Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

20/07/2020 - 09:21 AM

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với đường bờ biển dài hơn 3000 km, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm phải đối mặt với bão, lốc, các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và tác động xấu đến nhiều vùng miền, lĩnh vực. Nhận thức được ảnh hưởng của BĐKH trong phát triển bền vững, Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với BĐKH.

Thực trạng ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%. Các công trình nghiên cứu BĐKH cho thấy, khí hậu Việt Nam đã có những dấu hiệu biến đổi rõ rệt. Cụ thể, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5ºC trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Các hiện tượng cực đoan liên quan cũng đã có những dấu hiệu biến đổi khá rõ như: Ngày càng tăng số ngày nắng nóng trong khi số ngày rét đậm có xu thế giảm đi; số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão thường kết thúc muộn hơn so với trước đây. Hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ… tác động của BĐKH gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động xấu đến môi trường. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, thiên tai xảy ra chủ yếu là mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường và sạt lở đất, đã khiến cho 132 người chết, mất tích, 207 người bị thương; hơn 98,1 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 1,7 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 68,5 nghìn ngôi nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai ước tính 6,2 nghìn tỷ đồng. Địa phương bị thiệt hại nhiều do thiên tai là Thanh Hóa với 21 người chết và mất tích, 7 người bị thương; 3,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng; 14,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; thiệt hại ước tính hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Kế đến là Hà Giang 11 người chết, 24 người bị thương; 5,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng; 1,1 nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng; thiệt hại ước tính 53,5 tỷ đồng. Hà Tĩnh 7 người chết, mất tích, 7 người bị thương; 6,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng; 9,8 nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng; thiệt hại ước tính 756,4 tỷ đồng.
 

Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Để chủ động ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã tham gia ký Công ước khí hậu ngày 11/6/1992 và Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998. Đi cùng với các chính sách này, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các chương trình trọng tâm về BĐKH như: Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đề án quản lý phát thải khí nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới... Bên cạnh đó, việc luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH cũng đã được thực hiện với nhiều văn bản luật như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường. Một số văn bản điều hành ở cấp bộ, ngành như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng… Việc ban hành đồng bộ, có hệ thống các chủ trương, chính sách về BĐKH được xem là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam

Cùng với hệ thống các chủ trương, chính sách, Việt Nam đã xây dựng các kịch bản về tác động của BĐKH tại các vùng khác nhau dựa trên cơ sở các số liệu khí tượng thủy văn và mực nước biển của Việt Nam. Qua đó, giúp Việt Nam xây dựng những kế hoạch, chiến lược thích ứng với BĐKH. Công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, năng lực cán bộ và trang thiết bị cảnh báo giúp Việt Nam ứng phó với BĐKH được đầu tư đáng kể. Giai đoạn 2011-2016, Việt Nam đã nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới 69 trạm khí tượng thủy văn, 353 điểm đo mưa, 22 điểm đo mặn và 7 đài khí tượng thủy văn tỉnh. Trong quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ đảm bảo xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, đạt trình độ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vận động tài trợ ngoài nước đã đầu tư cho rất nhiều dự án ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Đó là các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn… Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp chính quyền và người dân. Hàng loạt các phong trào được thực hiện thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng như: Phong trào, giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với rác thải nhựa dùng một lần; tích cực tham gia phòng chống thiên tai, bão lũ. Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai là một trong những biện pháp hiệu quả của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Thông qua mô hình này, Việt Nam vừa huy động được nguồn vốn xã hội, vừa huy động được sức mạnh và sáng kiến trong cộng đồng.

Các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân trong ứng phó với BĐKH cũng đã được triển khai thực hiện với các mô hình như: Lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến về các giải pháp giảm thiểu rủi ro; hội thi về BĐKH… Nhiều địa phương đã hình thành đội tình nguyện cứu trợ khẩn cấp như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Tình nguyện xanh hoạt động tích cực trong phòng chống ứng phó với BĐKH hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong ứng phó BĐKH như: Tình hình BĐKH diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn; khả năng thích ứng với BĐKH, phòng, chống thiên tai còn thấp; nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra; quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước; một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Để ứng phó hiệu quả BĐKH và phát triển bền vững đất nước, ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu chung về BĐKH gồm: (1) Phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững; (2) Tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Thực hiện mục tiêu chiến lược, ứng phó hiệu quả BĐKH, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung các giải pháp như:

Một là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với BĐKH qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.

Hai là, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Ba là, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất ô nhiễm, khí nhà kính, huỷ hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven biển.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Năm là, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của BĐKH, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ, đời sống nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Sáu là, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế quốc gia trong các vấn đề về BĐKH, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và đầu tư có hiệu quả./.

Linh Minh


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top