Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái những tín hiệu tích cực

04/06/2019 - 02:34 PM
Từ những kết quả tích cực của phong trào “Chung sức xây dựng Nông thôn mới”…
 
Thời gian qua, trên cơ sở phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới”, Yên Bái đã tập trung triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức, giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng NTM, góp phần tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh. Phương châm của Yên Bái là“Phát huy nội lực là chính”, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần theo kế hoạch hàng năm, nghiên cứu, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; hỗ trợ tín dụng và vận động nhân dân đóng góp trên tinh thần tự nguyện; đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua xây dựng NTM của tỉnh… Nhờ đó, diện mạo NTM của Yên Bái đã ngày càng thay đổi với nhiều kết quả tích cực.
 


Năm 2018, tỉnh Yên Bái có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 46 xã, chiếm tỷ lệ 29,3% số xã, vượt 22 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí 77 xã, chiếm 49,0%. Toàn tỉnh không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
 
Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh cho thấy, về cơ bản Yên Bái đã hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Trong đó, tính đến tháng 12/2018, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới cho 100% số xã trong toàn tỉnh (157/157 xã).
 
Nhằm hỗ trợ các xã từng bước hoàn thành tiêu chí về giao thông - một trong những tiêu chí khó triển khai, thực hiện do Yên Bái là tỉnh miền núi, khó khăn, địa hình đi lại phức tạp, Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn với cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, do vậy, việc xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Đến nay đã có 70 xã đạt tiêu chí về giao thông.
 
Với mục tiêu từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, Tỉnh đã tích cực chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đúng hướng, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng giá trị sản phẩm; hình thành và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế mới, như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ, mô hình nuôi thỏ, mô hình chăn lợn, chăn nuôi gà theo hướng tập trung quy mô lớn; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các hộ kinh doanh dịch vụ các ngành nghề nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhân dân. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có trên 300 Hợp tác xã, thu hút gần 8500 thành viên tham gia, với tổng vốn điều lệ trên 176,3 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 01 hợp tác xã/năm là 860 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong hợp tác xã đạt 36 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích, mở rộng mặt hàng kinh doanh, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập. Do vậy, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 21,97%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh còn 66,7%.
 
Công tác giáo dục các cấp học được quan tâm chỉ đạo và duy trì vững chắc, tạo điều kiện tốt nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề. Đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 54%, trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận trình độ đào tạo đạt 27,8%.
 
Ngoài ra, công tác khám chữa bệnh cho người dân nông thôn ngày càng được quan tâm, phục vụ tốt hơn, cơ sở vật chất y tế từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Hiện đã có trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả...
 
Cũng từ xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao; đặc biệt đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: Quế Văn Yên, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, Bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà…
 
Một ví dụ điển hình tại huyện Trấn Yên, từ xây dựng NTM, bức tranh huyện miền núi đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% thôn, bản trong huyện có đường ô tô; trong đó, 65% đường đã được bê tông hóa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa… trên địa bàn được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với Trấn Yên, các địa phương khác trong toàn tỉnh cũng đã nỗ lực, quyết tâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 
Có thể thấy, xây dựng NTM ở Yên Bái thực sự đã góp phần căn bản thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân, góp phần thay đổi phương thức quản lý sản xuất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở mỗi địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, cái được hơn cả là đã làm thay đổi nhận thức của người dân và cả cộng đồng về xây dựng NTM, đưa phong trào xây dựng NTM lan tỏa khắp các vùng quê.
 
…đến những nỗ lực và quyết tâm trong thời gian tới
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, tỉnh Yên Bái phấn đấu có từ 12 xã trở lên đạt chuẩn NTM; công nhận thêm 3 đến 4 xã của huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM; triển khai thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao và triển khai xây dựng 5 xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 (gồm các xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đại Phác, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình). Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí NTM, Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu; tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; ban hành quy trình điều kiện trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018-2020.
 
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, Yên Bái quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, trong đó tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở tất cả các xã. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản. Huy động tối đa các nguồn lực, triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, xã; tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, giá trị, gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc nỗ lực xây dựng tiếp các xã còn lại đạt chuẩn NTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên vào năm 2020, tỉnh cũng chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
 
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, Yên Bái đã có những chính sách mới để hỗ trợ phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, bắt đầu từ du lịch cộng đồng. Cụ thể là hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, vệ sinh công cộng, thu gom chất thải rắn; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho nhữngsở dịch vụ lưu trú; hỗ trợ các đội văn nghệ thôn bản… qua đó tạo điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng.
 
 Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, cùng những giải pháp đồng bộ trong công tác triển khai xây dựng NTM, tin tưởng rằng Yên Bái sẽ từng bước hoàn thành mục tiêu đưa đời sống văn hóa xã hội nông thôn tiến gần với thành thị, người nông dân ngày càng có điều kiện để tiếp cận những dịch vụ xã hội tốt hơn, mang lại cuộc sống văn minh, hiện đại với người dân nông thôn./.

Gia Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top