Một số khuyến nghị thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện nhằm giảm nghèo đa chiều của Việt Nam

17/01/2022 - 09:20 AM
 

Vai trò của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều

Nghèo đói là một vấn đề mang tính chất toàn cầu và luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm, nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế nhằm từng bước xóa bỏ nghèo đói. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tình trạng thất nghiệp, giảm trừ thu nhập gia tăng có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào cảnh nghèo đói, việc tìm ra các nhân tố tác động đến giảm nghèo đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả của tài chính toàn diện như là một yếu tố tạo ra hạnh phúc và phát triển do tác động của nó đối với giảm bất bình đẳng và nghèo đói (Levine, Demirguc-Kunt và Beck, 2004; Chibba, 2009). Tài chính toàn diện thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản như tiết kiệm, vay vốn giúp người nghèo, người yếu thế nắm bắt cơ hội về tài chính để phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời tránh được vòng luẩn quẩn nợ nần khi phải vay mượn ở khu vực phi chính thức với lãi suất cao, dẫn đến nguy cơ nghèo đói gia tăng. Trong trường hợp bị thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, nguồn vốn vay ngân hàng hỗ trợ người nông dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng vốn vay hiệu quả đã giúp nhiều người nghèo bảo vệ mình trước những cú sốc hay rủi ro bất ngờ trong đời sống.

Nghiên cứu của Park và Mercardo (2015) cũng cho rằng phát triển tài chính toàn diện sẽ làm giảm tỷ lệ nghèo. Vì khi người dân có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính họ có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Theo Trần và cộng sự (2020) “Tài chính toàn diện đã mở ra những cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân. Các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm an toàn đang dần trở nên phổ biến với mọi tầng lớp người dân. Sự gia tăng số lượng hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ ngân hàng đã đem đến những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia”. Churchill và Marisetty (2020) sử dụng dữ liệu khảo sát 45.000 hộ gia đình Ấn Độ để xem xét tác động của tài chính toàn diện đến nghèo đa chiều. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tài chính toàn diện góp phần làm giảm nghèo đa chiều. Xem xét từng khía cạnh của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đều cho thấy các khía cạnh riêng lẻ của tài chính toàn diện đều giúp giảm nghèo đa chiều, trong đó tiếp cận bảo hiểm có tác động mạnh nhất, tiếp theo là tiếp cận ngân hàng (bao gồm các dịch vụ như sở hữu tài khoản tiết kiệm, tài khoản séc hoặc tài khoản tiền gửi cố định) và cuối cùng là tiếp cận tín dụng. Phát hiện này có thể được giải thích là do các hộ nghèo và dễ bị tổn thương thường bị loại trừ và không có các chiến lược đối phó với các cú sốc thu nhập (Zang và Posso 2017) và điều này làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói. Tuy nhiên, với sự bao trùm về tài chính, đặc biệt là khả năng tiếp cận bảo hiểm, khả năng phục hồi của họ trước những cú sốc thu nhập như vậy sẽ tăng lên và mang lại cơ hội cho họ thoát nghèo. Ngoài bảo hiểm, tác động của việc tiếp cận tài khoản ngân hàng cho thấy việc cải thiện khả năng tiếp cận các tài khoản khác nhau, bao gồm tài khoản tiết kiệm sẽ trao quyền cho các hộ nghèo và khuyến khích họ đầu tư vào nguồn nhân lực, từ đó có thể giúp giảm nghèo (Ashraf, Karlan và Yin, 2010).

Thực trạng nghèo đa chiều của Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Tại Việt Nam, giảm nghèo đói luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển. Tăng trưởng nhanh gắn liền với phát triển bền vững, xây dựng“dân giàu, nước mạnh”, “mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” là mục tiêu tiên quyết của Việt Nam1. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội; hạn chế phân hoá giàu nghèo, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Việc triển khai các chương trình, đề án, chiến lược này có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phổ cập các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, môi trường, nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là người dân và các hộ gia đình nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Nhờ có các chính sách và nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã có xu hướng giảm trong giai đoạn qua.

Theo kết quả khảo sát mẫu trong 3 kỳ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Việt Nam năm 2020 giảm mạnh, từ 9,9% trong 2016 xuống 4,8% năm 2020. Quan sát đồ thị 1, chúng ta thấy, mặc dù khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn so với thành thị đang giảm dần, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn khá cao.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm ở các chỉ số, các hộ gia đình ở Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tốt hơn. Chỉ số có mức thiếu hụt nhiều nhất và cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất là bảo hiểm y tế (40,6% năm 2016 và 19,5% năm 2020); Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít, năm 2020 hai chỉ số này đều là 2,3%. Tài sản tiếp cận thông tin, giáo dục người lớn là những chỉ số có sự thay đổi không đáng kể trong giai đoạn này. Năm 2020, chỉ số tài sản tiếp cận thông tin là 4,3%; chỉ số giáo dục người lớn là 11,7%. Bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và diện tích nhà là ba chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở khu vực thành thị. Năm 2019, trong tổng 10 chỉ số thì bảo hiểm y tế đóng góp tới 22%, tiếp đến là giáo dục người lớn, 19,5%; diện tích nhà là 17,1% vào mức độ nghèo đa chiều của khu vực thành thị. Các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn là hố xí hợp vệ sinh (19,8%), giáo dục người lớn (18,4%) và chất lượng nhà (13,6%). Các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều tính chung toàn quốc năm 2019 là giáo dục người lớn (18,6%), hố xí hợp vệ sinh (17,7%), chất lượng nhà (12,5%) và bảo hiểm y tế (11,1%).

Thực trạng tài chính toàn diện của Việt Nam
 
Tài chính toàn diện được coi là một trong những biện pháp giảm nghèo quan trọng của Việt Nam. Trong tiến trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Chính phủ luôn đề cao mục tiêu:“Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản”. Trước khi ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xây dựng và triển khai một số chương trình, đề án, chiến lược có mục tiêu hướng tới tài chính toàn diện, mang lại nhiều thành quả quan trọng trong quá trình xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc tiếp cận các dịch vụ tài chính tại Việt Nam đã đạt kết quả khá tích cực. Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển với mạng lưới rộng khắp. Tính đến cuối năm 2020, toàn hệ thống có gần 11.110 chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại hiện diện ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, 19.636 máy ATM, 276.273 máy POS, hơn 90.000 điểm chấp nhận QR code, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và hơn 500 tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô đang hoạt động2. Theo Báo cáo Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 của Tổng cục Thống kê:“khu vực nông thôn có 1.806 xã có chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, chiếm 20,1% tổng số xã. Khu vực có tỷ lệ xã có chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng/quỹ tín dụng nhân dân cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (36,7%), thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (8,9%), Tây Nguyên (10,5%)”.

Việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng lên góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo tính toán dựa trên số liệu bên cung của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2020, số tài khoản cá nhân đạt 100,4 triệu (tăng 66,8% so với cùng kì năm 2015). Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 112,5 triệu thẻ (tăng 58,5% so với cùng kì năm 2015. Trong năm 2020, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 475,5 triệu giao dịch với 27,7 triệu tỷ đồng (tăng 471% và 448,1% so với cùng kì năm 2015); số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 1.183,3 triệu giao dịch với gần 12,6 triệu tỷ đồng (tăng 1.905,6% và 9317,4% so với cùng kì năm 2015); thanh toán qua POS đạt hơn 362,2 triệu món với 619,2 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 554,1% và 221,4% so với cùng kỳ năm 2015); thanh toán qua ATM đạt hơn 1.027,7 triệu món với 2.799,6 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,4% và 79% so với cùng kỳ năm 2015).

Dịch vụ tín dụng hiện được thực hiện thông qua các nghiệp vụ: Cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Theo số liệu thống kê của Findex 2017, tỷ lệ người trưởng thành có khoản vay tại các tổ chức tài chính của Việt Nam là khá cao, đạt mức 21,7%. Tỷ lệ này là cao hơn tỷ lệ người trưởng thành có khoản tiết kiệm tại các tổ chức tài chính cho thấy việc tiếp cận dịch vụ tín dụng đạt được kết quả tốt hơn so với tiếp cận dịch vụ tiết kiệm. Tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được chú trọng. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa so với tổng dư nợ nền kinh tế tăng đều qua các năm. Đến 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9.192.566 tỷ đồng, tăng 97,44% so với cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng: Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 2.277.404 tỷ đồng, chiếm 24,77% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 169,84% so với cuối năm 2015 (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 18,17%). Tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1.819.152 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 72,91% so với cuối năm 2015 (bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 15,66%).

Tính đến 31/12/2020, thị trường bảo hiểm có 69 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có 31 doanh nghiệp bảo hiểm, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài”. Hết năm 2020, diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Bảo hiểm y tế theo lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đạt với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên theo kết quả khảo sát cơ sở dữ liệu Fintech toàn cầu năm 2017 do Ngân hàng Thế giới thực hiện, so với các quốc gia trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, các chỉ số về tài chính toàn diện của Việt Nam là không cao. Một số chỉ số thể hiện mức độ tài chính toàn diện thấp, điển hình như tỷ lệ người dân có tiền tiết kiệm cho tuổi già chưa cao (18,0%), tỷ lệ người dân có tiền gửi tiết kiệm tại một tổ chức tài chính (14,5%) cũng không phải là một tỷ lệ lớn, đặc biệt tỷ lệ người trưởng thành sử dụng tài khoản để thanh toán hóa đơn tiện ích rất thấp (2,9%). Qua so sánh số liệu giữa Việt Nam với mức trung bình khu vực Đông Á-Thái Bình dương và số liệu toàn thế giới năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành của Việt Nam có tài khoản và sử dụng tài khoản là thấp so với tỷ lệ trung bình khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và số liệu toàn thế giới năm 2017.

Nhìn chung, mặc dù các chính sách của Chính phủ ban hành là đa dạng và hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện, nhưng việc tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính còn có một số hạn chế, cụ thể là: Việc tiếp cận tài chính tại các thành phố, đô thị khá dễ dàng, thuận lợi nhưng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, những người yếu thế đang gặp không ít khó khăn do vẫn còn nhiều rào cản. Những người thu nhập thấp, người nghèo, người sống ở vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế khác mới chỉ tiếp cận tài chính ở mức thấp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng còn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Nguyên nhân của hạn chế vừa xuất phát từ các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, vừa từ phía người sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều người dân chưa nắm rõ kiến thức và kỹ năng tài chính, không có đủ thông tin nên có thể bị rủi ro, thiệt thòi, hoặc e ngại và bỏ qua cơ hội sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Thiếu hiểu biết tài chính đã trở thành một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Mạng lưới các tổ chức tín dụng mặc dù bao phủ rộng khắp các địa phương trên toàn quốc, nhưng mạng lưới này phân bố chưa đều và có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn.

Sản phẩm, dịch vụ tài chính còn thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của một số phân khúc khách hàng. Ở vùng nông thôn, các sản phẩm chủ yếu tập trung vào tín dụng, trong khi dịch vụ tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thói quen tiêu dùng tiền mặt còn khá phổ biến ngay cả ở thành thị. Các giao dịch thanh toán định kỳ hàng tháng như thanh toán hóa đơn tiện ích, học phí, hay nhận tiền trợ cấp xã hội vẫn còn thực hiện hầu hết bằng tiền mặt ở nông thôn.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện của Việt Nam

Nhìn chung, nhờ có các chính sách và nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã có xu hướng giảm trong giai đoạn qua, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn khá cao ở khu vực nông thôn và trên một số khía cạnh như giáo dục người lớn, chất lượng nhà, bảo hiểm y tế. Để góp phần cải thiện tỷ lệ nghèo, các giải pháp trong thời gian tới cần tiếp tục hướng tới đối tượng khu vực nông thôn, cải thiện giáo dục cho ngưới lớn, nâng tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Một trong những nhóm giải pháp có thể hướng tới đó là thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, để người nghèo ở nông thôn và người yếu thế trong xã hội có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ tài chính. Để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện của Việt Nam cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, mở rộng độ bao phủ các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng, ATM, POS tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô an toàn, vững mạnh.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm/dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình kinh doanh cá thể, hợp tác xã,…

Thứ ba, tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; đưa giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy tại các cấp.

Thứ tư, phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, các tổ chức trung gian thanh toán phát triển mạnh các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số như ngân hàng di động và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số như ví điện tử, dịch vụ mobile money với chi phí thấp, có thể cung cấp mọi nơi mọi lúc giúp khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng thuận tiện, an toàn, cho phép nhiều khách hàng hơn có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng phù hợp, nhất là những người nghèo, những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là những khu vực còn có nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng truyền thống./.


TS. Trần Thị Thanh Hương - TS. Phạm Thị Minh Tuệ - Học viện Ngân hàng

ThS. Vũ Thị Mai Hương - Viện Chiến lược Ngân hàng

 

Tài liệu tham khảo

Ashraf, N., D. Karlan, and W. Yin (2010). “Female Empowerment: Impact of a Commitment Savings Product in the Philippines.” World Development 38 (3): 333-344
Chibba, M. (2009). Financial inclusion, poverty reduction and the millennium development goals. The European Jour- nal of Development Research, 21(2), 213-230. https://doi.org/10.1057/ejdr.2008.17
Levine, Ross, Demirguc-Kunt, Asli, & Beck, Thorsten (2004). Finance, inequality, and poverty: Cross-country evidence.
Policy Research Working Papers. The World Bank. https://doi.org/10.1596/1813-9450-3338 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013
Park, C-Y. & Mercado, R. (2015). Financial inclusion, poverty and income inequality in developing Asia. ADB Econom- ics Working Paper Series, No. 426.
Trần Thị Thanh Hương, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Việt Hoa (2020). Tác động của tài chính toàn diện và các nhân tố khác tới tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Khoa học và Đào tào Ngân hàng, Số tháng 12 trang 1-12,59.
Zhang, Q., and A. Posso (2017). Thinking inside the Box: A Closer Look at Financial Inclusion and Household Income.The Journal of Development Studies 55 (7): 1616-1631.
Sefa Awaworyi Churchill & Vijaya Bhaskar Marisetty (2020). Financial inclusion and poverty: a tale of forty-five thousand households, Applied Economics, 52:16, 1777- 1788, DOI: 10.1080/00036846.2019.1678732
World Bank Group (2017). The Global Findex Database (2017): Measuring Financial Inclusion and the Fintech Revolu- tion’. World Bank Publications. 2017
http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView. aspx?distribution id=417161, truy cập ngày 20/9/2021 http://vnta.gov.vn/trang/dulieuthongke.aspx# , truy cập ngày 20/9/2021 https://thitruongtaichinhtiente.vn/nganh-ngan-hang-trien-khai-thuc-hien-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-quoc-
gia-28847.html, truy cập ngày 3 tháng 10/2021
 

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top