Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045

25/01/2021 - 02:36 PM
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Cần Thơ đang từng bước trở thành động lực tăng trưởng và khẳng định vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ nâng tầm diện mạo mới

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với Vùng và cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội Việt Nam mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng, Cần Thơ được xác định phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghiệp trung tâm văn hóa và y tế, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Ngay từ khi Nghị quyết 45-NQ/TW được ban hành ngày 17/02/2005, toàn bộ hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã cùng thống nhất ý chí và hành động, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, phù hợp và thực hiện đồng bộ. Đến nay, sau chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Cần Thơ đã thay da đổi thịt, khoác trên mình một diện mạo mới với những thành tựu rất đáng ghi nhận.

 
Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thành phố đã chủ động khai thác mọi nguồn lực, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển; việc tái cơ cấu được thực hiện đồng bộ giữa tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực quan trọng, bao gồm: Tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp; tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công có trọng điểm, tránh dàn trải, hoàn thành công trình đúng tiến độ, không để nợ đọng xây dựng cơ bản; cùng cả nước thực hiện cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, lành mạnh thị trường tài chính, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, chất lượng tăng trưởng của Cần Thơ từng bước được cải thiện; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá, GRDP giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 15,45%; GRDP giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 6,53% (trong đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,94% và giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,27%). Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ ước đạt khá 7,84%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,02% của cả nước, xếp vị trí thứ 3 trong số 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, cao hơn thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, đứng đầu so với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mặc dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng tốc độ tăng GRDP của thành phố vẫn đạt mức tăng 1,02% so với năm 2019.

Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (theo giá hiện hành) đạt hơn 92 nghìn tỷ đồng, gấp 5,1 lần so với năm 2005. Hàng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng 3,24% GRDP của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,50 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005; cao hơn so với GDP bình quân đầu người cả nước 64,49 triệu đồng, đứng vị trí thứ 5 so với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và trong tốp đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 
Giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10- 12,5%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12-13%/năm. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200-2.800 USD. Về cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54,17-54,73% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71-33,99%, nông nghiệp chiếm 5,61-5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94-5,95%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35-40%. Trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 97%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo dưới mức 0,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển dịch đúng mục tiêu Nghị quyết, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến, sản phẩm có hàm lượng tri thức, công nghệ, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh. Đến năm 2020, tỷ trọng các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 81,30% lên đến 89,91%; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm từ 18,70% năm 2005 xuống còn 10,09%.

Riêng năm 2020, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực, hơn thế nữa nó còn làm thay đổi đáng kể cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng tăng tỷ trọng khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,09%; khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 82,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,16%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp, huy động mạnh mẽ nguồn lực từ xã hội. Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Cần Thơ hoàn thành xây dựng 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 04/04 huyện, thành phố được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; là 1/8 tỉnh, thành của cả nước đã hoàn thành chủ trương lớn này của Đảng. Hiện tại, thành phố đang tập trung nâng cấp, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Chất lượng và năng lực cạnh tranh của Thành phố từng bước được nâng lên. Hợp tác, liên kết về kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, độ mở nền kinh tế thành phố ngày càng lớn. Các nguồn lực xã hội tiếp tục được huy động phát huy, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư và mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,66% (theo chuẩn đa chiều), thấp hơn so với mức bình quân cả nước (còn 1,5%) và thấp nhất so với các tỉnh trong Vùng.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Khắc phục hạn chế, phát triển thành phố Cần Thơ trên tầm cao mới

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 45-NQ/TW, Cần Thơ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; ngành dịch vụ chưa taọ ra sự phát triển đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng; nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch quản lý đô thị còn yếu kém, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đang là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long…

 
Mục tiêu đến năm 2030, GRDP/người của Cần Thơ đạt 9.400-11.000 USD; dịch vụ chiếm 56,49-56,71% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,02-34,28%, nông nghiệp chiếm 3,42-4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5-5,59%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 25-50%. 100% số hộ được cung cấp đầy đủ nước sạch, hầu hết chất thải rắn được thu gom và xử lý. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85-90%; về cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%.
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ sẽ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm thành phố phát triển khá ở châu Á.

Tuy nhiên, kết quả và những bài học kinh nghiệm sau 15 năm, nhất là 5 năm giai đoạn 2015-2019 đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đối với cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Cộng đồng Châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký kết, Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng có thế mạnh về sản xuất hàng nông- thủy sản sẽ có cơ hội khẳng định vai trò là trung tâm tập kết, trung tâm logistics của Vùng cho hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế mở rộng; thành phố có cơ hội nhiều hơn thu hút các nhà đầu tư từ các nước, nhất là từ Châu Âu.

Để khắc phục những điểm yếu kém, hạn chế và hiện thực hóa những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 59/NQ-TW, Bộ Chính trị đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đối với Cần Thơ, trong đó nhấn mạnh:

Một là, tạo sự thống nhất cao về nhận thức từ Trung ương tới địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân về vai trò trung tâm của Thành phố. Cụ thể hóa vai trò trung tâm của thành phố trong định hướng, quy hoạch, chiến lược và chính sách phát triển thành phố, phát triển vùng và phát triển của từng địa phương trong vùng, cũng như trong các chương trình hành động với đầy đủ các nguồn lực và cơ chế phát triển phù hợp với vai trò trung tâm vùng của thành phố.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của thành phố mà của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, việc xây dựng quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến, hỗ trợ công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết với du lịch, đô thị, thị trường tiêu thụ và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Bốn là, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học
và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng.

Sáu là, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch và thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện tốt công tác tôn giáo và dân tộc.

Bảy là, thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; hướng tới là trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tám là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; phát huy vai trò trung tâm, trở thành hạt nhân liên kết của vùng; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Chín là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cụ thể: Xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, ổn định.

Mười là, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh bằng việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, bồi dưỡng tư cách đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp trên thế giới và cả trong nước, Cần Thơ đã thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ, triển khai các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, kinh tế thành phố Cần Thơ vẫn giữ được tăng trưởng dương, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố hoạt động bình thường trở lại, đời sống nhân dân được đảm bảo. Qua đó tạo động lực để Cần Thơ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong thời gian tới./.

 
Lê Ngọc Bảy
Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Cần Thơ

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top