Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang EU: Hướng đến trách nhiệm, minh bạch và bền vững

07/10/2022 - 02:51 PM
 
Liên minh châu Âu (EU) là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định EVFTA là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới xây dựng thương hiệu theo định hướng trách nhiệm, minh bạch để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường “khó tính” này.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng trong những năm qua, đặc biệt là từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020. Năm 2021, con số này đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt, khi kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong Khối đạt mức tăng trưởng 2 con số, đặc biệt là gạo có mức tăng trưởng 3 con số. Đây là thành quả tăng trưởng rất ấn tượng trong lĩnh vực nông sản thực phẩm giữa EU và Việt Nam.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nông, lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA đã ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó, gạo, cà phê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng. Đơn cử, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 - 20 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường EU cao hơn mức trung bình ngành gạo do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Dòng gạo thơm của Việt Nam được đánh giá đang có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, nông sản của Việt Nam xuất sang EU cũng có nhiều lợi thế khác. Chẳng hạn như, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, giá một số loại thủy sản tại EU tăng vọt như: Cá ngừ, tôm, cá hồi… Trong khi đó việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU đang tạo cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở thị trường này.

Theo thông tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu sang EU chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg.

Đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Trong 6 tháng năm 2022, các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O EVFTA cao, gồm: Gạo, thủy sản, rau quả, chè, giày dép, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc...

Theo Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin năm đầu tiên, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đạt 14,8% và tăng vọt lên mức 20,7% vào năm thực thi hiệp định này, trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như: Thuỷ sản là 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%... Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng C/O theo Hiệp định EVFTA đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào năm thứ hai đều tăng so với năm đầu thực thi. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã từng bước tận dụng hiệu quả các cam kết về thuế quan của Hiệp định EVFTA…

Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nhưng được Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn nhiều so với các FTA khác khi có hiệu lực. Một trong những chỉ số thể hiện tích cực đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mà doanh nghiệp cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa của Việt Nam đi vào EU. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32% và với tỷ lệ này thì khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay sang EU đã được nhận được một số hình thức ưu đãi nhất định theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU. Đây cũng là một trong những tỷ lệ rất khá, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà Việt Nam đạt được trong Hiệp định CPTPP.

Có thể nói, với "chất xúc tác" từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Bộ Công Thương dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia. Các mặt hàng như: Cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường EU, và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Theo số liệu của Bộ Công Thương, quý I/2022, Việt Nam xuất hơn 22,5 nghìn tấn (18 triệu USD) gạo sang EU, tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng 17%; Tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu tăng từ 20% trong quý I/2021 đến 28% trong quý I/2022. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.


 
Xây dựng uy tín, hướng tới phát triển bền vững
Nhờ Hiệp định EVFTA, những ưu đãi về thuế quan đã khuyến khích doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo chiều sâu từ sản lượng đến giá trị gia tăng, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp Việt đang trong tâm thế coi Hiệp định EVFTA là chìa khóa để vào thị trường EU tốt hơn nhằm hướng tới mục tiêu không chỉ là sẽ có khách hàng, có sản lượng mà là sự chuẩn bị, đầu tư để tạo niềm tin với nhà nhập khẩu. Các doanh nghiệp không chỉ lo khai thác tối đa thuế quan mà quên đi chuyện đầu tư cho lâu dài. Họ đã cùng với nhà nhập khẩu mở rộng sản phẩm theo xu hướng thị trường. Có thể nói, Hiệp định EVFTA đã giúp tạo niềm tin giữa doanh nghiệp hai bên, xác lập các vấn đề kinh doanh lâu dài, ổn định. Các nhà nhập khẩu cũng đánh giá và chọn lựa Việt Nam là nguồn cung cấp ổn định hơn so với trước đây. Đây là yếu tố giúp cho thị trường nông sản Việt tăng trách nhiệm, uy tín trên thị trường quốc tế, cũng như góp phần tăng trưởng ổn định và bền vững.

Mặc dù được hưởng lợi từ thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS). Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt đã và đang cố gắng cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU bằng việc đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp những chứng nhận rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần hướng tới các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động. Mặc dù điều kiện nhập khẩu rất dễ vì hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào EU không yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; không yêu cầu khắt khe về xử lý kiểm dịch thực vật như: Khử trùng, xử lý hơi nước nóng… Nhưng EU thiên về hậu kiểm, nên sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm phải đạt dưới mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y (MRL) và doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm - HACCP.

Tham tán thương mại Việt tại châu Âu khuyến nghị, nếu các doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm chế biến thì việc thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường, thị hiếu rất quan trọng, vì EU phân loại các sản phẩm theo các đối tượng khách hàng khác nhau. Để doanh nghiệp có thể thâm nhập cung cấp sản phẩm cho các nhà máy chế biến thực phẩm hoặc xuất khẩu trực tiếp để phân phối vào các cửa hàng tiện ích thì mẫu mã phải thân thiện với môi trường. Một số nước đã khuyến khích sử dụng vật liệu có thể tái chế.

Ngoài ra, EU luôn cập nhật, gia tăng các biện pháp SPS. Doanh nghiệp Việt cũng cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y cho phép trong sản phẩm. Nếu hàng hóa không đạt yêu cầu thì EU sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung như ngoài chứng nhận kiểm dịch sẽ thêm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra sản phẩm… Khi mức độ vi phạm vẫn tăng, mặt hàng đó sẽ dễ bị dừng xuất khẩu vào EU. Hiện nay, một số nông sản Việt Nam đang chịu mức kiểm soát chặt chẽ của thị trường này như rau gia vị, thanh long…

Tuy Hiệp định EVFTA có yêu cầu về những chuẩn mới như môi trường, lao động... nhưng theo các chuyên gia đánh giá, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp nông sản đầu tư đáp ứng cho không chỉ với thị trường châu Âu mà còn cho các thị trường khác, góp phần mở rộng thương mại với thị trường EU cũng như các thị trường khác.

EVFTA cũng là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đã có 39 bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại lợi ích tốt hơn cho nông dân và doanh nghiệp như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng… Để đảm bảo mức tăng trưởng này mạnh mẽ và bền vững, hai bên có thể thêm các sản phẩm mới (từ cả Việt Nam và EU) vào danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong EVFTA. Vì vậy, việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi dịch Covid-19 được kiểm soát, EU dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng trải qua thời gian thích nghi với các cam kết tại EVFTA, đặc biệt là các cam kết về quy tắc xuất xứ. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để nông sản Việt Nam nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia châu Âu, cũng như tạo sự minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao uy tín trên trường quốc tế và hướng tới phát triển bền vững./.
 
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top