Vốn tín dụng cho công tác xóa đói giảm nghèo

07/11/2019 - 09:08 AM
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cùng các dòng vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
 

Vốn tín dụng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
 
Chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, vùng nghèo đã được thực hiện ở nước ta ngay từ ngày thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (năm 1951), trở thành công cụ xóa đói, giảm nghèo cơ bản và bền vững. Tháng 8/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 525/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Sau 7 năm hoạt động 1996-2002, tổng nguồn vốn của ngân hàng phục vụ người nghèo lên tới trên 7 nghìn tỷ đồng với hơn 2 triệu hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất.
 
Từ thành công của chương trình, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/TTg thành lập Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 401/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nâng cao hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

 
Vốn tín dụng cho công tác xóa đói giảm nghèo
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, hiệu lực, hợp với ý Đảng, lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo NHCSXH, kể từ khi có Chỉ thị, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, bố trí 10.320 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần trước khi có Chỉ thị) từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
Thực hiện triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH đã thành công trong hoạt động truyền tải vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trên phạm vi cả nước. Năm 2018, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt trên 194,4 nghìn tỷ đồng, tăng trên 19,0 nghìn tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tăng xấp xỉ 6,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2019, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt trên 206,7 nghìn tỷ đồng, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
 
Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm. Năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt xấp xỉ 187,8 nghìn tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh gần 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,78%/tổng dư nợ. Trong 8 tháng năm 2019, tổng dư nợ đạt 199 nghìn tỷ đồng; nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,76% /tổng dư nợ.
 
NHCSXH đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và trở thành công cụ tài chính hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên mọi miền đất nước; là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo để tiến tới làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 902 nghìn lao động; trên 301 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 118 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách…
 
Bên cạnh đó, nguồn lực của địa phương cũng đã mang lại một số kết quả tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Năm 2018, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt gần 2,8 nghìn tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong 16 năm qua. Trong 8 tháng năm 2019, đạt trên 14,4 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cũng đã giúp cho NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc, cùng với NHCSXH giúp công tác quản lý sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
 
Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến đóng góp tích cực của mạng lưới hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể quản lý tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa…
 
Kết quả hoạt động trong thực tế đã chứng minh mô hình hoạt động của NHCSXH là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị, hiệu quả kinh tế. Tín dụng chính sách thúc đẩy phát triển nhiều mô hình kinh tế. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều mô hình, cách làm hay được phát huy, góp phần đưa kinh tế phát triển ổn định. Theo Tổng cục Thống kê: Năm 2018, đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức khá với 0,706. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo là gần 5.000 tỷ đồng. Chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong dân cư được thu hẹp, giảm từ 0,431 năm 2016 xuống còn 0,424, trong đó ở khu vực thành thị từ 0,391 xuống còn 0,372; khu vực nông thôn ít thay đổi từ 0,408 xuống 0,407. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 là 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước có 4.458 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 80 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh (11,6%) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cả nước có 44/292 xã đặc biệt khó khan thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hơn 60 xã và hơn 1.000 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135; có 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường (Tiểu học 99,84%; trung học cơ sở 98,73%; phổ thông trung học 98,21%). Với những thành tựu đã đạt trong xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong số ít quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm (1993-2017), Việt Nam đã đưa hơn 50% dân số thoát khỏi nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo từ mức rất cao trên 58% năm 1993 đã giảm xuống còn 6,7% năm 2017 (dựa trên chuẩn nghèo quốc tế 1 USD/người/ngày).
 

Giải pháp nâng cao vốn tín dụng trong xóa đói giảm nghèo thời gian tới
 
Mặc dù, nguồn tín dụng cho vay của NHCSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách liên tục gia tăng theo từng năm, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Việc mở rộng, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài như của các tổ chức quốc tế, thông qua các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và tài trợ của các doanh nghiệp trong nước bằng cách cho vay không tính lãi suất hoặc lãi suất thấp cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội...
 
Hiện, số hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và độ bao phủ của chính sách còn yếu. Công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại một số địa bàn có giao thông đi lại khó khăn cũng bị ảnh hưởng. Nguồn vốn tín dụng chính sách chưa thật sự gắn với việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hiệu quả sử dụng vốn vay ở một số nhóm đối tượng khách hàng còn thấp.
 
Để củng cố và nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới NHCSXH cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Một là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay tại các điểm giao dịch xã. Điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng của chính sách để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình khó khăn có thể tiếp cận được nhiều hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nhất là tại các điểm giao dịch xã.
 
Hai là, tiếp tục tập trung tham mưu các bộ, ban, ngành tại Trung ương và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40 và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
 
Ba là, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ vay vốn tại địa phương.
 
Bốn là, chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay.
 
Năm là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đàm phán, ký kết các dự án tín dụng, các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn và tăng cường năng lực hoạt động cho NHCSXH.
 
Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các Quỹ tài chính của tổ chức để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn./.
 

                                                                                              Linh Đạt

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top