Xuất khẩu nông sản khẳng định vị thế trên trường quốc tế

06/06/2019 - 04:28 PM
Nông sản Việt chinh phục thị trường thế giới
 
Những năm qua, hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2013-2017, bình quân mỗi năm giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) tăng 2,5%/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,8%/năm; ngành lâm nghiệp tăng 6,4%/năm và ngành thủy sản tăng 4,4%/năm. Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng như: Hồ tiêu năm 2017 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 9,2% về giá trị so với năm 2013; tương tự cà phê đạt 3,2 tỷ USD, tăng 19,4%; trái cây đạt 3,03 tỷ USD, gấp hơn 9 lần; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng 37,5% và trở thành những ngành, hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

 
Xuất khẩu nông sản khẳng định vị thế trên trường quốc tế
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Năm 2018, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gồm tôm: gần 3,6 tỷ USD, rau quả: 3,8 tỷ USD; hạt điều: 3,4 tỷ USD; cà phê: 3,5 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: gần 8,9 tỷ USD).
 
Thị phần xuất khẩu nông sản tiếp tục được củng cố, mở rộng. Ngoài 5 thị  trường  xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản,  ASEAN và Hàn Quốc; còn có các thị trường mới nổi, thị trường ngách như: Trung  Đông, châu Phi, Đông Âu đều được lựa chọn phát triển bài bản. Đặc biệt, trong năm  2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã  làm việc với các cơ quan chức  năng đàm phán thành công thị trường Trung Quốc đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây Việt Nam, chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này.  Đối với thị trường EU, Việt Nam cũng đã chuyển hướng tiếp cận mới thúc đẩy  sự hiện diện hàng nông sản Việt Nam tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối quan trọng của Pháp và châu Âu. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản đã xâm nhập được vào các thị trường “khó tính” như: Thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...
 
Hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 cho thấy, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ chủ trương dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn. Tính đến ngày 1/7/2016, diện tích đã dồn điền, đổi thửa là 693,7 nghìn ha, chiếm 6,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 1.619,7 m2 năm 2011 lên 1.843,1 m2 năm 2016. Cả nước đã xây dựng 2.262 cánh đồng lớn, trong đó: 1.661 cánh đồng lúa; 162 cánh đồng rau; 95 cánh đồng mía; 50 cánh đồng ngô; 38 cánh đồng chè búp và 256 cánh đồng lớn trồng các loại cây khác. Diện tích gieo trồng bình quân một cánh đồng lớn đạt 257,2 ha. Một số vùng đã xây dựng được những cánh đồng lớn tập trung trồng một số loại cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và các điều kiện khác, hình thành những vùng chuyên canh lớn, tạo thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản hàng hóa.
 
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được triển khai tích cực. Tính đến ngày 1/7/2016, cả nước có 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và tương đương; 4.098,6 ha sử dụng nhà lưới, nhà kính trong trồng trọt và việc xác lập liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản tại 327 xã trên cả nước. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất với việc sử dụng máy móc, thiết bị đa dạng ngày càng tăng về số lượng.
 
Năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42,43 tỷ USD; tiếp tục tái cơ cấu sản xuất theo hướng chất lượng và gia tăng giá trị; tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển chế biến nông sản để tăng giá trị hàng xuất khẩu, hướng tới những tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế.
 
Mặc dù có nhiều nỗ lực, thành công trong phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, song xuất khẩu nông sản Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều thách thức cũng như rào cản trên đường chinh phục thị trường xuất khẩu thế giới.
 
Điểm yếu lớn nhất trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam là giá trị chế biến trong các lô hàng xuất khẩu còn thấp, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu vẫn là hàng xuất thô, chưa có thương hiệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản Việt Nam hiện có quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số rất ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại. Ngoài  ra, năng lực quản lý, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạn chế, các mặt hàng nông sản có sức cạnh tranh kém. Hiện, hơn 80% hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa có thương hiệu và luôn phải chịu sự cạnh tranh với các mặt hàng tương tự từ các nước: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…
 
Công tác tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị  giữa  doanh  nghiệp  và  người  dân  chưa  trở  thành phổ biến, chủ đạo. Sản xuất nông nghiệp đa phần là kinh tế hộ nhỏ lẻ gây khó khăn, cản trở cho quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
 
Thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ vẫn còn.
 
Mặt khác, thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới khi nhiều thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng tăng cường hàng rào kỹ thuật kiểm soát hàng nhập khẩu. Hiện, ngoài yêu cầu các lô hàng nhập khẩu nông sản Việt Nam phải được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, nhiều thị trường nhập khẩu còn yêu cầu hàng xuất khẩu phải chứng minh được quản lý theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất đến xuất khẩu mới được nhập khẩu.
 
Giải pháp cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới
 
Để hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam tiến sâu vào thị trường nông sản thế giới trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước
 
Một là, cần triển khai mạnh mẽ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp với việc phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý); tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi giúp nông sản Việt Nam chủ động tại thị trường trong nước và nước ngoài.
 
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị. Nâng cao giá trị sản phẩm từ số lượng sang chất lượng; tập trung vào phát triển chế biến nông sản để tăng giá trị hàng xuất khẩu, hướng tới những tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế.
 
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc tạo tiền đề vững chắc cho các nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.
 
Bốn là, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm; duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản tại các quốc gia có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...; Tích cực khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại đem lại.
 
Năm là, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường nông sản trên thế giới, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... để giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng nông sản phù hợp. Đồng thời, kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài…
 
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu
 
Một là, tập trung nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu đảm bảo đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn của VietGap, Gloabal Gap vào sản xuất hàng nông sản.
 
Hai là, doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của doanh nghiệp; cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt để nâng tầm thương hiệu, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng.
 
Ba là, tập trung đổi mới, đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu sản xuất chế biến của thị trường. Tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại.
 
Bốn là, doanh nghiệp cần phải liên kết với đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài tạo chuỗi toàn cầu đáp ứng hàng rào kỹ thuật mới về sản xuất chuỗi, truy xuất từ gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng chung lĩnh vực, ngành hàng cũng cần phải liên kết với nhau để bổ sung chia sẻ thông tin các quy định mới từ các nước nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam./.

 
Linh Ngân
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top