Xuất khẩu gạo năm 2020: Đảm bảo an ninh lương thực trong nước và chú trọng sản phẩm chất lượng cao

28/05/2020 - 09:30 AM
Năm 2019 vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu khẩu gạo nước ta khi trị giá kim ngạch xuất khẩu giảm 9,9% so năm 2018. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm ngành lúa gạo Việt Nam đón nhận một tin vui khi sản phẩm gạo ST25 được vinh danh giải Gạo ngon nhất thế giới, mở ra cơ hội và hướng đi xuất khẩu mới cho năm 2020 là chinh phục thị trường quốc tế bằng sản phẩm chất lượng và tạo dựng được thương hiệu xứng tầm.
 
 
Thương hiệu Việt khẳng định vị trí trên trường thế giới
 
Trải qua một năm có diễn biến thời tiết bất thường, đối mặt với nhiều khó khăn do các thị trường lớn như Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc đều giảm nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không chạm đích 3 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm. Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2019, sản lượng gạo xuất khẩu đạt trên 6,3 triệu tấn, tăng 2,5% nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,7 tỷ USD, giảm 9,9% so năm 2018. Theo đánh giá, nguyên nhân của sự “hụt hơi” về giá trị xuất khẩu chủ yếu là do giá gạo trong năm đã tụt dốc rất mạnh và “chạm đáy” trong biểu đồ về giá suốt 12 năm qua.
 
Mặc dù vậy, 2019 lại là năm gạo Việt Nam khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế khi vào tháng 11/2019 sản phẩm Gạo ST25 được xướng tên Gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các đối thủ như Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Philippines. Đây cũng là lần đầu tiên hạt gạo Việt giành giải cao nhất tại TRT sau 10 năm tổ chức. Kết quả này không chỉ tạo được tiếng vang, góp phần nâng cao uy tín của gạo Việt trên toàn cầu mà còn chứng minh khả năng nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo của nước ta, cũng như tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất những hạt gạo đạt chất lượng cao, tự tin chinh phục thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo trong nước.
 
Việt Nam không chỉ có ST25 mà trước đó sản phẩm gạo ST24 (người anh em sinh đôi của ST25) cũng đã lọt vào top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc) năm 2017.
 
Xuất khẩu gạo năm 2020: Đảm bảo an ninh lương thực trong nước và chú trọng sản phẩm chất lượng cao
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đánh giá về khả năng cạnh tranh sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với ưu thế về điều kiện đất đai, tự nhiên thì con đường cạnh tranh của sản phẩm gạo nước ta với các sản phẩm cao cấp của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… sẽ ngắn hơn bởi các giống lúa của Thái Lan hay Campuchia (đã từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới) chỉ có thể sản xuất được một vụ và có thời gian sinh trưởng rất dài, năng suất không cao. Trong khi đó, các giống lúa chất lượng cao của Việt Nam hiện nay, trong đó có ST25, đều thích hợp với các vụ, có thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể trồng được 2 vụ/ năm; có năng suất lúa cao hơn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của Việt Nam.
 
Cũng theo các chuyên gia trong ngành đánh giá, sản phẩm gạo Việt Nam sẽ còn có những bước tiến dài trên con đường chinh phục người tiêu dùng toàn cầu bởi ST25, ST24 chỉ là hai trong những sản phẩm gạo được sản xuất theo hướng chất lượng cao của nước ta. Trên thực tế, Việt Nam còn có khá nhiều giống gạo ngon khác trải khắp các vùng, miền, có thể đáp ứng được từ thị trường cao cấp, khó tính cho đến các thị trường dễ tính như: Gạo thơm đặc sản trồng tại tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên; gạo Tám Hải Hậu; nếp cái hoa vàng của miền Bắc,... Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển theo hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với người dân, hợp tác xã để tạo vùng nguyên liệu ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa theo chu trình khép kín từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn theo đuổi xu hướng thị trường chất lượng cao với các sản phẩm gạo hữu cơ, có quá trình làm ra sản phẩm không gây tổn hại tới môi trường do tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học tại vùng sản xuất. Hiện một số sản phẩm gạo hữu cơ của Việt Nam đã được xuất đi khoảng 30 nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Đây là hướng đi tốt khi mà người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe, mà còn để sản phẩm gạo của Việt Nam vượt qua được rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các nước phát triển.
 
Xuất khẩu trong mùa dịch bệnh - biến khó khăn thành cơ hội
 
Mặc dù nhiều quốc gia khác đã và đang cơ cấu lại nền nông nghiệp để nâng cao khả năng tự cung cấp và đáp ứng phần nào nhu cầu lương thực nội địa, song các chuyên gia trong ngành lúa gạo vẫn dự báo bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2020 sẽ có gam màu sáng. Dự báo này dựa trên cơ sở phân tích Thái Lan (nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới) đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn, dẫn tới sản lượng gạo của nước này sẽ giảm gần 2 triệu tấn. Ngay cả Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cũng cho rằng, năm 2020, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đang đe dọa. Trong khi đó các nước Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và sẽ phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ nước ta. Phân tích tình hình sản xuất trong nước, các chuyên gia cho rằng mặc dù cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn, song với diện tích bị ảnh hưởng tương đối nhỏ so với tổng diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam thì nguồn cung gạo vẫn khá dồi dào, nhất là Việt Nam đang có lợi thế là sở hữu những giống lúa ngắn ngày, có thể sản xuất 2-3 vụ/năm, cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt.
 
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn nhận định, năm 2020 xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như yếu tố cung cầu của thị trường thế giới có sự thay đổi. Ví dụ như, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ nước bên kia, trong đó có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam. Điển hình là một số loại gạo được áp hạn ngạch 40.000 tấn, sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo Việt, bởi từ trước đến nay nhiều mặt hàng gạo xuất sang thị trường EU phải chịu thuế nhập khẩu từ 5-45%, thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế lên tới 100%.
 
Nhìn vào thực tế những tháng đầu 2020 có thể thấy, trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 đang lan rộng khắp toàn cầu thì xuất khẩu gạo của Việt Nam lại bất ngờ tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 2 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất khẩu 811.000 tấn gạo, tăng 15% so cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 372 triệu USD, tăng 20,5%. Điều đáng nói là giá gạo của Việt Nam tăng lên đáng kể từ đầu năm do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines, Malaysia và đang dần thu hẹp khoảng cách với giá gạo Thái Lan. Cụ thể, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam đã tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018; Gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30-40 USD/tấn. Theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tăng do mức giá hiện tại vẫn thấp hơn so với các nước sản xuất gạo khác. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác phải chống chọi với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thì vấn đề xuất khẩu gạo đang được Chính phủ cân nhắc, rà soát đđảm bảo an ninh lương thực trong nước. Việc thực hiện chỉ đạo tạm dừng thông qua đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3/2020 đã làm cho số lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng này giảm đáng kể trong tháng 3, dẫn tới sản lượng xuất khẩu gạo toàn quý I/2020 chỉ đạt 1,4 triệu tấn, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 653 triệu USD, tăng 7,9%. Sang tháng 4/2020, trên cơ sở phương án điều hành xuất khẩu gạo trở lại với số lượng 400.000 tấn, dần mở “cánh cửa” xuất khẩu trở lại cho ngành lúa gạo Việt Nam. Để hoạt động xuất khẩu gạo không bị gián đoạn, giúp các doanh nghiệp “giữ chân” những đối tác truyền thống, Bộ Công thương cũng đã tiếp tục xây dựng phương án, đề xuất xuất khẩu 800.000 tấn gạo cho tháng 5/2020. Đặc biệt, ngày 28/4 vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đón nhận tin vui Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án bỏ hạn ngạch, cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 01/5 của Bộ Công thương. Điều đó cho thấy mặc dù trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Việt Nam vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước và từng bước tăng cường xuất khẩu trong từng điều kiện cụ thể.
 
Xuất khẩu gạo năm 2020: Đảm bảo an ninh lương thực trong nước và chú trọng sản phẩm chất lượng cao 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước cũng được cho là sẽ tăng lên để bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt là tại Trung Quốc. Đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào những thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào những thị trường mới.
 
Không chỉ đặt mục tiêu tăng về lượng, ngành lúa gạo Việt Nam cũng đẩy nhanh việc chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm gạo chất lượng cao thông qua việc phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh. Hiện giống lúa ST25 đang được đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất; cùng doanh nghiệp tạo ra một chuỗi cung ứng gạo ST25 với xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ cung ứng khoảng 30.000 tấn gạo “ngon nhất thế giới” ra thị trường. Đồng thời Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá về chất lượng của “người anh em” ST24 để người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng thay thế khi gạo ST25 chưa đủ cung ứng ra thị trường.
 
Ngoài chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng, năm 2020 ngành gạo sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung hơn vào một số thị trường ở Châu Phi, Trung Đông, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về giấy tờ, chứng nhận ở các thị trường nội khối của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ bám sát thực hiện 3 chính sách lớn đã được ban hành là Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, những việc làm quan trọng trong thời gian tới là Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng tái cơ cấu sản xuất lúa, định hướng sản xuất lúa theo vùng. Quan trọng hơn là sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn và tăng cường nguồn vốn đđầu tư sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ đi vào chiều sâu. Điều này sẽ khắc phục hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị thấp.
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có gần 1.500 mô hình chuỗi liên kết; trên 9.200 doanh nghiệp nông nghiệp (trong đó có nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp) và có tới 8,6 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng mới chỉ có trên 25,5 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.
 
Mặc dù sự thay đổi về tư duy sản xuất và việc đầu tư chuỗi giá trị ngành gạo là thách thức không nhỏ đối với cả người nông dân và doanh nghiệp do nguồn lực hạn chế, song chắc chắn rằng với sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ quyết tâm cao và thực hiện thành công chiến lược đặt ra/.
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top