Việt Nam giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới không còn người nghèo đói vào năm 2045

26/01/2021 - 10:07 AM
Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Theo đó, tại Việt Nam, mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vừa được Chính phủ tổng kết, đã cho thấy những thành tựu tích cực của Việt Nam trong công tác giảm nghèo; bên cạnh đó, Chính phủ đã phát động phong trào giảm nghèo mới với mục tiêu Việt Nam không còn người nghèo đói vào năm 2045.
 
Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Các đánh giá, nghiên cứu cho thấy, thời gian qua công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%; trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Uớc đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo như huyện Tân Sơn (Phú Thọ), huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Như Xuân (Thanh Hóa), huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi tình trạng khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%). Có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn).

 
Việt Nam giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới không còn người nghèo đói vào năm 2045

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Giai đoạn 2016 - 2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, trên 15.000 công trình đưa vào sử dụng; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.

Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi được cải thiện, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Một số địa phương điển hình: Xã Chế Tạo, xã Chế Cu Nha của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trước đây từ trung tâm huyện xuống xã phải mất 4 đến 5 tiếng đi bộ, nhưng nay chỉ mất 45 phút đi ô tô hoặc xe máy là đến được trung tâm xã. Hay xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, ngày trước đi bộ mất 9 tiếng đồng hồ tới xã, giờ mất khoảng 30 phút đi ô tô hoặc xe máy.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo,“ly nông bất ly hương”. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Chương trình 135 đã hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn song Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 đạt trên 93,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ: 45,33%; vốn ngân sách địa phương: 10,75%; vốn xã hội hóa: 23,62%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp: 19,86%... Nguồn lực này đã được bố trí, huy động để thực hiện một số chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Có được những thành quả trên là do Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục để thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo bền vững; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là ở các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra. Mới đây để tiếp tục nâng cao hiệu quả xóa nghèo, tháng 6/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – đây là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 – nhằm ưu tiên nguồn lực hơn, đầu tư trọng tâm hơn với mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, thời gian qua cùng với các chương trình của Nhà nước, công tác giảm nghèo trên phạm vi cả nước còn nhận được sự tham gia sâu rộng, sôi nổi và trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng với các hình thức khác nhau, các sáng kiến thiết thực… mang lại hiệu quả cao.

Một số định hướng trong công tác giảm nghèo giai đoạn tới

Năm 2020, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các tổ chức quốc tế cảnh báo những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam ước tính, dịch Covid-19 khiến nửa tỷ người (hơn 8% dân số) thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

Tại Việt Nam, mặc dù công tác giảm nghèo thời gian qua tuy là điểm sáng của thế giới, song còn khiêm tốn so với những thách thức và tồn tại trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi nước ta vẫn là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, hạn hán, xâm ngập mặn... Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm... Chính vì vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn.

Thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.

Một số định hướng trong công tác giảm nghèo thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề. Coi trọng dân trí, giáo dục, dạy nghề, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm và trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những chương trình đã triển khai tập trung cho vùng có thu nhập thấp. Hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật.

Tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã phát động cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt phong trào giảm nghèo mới, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo do các nguyên nhân chủ quan, với một số giải pháp cụ thể:

Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo, trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả. Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, an toàn khu; xã thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo.

Tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan thanh tra, kiểm toán, các cơ quan Quốc hội, hội đồng Nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đảm bảo an ninh trật tự gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhất là bảo đảm an ninh quốc phòng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo./.

 
 
Thu Hòa 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top