Các yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa

16/06/2022 - 09:26 AM
Môi trường kinh doanh địa phương là tổng thể các yếu tố và điều kiện khách quan, chủ quan bên ngoài doanh nghiệp ở địa phương, có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở địa phương. Nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh địa phương thông qua đánh giá của doanh nghiệp, nhằm giúp các nhà quản trị địa phương có cái nhìn đa chiều hơn. Từ đó có những chính sách phù hợp cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
 

Thanh Hóa là địa phương có vị trí thuận lợi của khu vực Bắc Trung Bộ, cũng như tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có 26,4 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 17,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 52,5% GRDP của tỉnh, tăng 16,1% so với giai đoạn 2011 - 2015; nộp ngân sách ước đạt 39,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,1% tổng thu nội địa. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Số doanh nghiệp hoạt động trên vạn dân còn thấp so với bình quân cả nước và một số tỉnh trong khu vực. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính và quản trị kinh doanh còn hạn chế; khả năng thích ứng và hội nhập quốc tế, nhận thức về văn hóa kinh doanh, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của một bộ phận doanh nhân chưa đầy đủ; tính liên kết, hợp tác kinh doanh quy mô lớn nhằm tham gia chuỗi giá trị còn chưa có nhiều, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều thách thức đặt ra, việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng, chưa đồng bộ so với các địa phương khác.

 
Các yếu tố cấu thành môi trường kinh doanh địa phương

(1) Yếu tố kinh tế (MTKT): Hệ thống kinh tế địa phương chịu tác động của tổng thể hệ thống kinh tế quốc dân về các chính sách kinh tế quốc gia như chu kỳ kinh doanh hay tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, tỷ lệ hối đoái, sự phát triển hệ thống tài chính, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và phát triển.

Trong nghiên cứu yếu tố kinh tế của MTKD được đo lường bằng các yếu tố khả năng tiếp cận vốn kinh doanh; chi phí vay vốn kinh doanh; và các thông tin kinh doanh. Các thang đo này được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây của VCCI, Trần Thu Thủy (2018), Galan và cộng sự (2006), Oum và Park (2004); Galan và cộng sự (2007), Sun và cộng sự (2002).

(2) Yếu tố chính trị và pháp luật (MTPL): Yếu tố chính trị và pháp luật cấu thành nên MTKD địa phương chủ yếu cũng là các yếu tố chính trị và pháp luật của quốc gia. Các yếu tố này bao gồm chế độ pháp lý chung của nền kinh tế mà các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp địa phương nói riêng phải tuân thủ. Đồng thời, các công cụ chính sách và hệ thống quản lý của đất nước liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng tác động đến các DN ở địa phương.
 
Các nội dung đo lường của yếu tố bao gồm: Mức độ tham nhũng; mức độ cải cách thủ tục hành chính tại địa phương; sự phân biệt của chính quyền tỉnh với các DN trong tiếp cận các nguồn lực của tỉnh; sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế tại địa phương; năng lực điều hành vĩ mô của chính quyền tỉnh; thời gian hoàn thành thủ tục chính thức gia nhập thị trường và thời gian thanh kiểm tra của doanh nghiệp. Các thang đo được kế thừa từ nghiên cứu của VCCI; Trần Thu Thủy (2018) Nguyễn Mạnh Cường (2019); Lu và cộng sự (2006), Galan và cộng sự (2007), Dollar và cộng sự (2005).

(3) Yếu tố văn hóa xã hội địa phương (MTVH): yếu tố văn hóa xã hội có liên quan và tương tác với hoạt động kinh doanh, bao gồm dân số và thu nhập. Yếu tố văn hóa bao gồm các giá trị văn hóa cốt lõi và thứ phát, vai trò của các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội cũng như mức sống, trình độ học vấn, thói quen tiêu dùng, thị hiếu, thu nhập của người dân trong khu vực...

Các thang đo thuộc yếu tố này được đo lường là chính sách phát triển chất lượng lao động địa phương; chính sách thu hút lao động của tỉnh; và cơ chế thúc đẩy nâng cao vai trò của các hiệp hội, hội DN tại địa phương. Các thang đo này được kế thừa từ các nghiên cứu của VCCI, Trần Thu Thủy (2018), Galan và cộng sự (2007). 

(4) Yếu tố công nghệ (MTKHCN): Yếu tố công nghệ cũng là một trong những yếu tố tác động làm cho MTKD thay đổi. Xét trong MTKD địa phương có thể xem xét thông qua một số yếu tố như: Hệ thống chính sách về khoa học công nghệ của địa phương trên cơ sở hệ thống chính sách công nghệ quốc gia; lực lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nghệ địa phương; hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ địa phương.
 
Các thang đo thuộc yếu tố này được đo lường là Dịch vụ khoa học và công nghệ ở địa phương; Chính sách phát triển khoa học công nghệ; và Hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai công nghệ tại địa phương và sự hợp tác với DN. Các thang đo được kế thừa từ các nghiên cứu của VCCI, Trần Thu Thủy (2018), Michael Porter (2008); Nguyễn Mạnh Cường (2019); Lu và cộng sự (2006); Jose.I. Galan và cộng sự (2007); Sun và cộng sự (2002).

(5) Yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (MTTN): Xét trong MTKD địa phương có thể xem xét các yếu tố: Tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế địa phương và các nhân tố tác động chậm và ít nhận thấy đối với các DN đó là các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế cần có các chính sách của địa phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế địa phương, tạo MTKD thuận lợi cho DN hoạt động.
 
Các thang đo thuộc yếu tố này được đo lường là: Điện; nước sạch và quản lý xử lý chất thải và vệ sinh môi trường tại địa phương. Các thang đo này được kế thừa từ nghiên cứu của VCCI, Trần Thu Thủy (2018), Michael Porter (2008); Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2009), Michael Porter (2008); Lê Tấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2013).

(6) Các yếu tố quốc tế và hội nhập (MTHN): Sự hội nhập quốc tế của nền kinh tế địa phương đòi hỏi phải xem xét một số vấn đề liên quan đến quản lý quốc gia có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh... Việc lồng ghép thực hiện các cam kết, theo các hiệp định song phương và đa phương đã tác động không nhỏ đến MTKD của địa phương về nhiều mặt. Các thang đo này được kế thừa từ nghiên cứu trước đây của VCCI, Trần Thu Thủy (2018), Galan và cộng sự (2006), Lu và cộng sự (2006), Oum và Park (2004); Sun và cộng sự (2002), Ekrem và Keith (1998).
 
Phương pháp nghiên cứu

(1) Thu thập thông tin: Tác giả thu thập và tiến hành ghi chép lại các thông tin thu thập để đưa ra các lý luận cơ bản về MTKD nhằm phát triển doanh nghiệp của một địa phương nói chung, của tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Các dữ liệu sơ cấp được thu thập một cách ngẫu nhiên theo mẫu phiếu (công thức số mẫu cần thu thập
> số thang đo; mẫu nghiên cứu được thiết kế với 22 thang đo, nên số phiếu thu thập tối thiểu là 110 phiếu) thông qua phát phiếu trực tiếp và gửi online với 156 phiếu hợp lệ đưa vào xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS.22.

(2) Đánh giá các dữ liệu thu thập: Đây là bước lựa chọn ra những giá trị cần thiết nhất cho quá trình nghiên cứu và loại bỏ những thông tin không giá trị đã thu thập được ở bước 3.

(3) Phân tích các dữ liệu thu thập được: Trên cơ sở bộ tiêu chí về các yếu tố MTKD địa phương tác động đến phát triển doanh nghiệp, đề tài sử dụng mô hình đánh giá Binary logistic để phân tích. Biến phụ thuộc nhị phân là nhận thức/đánh giá về sự cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh từ phía doanh nghiệp với hai giá trị 0 và 1 (0 nghĩa là không cải thiện, 1 nghĩa là cải thiện). Các biến độc lập phản ánh các thành phần của MTKD địa phương được xác định là các yếu tố đã được tổng hợp trên. Tuy nhiên, do thành phần của MTKD địa phương chứa nhiều yếu tố nên nhóm tác giả đánh giá độ tin cậy của thang đo để loại bỏ các yếu tố không phù hợp và thực hiện phân tích nhân tố để rút ra các yếu tố tổng hợp nhưng vẫn phản ánh bản chất cơ bản của các yếu tố này trước khi đưa vào mô hình phân tích. Qua mô hình phân tích có thể thấy nhân tố nào có tác động và ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương theo đánh giá của doanh nghiệp. Dấu của hệ số Bi phản ánh tỷ lệ xác suất dự đoán, và nếu hệ số là dương thì phản ánh xác suất MTKD có cải thiện và ngược lại nếu hệ số âm phản ánh xác suất MTKD không cải thiện.
 
Kết quả nghiên cứu

Từ dữ liệu sơ cấp, thống kê mô tả các yếu tố thuộc MTKD đã cho thấy các chỉ tiêu chủ yếu trong các yếu tố môi trường thành phần có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển DN theo đánh giá của các DN khảo sát. Tuy nhiên, tác giả tiến hành phân tích mô hình đánh giá MTKD tỉnh Thanh Hóa tác động đến sự phát triển của các DN trong tỉnh để có cái nhìn toàn diện hơn.
 
Kiểm định thang đo Cronbach's Alpha

Với các tập biến thuộc yếu tố kinh tế; yếu tố pháp lý và thể chế; yếu tố văn hóa - xã hội; yếu tố công nghệ; yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; yếu tố quốc tế và hội nhập, sau khi phân tích và tổng hợp trong bảng 1 ta thấy: Hệ số tương quan biến tổng của tất cả các biến đo lường là phù hợp với giá trị lớn hơn 0.3, hệ số Cronbach's Alpha đều lớn hơn 0.6 là thang đo lường tốt, đạt yêu cầu về độ tin cậy, độ giá trị có thể đưa vào phân tích nhân tố.
Bảng 1: Kết quả kiểm định thang đo các tập biến
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa
                                                                                                    Nguồn: Phân tích số liệu điều tra của tác giả
 
Phân tích nhân tố (EFA)

Kết quả cho thấy chỉ số KMO của tất cả các nhóm nhân tố là khá cao và đều > 0.5, kết quả Bartlett's Test khẳng định các biến quan sát có tương quan với nhau và có ý nghĩa thống kê tại mức 0.05 (Sig. = 0,000 < 0.05), vì vậy, phân tích nhân tố là phù hợp. Bên cạnh đó, dựa trên tiêu chí Eigenvalues>1 và Tổng phương sai trích >50% đều được đảm bảo.
 
Bảng 2: Kết quả phân tích nhân tố EFA
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa 1
                                                                                                  Nguồn: Phân tích số liệu điều tra của tác giả

Phân tích hồi quy

Trước khi tiến hành phân tích hồi quy 6 nhân tố trích của 6 nhóm yếu tố thuộc MTKD để kiểm tra sự phù hợp của các nhân tố đưa vào mô hình, tác giả tiếp tục phân tích nhân tố với 6 nhân tố được rút trích thì cả 6 nhân tố có ý nghĩa để đưa vào mô hình hồi quy. Kết quả được biểu thị trong bảng 3.

Kết quả hồi quy cho thấy, các nhóm nhân tố có tác động (có ý nghĩa thống kê) tới việc cải thiện MTKD của tỉnh là Yếu tố kinh tế (B= 1,931, P<0.05); Yếu tố pháp lý và thể chế (B= 1,634, P<0.05), Yếu tố văn hóa - xã hội địa phương (B= 1,147, P<0.05); Yếu tố tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật (B= 1,386, P<0.05); Yếu tố quốc tế và hội nhập (B= 1,390, P<0.05), và Yếu tố công nghệ (B= -0,866, P<0.05), trong đó các yếu tố về Môi trường kinh tế có sự ảnh hưởng lớn nhất đến MTKD địa phương, với mức dự đoán chính xác là 89,7%.

 
Bảng 3: Kết quả hồi quy
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa 2
                                                                                                   Nguồn: Phân tích số liệu điều tra của tác giả

Tuy vậy, nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận rằng các nhân tố tiềm ẩn khác không ảnh hưởng gì đến mức độ cải thiện MTKD của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Các yếu tố tiềm ẩn sẽ được tìm hiểu ở các nghiên cứu tiếp theo.

Như vậy, theo mô hình phân tích các yếu tố MTKD tác động đến sự phát triển doanh nghiệp của tỉnh từ dữ liệu sơ cấp thì các nhóm yếu tố đều có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, từ tổng hợp những phân tích ở trên cho thấy, các yếu tố khác trong MTKD đều ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến việc hoàn thiện MTKD của tỉnh vì hạn chế của các yếu tố đó cản trở hoạt động kinh doanh và sự phát triển của DN.

Yếu tố tác động mạnh nhất tới việc cải thiện môi trường kinh doanh là MTKT, nếu MTKT tăng lên 1 đơn vị, trong khi các yếu tố khác không thay đổi thì mức độ cải thiện MTKD lên tới 6,895 lần, hay xác suất cải thiện MTKD sẽ tăng lên thêm 6,895 lần.

Các yếu tố có mức độ tác động tới cải thiện MTKD lần lượt là MTPL, MTVH, MTTN, MTHN; yếu tố ít ảnh hưởng đến việc cải thiện MTKD nhất là MTKHCN.

Từ kết quả phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tới việc cải thiện MTKD tại tỉnh Thanh Hóa, các giải pháp mà chính quyền địa phương thực thi cần tập trung vào môi trường kinh tế, đó là các nội dung liên quan đến thị trường tài chính, các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo năng lực được phân cấp, dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý từ các quy định của pháp luật; thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách tại địa phương./.
ThS.Lê Thanh Tùng
Đại học Hồng Đức


 
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Mạnh Cường (2019), Ảnh hưởng của Môi trường đầu tư tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, LATS, Trường Đại học KTQD
[2]. Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI các năm 2015 - 2020.
[3]. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa (2020), Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.
[4]. Đào Bích Thủy, (2017), Quản trị kinh tế địa phương và sự phát triển của khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí khoa học Kinh tế và Kinh doanh, ĐHQGHN, 33(5E), tr. 16-25, 2017.
[5]. Trần Thu Thủy (2018), Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh, LATS, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.
[6]. Lê Tuấn Lộc, Nguyễn Thị Tuyết (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp nghiên cứu điển hình tại thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Phát Triển và Hội Nhập, (11(21), tr.73-78.
[7]. Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Thuộc tính địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp, trong sách Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, Nxb Thống Kê, Hà Nội
[8]. David Dollar, Mary HallwardDriemeier, Taye Mengistae (2005), Investment Climate and Firm Performance in Developing Economies, Economic Development.
[9]. Porter, M.E. (2008), The five competitive forces that shape strategy, Harvard Business Review, 86(1), Juanuary, pp.79-93
[10]. Galan, Benito and Vincente (2006), Factors determining the location decisions of Spanish MNEs: an analysis based
on the investment development path, Journal of International Business Studies, Vol.38, No.6, pp. 975-997.
[11]. Tae Hoon Oum and Jong-Hun Park (2004), Multinational firms location preference for regional distribution centers: focus on the Northeast Asian region, International Business Review, Vol 11, pp. 685-705
[12]. Galan, Benito and Vincente (2007), Factors determining the location decisions of Spanish MNEs: an analysis based on the investment development path, Journal of International Business Studies, Vol.38, No.6, pp. 975-997
[13]. Sun, Q., W. Tong, and Q.Yu. (2002), Determinants of Foreign Direct Investment across China, Journal of International Money and Finance. Vol. 21, No.1.
[14]. Chin-Shan Lu and Ching-Chiao Yang (2006), An evaluation of the investment environment in international logistics zones, A Taiwanese manufacturer’s perspective, Int. J. Production Economics, Vol. 107, issue 1, P 279-300.

 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top