Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam

30/12/2021 - 12:28 PM
Thu nhập từ việc làm hay tiền lương là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhằm tạo động lực và khuyến khích người lao động làm việc. Cung – cầu của thị trường lao động, môi trường làm việc, tính chất công việc và trình độ, đặc điểm của người lao động,… là các yếu tố tác động và quyết định đến mức lương của người lao động. Đây chính là các yếu tố tạo nên sự chênh lệch về tiền lương (Tuấn Anh, 2019).
 
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã ứng dụng và phát triển phương pháp phân rã Oaxaca – Blinder (1973) trong nghiên cứu kinh tế lao động, đặc biệt là tiền lương hoặc thu nhập hoặc sự khác biệt việc làm giữa 2 nhóm khác nhau. Ví dụ như Christofides & Michael (2013) đã nghiên cứu về chênh lệch tiền lương theo giờ giữa khu vực công và khu vực tư tại 27 quốc gia châu Âu. Nghiên cứu sử dụng mô hình Oaxaca – Blinder để nghiên cứu sự khác nhau về tiền lương giữa hai khu vực này. Kết luận của nghiên cứu chỉ ra rằng Luxembourg, Síp, Hy Lạp, Hungary và Bồ Đào Nha là các quốc gia đứng đầu danh sách về chênh lệch tiền lương giữa hai khu vực kinh tế, trong khi Áo, Slovenia, Bỉ, Đức và Na Uy có khoảng cách thấp nhất.
 
Các nghiên cứu về chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ở các nước đang phát triển càng ngày càng tăng lên, do ở các nước này kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động làm công ăn lương. Tuy nhiên, cho đến nay, nghiên cứu chênh lệch về tiền lương giữa Nhà nước và tư nhân ở khu vực Đông Nam Á vẫn còn hạn chế (Seshan, 2013). Tại Việt Nam hiện còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Vương Đình Huệ, 2018). Các nghiên cứu về sự khác biệt tiền lương ở nước ta chủ yếu tập trung vào sự khác biệt về giới hoặc sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, trong khi nghiên cứu chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân còn rất hạn chế.
 
Nghiên cứu này sử dụng bộ số liệu điều tra lao động việc làm (LĐVL) năm 2015 và 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trên phạm vi cả nước để nghiên cứu chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân theo giới tính tại Việt Nam. Phân loại Khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân dựa vào loại hình kinh tế của công việc chính của người lao động. Khu vực Nhà nước bao gồm cơ quan lập pháp/hành pháp/tư pháp, tổ chức Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, các trường hợp còn lại thuộc khu vực tư nhân (không bao gồm khu vực nước ngoài). Đối tượng nghiên cứu gồm nam từ 18 đến dưới 60 tuổi và nữ từ 18 đến dưới 55 tuổi (không bao gồm những người chủ cơ sở, tự làm, lao động gia đình, xã viên hợp tác xã và làm việc bán thời gian).
 
Phương pháp nghiên cứu:
 
Oaxaca (1973) lần đầu tiên giới thiệu phương pháp phân rã Oaxaca-Blinder để phân tích sự khác biệt giá trị trung bình của hai nhóm và phương pháp này hiện nay được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và kinh tế lao động nói chung. Mục đích của phương pháp nghiên cứu là xem xét chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân: Bao nhiêu phần trăm do sự khác biệt do các đặc điểm quan sát được hay còn gọi là hiệu ứng đặc điểm, bao nhiêu phần trăm do sự khác biệt do hệ số hay còn gọi là hiệu ứng cấu trúc. Dựa vào mô hình hồi quy tuyến tính của hai nhóm cần so sánh cụ thể là tiền lương của lao động trong khu vực Nhà nước và tư nhân của lao động nam trong năm 2015, giá trị trung bình và hệ số của mỗi nhóm sẽ được ước lượng dựa trên phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) theo công thức dưới đây: 
 

Ln(Wc) = βXc + ɛc                      (2.1)
Ln(Wt) = βXt + ɛt                           (2.2)

Trong đó:

- Ln(Wc), Ln(Wt) là lôgarit tự nhiên tiền lương theo giờ tương ứng của lao động trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
- β là các hệ số, trong đó có hệ số chặn
 
- Xc, Xt là vectơ của các biến giải thích đó là đặc điểm cá nhân (trình độ học vấn cao nhất đạt được, số năm kinh nghiệm làm việc cho công việc chính hiện tại đang làm, tình trạng hôn nhân, thành thị nông thôn, vùng kinh tế xã hội) và nghề nghiệp (theo 9 nhóm nghề cấp 1) tương ứng của lao động trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
 
- ɛc, ɛt: các sai số
 
Dùng công thức (2.1) trừ (2.2), chênh lệch tiền lương theo giờ trung bình (tính theo hàm logarit) giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân được ước lượng như sau:
 
                          Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam                             (2.3)
 
Nếu không có bất bình đẳng trong thị trường lao động, cấu trúc tiền lương của khu vực tư nhân có thể giống với khu vực Nhà nước, bằng cách cộng và trừ ­Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam 1, công thức (2.3) được viết lại như sau:
 
                                Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam 2(2.4)
 
Kết quả phân rã Oaxaca sẽ cho kết quả khác nhau nếu nhóm tham chiếu thay đổi (Oaxaxa, 1973; Oaxaca và Ransom, 1994). Nếu cấu trúc tiền lương của khu vực tư nhân là nhóm tham chiếu, bằng cách thêm và bớt ­t c vào bên phải của công thức (2.3), ta có:
 
                        Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam 3 (2.5)
 
Công thức (2.4) được gọi là Oaxaca I và công thức (2.5) được gọi là Oaxaca II. Tuy nhiên, nếu giả sử rằng không có sự khác biệt giữa cấu trúc tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, cách tốt hơn là dùng hệ số β thu được từ mẫu gộp của cả hai khu vực này (Neumark, 1988). Bằng cách thêm và bớt (Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam 4) vào bên phải của công thức (2.3), công thức này được viết lại như sau:
 
                                                                                          Chênh lệch tiền lương của lao động giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Việt Nam 5(2.6)
 
Công thức (2.6) được gọi là phương pháp Neumark, được xây dựng từ hệ số hồi quy của mẫu gộp. Theo khuyến nghị của Jann(2008), hệ số hồi quy thu được từ mẫu gộp nên bao gồm cả biến giả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân như là biến kiểm soát để tránh ước lượng quá.
 
Nghiên cứu này còn tách tổng chênh lệch tiền lương theo giờ của lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân theo giới tính riêng cho từng năm (năm 2015 và 2019) thành 2 phần nhóm giải thích được và không giải thích được theo 3 phương pháp. Nghiên cứu còn đưa ra kết quả phân rã Oaxaca chi tiết nhằm tính toán trong các chênh lệch giải thích được (explained), biến giải thích nào đóng góp quan trọng nhất, làm tăng hay giảm sự chênh lệch, chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chênh lệch giải thích được. Cách tương tự cũng có thể áp dụng cho phần chênh lệch không giải thích được (unexplained), nhưng cần lưu ý khi phân tích phần không giải thích được có thể là do sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động cũng có thể do các yếu tố chưa quan sát được (ví dụ như động lực làm việc của mỗi người lao động là khác nhau, sự chăm chỉ, sự cố gắng phấn đấu, v.v...).
 
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
 
Qua số liệu điều tra LĐVL năm 2015 cho thấy, khu vực Nhà nước có tiền lương trung bình theo giờ cao hơn khu vực tư nhân khoảng 1,5 lần đối với nam và 1,6 lần đối với nữ. Lao động trong khu vực Nhà nước có trình độ học vấn cao hơn khu vực tư nhân ở cả hai giới, cụ thể tỷ lệ lao động nam có trình độ từ đại học trở lên ở khu vực Nhà nước cao hơn 24 lần so với khu vực tư nhân và con số này đối với nữ là 11 lần. Lao động ở khu vực Nhà nước đa số làm việc từ 10 năm trở lên, trong khi đó khu vực tư nhân đa số làm từ 12 tháng đến dưới 5 năm. Tỷ lệ lao động nam chưa bao giờ kết hôn ở khu vực tư nhân cao hơn Nhà nước (tương ứng là 27,5% và 14,4% đối với nam; 22,1% và 12,5% đối với nữ). Tỷ lệ lao động khu vực Nhà nước sống ở thành thị cao hơn khu vực tư nhân. Chia theo 9 nhóm nghề nghiệp cấp 1, trong khu vực Nhà nước lao động nam thuộc nhóm nghề 2 có tỷ trọng cao nhất (39,5%), trong khi đó ở khu vực tư nhân tỷ lệ lao động làm ở nhóm nghề 7 có tỷ trọng cao nhất (34,2%). Lao động nữ trong khu vực Nhà nước thuộc nhóm nghề 3 có tỷ trọng cao nhất (44,5%), trong khi đó ở khu vực tư nhân tỷ lệ lao động làm ở nhóm nghề 9 có tỷ trọng cao nhất (30,7%).
 
Từ số liệu điều tra LĐVL năm 2019 cho thấy, khu vực Nhà nước có tiền lương trung bình theo giờ cao hơn khu vực tư nhân khoảng 1,3 lần đối với nam và 1,4 lần đối với nữ. Tương tự năm 2015, lao động trong khu vực Nhà nước có trình độ học vấn cao hơn khu vực tư nhân. Tuy nhiên, khoảng cách này đã được thu hẹp cụ thể tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên ở khu vực Nhà nước cao hơn 6 lần so với khu vực tư nhân đối với nam và con số này đối với nữ là 4 lần. Chia theo 9 nhóm nghề nghiệp cấp 1, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của lao động nam cũng giống năm 2015. Trong khi đó, đối với nữ khu vực Nhà nước thuộc nhóm nghề 2 có tỷ trọng cao nhất (57,0%), khu vực tư nhân tỷ lệ lao động làm ở nhóm nghề 9 có tỷ trọng cao nhất (24,5%).
 
Kết quả phân rã Oaxaca năm 2015 cho thấy, chênh lệch tiền lương theo giờ (logarit) giữa khu vực Nhà nước và tư nhân là 0,239 đối với nam và 0,407 đối với nữ. Nhóm giải thích được ở cả ba phương pháp Oaxaca I, Oaxaca II và Neumark đều dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Nhóm không giải thích được ba phương pháp đều âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với nam.  Đối với nữ, nhóm không giải thích được của phương pháp Oaxaca I dương, trong khi hai phương pháp còn lại âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Điều này có nghĩa cả hai yếu tố các đặc điểm của lao động và sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động (hoặc do các yếu tố chưa quan sát được) đều góp phần giải thích chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân đối với cả hai nhóm nam và nữ. Chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân do đặc điểm của người lao động theo ba phương pháp lần lượt là 104,2%, 129,3%, 107,9% đối với nam và lần lượt là 76,7%, 103,7%, 89,9% đối với nữ. Nếu lao động nam thuộc khu vực tư nhân có cùng đặc trưng với khu vực Nhà nước thì tiền lương của họ sẽ tăng trong khoảng từ 24,9% đến 30,9%, trong khi đó đối với lao động nữ con số này là từ 31,2% đến 42,2%. Kết quả theo phương pháp Oaxaca I và Oaxaca II khác nhau đáng kể. Điều này có thể giả định rằng phương pháp Neumark sẽ cung cấp kết quả gần nhất với cấu trúc tiền lương của thị trường lao động hoàn hảo. Do đó, kết quả phân tích sẽ dựa trên phương pháp Neumark. Theo phương pháp này, sự khác biệt chênh lệch tiền lương do yếu tố không giải thích được (hay hệ số của mô hình) làm giảm chênh lệch tiền lương 8,3% đối với nam và làm tăng chênh lệch tiền lương 10,2% đối với nữ. Mô hình so sánh sự khác biệt tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, do đó nếu hệ số của mô hình âm nghĩa là khu vực tư nhân sẽ kém hơn khu vực Nhà nước, ngược lại nếu hệ số mô hình dương nghĩa là khu vực Nhà nước sẽ lớn hơn khu vực tư nhân. Những hệ số dương trong phần giải thích được làm tăng chênh lệch tiền lương trong khi đó hệ số âm sẽ làm giảm chênh lệch tiền lương. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng chênh lệch tiền lương đối với lao động nam là do sự khác biệt về nghề nghiệp (cụ thể ở đây là nhóm nghề 9 và nghề 7), trình độ học vấn (trung cấp, cao đẳng, đại học) và kinh nghiệm làm việc (từ 10 năm trở lên) và đóng góp tương ứng là 39,9%; 33,8%, 26,4%, 10,1%, 13,4% và 22,6%. Đối với lao động nữ, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chênh lệch tiền lương là do sự khác biệt về nghề nghiệp (cụ thể ở đây là nhóm nghề 9 và nghề 7), trình độ học vấn (cụ thể là trình độ trung cấp, cao đẳng, và từ đại học trở lên) và kinh nghiệm làm việc (từ 10 năm trở lên) và đóng góp tương ứng là 25,4%; 15,8%, 23,6%, 21,1%, 10,2% và 28,7%.
 
Kết quả Oaxaca-Blinder phân tích chênh lệch tiền lương lao động giữa Khu vực Nhà nước và tư nhân theo giới tính, 2015
 

 

2015

Nam

Nữ

Oaxaca I

Oaxaca II

Neumark

Oaxaca I

Oaxaca II

Neumark

Chênh lệch

0,239***

0,239***

0,239***

0,407***

0,407***

0,407***

 

(0,00573)

(0,00573)

(0,00573)

(0,00545)

(0,00545)

(0,00545)

Giải thích được

0,249***

0,309***

0,258***

0,312***

0,422***

0,366***

 

(0,00477)

(0,0109)

(0,00438)

(0,00652)

(0,0102)

(0,00520)

Không giải thích được

-0,0108*

-0,0701***

-0,0198***

0,0951***

-0,0154

0,0415***

 

(0,00641)

(0,0113)

(0,00601)

(0,00763)

(0,0106)

(0,00633)

 Ghi chú: Sai số chuẩn trong ngoặc đơn, *** p<0,01; ** p<0,05; * p<0,1
Nguồn: Tính toán của tác giả từ Bộ dữ liệu LĐVL 2015

 Kết quả phân rã Oaxaca năm 2019 cho thấy, chênh lệch tiền lương theo giờ (logarit) năm 2019 giữa khu vực Nhà nước và tư nhân là 0,254 đối với nam và 0,317 đối với nữ. Nhóm giải thích được ở cả ba phương pháp đều dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Nhóm không giải thích được của ba phương pháp đều âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% đối với lao động nam. Nhóm không giải thích được của phương pháp Oaxaca I dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, phương pháp Oaxaca II âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, tuy nhiên phương pháp Neumark âm và không có ý nghĩa thống kê đối với lao động nữ. Điều này có nghĩa cả hai yếu tố các đặc điểm của lao động và sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động (hoặc do các yếu tố chưa quan sát được) đều góp phần giải thích chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân đối với nam. Theo Oaxaca I và Oaxaca II cả hai yếu tố các đặc điểm của lao động và sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động (hoặc do các yếu tố chưa quan sát được) đều góp phần giải thích chênh lệch tiền lương của lao động nữ giữa khu vực Nhà nước và tư nhân. Đối với phương pháp Neumark, chỉ có chênh lệch về đặc điểm lao động giữa hai khu vực là góp phần giải thích chênh lệch tiền lương của nữ. Chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân do đặc điểm của người lao động theo ba phương pháp lần lượt là 130,7%, 157,9%, 130,3% đối với nam và 97,2%, 112,0%, 100,6% đối với nữ. Nếu lao động nam thuộc khu vực tư nhân có cùng đặc trưng với khu vực Nhà nước thì tiền lương của họ sẽ tăng trong khoảng từ 33,1% đến 40,1% và đối với nữ sẽ tăng trong khoảng từ 30,8% đến 35,5%. Đối với nam, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chênh lệch tiền lương là do sự khác biệt về nghề nghiệp (cụ thể ở đây là nhóm nghề 9 và nghề 7), trình độ học vấn (cụ thể từ đại học trở lên) và kinh nghiệm làm việc (từ 3 năm trở lên) và đóng góp tương ứng là 29,3%; 27,2%, 61,6% và 22,4%. Đối với nữ, các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự chênh lệch tiền lương là do sự khác biệt về nghề nghiệp (cụ thể ở đây là nhóm nghề 5, 7, 8 và 9), trình độ học vấn (cụ thể từ đại học trở lên) và kinh nghiệm làm việc (từ 3 năm trở lên) và đóng góp tương ứng là 17,1%; 18,2%, 15,4%, 30,1%, 54,2% và 30,1%.

Kết quả Oaxaca-Blinder phân tích chênh lệch tiền lương lao động giữa Khu vực Nhà nước và tư nhân theo giới tính, 2019

 

2019

Nam

Nữ

Oaxaca I

Oaxaca II

Neumark

Oaxaca I

Oaxaca II

Neumark

Chênh lệch

0,254***

0,254***

0,254***

0,317***

0,317***

0,317***

 

(0,00414)

(0,00414)

(0,00414)

(0,00380)

(0,00380)

(0,00380)

Giải thích được

0,332***

0,401***

0,331***

0,308***

0,355***

0,319***

 

(0,00357)

(0,00999)

(0,00354)

(0,00379)

(0,00796)

(0,00342)

Không giải thích được

-0,0779***

-0,148***

-0,0776***

0,00856*

-0,0380***

-0,00248

 

(0,00456)

(0,0103)

(0,00471)

(0,00459)

(0,00833)

(0,00442)

Ghi chú: Sai số chuẩn trong ngoặc đơn, *** p<0,01; ** p<0,05; * p<0,1
Nguồn: Tính toán của tác giả từ Bộ dữ liệu LĐVL 2019

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
 
Nghiên cứu này phân tích chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân theo giới tính dựa trên số liệu điều tra LĐVL năm 2015 và 2019 bằng phương pháp phân rã Oaxaca. Kết quả cho thấy, ở khu vực Nhà nước có lương cao hơn khu vực tư nhân đối với cả nam và nữ trong năm 2015 và 2019.
 
Trình độ học vấn, nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc là các yếu tố chính quyết định đến chênh lệch tiền lương giữa hai khu vực đối với cả lao động nam và nữ trong năm 2015. Cụ thể ở đây là nhóm nghề 7 (Thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác có liên quan) và nghề 9 (Lao động giản đơn), trình độ trung cấp, cao đẳng, và từ đại học trở lên và kinh nghiệm làm việc từ 10 năm trở lên.
 
Đối với lao động nam trong năm 2019, sự khác biệt về nghề nghiệp (cụ thể ở đây là nhóm nghề 9 và nghề 7), trình độ học vấn (cụ thể từ đại học trở lên) và kinh nghiệm làm việc (từ 3 năm trở lên) là các yếu tố chính quyết định đến chênh lệch tiền lương. Đối với nữ, sự khác biệt về nghề nghiệp cụ thể ở đây là nhóm nghề 5, 7, 8 và 9 (Nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự-an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật; Thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác có liên quan; Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; Lao động giản đơn), trình độ học vấn (cụ thể từ đại học trở lên) và kinh nghiệm làm việc (từ 3 năm trở lên) là các yếu tố chính quyết định đến chênh lệch tiền lương.
 
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị liên quan đến việc giảm khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa lao động khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân theo giới tính ở Việt Nam.
 
Thứ nhất, nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, đặc biệt là trình độ từ đại học trở lên là một trong các yếu tố cốt lõi nhằm góp phần giảm chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân đối cả lao động nam và nữ. Do vậy, cần có các chính sách để nâng cao trình độ học vấn của người lao động ở khu vực tư nhân. Cả người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở nơi người lao động làm việc cần kết hợp chặt chẽ với nhau để nâng cao năng lực chuyên môn của người lao động. Việc nâng cao trình độ sẽ giúp người lao động nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, công ty, hộ sản xuất kinh doanh, đây sẽ là cơ sở đảm bảo đôi bên (ông chủ- người làm công) cùng có lợi.
 
Thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy sự chênh lệch tiền lương giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ở nữ cao hơn nam. Do vậy, cần có các chương trình, chính sách tạo cơ hội để phụ nữ trong khu vực tư nhân có nhiều cơ hội tham gia vào các công việc được trả lương cao hơn. Từ đó kích thích sự tư duy, sáng tạo của lực lượng lao động nữ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và điều quan trọng là chúng ta sẽ không bỏ sót bất cứ một cá thể lao động nào có thể cống hiến cho đất nước. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, mức lương tối thiểu được thể hiện theo giờ và theo tháng. Hiện tại, Hội đồng tiền lương quốc gia ở Việt Nam mới chỉ quy định tiền lương tối thiểu theo tháng. Do vậy, cần thiết tính toán và quy định lương tối thiểu theo giờ ở Việt Nam để bao phủ tất cả đối tượng lao động (Văn phòng ILO tại Việt Nam, 2018).
                                                                       
                                                                                               ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
                                                                                                  Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Blinder, A. S. (1973). Wage Discrimination: Reduced Form and Structural Estimates. The Journal of Human Resources, Vol. 8, No. 4, pp. 436-455.

  2. Christofides, L. N., & Michael, M. (2013). Exploring the public-private sector wage gap in European countries. IZA Journal of European Labor Studies, 2(1), 1-53.

  3. Jann, B. (2008). A Stata implementation of the Blinder-Oaxaca decomposition. Stata journal, 8(4), 453-479.

  4. Mincer A. J., (1974). Introduction to Schooling, Experience, and Earnings, NBER Chapters, in: Schooling, Experience, and Earnings, pages 1-4 National Bureau of Economic Research, Inc.

  5. Neumark, D. (1988). Employers' discriminatory behavior and the estimation of wage discrimination. Journal of Human resources, 279-295.

  6. Oaxaca, R. (1973), Male-Female Wage Differentials in Urban Labor Markets, International Economic Review 14, 693–709.

  7. Oaxaca, R. L., & Ransom, M. R. (1994). On discrimination and the decomposition of wage differentials. Journal of econometrics, 61(1), 5-21.

  8. Quốc hội (2008), Luật cán bộ, công chức, ngày 13/11/2008;

  9. Quốc hội (2019), Bộ luật lao động, 20/11/2019;

  10. Seshan, G. K. (2013). Public-private-sector employment decisions and wage differentials in Peninsular Malaysia. Emerging Markets Finance and Trade, 49(sup5), 163-179.

  11. Trần Thị Tuấn Anh. (2019). Phân tích chênh lệch thu nhập theo giới tính ở TP. Hồ Chí Minh bằng hồi quy phân vị. Tạp chí phát triển kinh tế, 21-37.

  12. Văn phòng ILO tại Việt Nam (2018). Cải cách tiền lương trong khu vực ngoài Nhà nước. Tóm tắt chính sách- Tháng 05/2018.

  13. Vương Đình Huệ (2018). Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho CBCCVC, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Cai-cach-chinh-sach-tien-luong-de-nang-cao-doi-song-cho-CBCCVC-LLVT-va-nguoi-lao-dong-trong-doanh-nghiep/335892.vgp, xem 5/12/2021.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top