Việt Nam chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19

16/04/2020 - 02:43 PM
Xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc vào giữa tháng 12/2019, dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (Covid-19) là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, số quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm covid ngày một nhiều hơn, trong khi toàn thế giới chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, tính đến ngày 09/3/2020, dịch bệnh Covid-19 đã lan ra 101 quốc gia, vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục; toàn thế giới đã có khoảng 111,3 nghìn người nhiễm bệnh, số ca tử vong lên tới gần 4 nghìn người. Riêng tại Việt Nam ghi nhận đã có 31 người nhiễm bệnh. Trước tình hình đó, Việt Nam đã chủ động, kịp thời thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để phòng, tránh dịch bệnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân cũng như thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong và sau dịch bệnh. 
 
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây sang Việt Nam vào thời điểm cả nước đang trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, song Chính phủ đã khẩn cấp, liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để bàn và đưa ra các giải pháp chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, gồm cả các biện pháp thế giới đã áp dụng và các biện pháp mới để các ngành, địa phương triển khai tốt nhất, nhanh nhất và đồng bộ nhất. Cùng với đó, một loạt các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được ban hành như: Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020; Công điện số 121/CĐ-CP ngày 23/01/2020 và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ... Nội dung các văn bản đều đưa ra những nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương và thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; đội phản ứng nhanh và các tiểu ban chống dịch (Tiểu ban Giám sát; Tiểu ban Điều trị; Tiểu ban Truyền thông; Tiểu ban Hậu cần) được thành lập, để giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19 có sức lây lan chóng mặt trên toàn thế giới và vượt qua tầm kiểm soát của một quốc gia, thể hiện trách nhiệm của vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đảm bảo các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN diễn ra trong điều kiện an ninh, an toàn ở mức cao nhất, Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp để ứng phó và kiểm soát dịch; chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh bằng việc gửi thư đến các nước ASEAN đề nghị thành lập Nhóm công tác chung cấp bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự..., qua đó tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, điều phối hành động ứng phó với dịch bệnh trong khu vực.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, sau khi trao đổi với các nước thành viên ASEAN, để thể hiện rõ hơn vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ngày 15/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Trong  đó, một số nội dung được nhấn mạnh là: Đoàn kết ASEAN và tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân; ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực, điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; Các nước ASEAN tiếp tục duy trì chính sách mở cửa, nhất trí phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu của các quốc thành viên. Tại bản Tuyên bố, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh những hành động của Chính phủ là sự chung tay quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương. Là một trong những cơ quan đi đầu trong “trận chiến” phòng chống dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã nhanh chóng xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch bệnh; bảo đảm thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch cũng như kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị tuyến trung ương, tuyến tỉnh và các bệnh viện thuộc ngành Công an, Quân đội, sẵn sàng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Thông qua những buổi hội nghị trực tuyến và nhiều văn bản ban hành, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện, cách ly và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời tổ chức ứng trực, cập nhật liên tục diễn biến tình hình dịch Covid-19 và đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp. Bộ Y tế cũng khẩn trương thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh và công bố 22 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh.

Đáng mừng là với sự phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, chỉ sau 2 tuần kể từ sau khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên dương tính với chủng mới của virus corona, ngành Y nước ta đã nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm. Việc này sẽ tạo điều kiện cho công tác xét nghiệm những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV thông qua các mẫu thử, qua đó, mỗi ngày Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Với thành công này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy thành công virus corona, giúp nước ta có một phác đồ điều trị hiệu quả 
đối với Covid-19.
 
Việt Nam chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Sát cánh cùng Bộ Y tế là sự chung sức của nhiều bộ, ngành với nhiều hành động cụ thể như: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, đảm bảo an ninh tại các vùng có dịch; Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hải quan, Tổng công ty Hàng không Việt Nam xác định số lượng người Việt Nam tại khu vực có dịch và đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước... Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch đến người dân được chú trọng. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình dịch bệnh, khuyến nghị thời gian nghỉ học phù hợp với từng thời điểm đối học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và sinh viên cả nước, điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019- 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành.

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ là mối nguy đến sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực, gây nên sự mất cân đối cung - cầu trên thị trường của những mặt hàng thiết yếu cho phòng, chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn… Giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng bình ổn thị trường, chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra cao điểm, không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm trên và ưu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cùng với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ứng phó với dịch viêm Covid-19 như: Tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; Thành lập đội phản ứng nhanh, lập bệnh viện dã chiến, huy động hàng nghìn giường bệnh sẵn sàng tác chiến phòng, chống dịch; Tạm dừng hoặc giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức để hạn chế tập trung đông người; Tổ chức phun khử trùng trường học, các địa điểm công cộng…

Với sự chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh của toàn hệ thống chính trị trên cả nước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận Việt Nam đã xử lý rất tốt dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, ngày 27/2/2020, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng, khi tất cả 16/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã hoàn toàn được chữa khỏi. CDC đã đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng 3/2020 để trao đổi hợp tác và việc thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam.
Nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội
Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam với những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ảnh hưởng của Covid-19 tổ chức vào ngày 12/2/2020, dịch bệnh Covid-19 đang tác động nặng nề đến ngành nông nghiệp nước ta, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Về sản xuất công nghiệp, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước. Đối với ngành dệt may, da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu đầu vào do trước đây nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu. Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020, ước tính quý II kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng khu vực sản xuất trong nước, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới sẽ dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, ngành du lịch của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do lượng khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác giảm mạnh. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời.

Cũng theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 dự báo đạt 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng năm 2020 dự báo đạt 5,96%, giảm 0,84 điểm phần trăm so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm phần trăm so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Trên cơ sở đánh giá trên, với quan điểm không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại; thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước; lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và diễn biến thị trường, bảo đảm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh...

Với các giải pháp này, Chính phủ đang lan tỏa tinh thần quyết tâm vượt qua những thử thách từ dịch bệnh Covid-19 và hoàn thành mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top