Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021

12/08/2022 - 04:26 PM
Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 là một ấn phẩm điện tử được xây dựng dựa trên kết quả của cuộc Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020-2021) thuộc Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), vòng 6 - MICS6, được Tổng cục Thống kê phối hợp với các Bộ/ngành liên quan thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNICEF và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Cuộc điều tra cung cấp các dữ liệu thống kê có thể so sánh quốc tế phục vụ công tác hoạch định chính sách và xây dựng chương trình dựa trên bằng chứng, đồng thời đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia và cam kết toàn cầu. Đây là nguồn dữ liệu quý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chương trình và các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trong nỗ lực hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam.
 
Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021

Ấn phẩm điện tử Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 gồm trên 700 trang, trình bày kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 gồm 11 chương. Sau các chương: Giới thiệu; Phương pháp luận điều tra; Chỉ tiêu và định nghĩa; Phạm vi mẫu và các đặc trưng của hộ và người trả lời, ấn phẩm tập trung trình bày kết quả điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021, được phân bố thành 7 chương. Mỗi chương tập trung vào một chuyên đề, giới thiệu tóm tắt về nội dung của chương, mô tả ngắn gọn bảng số liệu và các bảng tổng hợp. Cụ thể:
 
Chương 5 “Tử vong trẻ em” gồm các kết quả về tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Trong thời kỳ tham chiếu 5 năm gần đây, tỷ suất chết sơ sinh là 6 phần nghìn (khoảng tin cậy 95% từ 3 phần nghìn đến 10 phần nghìn), tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 10 phần nghìn (khoảng tin cậy 95% từ 6 phần nghìn đến 14 phần nghìn), và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 14 phần nghìn (khoảng tin cậy 95% từ 9 phần nghìn đến 19 phần nghìn). Những con số này cho thấy khoảng 60% trẻ em chết dưới 1 tuổi là chết sơ sinh, và khoảng 71% trẻ em chết dưới 5 tuổi là chết dưới 1 tuổi.

Chương 6 “Phát triển - Sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ” trình bày các kết quả về sinh sản, mang thai, tránh thai, nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc khi mang thai, uốn ván sơ sinh, chăm sóc khi sinh, cân nặng khi sinh, chăm sóc sau sinh và HIV... Theo báo cáo, tỷ suất sinh chung là 70,2 trẻ/1.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49. Tỷ suất này ở khu vực nông thôn (75,5 trẻ/1000 phụ nữ) cao hơn so với khu vực thành thị (61,5 trẻ/1.000 phụ nữ). Phần lớn phụ nữ Việt Nam sinh con trong độ tuổi từ 20-29. Trên cả nước, tổng tỷ suất sinh là 2,2 trẻ em trên một phụ nữ. TFR khu vực nông thôn (2,4) cao hơn khu vực thành thị (1,9). Trên phạm vi cả nước, tỷ suất sinh con vị thành niên cao nhất ở nhóm phụ nữ sống tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số. Khoảng 0,9% nam giới độ tuổi từ 15-19 tuổi đã làm cha và 0,4% nam giới từ 20-24 tuổi làm cha trước 18 tuổi. Việc làm cha sớm được phát hiện ở khu vực nông thôn, và chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. 72,8% phụ nữ từ 15-49 tuổi hiện đang có chồng hoặc đang chung sống như vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai, 59,8% sử dụng biện pháp hiện đại và 13% sử dụng biện pháp truyền thống. Tỷ lệ phụ nữ không được chăm sóc trước sinh chiếm 2,2%. 96,3% phụ nữ từ 15-49 tuổi sinh con ra sống trong vòng hai năm trước cuộc điều tra đã sinh con tại cơ sở y tế (88,5% sinh con tại cơ sở nhà nước và 7,8% sinh con tại cơ sở tư nhân), cao hơn 2,7 điểm phần trăm so với kết quả của MICS 2014. Chương 6 kết thúc bằng nội dung phá thai và ung thu cổ tử cung (đây là mô-đun do UNFPA thiết kế).
 
Chương 7 “Phát triển - Sức khỏe, dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em” trình bày các kết quả về tiêm chủng, các bệnh tật, tiêu chảy, sử dụng năng lượng của hộ gia đình, triệu chứng viêm phổi, sốt rét, cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn, dinh dưỡng và phát triển trẻ thơ. Trong các loại vắc xin, trẻ em được tiêm phòng lao chiếm tỷ lệ cao nhất, với khoảng 96% trẻ em từ 12-23 tháng tuổi và 98% trẻ từ 24-35 tháng tuổi được tiêm phòng lao trước 12 tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ em từ 12-23 tháng tuổi được tiêm đầy đủ các vắc xin cơ bản tại thời điểm bất kỳ trước điều tra là 78,6%. Tỷ lệ trẻ em từ 24-35 tháng tuổi được tiêm đầy đủ các vắc xin cơ bản tại thời điểm bất kỳ trước điều tra đạt 69,6%. Chung cả nước, có 87,9% thành viên sống trong hộ sử dụng công nghệ và năng lượng sạch để nấu ăn, trong đó chủ yếu là bếp ga (80,1%) và bếp điện (6,9%). Tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (97,9%), Đồng bằng sông Hồng (97%) và Đông Nam Bộ (98%). Tỷ lệ trẻ từng được bú mẹ chung cả nước đạt 97,6% và không có sự khác biệt nhiều giữa các nhóm. Chung cả nước có 45,4% trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn và 60,7% bú sữa mẹ chủ yếu. Chung cả nước, tỷ lệ trẻ từ 2 đến 4 tuổi có người lớn trong hộ tham gia cùng từ 4 hoạt động trở lên để khuyến khích trẻ học tập và giúp trẻ sẵn sàng đi học trong vòng 3 ngày trước điều tra là 64,8%. Có 78,2% trẻ từ 24-59 tháng tuổi ở Việt Nam đang phát triển đúng hướng.
 
Chương 8 “Học tập” trình bày các kết quả điều tra bao trùm lĩnh vực giáo dục mầm non, đi học các cấp, sự tham gia của cha mẹ vào giáo dục trẻ em và kỹ năng học tập cơ bản. Cả nước có 80,5% trẻ em từ 36-59 tháng tuổi đang đi học chương trình giáo dục mẫu giáo có tổ chức. Mặc dù không có nhiều sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa trẻ em trai và em gái, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng, các nhóm mức sống, trình độ giáo dục của người mẹ và giữa các nhóm tuổi. Không có sự bất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái hoặc giữa học sinh thành thị và nông thôn trong việc tiếp cận giáo dục mầm non. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em sống tại vùng Tây Nguyên đi học mẫu giáo trước khi đi học lớp 1 thấp hơn (89,8%) so với các vùng khác. phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học (98,2%) và hầu như không có sự khác biệt về giới. Tuy nhiên, vẫn có 1,2% trẻ em từ 6-10 tuổi ngoài nhà trường. Tỷ lệ trẻ em đang học tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi là tương đương nhau, lần lượt là 68,9% và 68,6%. Tỷ lệ đi học chung lớp cuối tiểu học cả nước là 94,4%; lớp cuối cấp trung học cơ sở là 85,6%. Có 98,3% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học, 86,8% hoàn thành trung học cơ sở và 58,1% hoàn thành trung học phổ thông. Ở cấp quốc gia, 83,2% trẻ em đã hoàn thành kỹ năng đọc cơ bản. Không có sự khác biệt đáng kể giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa các vùng và giữa các nhóm mức sống.
 
Chương 9 “Bảo vệ khỏi bạo lực và bóc lột” gồm các kết quả điều tra về đăng ký khai sinh, xử phạt trẻ em, lao động trẻ em, kết hôn trẻ em, trải nghiệm là nạn nhân bị tấn công, cảm giác an toàn và thái độ đối với bạo lực gia đình. Có 98,1% trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã được đăng ký khai sinh. Hầu như không có sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái và giữa khu vực thành thị và nông thôn hoặc giữa các vùng. Về tình trạng khuyết tật ở nhóm trẻ từ 2 đến 4 tuổi, nhóm trẻ khuyết tật có tỷ lệ đăng ký khai sinh cao hơn nhóm trẻ không khuyết tật, nhưng sự khác biệt là khá nhỏ. Có 72,4% trẻ em từ 1-14 tuổi đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước cuộc điều tra. Có 6,4% trẻ em từ 5-11 tuổi tham gia hoạt động kinh tế ít nhất 1 giờ, 4,9% trẻ em độ tuổi từ 12-14 tuổi tham gia hoạt động kinh tế từ 14 giờ trở lên và 4,6% trẻ em độ tuổi từ 15-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế từ 43 giờ trở lên. 5,7% trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế vượt quá số giờ quy định cho độ tuổi, được coi là lao động trẻ em, tức là 5,7% trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia lao động trẻ em trong các hoạt động kinh tế. Trong số phụ nữ từ 20-24 tuổi, 1,1% tảo hôn trước 15 tuổi và 14,6% tảo hôn trước sinh nhật 18 tuổi. Có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng. Trong số phụ nữ bị tấn công, có 73,9% phụ nữ từng bị tấn công tại nhà trong lần gần nhất. Phụ nữ ở khu vực nông thôn bị tấn công nhiều hơn phụ nữ ở khu vực thành thị (82,6% so với 57,4%).
 
Chương 10 “Sống trong môi trường sạch sẽ và an toàn” bao gồm nội dung về nước uống, rửa tay, công trình vệ sinh và vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt. Cả nước có 98,1% dân số hộ gia đìnhsử dụng nguồn nước được cải thiện (Bảng WS.1), với 99,6% dân số thành thị và 97,2% ở nông thôn sử dụng nguồn nước được cải thiện. Tỷ lệ này ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc thấp nhất so với các vùng khác với 93,9% dân số hộ gia đình sử dụng nguồn nước được cải thiện. Có 97,0% thành viên hộ gia đình có sẵn nước uống khi cần thiết. 43,8% thành viên hộ gia đình đã uống nước từ nguồn nước bị nhiễm E.coli. 54,0% thành viên hộ gia đình đã sử dụng dịch vụ nước uống được quản lý an toàn, với 74,7% ở thành thị và 43,6% ở nông thôn. Ở Việt Nam có 97,9% thành viên hộ gia đình có nơi riêng để rửa tay, 92,1% dân số đang sống trong các hộ gia đình sử dụng hố xí được cải thiện.
 
Chương 11 “Cơ hội bình đẳng trong cuộc sống” trình bày các kết quả về các nội dung liên quan đến bình đẳng, gồm thực hiện chức năng của trẻ, chuyển dịch xã hội, phân biệt đối xử, lạm dụng và phúc lợi xã hội. Trên cả nước, tỷ lệ trẻ em từ 2-4 tuổi có khó khăn ở ít nhất một chức năng nghe, nhìn, đi lại, vận động tinh, giao tiếp, học hỏi và vui chơi là 1,2%. Tỷ lệ này cao nhất ở chức năng giao tiếp (0,9%) và thấp nhất ở chức năng nhìn, nghe và vận động tinh (0,1%). Trên toàn quốc 85,6% phụ nữ từ 15-49 tuổi và 80,3% nam giới từ 15-49 tuổi cho biết có bảo hiểm bằng bất kỳ hình thức bảo hiểm y tế nào. Cả nước có 92,8% người biết về các chương trình, chính sách trợ giúp kinh tế và 52,3% cho biết hộ gia đình của họ đã từng nhận được hỗ trợ kinh tế từ bên ngoài. Tỷ lệ hộ đã từng được hỗ trợ kinh tế từ bên ngoài cao hơn ở khu vực nông thôn (55,4%) và vùng Trung du và miền núi phía Bắc (66,3%), nhưng thấp hơn ở khu vực thành thị (46,6%) và Đông Nam Bộ (36,0%). Tên toàn quốc, 6,8% thành viên hộ gia đình sống trong các hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ liên quan đến Covid-19; 32,4% hộ gia đình nghèo và nghèo nhất đã nhận hỗ trợ xã hội trong ba tháng qua. Có 2,6% phụ nữ và 3,6% nam giới cảm thấy bị phân biệt đối xử hoặc bị quấy rối trong 12 tháng qua. Mặc dù tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn không đáng kể so với khu vực thành thị, nhưng tỷ lệ này khác biệt đáng kể giữa các vùng. Trên toàn quốc, 66,1% phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi cảm thấy rất hoặc phần nào hạnh phúc, với điểm hài lòng về cuộc sống trung bình là 7,5. Hơn một nửa số phụ nữ từ 15-24 tuổi cho rằng cuộc sống của họ đã được cải thiện trong năm vừa qua.
 
Kết thúc ấn phẩm là các phụ lục gồm thông tin chi tiết về chọn mẫu, danh sách người tham gia thực hiện điều tra và hoàn thiện báo cáo, ước lượng sai số chọn mẫu và chất lượng của số liệu./.
 
Quang Vinh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top