Việt Nam: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0

23/09/2019 - 09:44 AM
Để thực hiện thành công CMCN 4.0, nhiều nước trên thế giới cần chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết để có thể ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và quản lý xã hội cũng như thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, làm chủ các công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng mới và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hòa chung vào cuộc CMCN của thế giới, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực này, tuy nhiên, trong tương quan với các nước trên thế giới được đánh giá theo các chỉ số quốc tế và xét theo từng khía cạnh, mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho cuộc cách mạng này còn khá hạn chế.
 
Các đánh giá quốc tế
 
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Hãng tư vấn chiến lược A.T. Kearney công bố Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 20181. Đây là báo cáo đầu tiên phân tích, đo lường vị thế của 100 quốc gia và nền kinh tế, nhằm định hình nền sản xuất toàn cầu theo hướng mang lại lợi ích từ sự thay đổi bản chất của sản xuất bằng cách áp dụng công nghệ mới, dựa trên việc đánh giá 59 chỉ số được xem là nền tảng cho sự sẵn sàng của một quốc gia trong sản xuất tương lai. Theo Báo cáo, tuy không bị đánh giá quá thấp, song Việt Nam được xếp vào nhóm Sơ khởi (Nascent) về tiềm năng sản xuất, tức là còn yếu kém về Cấu trúc sản xuất (xếp ở vị trí 48/100) và Động lực sản xuất (vị trí 53/100). Cho dù quy mô ngành chế tạo của nền kinh tế được đánh giá khá cao, xếp hạng 17 trên thế giới, nhưng Độ phức tạp sản xuất (mức độ áp dụng các kiến thức, công nghệ nhằm tạo ra một sản phẩm phức tạp) chỉ xếp thứ hạng 72. Bên cạnh đó, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới còn thấp, xếp thứ hạng 90 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghệ nền tảng xếp hạng 92, năng lực sáng tạo xếp hạng 77. Về nguồn nhân lực, Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở thứ hạng 70, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao và chất lượng đại học cũng ở mức thấp, lần lượt xếp thứ 81 và 75. Nếu so sánh trong khu vực SEAN về thứ hạng công nghệ đổi mới và nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia (có xếp hạng tương ứng là 23 và 21), Thái Lan (41 và 53), Philippines (59 và 66) và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (83 và 86).
 
Việt Nam: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Một nghiên cứu được Ban thư ký ASEAN thực hiện vào năm 2018 để đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các nước thành viên cũng cho kết quả tương tự, Việt Nam nằm trong nhóm Non trẻ và rất gần với nhóm Tiềm năng cao hoặc nhóm Dẫn đầu.
 
Trong khi đó, theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), dù chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam tăng 02 bậc so với năm 2017 và tăng 16 bậc so năm 2016, lên vị trí 45/126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng; nhưng chỉ số ĐMST của Việt Nam đã giảm từ vị trí thứ 3 năm 2017 xuống vị trí thứ 4 năm 2018, sau Singapore, Malaysia, và Thái Lan và thứ hạng của Việt Nam ở khá xa so với Singapore. Hơn nữa, trụ cột “Đầu ra công nghệ và tri thức” lại giảm tới 7 bậc, từ vị trí 28 xuống 35. Trong Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 vừa được công bố cho kết quả Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và có sự tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra, nhưng điểm số các nhóm chỉ số vẫn cao hơn không đáng kể so mức trung bình.

Ngoài ra, nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của WEF cho thấy, với phương pháp thực hiện xếp hạng thay đổi theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ, Việt Nam tụt 3 bậc so năm trước, từ vị trí thứ 74 xuống vị trí 77 trong 140 nền kinh tế được xếp hạng. Trong 12 trụ cột đánh giá, trụ cột “năng lực sáng tạo” đạt điểm thấp nhất với 33 điểm, đứng thứ 82/140 quốc gia được xếp hạng.
 
Về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
 
Trong điều kiện CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, từ năm 2016 Việt Nam đã có định hướng đẩy mạnh sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đến nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước đã có bước phát triển khá nhanh với sự góp mặt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và ngày càng sôi động hơn với sự tham gia nhiều hơn của vườn ươm khởi nghiệp và vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp. Câu chuyện đổi mới sáng tạo cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
 
Mặc dù vậy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nước ta vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất,  từ những năm trước, nhiều nước đã hình thành các Trung tâm đổi mới sáng tạo để thực hiện nghiên cứu và phát triển, chuyển giao các công nghệ mới nhất của quốc gia nhưng Việt Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn xây dựng Đề án “Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia». Thứ hai, các công ty khởi nghiệp trong nước thiếu kinh nghiệm trong khởi sự kinh doanh và hạn chế về hiểu biết pháp lý và thị trường. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, các doanh nghiệp của Việt Nam chưa ứng dụng hay phát triển được nhiều sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ của thời kỳ CMCN 4.0. Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Thứ tư, chưa có một hệ thống hỗ trợ kinh doanh tích hợp đầy đủ để hỗ trợ hậu cần, kinh doanh (thị trường, vốn, các vấn đề pháp lý, v.v.), đời sống... với dịch vụ một cửa chất lượng cao.
 
Xét về tiềm lực khoa học và công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 1/3 các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ (35%), nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam không được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng của khu vực và thế giới. Ngoài ra, công tác nghiên cứu và phát triển cùng khả năng thương mại hóa công nghệ của Việt Nam còn hạn chế. Trong giai đoạn 2001-2015, nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ đối với phát triển của khoa học và công nghệ để bắt kịp với thế giới, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Việt Nam đã công bố trên 18.000 bài báo trên các hệ thống Danh mục Khoa học Quốc tế (ISI), nhiều hơn so với Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, theo Báo cáo của WEF, xét về hiệu suất sáng chế (được đo bằng số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế cho mỗi triệu người cho mỗi 1% GDP chi cho R&D), đầu tư cho R&D của Việt Nam mang lại có hiệu quả khá thấp.
 
Tốc độ đổi mới công nghệ cũng là một điểm yếu của Việt Nam, khi vẫn còn tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả. Việc chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cũng chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước. Vai trò lan tỏa công nghệ của doanh nghiệp FDI còn hạn chế, trong khi đây luôn được xem là một biện pháp hữu hiệu giúp các nước đang phát triển như Việt Nam nhanh chóng tiếp thu được công nghệ mới, hiện đại từ các đối tác nước ngoài, rút ngắn khoảng cách về năng lực công nghệ, trên cơ sở đó thúc đẩy tăng năng suất.
 
Thêm một thách thức lớn đối với các công ty công nghệ thông tin là cần phải vượt qua “cái bóng” của gia công phần mềm và còn quá thận trọng cho việc đầu tư vào công nghệ mới và áp dụng các ý tưởng đột phá, khiến cho các công ty khó có được những bước“nhảy vọt”. Theo Báo cáo sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF, trong khi Malaysia và Singapore giữ vị trí thứ 11 và 12 về mức độ sẵn sàng đầu tư vào công nghệ mới, thì Việt Nam xếp vị trí 50, cùng nhóm với Campuchia (47) và Philippines (54). Mức độ sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng đột phá cũng ở tình trạng tương tự.
Về hạ tầng công nghệ
Những năm gần đây, hạ tầng viễn thông và CNTT của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đang đứng trong tốp đầu các quốc gia trong ASEAN. Hiện Việt Nam có công nghệ 4G khá phát triển và đang thực hiện kế hoạch tiếp cận, phát triển mạng di động 5G để có thể đáp ứng nhu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam có mạng cáp quang phủ rộng khắp cả nước, thị trường băng thông rộng có dây tăng trưởng nhanh và ổn định trong vài năm qua. Về tiến độ hấp thụ công nghệ, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu: Chỉ số Chấp nhận Công nghệ toàn cầu (Digital Adoption Index - DAI) xếp Việt Nam ở thang điểm 4.6/10, cao hơn trung bình thế giới. Nhưng theo đánh giá, hạ tầng internet chưa đủ đáp ứng nhu cầu của công nghiệp 4.0 và vấn đề kịp thời xử lý các mối nguy hại đe dọa an ninh mạng đang là một điểm yếu mà Việt Nam cần sớm được khắc phục. WEF đánh giá cam kết về an ninh mạng (cybersecurity) của Việt Nam ở mức thấp, xếp thứ hạng 90/100 quốc gia được đánh giá tại Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018. Trong khi đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2019 có tới trên 3.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
 
Về nguồn nhân lực
 
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, có lực lượng lao động trẻ, được chú trọng đào tạo, nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây yếu tố quan trọng để nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển ra thế giới nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư, thành lập các cơ sở Nghiên cứu  và Phát triển (R&D) Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam hiện đang thiếu các kỹ sư công nghệ trình độ cao và năng lực quản lý để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các công ty công nghệ hiện naytrong tương lai. Theo Công ty dịch vụ việc làm trực tuyến VietnamWorks, ước tính hàng năm Việt Nam thiếu khoảng 78,000 nhân viên IT và đến 2020 sẽ thiếu khoảng 500,000 nhân viên IT, tức là thiếu đến 78% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chậm thay đổi, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường cả về số lượngchất lượng. Ở cấp phổ thông, nhiều kỹ năng cần thiết cho CMCN 4.0, nhất về CNTT, chưa được đào tạo đúng mức, dẫn tới phần lớn kỹ sư CNTT sau khi ra trường phải được đào tạo lại khi vào làm việc.
Thể chế và môi trường kinh doanh
Những năm qua, nhờ nỗ lực cải cách liên tục của Chính phủ, hệ thống thể chế, pháp luật kinh tế của nước ta từng bước được cải thiện. Trong giai đoạn 2014-2019, Chỉ số Môi trường kinh doanh (World Bank Doing Business) của Việt Nam được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, tăng 21 bậc, từ 90 lên 69. Tuy nhiên, chỉ số này của Việt Nam vẫn kém một số nước trong khu vực và hiện đang đứng thứ 5 trong ASEAN. Theo đánh giá của các nhà phân tích, hệ thống thể chế, pháp luật về kinh doanh còn một số điểm không phù hợp với nhu cầu thay đổi, sáng tạo của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ còn hạn chế và thể chế cho hệ sinh thái startup và thương mại điện tử chưa đầy đủ. Điều này đỏi hỏi hệ thống thể chế kinh tế hiện nay cần được cải thiện đề phù hợp hơn với các mô hình kinh doanh mới của CMCN 4.0, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia CMCN 4.0, qua đó gặt hái các lợi ích kinh tế của cuộc CMCN này.
Về quy mô và tiềm năng thị trường
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đang ngày càng phát triển. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2018 cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 2018, tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông ước đạt khoảng 99 tỉ USD. Trong đó, công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông thành phần chủ lực đóng góp doanh thu khoảng 88 tỷ USD. Đáng chú ý, sản phẩm ngành công nghiệp ICT xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Hiện Việt Nam cũng là một trong những thị trường mạnh về thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số... Với quy mô dân số khá lớn gần 100 triệu dân, số lượng thuê bao điện thoại đạt 129,9 triệu thuê bao trong năm 2018, trong đó số thuê bao di động đạt 125,6 triệu thuê bao, số thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt gần 13 triệu thuê bao (số liệu Tổng cục Thống kê), đây chính là thị trường tiềm năng để ngành CNTT&TT Việt Nam khai thác tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới với sự góp mặt ngày một nhiều và sôi động hơn của các doanh nghiệp trong ngoài nước, tạo đà cho Việt Nam nhanh chóng theo kịp với sự phát triển công nghệ số của thế giới.
 
Có thể nói, Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, nhưng còn chậm so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Do đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, yếu tố trên với tốc độ nhanh hơn là rất cần thiết để thành công trên hành trình do CMCN 4.0 làm chủ./.
 
1. Báo cáo này không bao gồm tất cả các thành viên ASEAN.
 
Bích Ngọc
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top