Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo bình đẳng về cơ hội

15/04/2020 - 03:18 PM
Sau hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, đất nước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Các chính sách của Nhà nước đều hướng đến thực hiện song hành cả hai tiêu chí tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội. Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách cụ thể, chú trọng hướng đến con người nhằm: Thực hiện công bằng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trợ cấp và bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ nhà ở, việc làm, đào tạo nghề… hướng tới mục tiêu bảo đảm bình đằng về cơ hội cho toàn dân. Trong đó, vấn đề đảm bảo bình đẳng về cơ hội thường tập trung xoay quanh các nhóm đối tượng yếu thế của xã hội, những nhóm người gặp khó khăn, thách thức nhất định về tinh thần, vật chất, năng lực để hòa nhập với xã hội như: Người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nhập cư đô thị…

Cơ hội cho trẻ em nghèo, thiệt thòi

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 (TĐTDS&NO 2019) của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có trên 23,37 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0-14 tuổi, chiếm trên 24% tổng dân số cả nước với tỷ số phụ thuộc là 35,7%, trong đó có trên 7,8 triệu trẻ em từ 0-4 tuổi. Đây là thế hệ măng non, là lực lượng quan trọng liên quan đến vận mệnh và sự phát triển của đất nước trong tương lai, nhưng lại nằm trong nhóm yếu thế do chưa có hoặc còn hạn chế năng lực tự chủ cho bản thân. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể thể hiện trên các chỉ số phát triển trẻ em trong nhiều năm qua, sự bất bình đẳng và khác biệt vẫn còn tồn tại theo khu vực, thu nhập hộ gia đình…

Theo Kết quả TĐTDS&NO 2019, Việt Nam vẫn còn 1,2% trẻ em dưới 5 tuổi chưa đăng ký khai sinh, tập trung nhiều ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ khá cao so với toàn quốc, lần lượt là 2,3% và 2,9%; sự cách biệt cũng khá rõ khi so sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn. Kết quả này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận các chính sách, quyền lợi cho trẻ em trong đó có giáo dục, đặc biệt là với trẻ em người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, các em thuộc hộ nghèo đa chiều. Thống kê cho thấy, cả nước có 8,3% trẻ em ngoài nhà trường, tức là trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học; Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ cao nhất với 13,3%. Mặt khác, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia cuối năm 2019 đã chỉ ra rằng nhóm trẻ em dân tộc thiểu số luôn có tỷ lệ thấp còi cao nhất, cứ 3 em thì có 1 em thấp còi, 5 em thì có 1 em nhẹ cân. Trong khi đó, Báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2016” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) đã đưa ra những luận chứng cho thấy lợi ích cả trước mắt và lâu dài mỗi quốc gia có thể nhận được thông qua việc đầu tư cho những trẻ em thiệt thòi nhất. Tương lai của trẻ em nghèo và thiệt thòi có thể phụ thuộc vào những cơ hội mà các em có được và những cơ hội đó là sự lựa chọn đến từ chính cộng đồng xã hội, các tổ chức quốc tế và Chính phủ.

Chính vì vậy, Việt Nam đẩy mạnh quan tâm và bảo vệ trẻ em trong các nhu cầu thiết yếu của đời sống bao gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh, lao động, vui chơi giải trí… Hành động cụ thể của Việt Nam trong chiến lược hướng tới đảm bảo bình đẳng cơ hội cho trẻ em phải kể tới Luật Trẻ em ra đời năm 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với nhiều điểm mới bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Đây là văn bản quan trọng tạo khung pháp lý tương đối đầy đủ, trong đó quy định cụ thể 3 cấp độ bảo vệ trẻ em, đó là: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp với các biện pháp cùng trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đảm bảo trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị sự cố. Đề án “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” cũng đã được đưa vào Chương trình Công tác năm 2011 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em. Ngoài ra, các tổ chức xã hội đã kết hợp cùng các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức các chương trình cụ thể, đem lại cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đổi đời, nâng cao thể chất, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em Việt. Trong đó phải nhắc tới chương trình từ thiện đầy tính nhân văn như: Trái tim cho em, Cặp lá yêu thương, Cùng em đến trường, Quỹ Trò nghèo vùng cao, Vì tầm vóc Việt…

Đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi

Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số vàng nhưng được dự báo thời gian để chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số già sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Số liệu TĐTDS&NO 2019 cho thấy, Việt Nam có 7,4 triệu người trong độ tuổi từ 65 trở lên, chiếm gần 7,7% dân số cả nước với tỷ số phụ thuộc (chỉ tiêu đánh giá gánh nặng của dân số trong độ tuổi lao động) là 11,3%; trong đó có 1,9 triệu cụ già từ 80 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất để đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho toàn bộ người cao tuổi cả nước còn nhiều hạn chế. Cơ hội thụ hưởng các điều kiện về dịch vụ chăm sóc phần lớn phụ thuộc vào khả năng chi trả của mỗi gia đình. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên vẫn tham gia thị trường lao động năm 2019 cao hơn so với năm 2009 (7,9% so với 5,8%). Trong khi đó, Việt Nam có 9,7% lao động có độ tuổi từ 60 trở lên có mức sống nằm trong nhóm “Nghèo” và 8,9% nằm trong nhóm “Nghèo nhất”. Đây cũng là những nhóm người hạn chế các cơ hội bình đẳng nhất là khi tuổi đời càng cao mà sức lao động lại ngày càng giảm. Là một quốc gia giàu truyền thống dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, do đó, việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi luôn được coi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức trong xã hội. Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh các vấn đề đối với người cao tuổi là một phần quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các chính sách được xây dựng nhằm bảo vệ người cao tuổi khỏi những rủi ro khác nhau và đảm bảo cho người cao tuổi một cuộc sống tốt cả về thể chất, tinh thần và sức khỏe. Trong đó phải kể đến Luật Người cao tuổi và Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi được quy định trong Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019), Việt Nam đặt ra mục tiêu đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; trong đó, ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gồm có: Rà soát, hoàn thiện chính sách, chế độ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; Cụ thể hóa các quy định của nhà nước về xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo phương thức hợp tác công tư; Quy định chi tiết, cụ thể chính sách khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật

Thống kê cả nước có 3,7% dân số là người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn còn khá cao một phần do di chứng của chiến tranh để lại. Trong đó, khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác với 4,4% và 4,7% (Kết quả TĐTDS&NO 2019); kết quả cũng cho thấy tỷ lệ khuyết tật cao nhất tập trung ở nhóm phụ nữ sinh sống tại khu vực nông thôn.

Mặc dù đã có sự hiện diện của các trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật nhưng do nguồn lực có hạn, năng lực tự chủ thấp, hầu như các trung tâm đều dựa vào các khoản trợ cấp theo chính sách của nhà nước, lòng hảo tâm của các cá nhân và tổ chức, do đó, còn nhiều người khuyết tật còn phải chịu thiệt thòi và hạn chế các cơ hội hòa nhập với xã hội.

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các chính sách dành cho người khuyết tập không chỉ tập trung vào vấn đề bảo trợ mà còn hướng tới sự hòa nhập của đối tượng này trong xã hội, làm cho họ trở thành chủ thể của luật pháp với các quyền được xác định rõ ràng. Song song với khuyến khích hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện giúp họ vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Đồng thời, các chính sách còn đề cập đến giải quyết những khó khăn trong sự tương tác của người khuyết tật với môi trường xung quanh như: Phương tiện đi lại, lối đi riêng, sách vở, ngôn ngữ ký hiệu, chương trình truyền hình... Đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em bị khuyết tật, nhất là trẻ em khuyết tật ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, vấn đề tạo hòa nhập cho trẻ khuyết tật để các em có thể đến trường học hết sức quan trọng. Qua đó vừa tạo cơ hội cơ bản để các em tham gia vào xã hội vừa hình thành thái độ về hòa nhập cho mọi người. Không những thế, Lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 3/12/2019 đã lấy chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Qua đó đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc trao quyền, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững và bình đẳng cơ hội cho người khuyết tật Việt Nam.

Giảm khoảng cách tiếp cận cơ hội cho người nghèo, người dân tộc thiểu số

Một trong những thách thức lớn nhất về đảm bảo bình đẳng cơ hội ở Việt Nam đó là khoảng cách tiếp cận các cơ hội giữa người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và người dân ở vùng đồng bằng. Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có số hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 50% cả nước. Nhiều vấn đề xã hội còn tồn tại hoặc có tỷ lệ thiếu hụt cao so với cả nước về những điều kiện ăn ở và sinh hoạt như: Điện lưới, nguồn nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn…

Do hạn chế cả về kinh tế và xã hội, với những người nghèo và người dân tộc thiểu số, con đường thoát ly, tìm kiếm cơ hội ở các đô thị được coi là một trong những giải pháp giúp hòa nhập xã hội. Giáo dục, dinh dưỡng và vệ sinh được coi là ba yếu tố quyết định, có mối quan hệ chặt chẽ; đặc biệt, giáo dục đã thể hiện sức mạnh, vai trò dẫn dắt, đem lại nguồn lao động chất lượng cao, mở ra nhiều cơ hội và giải quyết vấn đề bình đẳng cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, nhất là đối với trẻ em. Các chương trình về giáo dục, vệ sinh và dinh dưỡng cũng được lồng ghép cùng các chương trình giảm nghèo và giảm nghèo bền vững cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến Chương trình 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư khoảng 94,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 8 dự án. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người năm 2025 tăng ít nhất 2 lần so với cuối năm 2020; giải quyết cơ bản nhu cầu tối thiểu về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết căn bản 70% số hộ di cư tự phát; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cho các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn; duy trì và phát triển các dân tộc thiểu số ít người, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng giống nòi…

Tăng cơ hội bình đẳng giới cho phụ nữ

Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… và khẳng định được vai trò, vị thế của mình ở nhiều lĩnh vực cả trong nước và quốc tế. Nhiệm kì 2016-2021, tỷ lệ nữ giới tham gia đại biểu quốc hội khóa XIV của Việt Nam đã vượt qua cả tỷ lệ trung bình của thế giới, lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng phát huy vai trò ở nhiều vị trí cao cả trong bộ máy nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp... Thành quả này ghi dấu sự nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tổ chức và cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết các vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo các cơ hội phát triển cho phụ nữ Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

 
Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo bình đẳng về cơ hội
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, việc phụ nữ vẫn nằm trong nhóm đối tượng yếu thế, cần các chính sách pháp luật bảo vệ của nhà nước cho thấy vẫn còn những vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới với áp lực việc nhà không có sự chia sẻ; phụ nữ trong nghề nghiệp làm lãnh đạo chỉ chiếm 27,3% tổng số. Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế - xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Đặc biệt với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, nông thôn do ảnh hưởng của phong tục tập quán cùng các hủ tục, cơ hội phát triển dành cho họ cũng ít hơn so với phụ nữ ở các khu vực đô thị. Để khắc phục những tồn tại này, vấn đề đảm bảo cơ hội bình đẳng của phụ nữ Việt Nam được lồng ghép trong rất nhiều bộ luật, trong đó phải kể đến Hiến pháp Việt Nam, Luật Bình đẳng giới 2006, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Bộ luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội… thậm chí trong cả Bộ luật Hình sự Việt Nam. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để phụ nữ và trẻ em gái có thể tham gia đóng góp và hưởng lợi từ quá trình phát triển và tiến bộ về kinh tế.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang tích cực thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất nhằm đảm bảo quyền lợi và đem lại những cơ hội phát triển tốt nhất cho mọi nhóm đối tượng, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn mình, phát triển toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau. Với mỗi nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, Chính phủ Việt Nam đều có các cam kết mạnh mẽ về sự hòa nhập của họ trong xã hội. Các chính sách pháp luật bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam được thi hành song song với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhóm đối tượng này có thể tiếp xúc với các cơ hội một cách công bằng và bình đẳng./.

 
TS. Đặng Quang Trung
Đại học Lao động Xã hội
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top