cao hiệu quả sản xuất; đối với các nghề phi nông nghiệp, trên 80% học viên sau đào tạo tìm việc làm phù hợp với ngành đào tạo và có thu nhập ổn định./.

Đình Long
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top