Xuất khẩu điều Việt Nam đứng đầu thế giới

20/03/2020 - 05:07 PM
Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019 vừa qua Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới về sản lượng điều nhân xuất khẩu với 453 nghìn tấn, trị giá tương đương trên 3,28 tỷ USD. Ngành Điều Việt Nam đã không chỉ giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp mà còn khẳng định được uy tín của thương hiệu Điều Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
Xuất khẩu điều đem lại những giá trị lớn

Hết năm 2019, Việt Nam có 297,2 nghìn ha diện tích đất trồng điều, tuy giảm 0,8% về diện tích nhưng sản lượng lại đạt 286,3 nghìn tấn, tăng 7,5% so với năm trước đó. Với giá trị kinh tế cao, cây điều đã được đưa vào chương trình cây “xóa đói giảm nghèo” và góp phần làm giàu cho người nông dân; trong đó ưu tiên xóa nghèo cho vùng đặc biệt khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đặc biệt tại Bình Phước, nơi có khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới xích đạo gió mùa với nền nhiệt cao quanh năm, điều kiện thuận lợi cho cây điều phát triển tốt nên diện tích trồng điều tại Bình Phước đã chiếm hơn nửa diện tích của cả nước. Sản phầm điều của địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ ngày 13/8/2018 cho hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối. Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm điều nhân của Việt Nam có chất lượng cao và đồng đều, mẫu mã bắt mắt. Hơn nữa, nhân điều còn được các doanh nghiệp nhập khẩu điều hàng đầu thế giới đánh giá là số 1 với chất lượng thơm ngon hơn hẳn so với sản phẩm của nhiều quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, Brazil...

 
Xuất khẩu điều Việt Nam đứng đầu thế giới
Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Cùng với một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, hạt điều là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của nông sản Việt Nam. Hạt điều có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, người béo phì ăn kiêng nên là sản phẩm khá được ưa chuộng trên thế giới.
Sản lượng cao, chất lượng tốt, năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu đạt 347 nghìn tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, vượt qua cả Ấn Độ - cường quốc về cây điều lúc bấy giờ. Kể từ đó đến nay, dù trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm, ngành Điều Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí xuất khẩu số một. Sau 13 năm đứng đầu, xuất khẩu điều của Việt Nam đã tăng 31,2% về sản lượng và tăng 17,1% về giá trị. Sản phẩm điều mang thương hiệu Việt Nam luôn chiếm trên 50% thị phần thế giới; đã có mặt tại trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường chủ lực của Việt Nam phải kể đến Mỹ, châu Âu và Trung Quốc… Với những đặc điểm dinh dưỡng của hạt điều, không khó lý giải về nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Mỹ, nơi có hàng triệu người mắc bệnh béo phì và tại châu Âu, nơi người dân đề cao tiêu chuẩn sống có lợi cho sức khỏe. Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 135 nghìn tấn, trị giá 954,7 triệu USD; thứ hai là thị trường Trung Quốc - khách hàng lớn quen thuộc với 67,19 nghìn tấn, trị giá 489,2 triệu USD. So với 5 năm trước, thị phần xuất khẩu sang Mỹ của hạt điều Việt Nam có sự tăng nhẹ (từ 27,56% năm 2014 lên 29% năm 2019), nhưng kim ngạch điều nhân xuất khẩu lại tăng mạnh lên 172% sản lượng xuất khẩu (từ 78,4 nghìn tấn năm 2014). Trong khi đó tại thị phần Trung Quốc, sau 5 năm kim ngạch điều xuất khẩu đã tăng về lượng (từ 53,2 nghìn tấn năm 2014 lên 67,19 nghìn tấn năm 2019), nhưng tỷ trọng về thị phần xuất khẩu điều Việt Nam lại giảm từ 18% xuống còn 15%. Ngoài ra, điều nhân của Việt Nam còn góp mặt và thu hút đươc chú ý đáng kể tại nhiều quốc gia phát triển như Singapore, Đức, Anh, Hà Lan, Nga, Úc… Điều này cho thấy, ngành Điều Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để mở rộng thị trường tiềm năng và tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới.

Ở chiều ngược lại, đđáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao, thông qua hơn 100 doanh nghiệp, Việt Nam đã nhập nguyên liệu điều thô tại trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019 vừa qua, Việt Nam đã nhập trên 1,6 triệu tấn điều thô, tăng 18,9% so với năm 2018 và tăng 210% so với năm 2014. Trong đó, Bờ biển Ngà là bạn hàng lớn nhất, cung cấp tới khoảng 30%, tương đương 497,69 nghìn tấn điều nguyên liệu cho Việt Nam. Nguồn cung lớn thứ 2 đến từ Campuchia với 10% tương đương gần 170 nghìn tấn, ngoài ra còn có nguồn cung đến từ Indonesia, một số quốc gia Tây Phi…

Có thể nói cho đến nay, với vị thế của một cường quốc xuất khẩu điều, ngành Điều Việt Nam đã khẳng định được uy tín và thương hiệu tại các thị trường lớn và khó tính, đồng thời khẳng định được tiếng nói của ngành Điều Việt Nam ngay cả trong các cuộc họp bàn đưa ra mức giá xuất khẩu cho thế giới. Đạt được điều đó là nhờ sự góp sức của trên 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều nhân Việt Nam với các gương mặt lớn điển hình như OLAM IZ Biên Hòa II, Long Sơn JSC, Olam VN, Hoàng Sơn 1, Rals VN…


Vẫn còn đương đầu với nhiều thách thức
 
Biến động từ nguồn cung đầu vào và giá sản phẩm đầu ra

Mặc dù luôn đứng đầu thế giới về sản lượng điều xuất khẩu trong hơn chục năm qua, tuy nhiên vài năm trở lại đây, ngành điều đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của toàn ngành. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, mặc dù xuất khẩu điều của Việt Nam đã xác lập kỷ lục 453 nghìn tấn, tăng 21,5% so với năm 2018 nhưng trị giá chỉ đạt khoảng 3,28 tỷ USD, bằng 97,4% trị giá xuất khẩu của năm 2018. Thống kê của VINACAS cho thấy, điều nguyên hạt loại trung bình có mức giá bình quân giao động từ 3,07-4,61 USD/pound, giảm bình quân 15,67% so với năm 2018; trong khi mức giá bình quân của năm 2018 cũng giảm 4,91% so với năm 2017. Giá hạt điều giảm mạnh đã đẩy một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, một số phải ngừng hoạt động vì khó khăn và đối mặt với thua lỗ vì bị kẹt vốn.

Nguyên nhân là do sự bất cập giữa nguồn cung nguyên liệu từ trồng trọt với năng lực chế biến của ngành điều. Vài năm trở lại đây, cây điều cho lợi nhuận thấp do thường xuyên mất mùa, phần vì thị trường bấp bênh và lối mòn được mùa mất giá khiến cho giá điều trên thị trường đã tụt giảm mạnh. Dù đã được quy hoạch, nhưng nông dẫn vẫn sẵn sàng phá vỡ quy hoạch, chạy theo thị hiếu và tâm lý đám đông dẫn đến diện tích trồng điều bị thu hẹp. Điều này gây lãng phí đầu tư, kém hiệu quả trong khai thác, chế biến, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khi thu mua hạt điều thô nội địa và nhập khẩu hạt điều thô cũng như khi xuất khẩu nhân điều. Do nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% điều thô nguyên liệu, nên doanh nghiệp chế biến buộc phải nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu điều nhưng đồng thời cũng là một cường quốc nhập khẩu điều thô nguyên liệu với kỷ lục về nguyên liệu điều thô nhập khẩu được xác lập trong năm 2019 là trên 1,6 triệu tấn, trị giá trên 2,1 tỷ USD. Việc nhập quá nhiều nguyên liệu thô cũng khiến các nhà sản xuất trong nước thường xuyên phải đứng trước khó khăn do các công ty xuất khẩu điều thô quốc tế cố tình đầu cơ ép giá.

Hơn nữa, việc khó khăn trong kiểm soát chất lượng, nhất và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với loại điều nhân nhập khẩu này sẽ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời qua đó có thể thấy, chưa tính các chi phí về nhân công, máy móc, nguyên phụ liệu, thặng dư thương mại ngành điều của Việt Nam không thực sự cao như các con số xuất khẩu chúng ta có thể thấy.

Sự bất ổn của thị trường xuất khẩu

Trong năm 2020, tình hình thế giới còn nhiều vấn đề chưa thể dự báo chính xác như: Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng chính trị ở Trung Đông… những vấn đề trên dù diễn biến ra sao cũng sẽ tác động đến bức tranh kinh tế toàn thế giới và ngành Điều cũng không thể đứng ngoại lệ khi có thị trường phủ sóng rộng khắp. Đặc biệt, xuất khẩu điều dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự biến động tại thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang có xu hướng hạn chế nhập khẩu nông sản Việt Nam qua đường tiểu ngạch và thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm nông sản từ Việt Nam khiến xuất khẩu điều vào thị trường này đang giảm mạnh. Đồng thời, từ cuối năm 2019 đến những ngày tháng đầu năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang bùng phát mà tâm điểm là Trung Quốc với diễn biến bất thường và chưa thể kiểm soát đã ít nhiều để lại tác động đối với hoạt động thương mại của nông sản Việt Nam. Trong khi đó tại Ấn Độ, thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất thế giới với dân số trên 1 tỷ người lại đang áp dụng chính sách thuế để hạn chế lượng điều nhân nhập khẩu, mà chủ yếu là từ Việt Nam nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp để khôi phục và hỗ trợ cho ngành điều trong nước vốn đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trong những năm gần đây. Theo đó, Tổng cục Ngoại thương Ấn Đđã tăng giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) đối với mặt hàng hạt điều nhân vỡ gấp 2,4 lần và hạt điều nhân (nguyên) tăng 1,8 lần so với mức cũ... Mặt khác, do các siêu thị tại Mỹ, Úc và các quốc gia châu Âu ngày càng khắt khe hơn về an toàn thực phẩm nên các quốc gia này cũng sẽ áp dụng thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tăng cường kiểm tra thêm dư lượng hóa chất cấm trên các sản phẩm nông sản nói chung và hạt điều nhân nhập khẩu nói riêng. Sản phẩm hạt điều nhân Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các sản phẩm chất lượng từ quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ. Tổng cục Thống kê ghi nhận, riêng tháng 1/2020, xuất khẩu điều nhân Việt Nam chỉ đạt 31 nghìn tấn với trị giá 215 triệu USD, sụt giảm 5,6% về lượng và 19,6% về trị giá so cùng kỳ.

Trước những khó khăn thách thức trong giai đoạn tới, ngành Điều Việt Nam cần sớm chủ động tìm ra các giải pháp tháo gỡ tình huống. Trong đó, việc phát triển thị trường nội địa trên 96 triệu dân cũng được coi là một trong những chiến lược quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm, ổn định sản xuất kinh doanh khi thị trường xuất khẩu biến động, mà còn gián tiếp giúp ổn định hoạt động sản xuất điều thô của nông dân trong nước. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước để xem xét và đưa ra những quy định cụ thể, hợp lý với từng sản phẩm điều nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tránh thất thu thuế và quan trọng là bảo vệ thương hiệu, uy tín của ngành Điều Việt Nam trên thị trường thế giới./.
 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top