Chênh lệch giá giữa các vùng và các địa phương qua chỉ số giá sinh hoạt theo không gian ở Việt Nam

11/09/2020 - 10:45 AM
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (được viết tắt là SCOLI từ các chữ tiếng Anh Spatial Cost of Living Index) là một chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh sự chênh lệch giá hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh/thành phố, giữa các vùng trong nước tại một thời điểm (tháng, quý hoặc năm).
 
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) được dùng trong phân tích kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương và nghiên cứu mức sống dân cư giữa các tỉnh, vùng, khu vực trong cả nước… Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI), tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là GRDP) theo sức mua tương tương, đánh giá mức sống tối thiểu và điều chỉnh mức lương vùng miền, tính toán các chi phí đầu tư, đánh giá tính cạnh tranh về giá, chế độ ăn, ở, công tác phí theo giá vùng miền. SCOLI được sử dụng để loại trừ yếu tố chênh lệch giá trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình giữa các vùng. Từ đó, tính ra thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình với cùng một mặt bằng giá để tính toán tỷ lệ nghèo.

 
Chênh lệch giá giữa các vùng và các địa phương qua chỉ số giá sinh hoạt theo không gian ở Việt Nam giai đoạn 2011-2019

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nguyên nhân của sự chênh lệch giá giữa các vùng và các địa phương
 
Thứ nhất, do yếu tố điều hành: Khi tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức lương cơ sở, giá một số loại dịch vụ tăng khác nhau giữa các tỉnh, như: Dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình… Điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ y tế tăng theo lộ trình của Chính Phủ tác động đến sự chênh lệch về giá giữa các tỉnh, do thời điểm tăng giá các loại dịch vụ này là khác nhau.
 
Thứ hai, do yếu tố thị trường: Giá xăng dầu biến động theo giá thế giới, khi giá xăng dầu tăng làm cho giá cước vận tải tăng dẫn đến giá hàng hóa và dịch vụ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hải đảo có mức giá cao. Giá điện, nước ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, có mức giá thấp hơn các tỉnh thành phố lớn trực thuộc Trung ương, do sản lượng tiêu dùng hàng tháng nhỏ hơn.
 
Thứ ba, do yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi: Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi có thể xảy ra ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh. Đối với các tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai thời tiết bất lợi sẽ có xu hướng giá cao hơn các tỉnh khác.
 
Thứ tư do các yếu tố khác, như: Trình độ phát triển (thu nhập, GDP,…); phong tục tập quán; thói quen tiêu dùng; cơ sở hạ tầng; đặc điểm địa lý,… cũng tác động đến mức giá của các địa phương. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thu nhập cao hơn các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo thì giá dịch vụ thường có xu hướng cao hơn, ví dụ như giá nhà ở thuê, giá dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa nhà cửa, giá thuê người giúp việc hay giá các loại dịch vụ khác trong gia đình. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và đặc điểm địa lý cũng tác động đến mức giá giữa các địa phương, cụ thể như đối với các tỉnh miền xuôi địa hình giao thông bằng phẳng dễ đi lại dẫn đến chi phí vận chuyển thấp nên mức giá hàng hóa thấp hơn, do vậy giá hàng hóa và dịch vụ các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc.
 
Chênh lệch giá giữa các Vùng
 
Trong giai đoạn 2011-2019, Vùng Đông Nam Bộ có mức giá sinh hoạt cao nhất trong 6 vùng kinh tế, (trừ năm 2015, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng vị trí cao nhất cả nước). Vùng Đông Nam Bộ đứng vị trí đắt đỏ nhất cả nước do một số nhóm hàng dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, nhà ở, vật liệu xây dựng và khách sạn nhà hàng có mức giá cao hơn các Vùng khác. Đứng thứ hai là Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, do đây là vùng núi cao rất nhiều hàng hóa không được sản xuất tại chỗ, phải vận chuyển từ miền xuôi lên, trong khi đó đường xá đi lại khó khăn, nên giá cước vận tải hàng hóa cao. Ngoài ra, hệ thống phân phối của vùng này rất phân tán, chi phí duy trì hệ thống phân phối cao, cùng với chi phí cho việc dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã làm cho giá hàng hóa bị đẩy lên cao so với các vùng khác. Cũng trong giai đoạn này Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có SCOLI thấp nhất cả nước, do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong việc sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.

Chênh lệch giá giữa các địa phương
 
Trong giai đoạn 2011-2014, các tỉnh thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn có mức giá cao nhất cả nước, do các tỉnh này thuộc vùng núi cao giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, làm cho giá cả các tỉnh trong vùng cao hơn so với các tỉnh khác. Từ năm 2015 trở lại đây, các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có mức giá dần rẻ hơn so với những năm trước do giao thông ngày càng thuận lợi hơn nên giảm chi phí vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Giai đoạn 2015-2019, các tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương có giá SCOLI đắt đỏ nhất cả nước và có mức đắt đỏ hơn các địa phương miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng dịch vụ, giải trí và du lịch. Ở chiều ngược lại, các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn có mức giá sinh hoạt theo không gian thấp nhất cả nước, trong đó các nhóm hàng có mức giá rẻ hơn các tỉnh khác là lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình.

Giải pháp giảm sự chênh lệch giá SCOLI giữa các Vùng kinh tế và các địa phương
 
Để giảm mức chênh lệch giá SCOLI giữa các vùng và các tỉnh trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:
 
Thứ nhất, đối với các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa, Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ về giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ y tế, hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình. Đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cần đưa ra các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Đối với dịch vụ y tế: Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ thuộc hộ nghèo. Hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại đối với hộ gia đình thuộc vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Hỗ trợ giảm tiền điện, nước sinh hoạt hàng tháng đối với các tỉnh miền núi. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước, điện sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo.
 
Thứ hai, đầu tư hệ thống giao thông, hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đường tuần tra biên giới, đường kết nối với các cửa khẩu, tổ chức khai thác tốt các tuyến đường thủy nội địa, nâng cấp, xây dựng mới kịp thời các sân bay trong các vùng.
 
Thứ ba, phát triển thương mại, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Để có thể đưa hàng hóa tiếp cận gần đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa cần hỗ trợ thúc đẩy phân phối tiêu thụ hàng hóa, khuyến khích các thương nhân hoạt động tại vùng này; Mở rộng phân phối hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại các vùng này.
 
Thứ tư, giải pháp về nguồn nhân lực. Đào tạo lao động nông thôn trong các lĩnh vực chính như: Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm hay đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển. Khi sản xuất phát triển, nguồn cung hàng hóa dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, sẽ hạn chế nguồn hàng vận chuyển từ miền xuôi lên làm cho giá hàng hóa tại các vùng miền núi, vùng sâu, xa hải đảo giảm do không mất nhiều chi phí vận tải./.

 
Tạ Thị Thu Việt
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - TCTK
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top