Lắng nghe dư luận hướng tiếp cận từ Big data

03/01/2020 - 09:22 AM
Lắng nghe dư luận là tiền đề quan trọng để có những quyết định đúng đắn nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân và khách hàng, cần thiết cho hoạch định chính sách ở các cấp quản lý khác nhau. Công việc này thường được thực hiện thông qua các khảo sát truyền thống nên kết quả bị giới hạn bởi nguồn lực thực hiện và sai lệch mang tính kỹ thuật vốn có của khảo sát. Do đó, nhu cầu có được thông tin chính xác và đầy đủ hơn luôn là điều cần thiết cho các nhà quản lý. Bài viết này giới thiệu công cụ lắng nghe xã hội và ứng dụng của nó trong việc lắng nghe ý kiến của người dân với trường hợp tăng giá điện năm 2019 tại Việt Nam.
  
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và khoa học máy tính khiến con 
người tương tác với nhau nhanh hơn và dễ dàng hơn. Trong những năm gần đây, số lượng người dùng internet đã tăng đáng kể và sự phổ biến của các ứng dụng internet như trang web, mạng xã hội, blog... đã tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ từ quan điểm của mọi người về từng chủ đề cụ thể. Những quan điểm này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Bài báo điện tử, lời bình luận, bài đăng trên mạng xã hội, video trên YouTube,… Nguồn dữ liệu mới này được gọi là dữ liệu lớn Big Data, chứa đựng nhiều thông tin đa dạng, phản ánh đa chiều của từng chủ đề cụ thể, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
 
Từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương thông báo sẽ tăng giá điện sinh hoạt trong năm 2019 khiến cho dư luận có nhiều ý kiến mạnh mẽ, trái chiều từ công chúng trên mọi phương tiện thông tin xã hội. Để thu thập các ý kiến thảo luận này, công cụ lắng nghe dư luận được xây dựng theo sơ đồ sau:
 
LẮNG NGHE DƯ LUẬN HƯỚNG TIẾP CẬN TỪ BIG DATA
Hình 1: Sơ đồ công cụ lắng nghe dư luận

Công cụ này sẽ thu thập thông tin từ: (1) website; (2) bài đăng cá nhân; (3) bài đăng trên fanpage; (4) bài đăng trên nhóm; (5) bình luận; (6) diễn đàn và (7) youtube. Phạm vi tìm kiếm / thu thập dữ liệu sẽ lớn hơn rất nhiều so với các công cụ tìm truyền thống như Goolge (chỉ trên các website)
 
Trong khoảng thời gian nghiên cứu từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019, công cụ này đã thu thập được 112.736 các đề cập có liên quan đến việc tăng giá điện.
 
LẮNG NGHE DƯ LUẬN HƯỚNG TIẾP CẬN TỪ BIG DATA

Hình 2: Số đề cập liên quan đến việc tăng giá điện hàng tháng
 
Trong đó, người dân cũng bày tỏ quan điểm ở các nơi khác nhau gồm thông qua các bài đăng cá nhân chiếm 78,1%, bình luận chiếm 12,7% và qua các bài viết trên website là 3,41%.
 
LẮNG NGHE DƯ LUẬN HƯỚNG TIẾP CẬN TỪ BIG DATA 1
 
Hình 3: Nguồn của các đề cập

Trong mỗi đề cập, sử dụng các thuật toán cho học máy (machine learning), học sâu (deep learning) để phân tích nội dung của các đề cập này và chia thành 3 sắc thái:
  • Sắc thái tích cực khi nội dung của đề cập đó ủng hộ việc tăng giá điện;
  • Sắc thái tiêu cực khi nội dung của đề cập đó phản đối việc tăng giá điện;
  • Trung tính khi quan điểm của đề cập đó không rõ ràng, trung lập. Trong đó, sắc thái trung lập được loại bỏ ra khỏi phạm vi nghiên cứu.
Số lượng sắc thái tích cực/tiêu cực thay đổi từ tháng này sang tháng khác, trong đó đa phần các ý kiến phản đối (tiêu cực) luôn lớn hơn ý kiến ủng hộ (tích cực), ngoại trừ tháng 1 và tháng 2 năm 2019. Tuy nhiên, điều này không phản ánh đủ tính đại diện do số lượng đề cập ít (Hình 2) do mọi người tập trung vào Tết Nguyên đán.

Dựa trên thông tin của người đăng, giới tính, độ tuổi, địa điểm đề cập cũng được thu thập:

 
LẮNG NGHE DƯ LUẬN HƯỚNG TIẾP CẬN TỪ BIG DATA 2
LẮNG NGHE DƯ LUẬN HƯỚNG TIẾP CẬN TỪ BIG DATA 3
 
Hình 4: Thông tin người đăng

Kết quả cho thấy:
  • Nam giới quan tâm đến việc tăng giá điện nhiều hơn nữ giới và những người trong khoảng 18-25 tuổi quan tâm đến vấn đề này hơn cả.
  • Người dân ở thành phố quan tâm nhiều đến việc tăng giá điện hơn (có thể ảnh hưởng của việc tiếp cận internet) và người dân ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Nghệ An và Đà Nẵng quan tâm đến việc tăng giá điện hơn các địa phương khác.
Những kết quả trên sẽ là căn cứ quan trọng để các cấp quản lý (cụ thể ở đây là EVN) có những hành động phù hợp để trấn an dư luận, đồng thời giải thích rõ ràng những băn khoăn của người dân, qua đó giúp người dân hiểu việc tăng giá điện là cần thiết như phân tích của các nhà kinh tế.

Việc lắng nghe dư luận với trường hợp tăng giá điện năm 2019 cho thấy, công cụ lắng nghe dư luận đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến ý kiến của người dân về việc tăng giá điện, có nhiều ưu điểm so với khảo sát truyền thống như (1) Số lượng quan sát lớn hơn nhiều; (2) Thông tin đa dạng và (3) Tiết kiệm thời gian và nguồn tài chính để tổng hợp kết quả./.

 
ThS. Nguyễn Thế Hưng
Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê

 
Tài liệu tham khảo
Heather Cole-Lewis; Jillian Pugatch; Amy Sanders; Arun Varghese; Susana Posada; Christopher Yun; Mary Schwarz; Erik Augustson (2015): Social Listening: A Content Analysis of E-Cigarette Discussions on Twitter, JOUR- NAL OF MEDICAL INTERNET RESEARCH 2015 | vol. 17 | iss. 10 | e243 | p. 1
Kate Crawford: Following you: Disciplines of listening in social media, Journal of Media & Cultural Studies (2009)
Nguyễn Đình Cung, Tăng giá điện là cần thiết để huy động đầu tư, EVN, 2019
Nguyen The Hung: The introduction the social listening, a new approach for social study, the presentation at Toulouse School of Economics (2019)
Lê Thái Hà: Tại sao giá điện cần phải tăng? Tia sáng, 2019
Tran Thi Kim Thu, Nguyen The Hung: Using big data from social listening tool to determine the social response: A case study of increasing electricity prices in Vietnam, The 2nd International Conference on Contemporary Issues in Economics, Management and Business (2019)
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top