Nhận dạng và đo lường đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân

26/09/2022 - 09:47 AM
 
Trong hoạt động thống kê, để đo lường đóng góp của kinh tế tập thể đối với nền kinh tế thì việc quan trọng nhất phải xác định kinh tế tập thể gồm những loại cơ sở kinh tế nào hay nói cách khác phải nhận dạng được loại hình kinh tế tập thể. Nội dung bài viết tập trung vào việc xác định loại hình kinh tế tập thể theo quy định hiện hành, thực trạng biên soạn các chỉ tiêu kinh tế tập thể và nêu ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện phương pháp biên soạn, đo lường kinh tế tập thể trong thời gian tới.
 
Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương liên tục, xuyên suốt và nhất quán của Đảng. Nghị quyết số 13-NQ/ TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của KTTT, hợp tác xã (HTX) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “…KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt”KTTT lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, xã hội trên địa bàn…Phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên”.

Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhằm tạo động lực, hành lang pháp lý cho KTTT và HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Nhà nước đã ban hành Luật HTX năm 2003 và năm 2012. Đây là hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển KTTT. Điều 3 Luật Hợp tác xã quy định:

“1. HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX.

2. Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 HTX tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của HTX thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp HTX”.

Như vậy, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được xác định là loại hình kinh tế tập thể. Đây là những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi.

Thực trạng biên soạn các chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tập thể

Các chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tập thể
  • Các chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tập thể gồm các chỉ tiêu phản ánh trực tiếp kinh tế tập thể (chỉ tiêu về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác,...) và các chỉ tiêu phản ánh về kinh tế tập thể thông qua phân tổ “loại hình kinh tế”.
  • Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có 33 chỉ tiêu được phân tổ theo “loại hình kinh tế” gồm:
 
Stt Mã số Tên chỉ tiêu
1 0202 Số lao động có việc làm trong nền kinh tế
2 0205 Tỷ lệ thiếu việc làm
3 0206 Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức
4 0208 Năng suất lao động
5 0301 Số cơ sở, số lao động trong các cơ sở kinh tế
6 0304 Số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu thuần, thu nhập của người lao động, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp
7 0501 Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
8 0502 Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước
9 0503 Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
10 0517 Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước
11 0705 Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
12 0706 Tốc độ tăng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
13 0801 Diện tích cây hằng năm
14 0802 Diện tích cây lâu năm
15 0803 Năng suất một số loại cây trồng chủ yếu
16 0804 Sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu
17 0805 Số gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi
18 0806 Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu
19 0807 Diện tích rừng trồng mới tập trung
20 0808 Sản lượng gỗ và lâm sản ngoài gỗ
21 0810 Sản lượng thủy sản
22 0902 Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
23 1005 Số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
24 1007 Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu
25 1202 Số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển
26 1203 Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển
27 1301 Doanh thu dịch vụ bưu chính
28 1302 Sản lượng dịch vụ bưu chính
29 1303 Doanh thu dịch vụ viễn thông
30 1311 Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin
31 1401 Số tổ chức khoa học và công nghệ
32 1405 Tỷ lệ chi đổi mới công nghệ so với tổng vốn cố định của doanh nghiệp
33 1703 Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/ TT-BKHĐT ngày 30/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định 15 chỉ tiêu thống kê phản ánh trực tiếp kinh tế tập thể gồm:
 
Stt Mã số Tên chỉ tiêu
1 0316 Tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào tổng sản phẩm trong nước
2 0317 Số HTX, liên hiệp HTX
3 0318 Số thành viên HTX, liên hiệp HTX
4 0319 Số lao động thường xuyên của HTX, liên hiệp HTX
5 0320 Doanh thu của HTX, liên hiệp HTX
6 0321 Thu nhập của HTX, liên hiệp HTX
7 0322 Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX
8 0323 Số cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX
9 0324 Số lượt cán bộ HTX, liên hiệp HTX được đào tạo, bồi dưỡng
10 0325 Số HTX, liên hiệp HTX được hỗ trợ
11 0326 Kinh phí hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX
12 0327 Số HTX, liên hiệp HTX được hỗ trợ tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ phát triển
13 0328 Số HTX, liên hiệp HTX được ưu đãi về tín dụng
14 0329 Tổng số vốn HTX, liên hiệp HTX được vay
15 0330 Số HTX, liên hiệp HTX được ưu đãi, hỗ trợ giao đất, cho thuê đất

Tính toán đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế
  • Trong hoạt động thống kê, việc phân loại các đơn vị điều tra và tính toán kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị điều tra phải tuân theo các nguyên tắc, quy định, chuẩn mực thống kê quốc tế. Việc thống kê các loại hình kinh tế được thực hiện thông qua phân loại các đơn vị điều tra theo hình thức sở hữu, mức độ sở hữu và theo nguyên tắc một đơn vị điều tra chỉ xếp vào một loại hình kinh tế để bảo đảm “không tính trùng lặp” trong công tác thống kê. Việc tính toán kết quả hoạt động sản xuất của các đơn vị điều tra luôn được tiếp cận theo ngành kinh tế và tuân thủ hướng dẫn thống nhất về phương pháp luận của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Theo đó, việc tính đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào Tổng sản phẩm trong nước (GDP) được xác định thông qua tổng hợp giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế của các đơn vị điều tra được phân loại vào khu vực kinh tế tập thể.
  • Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về thống kê, hiện tại phạm vi tính toán đóng góp của kinh tế tập thể trong GDP bao gồm đóng góp của HTX, liên hiệp HTX. Đây là các đơn vị điều tra có thể trực tiếp thu thập thông tin về các khoản thu và chi phí hoạt động cụ thể phục vụ tính toán kết quả sản xuất theo ngành kinh tế qua các cuộc điều tra thống kê (chưa tính tổ hợp tác do Nghị quyết số 20-NQ/TW mới được thông qua ngày  16/6/2022).
  • Đối với thành viên HTX khi tham gia vào HTX và được hưởng lợi từ hoạt động của HTX thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên HTX được tính vào loại hình kinh tế cá thể.
Nguồn số liệu để biên soạn chỉ tiêu về hợp tác xã

Để biên soạn các chỉ tiêu thống kê về HTX, thông tin thống kê được thu thập, tổng hợp thông qua một số cuộc điều tra như: Điều tra doanh nghiệp hằng năm; điều tra lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm; tổng điều tra kinh tế; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

Ấn phẩm thống kê liên quan đến kinh tế tập thể

Hằng năm (bắt đầu từ năm 2020), Tổng cục Thống kê đã biên soạn ấn phẩm “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam”. Ấn phẩm này cung cấp dãy số liệu so sánh theo thời gian để có thể nhận diện được sự phát triển của hợp tác xã theo từng năm. Số liệu trong ấn phẩm tập trung vào phản ánh kết quả cũng như hiệu quả hoạt động của khu vực hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh để cho thấy rõ hơn sự phát triển và đóng góp thực của hợp tác xã đối với nền kinh tế trong từng năm, từng giai đoạn. Đây là nguồn thông tin tham khảo quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành và lập chính sách phù hợp đối với sự phát triển của hợp tác xã.


Một số giải pháp nhằm xác định, đo lường đóng góp của kinh tế tập thể đối với nền kinh tế
 
Để xác định, đo lường đóng góp đầy đủ của KTTT đối với nền kinh tế cần tập trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Hoàn thiện khung chỉ tiêu thống kê phản ánh đầy đủ về KTTT

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê được thực hiện theo Thông tư số 05/2017/ TT-BKHĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Luật Thống kê, hệ thống chỉ tiêu này cần thay đổi để phù hợp với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới (ban hành theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê). Trong quá trình sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, cần thiết phải lồng ghép, bổ sung chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tập thể, hợp tác xã theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thì các Bộ, ngành sẽ tiến hành cập nhật, rà soát hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành phù hợp với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê bảo đảm quy định đủ chỉ tiêu phản ánh đóng góp của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế.

- Hoàn thiện và ban hành phân loại theo loại hình kinh tế

Đây là phân loại quan trọng làm cơ sở để xác định đóng góp của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân (trong đó có kinh tế tập thể). Bảng phân loại này phải được xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định phân loại theo loại hình kinh tế để thống nhất thực hiện trong thời gian tới./.
 
Nguyễn Đình Khuyến
Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top