Từ 1/3/2021, tiến hành Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước

01/03/2021 - 08:50 AM
Theo Quyết định của Thủ tướng về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020), từ ngày 01/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những Tổng điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành Thống kê.
 
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của nước ta có xu hướng tăng chậm lại trong khu vực hành chính, sự nghiệp và tăng cao trong khu vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp. Cụ thể: Trong tổng số hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, khối Doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại và thu hút hơn 14 triệu lao động; Kinh tế tập thể (Hợp tác xã) có 13,6 nghìn đơn vị; Cơ sở SXKD cá thể (không bao gồm cơ sở SXKD nông, lâm nghiệp và thủy sản) có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động; Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp; Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có 42,7 nghìn cơ sở.
 
Điều đó cho thấy, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 - 2017 đã có hiệu quả tích cực theo hướng xắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho khu vực kinh tế (nhất là khối doanh nghiệp) phát triển. Quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng mỗi năm, số lượng cơ sở SXKD cá thể lại có xu hướng chững lại và chậm dần. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng phản ánh điểm hạn chế đối với khu vực doanh nghiệp, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/doanh nghiệp, sự manh mún của cơ sở SXKD cá thể và tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn diễn ra khá chậm. Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương.
 
Sau 5 năm, năm 2020, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp phát triển thế nào? Kết quả từ Tổng điều tra kinh tế 2021 sẽ trả lời cho câu hỏi này. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2019, cả nước có khoảng trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, cộng thêm trong năm 2020 có khoảng 134,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Những con số đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của DN trong những năm vừa qua. Hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cũng có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tuy là việc diễn ra thường xuyên 5 năm 1 lần theo Chương trình điều tra quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng Tổng điều tra lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước, sự phát triển của từng khối đơn vị kinh tế thế nào, của từng địa phương, khu vực ra sao. Kết quả thu được từ Tổng điều tra là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của cả nước, từng ngành và từng địa phương.
 
Cụ thể, dựa trên kết quả của Tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD); mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương.
 
Đối với Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Đồng thời, để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành Thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.
 
Đối tượng điều tra là đơn vị kinh tế chỉ đóng tại địa bàn 1 xã và chỉ thực hiện một loại hoạt động kinh tế thuộc ngành kinh tế cấp 3, gồm các loại sau: Cơ sở SXKD doanh nghiệp/hợp tác xã; Cơ sở SXKD cá thể; Cơ sở SXKD thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có hoạt động SXKD; Cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; Tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
 
 Đối tượng điều tra không bao gồm: Các cơ quan hành chính, Đảng đoàn thể; Cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ; Cơ sở hoạt động thuộc lĩnh vực ngoại giao.
 
Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất các đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, ngành kinh tế (trừ ngành 0 - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc).
 
Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin sau:
 
- Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: Thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình hoạt động;
 
- Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động;
 
- Thông tin về kết quả và chi phí SXKD;
 
- Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin;
 
- Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên sâu về đơn vị điều tra.
 
Thời gian thu thập thông tin: Đối với doanh nghiệp, HTX từ ngày 01/3/2021 đến hết ngày 30/5/2021; Đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 01/3/2021 đến hết ngày 30/4/2021; Đối với hộ SXKD cá thể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021; Đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021.
 
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ thu thập các thông tin cơ bản; điều tra chọn mẫu thu thập thông tin chuyên sâu về đối tượng điều tra.
 
Về phương pháp thu thập thông tin: Đối với doanh nghiệp/HTX, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế 2021. Đối với hộ SXKD cá thể và đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng, điều tra viên đến từng đơn vị gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) phỏng vấn trực tiếp, kết hợp quan sát để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động.
 
Dự kiến, công bố kết quả sơ bộ tháng 12/2021; Công bố kết quả chính thức vào tháng 01/2022./.
 
PV
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top