Việt Nam hợp tác cùng ASEAN quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

17/06/2020 - 10:16 AM
Việt Nam: Nước Chủ tịch tích cực và trách nhiệm

Với tư cách là một thành viên của ASEAN, trong 25 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Cộng đồng. Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới nhiều biến động. Chủ đề của Việt Nam đưa ra năm nay được đánh giá là đúng lúc và thích đáng hơn bao giờ hết, được các nước trong khối ủng hộ tích cực.
Ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh Covid-19, cơ quan y tế các nước ASEAN và các nước ASEAN+3 đã trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Tiếp đó, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngày 14/2/2020, Chủ tịch ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao, các cấp ngành trong Cộng đồng ASEAN như các Bộ trưởng Quốc phòng, Kinh tế đều ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về ứng phó dịch bệnh (ngày 19/2); Tuyên bố chung của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về ứng phó với Covid-19 (ngày 11/3).

 
Việt Nam hợp tác cùng Asean quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong suốt toàn bộ quá trình này, Hội đồng Cộng đồng ASEAN (ACC) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đứng đầu luôn đóng vai trò trung tâm, điều phối các hoạt động hợp tác trong Cộng đồng và trong hợp tác với các đối tác, tạo nên mạng lưới rộng khắp trong cả khu vực về phòng chống, giảm thiểu tác động của Covid-19. Kể từ tháng 2/2020 đến nay, ACC đã nhiều lần nhóm họp đề ra các quyết định khác nhau; đồng thời các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã tổ chức họp với các đối tác, vừa tranh thủ thêm kinh nghiệm, vừa để phối hợp trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Phối hợp chính sách luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong hợp tác kiểm soát dịch bệnh. Các nước trong ASEAN đã thường xuyên chia sẻ với nhau các quyết định về chính sách; đồng thời xem xét và điều chỉnh chính sách của mình theo hướng phù hợp với các đặc thù khu vực, đòi hỏi của tình hình lẫn thực tiễn của từng nước. Việc làm này đã tạo ra nền tảng chính sách hài hòa và tương đối đồng bộ giữa các nước trong đấu tranh với Covid-19.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp… Cụ thể, trong đó có Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (ASEAN EOC); Trung tâm ảo ASEAN BioDioaspora (Phân tích dữ liệu, cung cấp các đánh giá rủi ro quốc gia, lập kế hoạch ứng phó toàn khu vực); kết nối ASEAN EOC với Mạng đào tạo dịch tễ học (FETN) ASEAN+3...

Có thể nói, ngay từ đầu khi dịch bệnh xảy ra, Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế- xã hội của dịch bệnh.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch; phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp 31/3/2020 để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, các cuộc họp không thể diễn ra theo phương thức truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), các Bộ trưởng Hội đồng đã nhất trí với khuyến nghị của Nhóm và sẽ trình những khuyến nghị này lên Lãnh đạo Cấp cao. Các khuyến nghị này tập trung vào 3 khía cạnh: Kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba và giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như: Khả năng lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN và với các Đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệch, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh... Các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ các nỗ lực và nâng cao khả năng tự cường, thích ứng hiệu quả trước các thách thức của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác ASEAN và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này.

Hội đồng Điều phối ASEAN đã ủng hộ một số đề xuất của Việt Nam nhằm đẩy mạnh nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó dịch bệnh Covid-19 như: Hình thành kho dự phòng của khu vực về trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh, trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức diễn tập trực tuyến của Trung tâm Quân y ASEAN về ứng phó dịch bệnh.

Có thể nói, cho đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên trong khối, thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng.

5 sáng kiến của Việt Nam

Các nước trong khu vực ASEAN đều là những nơi chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống dịch. Đến nay, nhiều kinh nghiệm quý báu đã được các quốc gia trong khu vực tích lũy và chia sẻ với nhau. Tiêu biểu là việc phát hiện sớm, thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, yêu cầu đeo khẩu trang đại trà, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh… Hiện nay, không chỉ các quốc gia trong khu vực ASEAN, trên toàn thế giới, nhiều quốc gia, nhiều khu vực như G7, G20, Liên hợp quốc… cũng đang áp dụng những kinh nghiệm chống dịch quý báu này.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, dựa vào những trao đổi và kinh nghiệm thực tế thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra 5 sáng kiến. Theo đó, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp trong ứng phó và đẩy lùi Covid-19 cụ thể:

Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ hai, chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.

Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.

Thứ năm, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.

Với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, Việt Nam tin tưởng rằng, "con thuyền" ASEAN sẽ cùng khu vực và thế giới vượt qua thử thách đại dịch này, góp phần bảo đảm một thế giới và khu vực hậu đại dịch sẽ tiếp tục hội nhập, phát triển thịnh vượng và bền vững hơn./.

 
Thu Hường
 
 
 

 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top