Việt Nam đưa trang dữ liệu Tóm tắt quốc gia vào hoạt động

19/09/2019 - 10:36 AM
Hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn phổ biến thông tin của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt đầu từ tháng 10 năm 1995 khi Ủy ban lâm thời (nay là Uỷ ban Tiền tệ và tài chính quốc tế - IMFC) thông qua việc thành lập các chuẩn mực để hướng dẫn các thành viên của IMF trong việc phổ biến các dữ liệu kinh tế và tài chính. Các chuẩn mực này gồm hai cấp: (1) Tiêu chuẩn phổ biến số liệu riêng (Special Data Dissemination Standard - SDDS) được phê duyệt năm 1996 để hướng dẫn các nước đã tham gia hoặc muốn tiếp cận thị trường vốn quốc tế (2) Hệ thống phổ biến số liệu chung (General Data Dissemination System - GDDS) phê duyệt tháng 12/1997 để hướng dẫn cho tất cả các nước thành viên của IMF.

Ngày 01/7/2015, IMF đã thông qua Hệ thống phổ biến số liệu chung tăng cường (Enhanced General Data Dissemination System - e-GDDS) để thay thế GDDS1, trong đó thống nhất việc chú trọng vào phổ biến số liệu trong e-GDDS nhằm nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy phát triển thống kê và tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa phổ biến số liệu và hoạt động giám sát. Những vấn đề trọng tâm e-GDDS tập trung vào là: (i) Sắp xếp các hạng mục dữ liệu trong e-GDDS theo các chỉ số thường được IMF sử dụng cho quá trình giám sát; (ii) Cải thiện việc tiếp cận số liệu bằng cách xây dựng Trang dữ liệu tóm tắt quốc gia (NSDP) theo định dạng mở tiêu chuẩn toàn cầu; (iii) Thiết lập một lộ trình để đạt được các tiêu chuẩn phổ biến cao hơn bằng cách ban hành các ngưỡng phổ biến số liệu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia khi tham gia GDDS và e-GDDS là duy trì và cập nhật bộ dữ liệu chú giải (metadata) mới và chính xác trên Bảng tin phổ biến số liệu của IMF (DSBB), đồng thời phổ biến trên website của Cơ quan thống kê quốc gia. Các bảng metadata cần thể hiện được thông tin về các điều kiện tiên quyết của chất lượng thông qua năm khía cạnh liên quan là: Tính thống nhất; phương pháp luận đúng đắn; tính chính xác và độ tin cậy của số liệu; tính bảo trì số liệu; khả năng tiếp cận số liệu. Bên cạnh đó, còn khuyến khích các cơ quan sản xuất và phổ biến số liệu thể hiện các cải tiến gần đây trong việc thu thập, tổng hợp và phổ biến số liệu của từng lĩnh vực, đưa ra kế hoạch thực hiện việc cải tiến trong ngắn hạn, trung hạn và yêu cầu hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính. 
 


Tại Việt Nam, ngày 07/11/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 152/2002/QĐ-TTg về việc giao Tổng cục Thống kê là Cơ quan điều phối của Việt Nam trong việc tham gia GDDS của IMF. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ thuộc khuôn khổ của GDDS và e-GDDS.

Năm 2019, được sự hỗ trợ của Đoàn Hỗ trợ kỹ thuật của IMF, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện e-GDDS mà trọng tâm là xây dựng NSDP và hướng tới mục tiêu đến năm 2020 tuân thủ đầy đủ SDDS.

NSDP là một cổng dữ liệu cho người dùng (data portal) của các quốc gia tham gia SDDS Plus, SDDS và e-GDDS. NSDP cho phép người dùng truy cập số liệu, xem các dữ liệu chú giải hoặc liên kết đến bộ dữ liệu trực tuyến đối với tất cả các hạng mục số liệu sẵn có của một quốc gia, ngay cả khi các hạng mục số liệu này được các cơ quan thống kê khác nhau biên soạn. Đối với các quốc gia tham gia SDDS Plus và e-GDDS, NSDP cho phép tự động trao đổi và chia sẻ số liệu thống kê và dữ liệu đặc tả theo chuẩn SDMX (Chuẩn trao đổi số liệu và dữ liệu đặc tả).

NSDP của Việt Nam được thiết kế giao diện song ngữ (Tiếng ViệtTiếng Anh) tại địa chỉ: http://nsdp.gso. gov.vn, bao gồm 14 chỉ tiêu được Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp. Dữ liệu đăng trên NSDP gồm: Số liệu theo định dạng excel theo định dạng SDMX; dữ liệu chú giải (metadata) của các chỉ tiêu. Ngoài việc truy cập trực tiếp tại địa chỉ trên, NSDP có thể truy cập từ đường link trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống(www.gso.gov.vn). Việc đưa NSDP vào hoạt động khẳng định tính kịp thời và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về công khai và minh bạch hóa các thông tin, dữ liệu thống kê, tài chínhngân hàng.

Việc thực hiện e-GDDS là bước đệm nhằm hướng tới SDDS theo Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của Cơ quan điều phối Quốc gia, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và phổ biến các chỉ tiêu đảm bảo yêu cầu về phạm vi, phân tổ, tần suất và thời gian phổ biến theo khuyến nghị của IMF./.

 
Việt Nam đưa trang dữ liệu Tóm tắt quốc gia vào hoạt động
ThS. Lê Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng, Vụ Thống kê Tổng hợp - TCTK
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top