Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường ngoại

10/03/2020 - 09:01 AM
Nông sản Việt Nam đang ngày càng nâng cao chuỗi giá trị và việc đủ điều kiện chất lượng để xuất khẩu ra thị trường thế giới không còn là điều mới mẻ. Trong số đó, quả vải thiều của Việt Nam hiện nay đang được người tiêu dùng và các doanh nghiệp thương mại ở các nước nhập khẩu đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới. Để đạt được điều đó, vải thiều Việt Nam đã phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe mới có thể góp mặt trong siêu thị của các nước.
 
Từng bước chinh phục những thị trường khó tính

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng trên 50% tổng sản lượng vải thiều được xuất khẩu sang gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vải thiều Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng cũng đã có mặt ở cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Canada, Australia…

 
Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường ngoại
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Sản lượng vải thiều Việt Nam được trồng tập trung chủ yếu tại một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… trong đó, Bắc Giang được coi là “thủ phủ của vải thiều” với loại vải chất lượng trồng tập trung tại vùng Lục Ngạn. Theo Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải năm 2019, tổng diện tích trồng vải có trên 28 nghìn ha với khoảng 6 nghìn ha vải chín sớm; 22 nghìn ha vải thiều chính vụ. Trong đó có 13,8 nghìn ha diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 218 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 394 hộ sản xuất được Mỹ cấp mã số IRADS (18 mã số vườn). Tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6, Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng trong số 20 quốc gia trồng vải với 380 nghìn tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc (hơn 2 triệu tấn/ năm) và Ấn Độ (677 nghìn tấn/năm); bỏ xa nước thứ tư là Thái Lan (48 nghìn tấn/năm).

Nhiều năm về trước, nông dân trồng vải tự do, chất lượng kém, hay bị sâu đầu nên thường bị thương lái ép mua với giá rẻ. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị thu được từ quả vải đã tăng lên gấp nhiều lần. Điều đó đã cho thấy, việc định hướng xuất khẩu cho quả vải là đường lối đúng đắn, đem lại giá trị kinh tế cao cho vùng và xây dựng thêm được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới. Mặt khác, theo các chuyên gia đánh giá, so với diện tích nhãn vải của Trung Quốc thì diện tích trồng nhãn vải của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch cũng như chất lượng giống của các nước khác nhau, do đó Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đưa các sản phẩm của mình vào các thị trường nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới.

Năm 2015, ngoài tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc và các nước ASEAN, lần đầu tiên vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang 2 thị trường khó tính là Mỹ và Australia. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2014, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ và vào tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp Australia cũng đồng ý nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam. Theo đó, ngày 30/5/2015, một tấn vải thiều chín sớm đã được chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ theo đường hàng không. Ngay sau lô hàng đầu tiên, ngày 1/6/2015, 6 tấn hoa quả trong đó có 1 tấn vải của Việt Nam được tiếp tục xuất sang Mỹ. Australia cũng mở cửa cho lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này kể từ ngày 1/6/2015. Để quả vải thiều có thể xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị tại hai quốc gia này, Việt Nam đã mất tới hơn 10 năm hoàn tất các khâu kỹ thuật, đáp ứng đủ các điều kiện và đàm phán thành công.

Cũng trong năm đó, Việt Nam có thêm các thị trường mới là Anh, Pháp, Malaysia và Nhật Bản. Lô vải thiều đầu tiên với trọng lượng hơn 500kg vải tươi được xuất khẩu sang Pháp đã tiêu thụ hết trong vòng chưa tới 3 ngày với mức giá niêm yết 9,9 Euro/kg (khoảng 240.000/kg theo tỷ giá thời gian). Vụ vải xuất khẩu lần đầu vào Pháp trong năm đã đạt đến tổng khối lượng hơn 2 tấn. Việc vải thiều Việt Nam xuất khẩu thành công sang Pháp cũng được coi là bước mở đường để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia lân cận và đồng thời tạo động lực cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đặt chân vào các nước trong khối EU. Tuy nhiên với thị trường Nhật Bản, Việt Nam phải mất thêm 5 năm đàm phán nữa để đưa vải thiều thâm nhập vào thị trường này. Kết quả đến tận những ngày cuối năm 2019, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông báo về việc chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Như vậy, sau bao nỗ lực, vụ vải năm 2020, vải thiều Việt Nam có thể góp mặt ở một thị trường mới, tuy khó tính nhưng lại rất giàu tiềm năng, bởi những quả vải bán ra tại các siêu thị ở Nhật có mức giá cao một cách đáng kinh ngạc.

Theo thống kê năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc có khoảng 542 nghìn ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hàng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam. Với Việt Nam, Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu vải thiều lớn nhất, chiếm trên 90% tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu của cả nước, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc đã tiến hành nâng sản lượng nhập khẩu vải thiều qua đường chính ngạch, đồng thời nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để người dân thay đổi dần phương thức sản xuất hướng tới sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập, tránh được rủi ro thương mại và là động lực để vải thiều hướng tới các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao hơn.

 
Thúc đẩy xuất khẩu qua việc tuân thủ các qui định chất lượng
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng. Cũng giống như với các sản phẩm nông sản khác, việc xuất khẩu vải thiều lệ thuộc lớn vào một thị trường truyền thống là Trung Quốc rất dễ gây ra những rủi ro đối với xuất khẩu và người nông dân trồng vải khi có biến động tại thị trường này. vậy, tìm kiếm thị trường mới, giảm thiểu sự lệ thuộc vào một thị trường lớn là điều cần thiết để đảm bảo sự bền vững cho sản xuất và xuất khẩu vải thiều.

Để vải thiều Việt Nam có thể mở rộng thêm thị trường ở các quốc gia khác, việc xây dựng thương hiệu là điều vô cùng cần thiết hiện nay. Bên cạnh đó, các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với vải quả và các sản phẩm chế biến từ vải quả. Ngoài những quy định chung về điều kiện trồng trọt, xử lý, dán nhãn, chứng nhận kiểm dịch thực vật... còn phải bảo đảm một số quy định kỹ thuật như: Xử lý dịch hại, lấy mẫu kiểm tra trước xử lý, kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận... Để có thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vải thiều Việt Nam đã phải trải qua nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu Việt Nam phải quy hoạch vùng trồng vải cũng như bản đồ và mã số liên quan do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp và theo dõi nhằm đảm bảo vải không bị nhiễm bệnh. Sau khi thu hoạch, vải phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng (16 loại vi khuẩn, nấm bệnh để ngừa dịch hại…) và phải dán nhãn đã qua chiếu xạ diệt ký sinh trùng. Tuy nhiên, đây lại là điều bất lợi đối với sản phẩm nhập khẩu, vì Mỹ cũng trồng được vải nên nhiều người tiêu dùng Mỹ không muốn ăn các sản phẩm chiếu xạ, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, Mỹ đặt ra qui định rất khắt khe về dư lượng thuốc kháng sinh cũng như thuốc bảo vệ thực vật, được tính theo tỷ lệ phần tỷ trên mỗi lô hàng nông sản của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu nông dân có nhu sử dụng các sản phẩm thuốc kháng sinh hoặc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây vải, Mỹ khuyến cáo chỉ dùng các loại thuốc đã được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đồng ý và cho phép. Khi có mặt trên đất Mỹ, Cơ quan Thanh tra sức khỏe Động Thực vật (thuộc bộ Nông nghiệp Mỹ) phải kiểm tra và chứng nhận tất cả các lô hàng trước khi khai báo Hải quan; nếu có dấu hiệu của sâu hại hoặc dịch bệnh được phát hiện, sản phẩm có thể bị khử trùng (hoặc xử lý theo cách khác), bị trả lại nước xuất khẩu hoặc bị tiêu hủy.

Còn đối với thị trường Australia, quả vải thiều tươi cần phải vượt qua 5 yêu cầu để có mặt trong thị trường này. (i) Về vùng trồng: Cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất. Vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh. (ii) Về cơ sở đóng gói: Phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Australia. (iii) Về bao bì và ghi nhãn: Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Úc phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6 mm. Thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ bằng tiếng Anh “Treated with ionizing irradiation” hoặc “Treated with ionizing electrons” hoặc “Irradiated (food)”, và có thể in logo theo quy định đối với thực phẩm chiếu xạ trên bao bì các- tông. (iv) Về xử lý chiếu xạ: Vải xuất khẩu đi Úc phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam. (v) Về kiểm dịch lô vải xuất khẩu: Lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Úc và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp.

Cùng với thư thông báo của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản về việc cho phép vải thiều Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này, Nhật Bản cũng gửi kèm Quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam; quy định này có hiệu lực từ ngày 15/12/2019. Theo đó, các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: Quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Các lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời có kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các nước cung cấp phải tuân thủ Luật Bảo vệ thực vật, Luật Sức khỏe Thực vật và Luật Vệ sinh Thực phẩm, những quy định được thi hành bởi Phòng Bảo vệ Thực vật thuộc MAFF.

Trong khi đó, ngoài các tiêu chuẩn về vùng trồng, kiểm soát sâu bệnh… Pháp yêu cầu vải thiều Việt Nam phải được xử lý khử trùng và bảo quản bằng phương pháp xông khí SO2 với liều lượng phù hợp với quy định của Ủy ban châu ÂU (EC) về an toàn thực phẩm để diệt trứng và các loài sâu bọ có thể bám trên vỏ quả vải, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để được nhập khẩu vào Pháp. Đồng thời, các quốc gia nằm trong EU cũng đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về sức khỏe thực vật của EU ngoài các tiêu chuẩn VietGAP, EUGAP. Còn về phía thị trường Trung Quốc, để xuất khẩu chính ngạch, từ tháng 5/2019, bắt buộc trên sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản khác khi nhập khẩu vào thị trường nước này phải có bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Với riêng trái vải, từ niên vụ 2019, Trung Quốc yêu cầu phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

 
Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sức khỏe do mỗi quốc gia đặt ra, để đến được với các thị trường ngoại, vải thiều Việt Nam còn cần vượt qua khó khăn lớn về khoảng cách địa lý xa xôi khi xuất khẩu dưới dạng quả tươi, trong khi lượng quả tươi xuất khẩu chiếm khoảng 85%, chỉ khoảng 15% còn lại là được chế biến, sấy khô hoặc bóc vỏ đóng hộp xuất khẩu. Với các quốc gia ở xa như Mỹ, Pháp, Anh…, vải thiều thường phải vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí logistics lớn, dẫn đến lợi nhuận của nhà nhập khẩu chưa cao. Yêu cầu đặt ra cho vải thiều xuất khẩu là cần phổ rộng công nghệ bảo quản kéo dài độ tươi của vải thiều lên ít nhất 5 tuần để vận chuyển bằng đường biển. Có như vậy, giá bán vải thiều Việt Nam mới cạnh tranh và hấp dẫn người tiêu dùng hơn trong khi chất lượng quả vải vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh vải thiều Việt Nam cả quả tươi và đóng hộp có chất lượng ngon nhất thế giới tới các thị trường mới. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thương mại cho sản phẩm vải thiều chế biến đóng hộp, nhằm tạo thêm các giá trị thặng dư trong nước, giảm chí phí vận chuyển, đưa quả vải thiều Việt Nam đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top